(vhds.baothanhhoa.vn) - Liên bang Nga, học hàm giáo sư không “nhất thành bất biến” mà được bầu lại sau một thời gian theo quy định. Những ai không làm khoa học nữa hoặc trình độ khoa học sút kém thì danh hiệu ấy không còn. Danh hiệu “Giáo sư công huân” dành cho những giáo sư có công trạng, có đóng góp giá trị vào nền khoa học. Được biết, đến nay, người Việt ở Liên bang Nga được phong học hàm “Giáo sư công huân” chỉ có GS. Lê Xuân Anh thuộc Đại học Tổng hợp - Bách khoa Sankt-Peterburg.

Từ miền Bạch Dương, ngôi sao chọn hướng rơi về đất mẹ

Liên bang Nga, học hàm giáo sư không “nhất thành bất biến” mà được bầu lại sau một thời gian theo quy định. Những ai không làm khoa học nữa hoặc trình độ khoa học sút kém thì danh hiệu ấy không còn. Danh hiệu “Giáo sư công huân” dành cho những giáo sư có công trạng, có đóng góp giá trị vào nền khoa học. Được biết, đến nay, người Việt ở Liên bang Nga được phong học hàm “Giáo sư công huân” chỉ có GS. Lê Xuân Anh thuộc Đại học Tổng hợp - Bách khoa Sankt-Peterburg.

Từ miền Bạch Dương, ngôi sao chọn hướng rơi về đất mẹ

Đại hội thành lập Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga được tổ chức tại Phòng họp của cơ quan Thương vụ thuộc Đại sứ quán nước ta ở Moskva. Kết thúc đại hội có liên hoan văn nghệ và tiệc đứng.

Lần đầu tiên tôi gặp GS. Lê Xuân Anh vào dịp ấy và chú ý ngay bởi những nét đặc biệt: Một người đàn ông không còn trẻ, vóc người tầm thước, có vầng trán hói cao, gương mặt sáng, đôi mắt tinh anh... say sưa nhảy múa, đi những đường “val” mà theo tôi, không thể “chê” vào đâu được!

Cùng đều là thành viên trong Ban Chấp hành của Hội Khoa Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga (cả ở khóa 2 sau này), chúng tôi có nhiều dịp gặp gỡ. Một lần, tôi gợi lại kỷ niệm về cuộc liên hoan ấy, ông tâm sự: Đã lâu lắm rồi, hôm đó mình mới được nhảy, được hát dưới lá cờ Tổ quốc!

Nhìn về lĩnh vực sự nghiệp khoa học, GS. Lê Xuân Anh thuộc số không nhiều những người Việt Nam ở Liên bang Nga thành đạt. Đường học tập đã đưa ông tới nước Nga, được về nghiên cứu ở một trường đại học danh tiếng tầm cỡ thế giới: Đại học Tổng hợp Kỹ thuật Leningrad (nay là Đại học Tổng hợp - Bách khoa Sankt-Peterburg). Gặp trường tốt, thầy giỏi, bản thân có năng lực, sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành khoa học - kỹ thuật (1972), ông được tiếp tục nghiên cứu và được mời giảng dạy tại trường.

Năm 1990, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học (TSKH) về đề tài “Động lực học các cơ hệ có lực ma sát Culon”. Nội dung luận án được in thành sách (1999), trở thành một môn học mới cho sinh viên của trường và tác giả được phong học hàm Giáo sư. Nhà xuất bản “Springer” của Cộng đồng châu Âu đã cho dịch tác phẩm trên ra tiếng Anh và in ở CHLB Đức (2003). Cuốn sách dày 269 trang, được phát hành ở Berlin, Heidelber, New York, Hồng Kông, London, Milan, Paris, Tokyo.

Công việc chỉnh lý, bổ sung ví dụ cho dễ hiểu (theo yêu cầu của nhà xuất bản) được tác giả thực hiện trong thời gian sức khỏe gặp rất nhiều khó khăn bởi hậu quả của căn bệnh tai biến mạch máu não.

Năm 2004, Trường Đại học Tổng hợp - Bách khoa quốc gia Sankt-Peterburg có đợt bình xét, phong tặng danh hiệu giáo sư. Ngày 31-5 năm ấy, Hội đồng khoa học trường này đã ra quyết định giữ nguyên học hàm giáo sư và đồng thời phong danh hiệu “Giáo sư công huân” cho nhà khoa học Lê Xuân Anh

Hơn một lần GS. Lê Xuân Anh tâm sự với người thân về những ân nghĩa mà mình được nhận để có thành quả trong sự nghiệp. Đó là quê hương Việt Nam (nơi ấy từng có người cậu ruột là nhà trí thức Hà Huy Giáp đã dìu dắt mình); là nước Nga có trường Đại học Tổng hợp-Bách khoa Sankt-Peterburg; là anh chị em trong Hội Đồng hương Việt Nam... Ông đặc biệt mang ơn người vợ Nga hiền thục (bác sĩ Natalia Alêchxâyevna) ngày ngày hết lòng chăm sóc chồng con, nhất là trong những năm tháng mà căn bệnh hiểm nghèo cứ đeo bám, không buông tha ông.

Công việc báo chí – văn hóa của cộng đồng, tôi hay có dịp về Sankt-Peterburg và ghé thăm gia đình nhà khoa học người Việt đồng thời cũng là thành viên trong ban lãnh đạo Hội người Việt Nam của thành phố. Cứ sau mỗi lần gặp và nói chuyện về học tập với 2 cậu con trai của GS. Lê Xuân Anh (Alêcxanđrơ và Xecgây), tôi thường có suy nghĩ “hổ phụ sinh hổ tử”.

Một lần, gia đình đang ăn trưa thì nhận được điện thoại của cậu con trai lớn Alêcxanđrơ gọi từ trường đại học về báo tin: Điểm thi Olympic môn Vật lý của cậu em Xecgây (học sinh lớp 11 - lớp cuối cấp phổ thông trung học) là 5 (bậc điểm tối đa)!

GS Lê Xuân Anh sung sướng, siết chặt tay vợ và cậu con trai Xecgây. Cả nhà cùng reo vui, hân hoan. Bà Natalia lấy từ trong tủ ra chai rượu “cô-nhắc”, mọi người cùng nâng cốc cạn li. Như vậy còn lại môn Toán sẽ thi vào ngày hôm sau, chỉ cần đạt điểm 3 thì Xecgây cũng đỗ thẳng vào đại học mà không cần phải dự thi tuyển vào tháng 8 tới. Mấy hôm sau, đựợc biết Xecgây đạt điểm 4 môn Toán, tôi hình dung ra không khí đầm ấm, phấn khởi của gia đình khi nhận được tin vui này.

5 năm trước đó, Alêcxanđrơ cũng đã đem niềm vui lớn về cho cha mẹ: Cả 2 môn thi Olympic Toán và Vật lý đều đạt điểm 5. Không những cậu đỗ thẳng vào đại học mà còn được tự chọn ngành học mà mình yêu thích: Toán cơ. Trong suốt 4 năm học tập ở Đại học Tổng hợp - Bách khoa Sankt-Peterburg, Alêcxanđrơ luôn đạt kết quả xuất sắc. Bản luận văn cử nhân của Alêcxanđrơ “Mô hình hóa động lực học đĩa có bụi trong trường chuyển động các vật thể có tâm” đã được GS. Kripsov A. M. (Phó chủ nhiệm khoa Lý thuyết kim loại) đánh giá rất cao, với lời kết luận: “Tương lai chúng ta có một nhà khoa học trẻ tài năng”.

Tốt nghiệp đại học loại ưu, Alêcxanđrơ tiếp tục chương trình cao học với đề tài nghiên cứu: “Mô hình hóa sự hình thành các hệ thống hành tinh do kết quả của quá trình quy tụ những đám mây bụi”.

Hai anh em Alêcxanđrơ và Xecgây rất thương nhau, tối tối cùng nhau học tập, đàm luận bên bàn máy tính. Cả hai đều có ý thức tự lập sớm. Vừa đảm bảo học tập luôn giỏi, hai anh còn nhận thêm phần việc vừa sức từ một công ty tin học để đem về nhà làm thêm vào các ngày nghỉ. Khoản thu nhập hàng tháng đủ để các em chi tiêu ngoài gia đình mà không phải xin tiền của bố mẹ. Đọc báo thấy luật mới cho phép ở tuổi thiếu niên vẫn có thể được mở công ty (nếu đáp ứng đủ một số điều kiện), Xecgây liền bàn với anh trai và nêu ý tưởng lập một công ty chuyên về tin học lấy tên là “Lê”. Trong khi việc ấy mới ở bước ý định, hai anh em xin sử dụng tư cách pháp nhân công ty của người nhà để mở website đăng quảng cáo, làm thử và đã có khách hàng đầu tiên.

Tâm sự về dự định tương lai, cả Alêcxanđrơ và Xecgây đều thể hiện mong muốn phấn đấu học giỏi để sau này phục vụ cho nước Nga quê mẹ và cho Việt Nam quê cha.

Lần gặp gỡ sau cùng với vị Giáo sư công huân, ông thổ lộ: Mình mong muốn đến cháy lòng được xuất bản cuốn sách “Động lực học các cơ hệ có lực ma sát Culon” bằng tiếng Việt, đưa kết quả các công trình nghiên cứu ấy ứng dụng vào việc xây cột điện cao thế qua sông, lắp cột ăng-ten, dựng cần cẩu... trên quê hương - nhằm đóng góp hữu ích vào sự nghiệp CNH, HĐH Tổ quốc Việt Nam.

Thế nhưng sau đó không lâu, ông không qua khỏi được căn bệnh hiểm nghèo...! Cảm kích trước tấm lòng của nhà khoa học với quê hương, trong dịp về Hà Nội, tôi đã tới Thư viện Quốc gia chuyển cuốn sách “Động lực học các cơ hệ có lực ma sát Culon” mà ông gửi tặng.

Đêm ở quê nhà, những khi trăng thanh gió mát, bầu trời xanh thẳm vằng vặc lấp lánh đầy sao. Thuở nhỏ, vào những dịp như thế, được nằm trên cánh cửa ngả ở giữa sân nhà mà đếm sao thì thú vị biết nhường nào!

Tôi nghe và tin người già ở quê kể rằng, mỗi người được sinh ra đều ứng với một ngôi sao ở trên trời. Sao băng (sao rơi về trái đất) xảy ra khi người tương ứng với ngôi sao ấy về cõi vĩnh hằng.

Giờ đây, ở thế giới hư vô, người quá cố thỏa ước đi về. Trên bầu trời hằng hà sa số những vì sao đêm nay, biết đâu chẳng có một ngôi sao của GS. Lê Xuân Anh từ miền Bạch Dương chọn hướng rơi về Đất mẹ Việt Nam!.

Tuỳ bút của TS. Chu Huy Sơn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]