Ngày xưa, ở một bản nọ có hai vợ chồng trẻ. Ngày ngày người vợ ra suối xúc cá, tối lại về chăm chỉ bên guồng sợi. Người chồng vào rừng săn bắn. Họ sống nghèo khổ nhưng rất hạnh phúc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Viên ngọc quý

Ngày xưa, ở một bản nọ có hai vợ chồng trẻ. Ngày ngày người vợ ra suối xúc cá, tối lại về chăm chỉ bên guồng sợi. Người chồng vào rừng săn bắn. Họ sống nghèo khổ nhưng rất hạnh phúc.

Một hôm người chồng vác cung tên vào rừng, chợt thấy một con chim lạ cực đẹp đang vùng vẫy trong lưới bẫy của mình. Chàng mừng quýnh, vội chặt nứa, chẻ nan, đan một cái lồng thật đẹp để bắt chim nhốt đem về làm quà cho vợ. Lồng đan xong, chàng đến bên lưới vừa giơ tay lên định bắt chim thì lạ thay con chim bỗng ngước đôi mắt long lanh nhìn chàng và cất giọng nói:

- Chàng thợ săn ơi! Xin chàng hãy làm phúc tha cho tôi. Tôi sẽ biếu chàng một viên ngọc quý.

Chàng ngạc nhiên ngước nhìn chim. Chim nói tiếp:

- Ngọc này sẽ giúp ích rất nhiều cho chàng. Có nó chàng sẽ nghe và hiểu được tiếng của tất cả các loài chim! Chim bảo chàng ngửa tay rồi nhả ra một viên ngọc lấp lánh. Viên ngọc vừa chạm tay, chàng đã nghe lao xao trên đầu tiếng chim nói:

- Đừng sà xuống đấy các con!

- Mẹ ơi, xem kìa! Có kẻ mắc bẫy của lão thợ săn rồi.

- Ôi! Tội nghiệp cô bạn xinh đẹp! Rồi cô sẽ bị gã bắt nhốt vào cái lồng kia đem về cho lũ con nhà gã!

- Có cách gì cứu được nàng không mẹ? Thật là khủng khiếp!

- Không có cách gì đâu các con ạ! Thôi, mẹ con mình hãy mau tránh xa, cái cung kia đáng sợ lắm!

Đàn chim vụt cất cánh bay đi.

Chàng thợ săn biết là mình đã được chim cho ngọc quý, bèn bỏ vào túi và gỡ cho chim ra. Chim dặn:

- Ngọc này hễ chạm đất là lặn mất. Chàng hãy giữ gìn cẩn thận.

Chàng thợ săn cảm ơn chim và chim cũng từ biệt chàng bay về phương nam.

Chàng cắt một đoạn dây nhợ tốt trong lưới, xâu lấy viên ngọc và đeo vào cổ. Vừa lúc ấy bỗng nghe không trung xôn xao, rồi từ phương bắc, một đàn quạ rất đông tràn đến, đậu kín cả cánh rừng. Chúng kháo nhau:

- Ta cứ bay thẳng về kinh đô của vương quốc này đi. Đạo quân ấy đã khởi hành thì chắc không bao lâu sẽ tràn đến. Chúng ta tha hồ mà ăn thịt.

Rồi chúng lại rào rào bay đi, để lại không trung những tiếng kêu man rợ và một mùi tanh tưởi.

Chàng thợ săn biết như vậy là quân lính của nước láng giềng sắp tràn vào tàn phá kinh đô của vương quốc mình. Chàng bèn tức tốc thu lưới và cung tên vội vã ra về. “Phải nhanh chóng đến kinh đô báo cho nhà vua để điều binh ra chặn đánh. Nếu không bọn giặc dữ ấy sẽ tàn phá đất nước này tan hoang mất!”, chàng nghĩ thế trên đường xuống núi.

Về nhà, chàng ăn vội bát cơm rồi ra suối dặn vợ:

- Tôi có việc phải đi vắng. Nàng ở nhà mấy hôm rồi tôi sẽ về.

Rồi chàng xăm xở ra đi, không kịp trả lời câu hỏi của vợ.

*

* *

Chàng thợ săn cứ theo hướng mặt trời mọc đi mãi, đi mãi. Khi tắt ánh mặt trời chàng lại lần theo ánh trăng cứ đường cái quan mà đi... Sáng hôm sau chàng đến một vùng nhà cửa san sát, giữa phố xá nổi lên những lâu đài nguy nga. Chàng biết là mình đã đến kinh đô của vương quốc.

Chàng được dẫn vào yết kiến vua. Vua hỏi:

- Chàng trai kia, từ đâu tới?

Có việc gì?

Chàng trai quỳ lạy và run

run đáp:

- Tâu bệ hạ! Thảo dân từ chốn rừng xanh non cao đến, vì biết vương quốc sắp bị ngoại bang giày xéo nên vội vào cấp báo để bệ hạ kịp điều binh đánh chặn...

Cả triều thần văn võ cười vang. Một viên quan hoạn hỏi chàng, giọng nhạo báng:

- Mày ở xó rừng phía tây, làm sao biết được chuyện xảy ra trên ải bắc?

Chàng trai hơi lúng túng. Nhưng vì không muốn để lộ bí mật về viên ngọc nên đành nói liều:

- Dạ, thảo dân gieo quẻ bói...

- Ha! Ha! Ha! Ra nhà ngươi là thầy bói! Quan hoạn cười ngặt nghẽo - Vậy tâu bệ hạ, xin bệ hạ hãy cho cắt đầu nó vì tội nói láo. Nhà ngươi là thần dân nước này há chẳng biết giữa hai vương quốc đã kết hiếu hòa hảo từ mấy năm nay rồi ư?

Rồi gã tự ý quát đao phủ lôi chàng ra chém. Chàng quýnh lên, định nói rõ sự thật về viên ngọc quý thì nhà vua lên tiếng:

- Khoan! Hãy cứ tạm giam nó vào ngục, để ta cho người đi nắm lại tin tức. Nếu nói sai, chém đầu cũng không muộn.

Rồi nhà vua cho mấy người phi ngựa lên ải bắc. Đoàn người và ngựa vừa ra khỏi cổng thành thì gặp người lính truyền tin từ ải bắc về. Người lính phủ phục trước bệ rồng, vừa thở vừa nói:

- Tâu bệ hạ! Vua nước láng giềng đã phản bội lời ước, xua mấy vạn quân tràn qua biên ải sang giày xéo nước ta. Thế giặc rất mạnh. Xin bệ hạ cho đại quân lên chặn giặc.

Nhà vua và bá quan văn võ cả kinh. Chỉ có gã quan hoạn là có ý bực tức. Y sầm mặt, lỉnh đi nơi khác. Vua xin lỗi chàng trai và lập tức cử đại binh đi chặn giặc.

Nhờ có sự chuẩn bị kịp thời và chủ động, đại binh của triều đình đã tìm nơi hiểm yếu, mai phục và tiêu diệt sạch mấy vạn hùng binh của giặc tiến quân trong thế chủ quan khinh mạn.

Vua ban thưởng cho chàng rất hậu và ngỏ ý gả công chúa cho chàng.

Chàng trai một mực từ chối. Có một vị quan già nói nhỏ với chàng nếu trái ý vua sẽ phạm tội khi quân nên chàng đành chấp thuận làm phò mã. Chàng tự nhủ lòng khi nghĩ tới người vợ ở nhà: “Ta cứ cưới công chúa. Lần lữa rồi sẽ tìm cách đón nàng lên!”

Từ đó chàng sống cuộc đời

giàu sang trong cung điện cùng công chúa.

*

* *

Bỗng một hôm trong triều, đám thị tì bàn tán xôn xao. Rồi vua cho mời phò mã đến. Vua nói:

- Ngọc tỉ là quốc bảo của vương quốc, ta giao hoàng hậu cất giữ, nay bỗng nhiên bị mất. Con hãy bói một quẻ xem kẻ nào đã lấy và hiện giờ ở đâu.

Phò mã toát mồ hôi. Chàng không ngờ tình hình lại lôi thôi như vậy. Không còn cách nào khác, chàng đành viện lý do để trì hoãn.

- Tâu bệ hạ! Thần hiện không được khỏe nên có gieo quẻ cũng không kết quả. Xin bệ hạ thư thư cho vài hôm.

Nhà vua gật đầu, động viên phò mã:

- Nếu con mệt, con hãy tĩnh dưỡng vài hôm đã. Khi nào khỏe thì gieo quẻ bói ngay để tìm ngọc tỉ cho ta.

Phò mã về phòng, lòng nặng trĩu. Chàng chỉ có thể nghe và hiểu tiếng chim muông chứ làm gì biết bói. Đến nước này thì ba mươi sáu chước có lẽ chỉ còn chước chuồn là thượng sách. Chàng thơ thẩn ra vườn thượng uyển, đứng tựa lưng vào một chuồng chim câu nghĩ kế thoát thân.

Bỗng con chim trống vút qua đầu chàng, sà vào tổ. Chim mái ra đón rồi thủ thỉ:

- Mình ơi! Vào đây em cho xem thứ này.

Cả hai vợ chồng chim chui tọt vào chuồng. Phò mã chú ý lắng nghe. Chim mái nói:

- Thứ này gọi là ngọc tỉ! Quốc bảo của nhà vua đấy.

- Quốc bảo? Sao lại ở đây? Chim trống lo lắng hỏi: - Mình lấy à?

- Em lấy làm gì! Chim mái nói: - Sáng nay, lúc chàng đi, em thấy quan hoạn ra vườn lấm lét nhìn quanh rồi móc trong ống tay áo ra giấu vào đây.

- Quan hoạn? Cái lão béo húp híp, ngày nào cũng lui tới phòng hoàng hậu, hay bắt con cái ta băm chả, đãi bọn sứ phương bắc ấy à?

- Chính nó đấy!

- Cha cha! Chim trống thở dài - Hẳn lão lấy trộm thứ này để đưa sứ giả về tặng vua phương bắc đây mà! Lão quý bọn ấy lắm. Làm sao để nhà vua biết được bây giờ?

- Hay mình ngậm, bay vào sân rồng thả?

- Không được! Vua sẽ nghi cho ta lấy và giết sạch họ hàng nhà ta mất!

- Trời ơi! Chim mái thở dài - Thật là tai họa!

Phò mã nghe thủng câu chuyện. Chàng sung sướng trở về phòng nhưng vẫn giữ vẻ mặt mệt mỏi. Công chúa lo lắng hỏi chồng:

- Chàng vẫn chưa khỏe à? Hôm nào mới gieo quẻ được?

Chàng nói:

- Không cần gieo quẻ nữa! Nàng hãy tâu với vua cha: Ngọc tỉ hiện bị giấu trên chuồng chim trong vườn thượng uyển ấy.

- Vậy ư chàng? Công chúa mừng khôn xiết - Thế ai đã lấy và giấu nó ở đấy? Nó là đàn ông hay đàn bà? Công chúa hỏi xoắn xuýt.

Chàng trả lời lấp lửng:

- Nó chẳng phải đàn ông cũng không ra đàn bà...

Công chúa đem lời chàng thuật lại cho vua cha. Nhà vua vỗ tay reo:

- Vậy thì đích là quan hoạn rồi. Bấy nay ta đã có ý nghi ngờ những việc làm mờ ám của nó.

Vua cho người ra chuồng chim lấy ngọc tỉ về và quát võ sĩ lôi quan hoạn ra tra hỏi. Trước những chứng cứ không thể chối cãi, viên quan hoạn đành cúi đầu thú nhận tội mưu phản và việc lấy cắp ngọc tỉ của vương quốc để trao cho sứ phương bắc. Vua liền hạ lệnh tống giam y vào ngục tối.

Sống cảnh giàu sang với công chúa một thời gian, phò mã bắt đầu thấy nhớ núi rừng và người bạn đời nghèo khổ. Một hôm cùng công chúa cưỡi ngựa ra ngoài thành chơi, chàng bỗng giật mình khi nhận ra trên cành cây trước mặt có đôi uyên ương ngày trước hay đậu ở cổng nhà mình đang thì thào. Con trống nói:

- Đúng nó rồi! Thì ra nó đã lấy công chúa và sống ở đây!

- Tội nghiệp chị ấy! Con mái nói - Vậy mà lâu nay chị ta vẫn đinh ninh chồng mình đã chết. Không ngờ gã lại là một kẻ tệ bạc thế.

Phò mã choáng váng, vội cáo nhức đầu rồi quay ngựa về. Lòng chàng rối bời vì thương nhớ người bạn đời nghèo khổ nơi rừng núi quê hương...

Rồi một đêm, chàng tìm bộ quần áo cũ, gói lại, lẻn ra khỏi kinh thành và cứ ngược hướng cũ, đi mải miết...Chàng đi thâu đêm, xế chiều hôm sau thì về đến quê nhà. Người vợ sung sướng chạy xuống ôm lấy chàng, khóc lặng dưới chân cầu thang.

Cho đến một hôm, không giấu nổi, chàng mới thủ thỉ thuật lại đầu đuôi câu chuyện về viên ngọc quý và cởi đưa cho vợ xem. Cầm ngọc quý trong tay, nghĩ lại những ngày cô đơn vì vắng chồng, người vợ không khỏi không căm tức. Nàng nghĩ, nếu cứ để chồng giữ viên ngọc này rồi sẽ có ngày chàng lại bỏ mình mà đi...Nghĩ vậy, nàng vùng chạy xuống sân, vung tay ném mạnh viên ngọc vào rừng. Chàng trai hét lên, chạy xuống giữ lại, nhưng không kịp nữa...Chàng lao vào rừng, vạch lá tìm, nhưng chỉ thấy chỗ viên ngọc rơi một cái lỗ nhỏ, sâu hút. Biết ngọc quý đã chui xuống đất, chàng vội chạy về vác cuốc thuổng lên đào...

Chàng đánh trần, hùng hục đào, đào mãi... Đến bữa vợ gọi về ăn cơm cũng không xuống. Một ngày, hai ngày rồi ba ngày, chàng đào không ngơi tay, cũng không thiết gì cơm nước. Người vợ thương chồng cũng xắn tay áo cùng đào... Hai vợ chồng hùng hục đào suốt ngày này qua ngày khác. Tay họ phồng rộp lên, quần áo tả tơi, vàng khè đất thó...

Dân bản không biết họ đào làm gì nên lấy làm ngạc nhiên lắm. Một buổi sáng, đi rừng qua trái núi trước nhà chàng, người ta không thấy vợ chồng chàng đâu nữa. Họ lấy một sợi dây song dài, lồng vào cái lỗ sâu hút xuyên ngang núi, thọc mãi mới thấy đầu dây động đậy. Lúc sau, từ trong lòng núi hai con vật kỳ lạ, mõm nhọn, bốn chân ngắn ngủn, mình và đuôi đầy vảy sắc và cứng lóp ngóp bò ra. Chúng nhìn họ bằng đôi mắt thâm quầng, đờ đẫn vì mất ngủ và mệt nhọc rồi lại hăm hở quay vào... Họ biết đấy chính là vợ chồng chàng, vì muốn tìm một vật gì đó rất quý trong lòng núi nên đã hóa thành con vật ấy để đào...

Người ta đặt tên cho con vật ấy là con xuyên sơn.

Có lẽ viên ngọc lặn rất sâu nên vợ chồng xuyên sơn đào nát quả núi vẫn không tìm thấy. Đến nay con cháu họ vẫn cần mẫn hì hục làm cái công việc ấy để tìm lại viên ngọc quý mà vợ chồng chàng đã làm mất.

Truyện ngắn của ĐÀO HỮU PHƯƠNG



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]