(vhds.baothanhhoa.vn) - Còn nhớ, cách đây gần 1 năm, khi tham dự buổi lễ kỉ niệm 35 năm thành lập Hội Người mù thành phố Thanh Hóa, tôi vô cùng xúc động bởi các tiết mục văn nghệ do các em khiếm thị của Hội Người mù Thanh Hóa biểu diễn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

‘Đôi mắt trong tim’ - nơi gắn kết đam mê âm nhạc cho những đứa trẻ khiếm thị

Còn nhớ, cách đây gần 1 năm, khi tham dự buổi lễ kỉ niệm 35 năm thành lập Hội Người mù thành phố Thanh Hóa, tôi vô cùng xúc động bởi các tiết mục văn nghệ do các em khiếm thị của Hội Người mù Thanh Hóa biểu diễn.

Các em vừa dẫn chương trình, vừa kiêm ca sĩ đồng thời cũng là những nhạc công. Các tiết mục của các em biểu diễn, không chỉ đem đến niềm xúc động mà còn xen lẫn sự khâm phục của người đến dự. Hỏi ra mới biết, các em đều là thành viên đoàn nghệ thuật “Đôi mắt trong tim” của Trung tâm Giáo dục dạy nghề cho người mù Thanh Hóa (Hội Người mù Thanh Hóa).

Đến thăm nơi các em học thanh nhạc là hội trường của trung tâm. Những chiếc đàn organ xếp ngay ngắn thành hàng dài trên sân khấu. 6 đứa trẻ tuổi 14 - 15 đang dạy cho nhau đàn. Thoạt nhìn, ai cũng nghĩ rằng các em đều bình thường như bao đứa trẻ khác với đôi bàn tay mềm mại lướt trên phím đàn một cách thành thạo. Để có được như ngày hôm nay, các em đã trải qua sự khổ luyện, nỗ lực gấp nhiều lần so với những người mắt sáng bình thường. Em Vũ Quang Kiên, sinh năm 2003, quê ở Nông Cống là một trong những thành viên xuất sắc của đoàn nghệ thuật với nhạc cụ đàn organ. Kiên vào trung tâm đã được 3 năm. Vừa học văn hóa em vừa học thêm thanh nhạc. Phải mất 3 tháng em mới quen hết các nốt nhạc, rồi tập bài hát, đánh bài hát. Lần đầu tiên biểu diễn hết 1 bài hát, em rất vui sướng. Giờ đây em có thể biểu diễn thành thạo nhiều bài, em thích nhất bài “Khát vọng”, và em không đếm nổi mình có bao nhiêu lần được đứng trên sâu khấu để biểu diễn. Đặc biệt, mỗi lần được đứng trên sân khấu của các trường học, em cảm thấy rất vui, hạnh phúc. Sau này, Quang Kiên mong ước mình được thi vào trường âm nhạc.

Em Quang Kiên của đoàn nghệ thuật “Đôi mắt trong tim” truyền đạt lại kinh nghiệm học đàn organ cho bạn mới theo học.

Minh Anh và Thùy Minh là hai cô bé mà tôi ấn tượng khi các em biểu diễn tại buổi lễ kỉ niệm 35 năm thành lập Hội Người mù thành phố Thanh Hóa cách đây gần 1 năm. Các em vừa dẫn chương trình, vừa làm “ca sĩ”. Nguyễn Thị Minh Anh (SN 2003, xã Hoằng Trung, huyện Hoằng Hóa) trong gia đình có 4 chị em.Minh Anh bị khiếm thị từ khi sinh ra và đến nay em đã được gửi vào Trung tâm Giáo dục dạy nghề người mù 8 năm. Năm nay Minh Anh lên lớp 8 Trường THCS Cù Chính Lan. Ngoài thời gian học trên trường, em về trung tâm và học thanh nhạc. Minh Anh vừa học hát, vừa học thêm đàn ghi ta. Em bảo, thời gian đầu học đàn đau tay lắm, ngón tay sưng rộp, vài tháng em quen cây đàn rồi thích đánh đàn. Em thích hát và đàn bài “Bài học đầu tiên”. Cũng như Minh Anh, cô bé Thùy Minh có khuôn mặt bầu bĩnh, mái tóc đen dài. Hiện Thùy Minh là học sinh Trường THCS Quảng Cát. Khi em cất lên bài hát “Lời người khiếm thị”: “Còn ai thương con như cha mẹ ở trên đời này, còn ai nuôi con như cha mẹ đã nuôi bao ngày. Tình thương cho con cao quý hơn rất nhiều, mắt con bây giờ không thể nhìn thấy bạn bè con” là sự trải lòng không chỉ của riêng em, mà còn nói lên suy nghĩ cho bao người khiếm thị không may khác.

Đúng như lời anh Phạm Ngọc Quyết - Giám đốc trung tâm chia sẻ: Dạy âm nhạc cho người mắt sáng đã khó, dạy cho các em khiếm thị còn khó hơn. Nếu như người bình thường có thể nhìn thấy được phím đàn để thao tác thì các em khiếm thị phải bắt đầu bằng việc học thuộc lòng nốt nhạc, phím đàn. Bởi vậy khi dạy cần phải có sự kiên nhẫn, nhẹ nhàng, tránh sự tự ti cho các em. Trong quá trình dạy thanh nhạc, các thầy sẽ phát hiện từng em có năng khiếu với loại nhạc cụ nào. Đoàn nghệ thuật “Đôi mắt trong tim” từ khi được thành lập vào tháng 10/2017 đến nay, từ những đứa trẻ rụt rè, các em đã dần tự tin đứng trên sâu khấu biểu diễn bằng tất cả trái tim.

Chia tay trung tâm, thầy Quyết chia sẻ thêm với tôi: Nhiều em sau thời gian gắn bó tại trung tâm đã theo học các cấp, học lên đại học, các trường văn hóa, nghệ thuật trong tỉnh, và cả Nhạc viện Hà Nội. Tiêu biểu như em Nguyễn Văn Linh, cựu sinh viên Trường Nhạc viện Hà Nội với bộ môn Sáo dân tộc. Nay Linh đang làm việc tại Hà Nội; em Lê Trọng Tuấn - tốt nghiệp Trường Đại học KHXH&NV thành phố Hồ Chí Minh, sắp tới em sẽ trở về trung tâm làm thầy giáo dạy môn Văn; em Sỹ Anh - tốt nghiệp Trường Đại học Luật, hiện là Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện Thiệu Hóa... Đoàn nghệ thuật “Đôi mắt trong tim” không chỉ là nơi dành cho các em thể hiện niềm đam mê âm nhạc, mà giúp các em xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập cộng đồng và là hành trang trên con đường tiếp theo của mình. Thời gian tới, trung tâm tiếp tục đấu mối với ngành văn hóa, giáo dục, các trường học, đơn vị trên địa bàn tỉnh cho các em có nơi giao lưu, đem lời ca tiếng hát đến với cộng đồng.

Ngọc Huấn


Ngọc Huấn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]