(vhds.baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa là tỉnh có tỷ lệ cư dân sống bằng nghề nông cao với diện tích đất nông nghiệp lớn, và nông nghiệp luôn đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của tỉnh. Song có thực tế là đất nông nghiệp đang bị người dân bỏ hoang, đi tìm kiếm việc làm khác. Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa ngày 11/1/2019 về “Tích tụ, tập trung đất đai (TTTTĐĐ) để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là Nghị quyết 13 - PV) đã khẳng định thêm vai trò của tích tụ tập trung ruộng đất trong việc đổi mới và tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn theo hướng công nghệ cao, phát huy lợi thế của nông nghiệp xứ Thanh nhằm gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp tham gia vào chuỗi thị trường.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thực hiện Nghị quyết 13 của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa: Tích tụ, tập trung đất đai để nông nghiệp bứt phá (Kỳ 1): Những thuận lợi và rào cản

Thanh Hóa là tỉnh có tỷ lệ cư dân sống bằng nghề nông cao với diện tích đất nông nghiệp lớn, và nông nghiệp luôn đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của tỉnh. Song có thực tế là đất nông nghiệp đang bị người dân bỏ hoang, đi tìm kiếm việc làm khác. Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa ngày 11/1/2019 về “Tích tụ, tập trung đất đai (TTTTĐĐ) để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là Nghị quyết 13 - PV) đã khẳng định thêm vai trò của tích tụ tập trung ruộng đất trong việc đổi mới và tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn theo hướng công nghệ cao, phát huy lợi thế của nông nghiệp xứ Thanh nhằm gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp tham gia vào chuỗi thị trường.

Làm thế nào để có một cuộc “cách mạng” thực sự nhằm gỡ nút thắt, chuyển đổi tư duy từ sản xuất manh mún trên những cánh đồng nhỏ, sang sản xuất hàng hóa, đưa cơ giới hóa vào sản xuất lớn? Đó là câu hỏi đặt ra với tỉnh Thanh Hóa nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng.

Điều kiện thuận lợi

Theo thống kê, tính đến hết năm 2018, Thanh Hóa có hơn 10 nghìn ha trong tổng gần 250 nghìn ha sản xuất nông nghiệp được sản xuất theo hình thức tập trung. Giá trị thu nhập trên 1 đơn vị canh tác cao hơn từ 1,5 đến 2 lần trở lên so với sản xuất nhỏ lẻ. Tuy vậy, Thanh Hóa vẫn là một tỉnh nghèo, chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách Trung ương.

Sau khi Nghị quyết 13 ngày 11/1/2019 ra đời, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Chương trình hành động để triển khai đầy đủ và quán triệt để thống nhất trong nhận thức, quyết tâm chính trị, đồng thời xác định các nhiệm vụ, nội dung, tiến độ thời gian thực hiện, và hơn hết là đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, của nhà đầu tư và của hộ nông dân. Mục tiêu cụ thể, đến năm 2020, tổng diện tích đất được tích tụ, tập trung tăng thêm 20.400 ha; giai đoạn 2021 - 2025, tăng thêm 32.000 ha và giai đoạn 2026 - 2030 tiếp tục tăng thêm khoảng 50.000 ha. Đồng thời, đề ra các mục tiêu cụ thể về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích. Việc triển khai các giải pháp, quyết tâm thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 13 là điều kiện quan trọng để các địa phương đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp bền vững hơn.

Với lợi thế về lực lượng sản xuất nông nghiệp, tư liệu sản xuất và quan hệ sản xuất, vấn đề tích tụ, tập trung đất đai có lẽ không phải là quá khó. Trên cơ sở phân tích điều kiện thực tiễn và khả năng của các địa phương, Sở NN&PTNT Thanh Hóa đã đã đưa ra chỉ tiêu tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tích tụ năm 2020 trên địa bàn tỉnh khoảng 10.790 ha. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt 3.840 ha, lĩnh vực chăn nuôi 550 ha, lĩnh vực thủy sản 300 ha, lĩnh vực lâm nghiệp 6.100 ha.

Là một huyện miền núi, để thực hiện tốt kế hoạch được giao trong việc tích tụ tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ trên địa bàn, huyện Quan Sơn đã triển khai nhiều hội nghị, trong đó đặc biệt chú ý đến chính sách khuyến khích, hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai cho từng nhóm dự án nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với từng loại cây. Chính điều này đã tạo động lực để người dân chấp nhận, tự nguyện và sẵn sàng thực hiện quá trình tích tụ, tập trung đất đai.

Bên cạnh chính sách của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết 13, mỗi huyện, thậm chí mỗi xã lại có cách làm riêng, sự sáng tạo để tuyên truyền tới người dân. Theo chị Vũ Thị Thu Phương - Chủ tịch UBND xã Thọ Thanh (huyện Thường Xuân) chia sẻ kinh nghiệm để thực hiện được tích tụ, tập trung đất đai chính là: Xây dựng và triển khai thực hiện mô hình điểm sau đó nhân rộng ra để bà con thấy được sự hiệu quả và tự nguyện, đồng thuận tham gia. Có được điều đó, thực sự cần đến vai trò của cấp ủy Đảng chính quyền, đặc biệt phía chính quyền phải xác định đồng hành không đơn giản là chỉ đạo trên giấy mà phải cầm tay chỉ việc.

Hơn 1 năm sau khi Nghị quyết 13 ra đời, ngày 3/3/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 09 quy định các biện pháp triển khai thực hiện Nghị quyết số 193 ngày 16/10/2019 của HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách tín dụng, vốn cấp bù lãi suất và mức vốn tín dụng ngân sách tỉnh để thực hiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Đây chính là điều kiện khả thi và thuận lợi để Thanh Hóa có thể thực hiện tốt quá trình tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao.

Từ những cánh đồng bỏ hoang trước khi thực hiện Nghị quyết 13, đến nay đã có những mô hình trồng rau thủy canh - hướng phát triển nông nghiệp sạch.

Và những rào cản

Từ thực tế triển khai và thực hiện Nghị quyết 13 ở các xã, huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, dễ nhận ra những điều kiện còn thiếu trong mối quan hệ giữa 4 “nhà”: Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà nông và nhà khoa học. Đặc biệt, để kéo doanh nghiệp đến với các địa phương là vấn đề lớn. Việc liên kết sản xuất hạn chế, diện tích sản xuất tập trung quy mô lớn chưa nhiều dẫn đến sản lượng để cung cấp cho các doanh nghiệp thu mua không bảo đảm. Doanh nghiệp thờ ơ vì thiếu quỹ đất tập trung, giá thuê đất cao, đó là còn chưa kể đến thời gian thực hiện các thủ tục hành chính dài và chậm. Việc tiếp cận vốn vay khó khăn, vì phần lớn các ngân hàng thương mại đều e ngại đối với các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn - lĩnh vực mà thực tế lợi nhuận thấp, thời gian thu hồi vốn lâu.

Là một trong số nhiều địa phương của tỉnh, để bắt đầu thực hiện và triển khai Nghị quyết 13, huyện Quảng Xương đã tập trung tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân về việc thực hiện tích tụ ruộng đất. Theo chia sẻ của lãnh đạo phòng NN&PTNT huyện Quảng Xương: Khoan hãy bàn đến việc đưa doanh nghiệp vào địa phương. Rào cản lớn nhất hiện nay chính là nhà nông chưa thông về tư tưởng. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân về sự cần thiết phải tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất hàng hóa quy mô lớn còn chưa đầy đủ, chưa thống nhất. Nhất là nhận thức của nhiều người dân dù đã chuyển sang làm nghề khác, dù biết làm nông nghiệp không hiệu quả, và cũng không đủ khả năng tích tụ ruộng đất nhưng vẫn có tâm lý cố giữ lấy ruộng đất, chờ... dự án đến để nhận đền bù.

Hình ảnh khiến tôi ám ảnh khi đi thăm các cánh đồng ở xã Quảng Giao (huyện Quảng Xương) là toàn người già, không thấy một người nào tuổi dưới 50 chứ chưa muốn nói đến người trẻ. Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Giao (Quảng Xương), anh Nguyễn Duy Trọng chia sẻ về cuộc hành trình gian nan khi thực hiện tích tụ ruộng đất ở địa phương: "Vì chủ yếu là người già nên việc thực hiện tích tụ tập trung đất đai càng khó. Khi chúng tôi có kế hoạch chuyển đổi 30ha cây trồng sang trồng sen ở khu vực phía Bắc đường Thanh Niên, cấp ủy chính quyền đã có nhiều cuộc tuyên truyền cho bà con nhân dân. Họ đồng tình, ủng hộ, và còn vui mừng khi doanh nghiệp về địa phương. Ấy thế mà khi doanh nghiệp về, tính toán xong, họ lại thay đổi và quyết liệt không đồng ý. Họ chưa thể thay đổi nhận thức và nỗi lo sợ giao đất cho doanh nghiệp, sau này biết đâu không đòi được đất.

Ngoài khó khăn về sự đồng thuận của người dân, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa các mô hình tích tụ ruộng đất hầu hết là tự thỏa thuận giữa các cá nhân, tổ chức với người dân mà chưa có ràng buộc pháp lý, dễ dẫn đến rủi ro; thời hạn cho thuê đất cũng là một trở ngại đối với việc tích tụ, tập trung ruộng đất sản xuất quy mô lớn. Là người tiên phong thực hiện tích tụ ruộng đất để chuyển đổi mô hình sản xuất trên vùng đất sâu trũng, trồng lúa hiệu quả, ông Lê Văn Lượng, xóm 2, xã Nga Trường (Nga Sơn) cho biết: Ngoài diện tích ruộng của gia đình, ông đã thuê hơn 2 ha đất lúa của người dân trong xã để tổ chức sản xuất mô hình cá - lúa. Do thấy sản xuất hiệu quả kinh tế cao nên nhiều hộ khác học tập, mở rộng mô hình và đòi lại ruộng đất. Kể từ năm 2014, gia đình ông được UBND xã Nga Trường tạo điều kiện nhận thầu gần 3 ha đất công ích để xây dựng trang trại chăn nuôi kết hợp nuôi trồng thủy sản với thời hạn 5 năm. Dù theo Luật Đất đai năm 2013 và theo cam kết của xã tạo điều kiện cho các hộ thầu lại diện tích đang sản xuất khi hết hạn mức đấu thầu, tuy nhiên, lúc nào ông cũng thấp thỏm, liệu ông có bị đòi lại đất sau 5 năm, trong khi đã bỏ ra hơn 2 tỷ đồng?

Đầu tư cho nông nghiệp hiện khá lớn, và có những đòi hỏi cao trong khi kết quả thu về lại khá nhỏ. Bài toán dễ nhất mà các hộ nông dân đưa ra là so sánh thời gian, công sức và mức thu nhập trên cánh đồng với việc đi làm ở các nhà máy công ty.

Rõ ràng, còn nhiều rào cản để nông nghiệp thực sự phát triển, nhưng nếu có sự quyết tâm vào cuộc của hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, sự khơi thông của chính sách, chắc chắn, nông nghiệp xứ Thanh có nhiều điều kiện để bứt phá.

Kiều Huyền


Kiều Huyền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]