(vhds.baothanhhoa.vn) - Vái lạy quê nhà!

Vái lạy quê nhà!

Vái lạy quê nhà!

Ngày cuối năm, sau khi dọn dẹp xong nhà cửa, trang hoàng từng góc nhỏ, nhìn ngắn màu đỏ rực rỡ của hai chậu hoa trạng nguyên, màu vàng của quất, sắc hồng nơi cành đào... và mùi trầm tỏa lan khắp nhà, tôi khép cửa lại, cả nhà lên xe về quê ăn tết.

“Sao lúc thì gọi nghĩa địa, lúc lại là bãi tha ma hả bố”? Tiếng đứa con gái ngồi sau xe réo rắt. Làng tôi trước kia rất nhỏ. Các ông bà vẫn thường gọi là bãi tha ma. Nghe đã thấy rợn người. Lũ chúng tôi mỗi lần qua đoạn đường này đều phải chạy thật nhanh, chạy như ma đuổi.

Sau, lũ chúng tôi dần lớn lên, chả biết tự khi nào chỉ nghe bố mẹ nói đến hai từ nghĩa địa. Bố tôi nói: các cụ thâm thúy lắm. Riêng chữ “nghĩa” nặng và dày, cả về ngữ âm và ngữ nghĩa. Nghĩa mang chứa cả cái tình của người ở lại với ơn sinh thành của người đã khuất, ôm chặt ơn nghĩa của người làng, người xóm.

Năm nào cũng vậy, gia đình tôi cũng là những người vào nghĩa địa làng tảo mộ muộn nhất. Người ta nói chẳng sai, nhìn nghĩa địa mà đọc hồn vía của làng, đọc cả những ân tình và sợ hãi, khấm khá lẫn đói nghèo, cô quạnh và ấm áp... Làng tôi xưa kia nghèo đói quanh năm, những ngôi mộ nhỏ bé nằm chơi vơi xung quanh nghĩa địa. Nghĩa địa vốn đã âm u lại càng cô quạnh, đã xa càng hun hút.

Lâu dần đời sống khấm khá hơn, con cái cháu chắt về xây lại mộ cầu kỳ, tốn kém, rồi bao xung quanh là hoa, là cây... Cũng bởi người sống mong muốn tổ tiên ông bà mình nhìn thấy sự phát triển của cháu con, cảm nhận được sự ấm áp của tình thân.

Nhìn những đứa trẻ chạy nhảy quanh mộ, mẹ nó lườm cái rõ dài: Nhẹ nhàng thôi. Dưới lớp đất kia là thấp thoáng bóng hình những người muôn năm cũ, là hồn là vía người làng mình. Dẫm lên lối nào cũng phải nhẹ chân thôi, kẻo lỡ có ai đang náu hồn ở đó. Con có biết ông bà đang lắng nhìn chúng ta không?

Nhà văn Lý Lan trong truyện “Đất khách” có nói ý: Quê hương là nơi có phần mộ của tổ tiên ta ở đó... Và dẫu có đi khắp phương trời, dù trong Nam hay bên Tây bên Tàu, về quê là phải ra mộ thắp hương tổ tiên, vái lạy những linh hồn phù hộ độ trì cho ta trên dặm đường dài. Quê nhà là cội nguồn, là tiên tổ, là gốc tích, không ai nỡ chối bỏ. Khi cô đơn hay bơ vơ nhất, điều người ta nghĩ đầu tiên là quê nhà. Rồi khi chả biết tìm mình ở đâu, thì cứ soi vào quê nhà mà tìm.

Lá rụng thì về cội. Dẫu đại dương hay sông hồ rộng lớn, nơi thành phố hoa lệ kia mãi là nơi đất khách quê người, chúng ta mãi là dân ngụ cư. Chỉ khi về quê nhà, ta mới chính là ta. Vì thế, ai đi xa mấy cũng chỉ mong ước chiều cuối năm, đứng giữa nghĩa địa quê nhà, lắng lòng nghe “mùi” cố hương thân thương, cúi đầu vái tổ tiên để được tựa nương vào làng, vào quê.

Thời khắc giao thừa kề cận, được bước khẽ ở nghĩa địa làng mình trong lây rây mưa mỏng, hun hút gió đồng, ấy là niềm hạnh phúc không tiền bạc nào mua được. Bởi đơn giản là ta còn có một quê hương để trở về.

CHI ANH


CHI ANH

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]