(vhds.baothanhhoa.vn) - “Xã hội Việt Nam - từ sơ sử đến cận đại” là một trong những cuốn khảo luận không thể bỏ qua nếu muốn tìm hiểu về lịch sử, văn hóa - xã hội Việt Nam truyền thống. Cuốn sách ra đời không phải để rũ bỏ hoàn toàn sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa đến nền văn hóa Việt. Cao hơn về tư tưởng, nhận thức, tri thức, tác giả Lương Đức Thiệp đã tự tin khẳng định Việt Nam là một dân tộc có nền văn hóa độc lập, có lịch sử và có bản sắc riêng, theo như cách ông gọi, đó là “Việt Nam tính”.

“Xã hội Việt Nam - từ sơ sử đến cận đại” - khẳng định cội nguồn và sức sống “Việt Nam tính”

“Xã hội Việt Nam - từ sơ sử đến cận đại” là một trong những cuốn khảo luận không thể bỏ qua nếu muốn tìm hiểu về lịch sử, văn hóa - xã hội Việt Nam truyền thống. Cuốn sách ra đời không phải để rũ bỏ hoàn toàn sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa đến nền văn hóa Việt. Cao hơn về tư tưởng, nhận thức, tri thức, tác giả Lương Đức Thiệp đã tự tin khẳng định Việt Nam là một dân tộc có nền văn hóa độc lập, có lịch sử và có bản sắc riêng, theo như cách ông gọi, đó là “Việt Nam tính”.

Lương Đức Thiệp sinh vào thập niên đầu của thế kỷ XX, tại thôn Vệ Dương, xã Tân Phúc, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. “Cho đến thời điểm này, thông tin về nhà trí thức này vẫn còn khá hạn chế và thiếu thống nhất. Chỉ biết rằng, cuộc đời ông gần như nằm trọn trong nửa đầu thế kỷ XX, và sự nghiệp của ông bừng nở rực rỡ nhất chỉ trong dăm năm trước Cách mạng tháng Tám năm 1945”.

“Xã hội Việt Nam - từ sơ sử đến cận đại” - khẳng định cội nguồn và sức sống “Việt Nam tính”

Tập khảo luận “Xã hội Việt Nam - từ sơ sử đến cận đại” của tác giả Lương Đức Thiệp.

Cùng với cuốn sách “Việt Nam thi ca luận và văn chương xã hội” (NXB Hội Nhà văn và Công ty CP sách Tao Đàn), việc tái bản cuốn sách “Xã hội Việt Nam - từ sơ sử đến cận đại” là nỗ lực của Công ty CP sách Tao Đàn cùng NXB Tri Thức trong việc đưa tác giả và tác phẩm độc đáo này đến gần hơn với bạn đọc, mở rộng thêm góc nhìn về một giai đoạn lịch sử, văn hóa - xã hội của dân tộc.

Việt Nam là dân tộc đã có lịch sử hình thành và phát triển bền bỉ, mãnh liệt. Tất nhiên nó phải có một cấu tạo xã hội riêng, một lối sinh hoạt riêng. Cuộc sinh hoạt này trải qua biết bao nhiêu thế kỷ, đã gây dựng cho dân tộc Việt Nam những cốt tính đặc biệt - “Việt Nam tính”. Và để chứng minh cho luận điểm lớn, “mạch nguồn” cảm hứng của mình khi viết “Xã hội Việt Nam - từ sơ sử đến cận đại”, Lương Đức Thiệp đã “dõi bước tiến triển của dân tộc qua lịch sử”, trong “cuộc thăm dò và khám phá”, “tóm tắt những đặc tính cốt yếu của dân tộc”, “giúp những ai muốn nhìn thống quát cả cuộc tiến hóa của dân tộc suốt qua lịch sử để dò xét cái quá trình phát triển biện chứng sau này của nó”.

Ở phần thứ nhất - Việt Nam tiến hóa sử, Lương Đức Thiệp phác họa diện mạo dân tộc Việt trên các phương diện: gốc tính, cơ cấu tổ chức xã hội, sinh hoạt chính trị, Việt Nam trong cuộc Bắc thuộc, chế độ quân chủ Việt Nam, trong những cuộc cách mạng, cải cách… Hiểu biết tường minh, bám sát vào quan điểm sử học biện chứng, Lương Đức Thiệp có cái nhìn, hướng tiếp cận đa chiều, từ đó đưa ra những nhận định sắc bén.

Độc giả vẫn tìm thấy hình ảnh Việt Nam trong “một cuộc tiến hóa đột ngột”, khi những lưỡi cày bằng sắt thay lưỡi cuốc bằng đá trau. “Ý thức quốc gia nhóm khởi” đã thắp sáng ngọn lửa đấu tranh, hình thành nền quân chủ Việt Nam, từ đó dân tộc Việt tự mở lấy một kỷ nguyên mới - thời kỳ độc lập.

Tuy nhiên, Lương Đức Thiệp cũng có “lối đi riêng” với những điểm nhìn khác. Ông chỉ ra rằng: Đời Hồng Bàng, dẫu đó đây những chi tiết mờ ảo được ghi chép trong sử Việt, sử Tàu, cũng chỉ có giá trị một truyền thuyết, huyền sử.

Đánh giá về thất bại của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, tác giả viết: “Cuộc chiến thắng oanh liệt của hai bà chỉ là nhất thời. Nó không đủ điều kiện xã hội mà nương tựa. Một xã hội đã không thống nhất như xã hội phong kiến nào có gây được sức đoàn kết lâu dài; huống chi xã hội nông nghiệp lại không phải chỗ dựa vững bền cho xã hội thị tộc mẫu hệ sinh tồn. Ngay cả những mâu thuẫn nội tại này cũng đủ làm cho sự nghiệp hai bà phải nghiêng lay, huống chi hai bà còn phải đương đầu với những lực lượng binh bị có tổ chức nữa".

Khác với nhiều sử gia, nhà nhiên cứu, nhà xã hội học khi nhìn nhận về giai đoạn Bắc thuộc ở Việt Nam, Lương Đức Thiệp không phủ nhận một cách cảm tính. Bao giờ cũng vậy, tác giả luôn bám sát vào các luận chứng lịch sử, tư duy khoa học chặt chẽ. Ông thấu đáo suy xét: “Trong hơn một ngàn năm sống dưới ách chính trị của người phương Bắc, họ rút ra được những yếu tố căn bản về kinh tế, chính trị và xã hội”… Và cũng “từ sau cuộc đụng độ này, dân tộc Việt Nam đã đủ điều kiện vật chất và tinh thần để tự cấu tạo lấy một hình thức tổ chức quốc gia phù hợp với nền kinh tế nông nghiệp của mình: Chế độ quân chủ Việt Nam”.

Lương Đức Thiệp rất nhạy bén, công bằng khi nhận định về triều nhà Hồ và công cuộc cải cách đất nước trong giai đoạn ấy.

Ở phần thứ hai - Xã hội Việt Nam, độc giả vẫn nhận thấy một Lương Đức Thiệp chỉn chu, nhuần nhị trong cách viết, kiến thức thâm sâu, uyên bác. Bức tranh xã hội Việt Nam trong quá khứ được tái hiện chân thực, sinh động. Từ kinh tế sinh hoạt, chính trị và xã hội tổ chức, xã hội sinh hoạt, trí thức sinh hoạt… đã được tác giả tỉ mỉ, cẩn trọng, công phu phục dựng bằng ngôn ngữ.

Trong đó, có nhiều luận điểm mới, thú vị. Ví như khi viết về địa vị đàn bà, Lương Đức Thiệp nhìn sâu vào bản chất vấn đề hơn là các hiện tượng, nghĩa là đi từ thực tiễn sinh hoạt mà khái quát nên tầm tư tưởng, nhận thức: “Điều kiện sinh hoạt vật chất của xã hội Việt Nam đã nâng địa vị người đàn bà cao hẳn hơn địa vị do luân lý Khổng Mạnh chỉ định. Mà địa vị ấy chính phụ nữ Việt Nam tự giật lấy được bằng vị trí của mình trong sinh sản lực nông nghiệp và vị trí ưu thắng của mình trong thương mại".

Lương Đức Thiệp luôn giữ cho mình thái độ tỉnh táo, trung lập, khách quan, tôn trọng các chỉ dấu khoa học, tính logic, tính “hai mặt” của vấn đề. Ngay cả khi viết về “một giai đoạn mới” - là phần kết cho cả cuốn sách, đứng trước một xã hội Việt Nam với bao nhiêu nét đổi thay, cũ - mới giao thoa, Lương Đức Thiệp vẫn chính xác gọi tên bản chất vấn đề.

Sự tiếp xúc, giao thoa giữa văn hóa đông - tây khiến bà già nhà quê mê tín cũng đã biết dùng ô tô chở đến đền phủ để lễ chư vị, hoặc tới một ngôi miếu thờ “bạch hổ” bên đường cầu chữa bệnh, trong khi cậu con làm Tham tá tại tỉnh vẫn đón bác sĩ về tiêm thuốc cho bà… Dân chúng vừa bịn rịn trước sức hấp dẫn của tấn tuồng cổ thì cũng ôm bụng cười trước màn ảnh chiếu phim hài…

Trước thực tế ấy, Lương Đức Thiệp sâu sắc nhận định: Tất cả những thứ đó đều là những hình thức hòa hợp do tình trạng kinh tế cấu thành. Và xã hội Việt Nam qua những hình thức “bề ngoài” hỗn độn ấy vẫn phải tiến hóa theo những thông luật lịch sử nào nhất định do động cơ kinh tế chi phối mà đột ngột thay hẳn tính cách. Và xưa kia, tính cách thuần nhất về chủng tộc, về ngôn ngữ, về lãnh thổ cùng nguyện vọng chung về lịch sử là một sức mạnh hằng đã giúp dân tộc Việt Nam thoát khỏi sự tan chìm trong khối Hán tộc…

Nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Tiến (Viện Văn học) nhận định: Với tính chất đá tảng, đặt nền móng cho một phông nền tri thức Việt Nam, những tác phẩm ra đời hồi đầu thế kỷ XX, bao giờ cũng thế, mang trong mình ánh hào quang của bậc khai sơn phá thạch với công nghiệp vĩ đại, dựng xây nên cả một nền văn hiến nước nhà, mãi mãi xứng ngôi vị làm thành hoàng cho cái làng Việt [Nam] học. Và “Xã hội Việt Nam - từ sơ sử đến cận đại”, với những giá trị, ý nghĩa mà nó mang lại, xứng đáng là một trong số những tác phẩm đứng trong hàng ngũ đó.

Linh Nguyên


Linh Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]