(vhds.baothanhhoa.vn) - 1.Đúng hai năm sau ngày xuất bản tập thơ “Huyền thoại bên gốc cây bồ đề”, tập thơ thứ 9 của nghiệp cầm bút làm thơ, viết văn, ông bền bỉ theo đuổi đã mấy chục năm, do NXB Hội Nhà văn cấp phép xuất bản, phát hành vào quý I-2021, ông đã hoàn thành bản thảo tập thơ mới.

Tiếng thơ và những nỗi đời

1.Đúng hai năm sau ngày xuất bản tập thơ “Huyền thoại bên gốc cây bồ đề”, tập thơ thứ 9 của nghiệp cầm bút làm thơ, viết văn, ông bền bỉ theo đuổi đã mấy chục năm, do NXB Hội Nhà văn cấp phép xuất bản, phát hành vào quý I-2021, ông đã hoàn thành bản thảo tập thơ mới.

Tiếng thơ và những nỗi đời

Ông là Lê Văn Sự - người gắn bó trọn đời ở miền đất quê hương Vĩnh Lộc với Thành Nhà Hồ nổi tiếng, đã có tập thơ thứ 10 mang tên “Hồn làng” (NXB Văn học, 2023).

Trước nay, trong đời sống cũng như trong văn chương, người ta thường nói và viết về “Hồn quê”. Từ “quê” trong liên từ này bao hàm một địa lý hành chính từ làng xã cho đến cả đất nước. Nhà thơ Lê Văn Sự, trong tứ thơ vụt hiện bữa ông nghe câu chuyện về quê, đã nói rõ sự đổi thay mang nhiều mất mát khiến ông xót xa về cái sự đô thị hóa các làng quê thân yêu. Đó là “Bê tông hun đúc thị thành/ Đường quê rải thảm cỏ xanh về nguồn!”. Là “Nhà được đánh số, gọi tên/ Đồng tiền ngự trị, đỏ đen, thương trường”. Là “Mưa rào không tiếng ễnh ương/ Bặt luôn tiếng ếch - ao chuôm lấp bằng”. Xót xa hơn là mất những kỷ niệm và nếp sống văn hóa suốt bao đời dân làng đã tạo dựng và gìn giữ được: “Giếng làng em múc vầng trăng/ Cây gạo tỏa bóng đầu làng còn đâu!/ Tình yêu dải yếm bắc cầu/ Xưa rồi câu chuyện miếng trầu trao tay…”. Tất cả những đổi thay mang tính mất mát ấy khiến trái tim thi sĩ của Lê Văn Sự xúc động và ông thầm thốt trong tâm tưởng một câu lục bát trở thành cái tứ cho cả bài thơ ông viết nhanh sau đó và thành gợi ý về một chủ đề, một cái sườn của tập thơ thứ 10 trên hành trình thơ ông:

“Rưng rưng tôi gọi: Làng ơi!

Xin làng đừng tự đánh rơi

Hồn làng!”

Vậy đấy, bao mất mát từ những vật thể nhìn thấy, sờ thấy như cây gạo, giếng nước, lũy tre, cánh đồng đến những thứ chỉ hiện lên trong câu ca và phong tục, tập quán… tất cả hòa nhập lại thành thói quen thân thuộc với người ở lại làng, thành nỗi nhớ da diết với người rời làng đi xa - đó chính là Hồn làng. Và vì thế, Hồn làng (và Hồn quê) mới thiêng liêng với mỗi con người, và ta càng đồng cảm với nỗi xa xót của nhà thơ Lê Văn Sự.

Cố vượt qua nỗi đau biến cải của các làng, nhà thơ tìm đến với niềm tự hào của quê hương là Thành Nhà Hồ, thì ông lại gặp công trường khai thác đá để lấy đá xây dựng thành thuở xưa và thế là tình cờ ông gặp một nông nỗi mới khiến ông day dứt: “Thương thợ dân phu tay trần xẻ đá/ Ba tháng ròng lăn lóc gió sương/ Máu rơi thẫm đất xây thành…/ Có bao nàng Mạnh Khương/ Lặn lội tìm chồng đến công trường đá?!”.

Nhắc về nỗi đau người phụ nữ ngày xưa, nhà thơ chợt nhớ một niềm đau của người phụ nữ Việt Nam thời chống Mỹ. Có một niềm đau ám ảnh ông nhiều ngày, khiến ông không thể không cầm bút ghi lại xúc cảm đặc biệt ấy. Đó là câu chuyện về một “Người vợ liệt sĩ” đã “Hơn bốn mươi năm hương khói thờ chồng/ Chiếc nhẫn lỏng ra, ngón tay gầy vò võ/ TỔ QUỐC GHI CÔNG, bảng vàng thắm đỏ/ Tóc trắng trời… chị vẫn gái nguyên trinh!”. Vì sao chị gánh chịu nông nỗi trớ trêu ấy? Đọc lại khổ thơ đầu của bài thơ, người đọc thấy rõ lý do và càng nao lòng thương chị. Tôi đã đọc nhiều lần khổ thơ ấy và bài thơ ấy, lần nào người cũng nổi da gà. Lại chợt nhớ trong một tập thơ in nhiều năm trước của nhà thơ xứ Thanh này cũng có bài thơ ông viết về một người vợ liệt sĩ - chính là chị gái của mình: “Hai mươi tuổi lấy chồng/ Mười năm sau/ Nhận Bằng Tổ quốc ghi công!...”. Và: “Thương mẹ chồng tuổi già, bóng xế/ Khóa tuổi xuân, năm tháng thờ chồng!...”. Để rồi: “Sớm xuân nay hương hoa tảo mộ/ Mái tóc dài trắng xóa nghĩa trang!”. Đọc câu kết bài thơ ấy, tôi thấy lạnh sống lưng. Vậy là, hai bài thơ viết về hai người vợ liệt sĩ chống Mỹ với hai câu chuyện khác nhau, bài nào nhà thơ cũng gây được hiệu ứng thương cảm ở người đọc. Cái hay của thơ Lê Văn Sự là thế, không do câu chữ tài hoa mà do chuyện thơ và do câu kết có sức lay động trái tim và lý trí người đọc.

Hiệu ứng về những “nỗi đời” từ sự mất dần “Hồn làng” không chỉ ở thân phận người phụ nữ. Phản ứng dây chuyền về nỗi đau này còn lan sang những ngõ ngách khác của cuộc đời trong thơ Lê Văn Sự, để ông có thơ viết về Khuất Nguyên, về Từ Thức, về Xúy Vân, Thị Kính, về nhân vật Bá Kiến của nhà văn Nam Cao... Quay về với cuộc sống hiện tại, ông có thơ viết về “Chợ đêm Phú Quốc”: “Đêm phố chợ ồn ào, em ơi!/ Mấy người nghe em hát/ Ôi giọng hát chay khản đặc/ Nghe nhói lòng khúc “Bèo dạt mây trôi”…”. Rồi bài “Vòng hoa bất tử” viết về sự hy sinh của 64 chiến sĩ hải quân bảo vệ đảo Gạc Ma, thơ Lê Văn Sự rưng rưng nói với người đọc ý nghĩa của sự hy sinh đó: “Máu các anh thấm xuống Gạc Ma/ Hóa lời dặn truyền đời: Cảnh giác/ Họa xâm lăng nghìn năm Bắc thuộc/ Dội vào lịch sử bi ca”.

2.Lẽ tất nhiên, không phải 68 bài thơ trong “Hồn làng” của Lê Văn Sự đều viết về những nỗi đau đời. Những bài thơ viết về hoa, về ban mai, về màu xanh đầm lầy, về biển chiều, về một tự khúc xuân… đã giúp tâm trí người đọc khỏi nặng nề, được chút thư giãn thảnh thơi.

Đây là “Bình minh hồ Đại Lải”: “Ngôi nhà nép dưới vòm cây/ Mờ sương ríu rít đong đầy tiếng chim/ Mặt hồ Đại Lải lim dim/ Tấm gương soi giữa nổi chìm nắng xanh…”. Và: “Tựa ngỗng thuyền em bên tôi/ Mênh mang sóng nước mây trôi, gió vần/ Khỏa tay từng giọt nắng lăn/ Em cười duyên, giọng thanh tân, ngọt ngào…”.

Đây là “Uống rượu với đồng ngũ” với những câu thơ tạo dựng không khí ấn tượng và niềm tâm sự thật xúc động giữa nhà thơ với người bạn đã hy sinh trong ngày đưa hài cốt bạn về nghĩa trang quê hương: “Rượu suông thôi, uống một hơi/ Sao nghe gió hú như trời nổi dông/ Nén nhang cháy, tro xoắn vòng/ Chén cho bạn rưới xuống lòng nghĩa trang…”. Với không khí bữa rượu như vậy, nhà thơ kể với bạn đọc về người bạn thân yêu của mình đã hy sinh trên tay mình thế nào, ngày đón bạn về nghĩa trang quê ra sao, và cái vị thế hiện tại của hai người: “Bạn nơi cực lạc ngậm cười/ Mình gom nhặt những nỗi đời vào thơ/ Âm dương cách trở đôi bờ/ Mình nay tóc đã trắng bờ hoa lau!”. Vị thế ấy, khoảng ngăn cách ấy không chỉ khiến lòng người thương cảm mà đất và trời cũng động lòng trắc ẩn, để sau đó cùng nhà thơ tạo dựng một sinh khí mới, xua đi nỗi ảm đạm buồn nhớ gần suốt cả bài thơ:

Nào dô! Càng uống, lòng đau

Trời say, đất cũng rầu rầu cỏ xanh

Đầu thu trời đất trong lành

Nghe như khúc hát quân hành

đâu đây…

3.Trong “Hồn làng” của Lê Văn Sự còn có một phần thơ gắn liền với đời sống thực tại, có giá trị phục vụ cuộc sống của họ và nhân quần. Sự “chứng tỏ” và “giá trị phục vụ” ấy nhiều hay ít là do nhà thơ. Nhà thơ Xuân Diệu có lần giải thích về những câu thơ, bài thơ không hay của mình đại ý: Hoa hồng đẹp thế nhưng muốn tồn tại thì phải có cành hoa, đài hoa làm trụ đỡ. Điều quan trọng là những bài thơ, câu thơ ấy vẫn là thơ đọc được, đừng để nó thành vè, thành nôm na, và nhất là thành thứ thơ không ra thơ mà văn không ra văn.

Rất hay là mảng thơ này của “Hồn làng” không nhiều và vẫn là thơ đọc được. Và hay hơn: bao trùm lên tập thơ vẫn là những bài thơ viết về “Những nỗi đời” chân thực, xúc động, đọng lại nhiều ấn tượng trong tâm trí người đọc.

Lê Văn Sự theo đuổi nghiệp thơ đã nhiều chục năm, đến nay đã xuất bản 10 tập thơ, cùng cuốn “Thanh Hóa - Vĩnh Lộc huyện chí” - đồng tác giả với TS Hán Nôm Nguyễn Văn Hải. Ông được Giải thưởng “Văn học công nhân” vào năm 1989 do Hội Nhà văn và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng. Và, từ năm 1992 đến năm 2021, ông đã ba lần được trao tặng Giải thưởng Lê Thánh Tông của Hội Văn nghệ Thanh Hóa.

Xin chúc mừng ông cùng thi phẩm “Hồn làng” vừa đến tay bạn đọc!

Nhà văn Phạm Ngọc Chiểu



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]