(vhds.baothanhhoa.vn) - Chút gió heo may se sẽ, từng vệt nắng dịu dàng trải trên vai áo nhắc ta một mùa Tết Trung thu nữa lại sắp về. Lòng chộn rộn lên bao điều! Cảm thức về trăng rằm tháng 8, về ngày Tết Trung thu mỗi người mỗi khác. Vậy mà cứ nghĩ hoài về miền trăng nơi phố thị.

Trăng “neo” lòng phố

Chút gió heo may se sẽ, từng vệt nắng dịu dàng trải trên vai áo nhắc ta một mùa Tết Trung thu nữa lại sắp về. Lòng chộn rộn lên bao điều! Cảm thức về trăng rằm tháng 8, về ngày Tết Trung thu mỗi người mỗi khác. Vậy mà cứ nghĩ hoài về miền trăng nơi phố thị.

Trăng “neo” lòng phốTrung thu nơi phố thị vẫn lung linh sắc màu, đủ đầy hương vị, nhưng sao vẫn cứ thấy hoài niệm, bâng khuâng... Minh họa của Minh Chi

Trăng nơi phố thị, với một đứa sinh ra từ làng như tôi hoàn toàn không lắng đọng ký ức tuổi thơ - một phần đời trong trẻo nhất. Nhưng trên hành trình trưởng thành, trong chuỗi ngày đi và sống cuộc đời "của một người lớn”, tôi lại thường nghĩ về nó rất nhiều. Tôi nghĩ về nó mỗi mùa trung thu đến và đi, ngay cả khi mình đang ở xa phố lắm.

Có mùa trăng rằm tháng tám, tôi khoác ba lô cùng đoàn thiện nguyện gồm nhiều bạn trẻ ngược ngàn đến với trẻ vùng cao. Từ trước đó, đoàn chúng tôi đã liên hệ với chính quyền địa phương, theo giấy giới thiệu của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đấu nối với đồn biên phòng sở tại sắp xếp chỗ ăn, nghỉ. Từ thành phố đượm sắc thu, chúng tôi háo hức mang trung thu đến bên núi, bên những đứa trẻ còn ngơ ngác chẳng mảy may hay biết gì về ngày tết rộn ràng ấy.

Cùng các bạn trong đoàn cẩn thận sắp xếp những chiếc đèn ông sao 5 cánh rực rỡ sắc màu, bánh kẹo mỗi loại một chút cho thêm sắc, thêm hương, đặc biệt là những cặp bánh nướng, bánh dẻo do nhiều tấm lòng thiện nguyện chung tay gửi các em nhỏ. Tôi cứ thương thương mãi lời nhắn gửi xen lẫn bao tình cảm yêu mến, trở trăn của thầy giáo trẻ trong điểm trường chúng tôi chuẩn bị ghé thăm: “Ở nơi này trung thu vẫn còn là điều gì đó lạ lẫm với các em nhỏ lắm. Có lẽ, nhiều bạn còn chưa bao giờ được nếm thử hương vị bánh trung thu như thế nào”.

Đêm đầu tiên giữa trùng điệp núi non, dẫu người mệt lả sau chặng đường dài, tôi lặng lẽ nép mình bên ô văng cửa sổ phòng khách của đơn vị bộ đội, ngước mắt nhìn trăng. Trăng đại ngàn sáng vằng vặc, treo tít trên ngọn núi mờ xa mà cứ ngỡ đang gần ngay trước mắt, tựa như chiếc mâm bạc. Trong tĩnh mịch màn đêm, trăng càng thêm sáng tỏ, đẹp thanh tao hòa cùng cảnh sắc núi rừng vẽ nên nét thủy mặc. Tưởng chừng ánh trăng chẳng bao giờ rời xa bước chân người, nó cứ trải dài mãi. Thoảng chốc có chút ganh tỵ với lũ trẻ nhỏ nơi đây bởi ánh trăng như của riêng chúng vậy. Dẫu cuộc sống thường nhật còn biết bao thiếu thốn, thiệt thòi, nhưng mỗi giấc mơ đã ngập tràn ánh trăng buông.

Rồi tôi lại nghĩ về nơi phố thị, nơi những đứa con của tôi và biết bao “công dân nhí” khác đã quá quen neo mình trong khối hộp vuông vức của kiến trúc chung cư. Trung thu năm nào cũng vậy, từ rất sớm, khắp phố phường đã bày bán đủ các loại bánh nướng, bánh dẻo từ truyền thống đến hiện đại thơm ngon, bắt mắt, hợp thị hiếu. Có những hộp bánh mà giá trị còn hơn cả tháng lương cơ bản của bố mẹ chúng. Vậy mà chúng cứ dửng dưng như không. Hoặc rằng, nhịp sống gấp gáp của cha mẹ, chiếc ba lô nặng sách vở, lịch học thêm kín mít, dày đặc, ca này gối ca kia và rất nhiều niềm vui khác nữa đã vô tình khiến chúng xa những mùa trăng rằm tháng tám.

Như một cách bù đắp sắc màu cho tuổi thơ con, tôi có thể gác lại nhiều việc nhưng cố gắng để cùng các con vui tết đón trăng. Mâm ngũ quả sẽ làm theo sở thích của chúng, mặc dù chúng thích cũng “năm bảy đường”, khó chiều ra phết. Trẻ con mà, nếu biết khơi gợi, dẫn dắt, chúng luôn muốn khám phá, trải nghiệm mọi điều trên thế giới này. “Mười vạn câu hỏi vì sao” sẽ được liến láu đưa ra cho mẹ. Nhiều câu hỏi sâu sắc đến nỗi mẹ lúng túng cười trừ, hẹn sẽ tìm hiểu thêm rồi trả lời sau. Thế giới nhân vật xoay quanh sự tích về ngày Tết Trung thu khiến tụi trẻ thích thú. Chị Hằng xinh đẹp ra sao, chú Cuội ngồi gốc cây đa như thế nào và cả thỏ ngọc nữa... Chính những rộn ràng ấy làm nên ý nghĩa ngày Tết Trung thu của gia đình tôi. Tôi thường nói với con: Ngày Tết Trung thu không chỉ là để con trẻ được vui chơi, mà còn có ý nghĩa lớn lao hơn thế. Đó là dịp chúng ta sum họp, quây quần bên nhau cùng hướng về nguồn cội, tỏ lòng biết ơn, trao gửi yêu thương cho nhau. Vậy nên, rằm tháng tám, Tết Trung thu còn có tên gọi khác là tết đoàn viên, từ lâu đã trở thành nét đẹp truyền thống trong văn hóa người Việt.

Và trong ngày Tết Trung thu ấy, tôi thích được ngồi bên các con kể chuyện “ngày xửa ngày xưa” trong ký ức tuổi thơ của mình. Đám trẻ ở quê đón Tết Trung thu bằng tất cả sự nồng nhiệt, náo nức. Mẹ hào phóng hứa sẽ mua cả bánh nướng và bánh dẻo bày mâm cỗ trung thu. Bố hứa sẽ làm cho hai đứa chiếc lồng đèn bằng vỏ lon bia. Cũng từ trước đó cả tuần, các cô, bác, rồi anh chị đoàn viên, thanh niên trong xóm tập trung tại nhà văn hóa làm đèn trung thu chuẩn bị cho đêm rước cỗ. Theo đó, cả người lớn và con trẻ xếp thành đoàn dài, đi theo đèn của thôn, xóm mình rước quanh xã trong tiếng nhạc, tiếng cười nói rộn ràng. Ánh trăng như cũng reo vui cùng. Lúc thì trăng lấp ló trên ngọn tre cong vòng, lả lơi trước gió rồi thoáng chốc lại thấy trăng soi bóng trên mặt ao, sà xuống đường làng.

Ánh trăng nơi phố thị dễ bị lấn lướt bởi ánh sáng đèn cao áp hoặc che lấp bởi những khu nhà cao tầng san sát. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng, trẻ con phố thị không ký ức về ngày rằm tháng tám - Tết Trung thu. Chỉ là vẫn thấy nó như có chút gì đó gấp gáp, tan loãng...

Hoàng Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]