(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Nếu như công việc sưu tầm thơ ca Hồ Chí Minh chưa có thêm tư liệu mới thì bài thơ Gửi Hy Mã nghi bá đại nhân (Gửi Bác Phan Châu Trinh) của Nguyễn Tất Thành (tên thời thanh niên của Bác Hồ) được coi là bài thơ tiếng Việt đầu tiên của Bác.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bài thơ tiếng Việt đầu tiên của Bác Hồ

(VH&ĐS) Nếu như công việc sưu tầm thơ ca Hồ Chí Minh chưa có thêm tư liệu mới thì bài thơ Gửi Hy Mã nghi bá đại nhân (Gửi Bác Phan Châu Trinh) của Nguyễn Tất Thành (tên thời thanh niên của Bác Hồ) được coi là bài thơ tiếng Việt đầu tiên của Bác.

Bài thơ như sau:

Chọc trời khuấy nước tiếng đùng đùng

Phải có kiên cường mới gọi hùng

Tay cứng lòng lành ngoài ách tớ

Má đào nóng nảy giới quyền chồng.

Lợi chung dầu sẽ mua về được

Kiếp mạng chi nài sự có không

Ba hột đạn - thầm hai tấc lưỡi

Sao cho ích giống mấy cam lòng!

Hy Mã bá đại nhân thấu

Cuồng điệt Nguyễn Tất Thành

Hy Mã: biệt hiệu của Phan Châu Trinh; Hy Mã nghi bá đại nhân thấu: Để Bác Phan Châu Trinh hiểu rõ; Cuồng điệt: người cháu hăng say, cuồng nhiệt.

Bài thơ được viết vào tháng 8/1914 trên một tờ bưu thiếp, kèm theo một bức thư, được gửi đi từ căn nhà số 8, phố Stêphen, Tốt-ten-ham, Thủ đô Luân Đôn, nước Anh, nơi Bác Hồ đang làm việc ở đây, người nhận là bác Phan Châu Trinh đang ở Thủ đô Pa-ri, nước Pháp.

Phan Châu Trinh còn gọi là Phan Chu Trinh (1872 - 1926) người làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Năm 1901 đỗ Phó bảng, làm Thừa biện Bộ Lễ một thời gian ngắn rồi cáo quan về quê. Từ năm 1906 hoạt động trong phong trào Duy Tân, là một trong những người cầm đầu xu hướng cải lương ở Việt Nam vào những thập niên đầu của thế kỷ XX. Ông chủ trương dựa vào Pháp để tiến hành cải cách, thực hiện tự do, dân chủ làm cho dân giàu, nước mạnh rồi sau đó mới tính đến việc giải phóng dân tộc. Ông cũng là người góp phần tích cực thành lập Công ty Liên Thành và Trường Dục Thanh ở Phan Thiết (Bác Hồ đã dạy học ở trường này trước khi đi tìm đường cứu nước). Năm 1908, ông bị thực dân Pháp kết án tử hình, đày ra Côn Đảo sau vụ nhân dân miền Trung chống thuế. Nhờ Hội dân quyền Pháp can thiệp, ông được thả tự do. Năm 1911 ông cùng con trai là Phan Châu Dật sang Pháp.

Phan Châu Trinh là bạn của cụ Nguyễn Phong Sắc, lại là một chí sĩ yêu nước tiền bối lừng danh nên Nguyễn Tất Thành rất tôn kính. Thời gian ở Luân Đôn, Nguyễn Tất Thành thường gửi thư cho Phan Châu Trinh (xưng là cháu với bác). Nội dung các thư kể về công việc mình làm, việc quyết tâm học tiếng Anh, trao đổi về tình hình chính trị ở châu Âu, châu Á. Đặc biệt là Nguyễn Tất Thành gửi tấm bưu thiệp có bài thơ Gửi Hy Mã bá đại nhân. Bài thơ này mang nhiều ý nghĩa:

Trước hết là, Nguyễn Tất Thành bày tỏ tấm lòng, ý chí quyết tâm của mình đối với vận mệnh đất nước để Phan Châu Trinh rõ:

Chọc trời khuấy nước tiếng đùng đùng

Phải có kiên cường mới gọi hùng

Giữa Thủ đô nước Anh, ngọn lửa yêu nước trong trái tim chàng thanh niên đang sôi sục, trí tuệ anh nhận thức về con đường đi. Tại đây, chính anh đang hành động cụ thể, đã tham gia Công đoàn lao động hải ngoại, thu hút được nhiều kiều bào yêu nước, đã cùng công nhân Anh biểu tình ở bờ sông Têm-dơ đòi tự do, dân chủ và quyền lợi chính đáng của người lao động.

Khoảng cuối năm 1912, Nguyễn Tất Thành gửi thư cho cụ Phan Châu Trinh.

Hai là, chính chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ, bài thơ và bức thư gửi Phan Châu Trinh có dụng ý lớn. Nội dung bức thư:

“Bác kính mến,

Tiếng súng đánh rền vang. Thây người đang phủ đất. Năm nước lớn đang đánh nhau. Chín nước đã vào vòng chiến. Cháu bỗng nhớ cách đây vài tháng cháu đã nói với bác về cơn giông sấm động. Số mệnh sẽ còn dành cho chúng ta nhiều bất ngờ và không thể nói trước được ai sẽ thắng. Các nước trung lập còn đang lưỡng lự và các nước tham chiến không thể đoán biết được ý đồ của họ. Tình hình diễn ra là ai thò mũi vào thì chỉ có thể đứng về phe của địch thủ bên này hoặc địch thủ bên kia. Người Nhật Bản hình như có ý định nhúng tay vào. Cháu nghĩ trong ba hoặc bốn tháng tình hình châu Á sẽ có chuyển biến và sẽ có nhiều chuyển biến.

Xin gửi lời thăm bác và em Dật. Mong Bác trả lời sớm về địa chỉ sau: Gửi Nguyễn Tất Thành, số nhà 8, phố Stêphen, Tốt-ten-ham, Luân Đôn”.

Nghĩ về thế giới, nghĩ về châu Á, Nguyễn Tất Thành nghĩ đến đất nước sẽ ra sao khi chiến tranh đang lan rộng, trong khi anh chỉ là một thanh niên đang tìm đường, chưa có nhiều kinh nghiệm. Từ bài thơ và bức thư gửi Phan Chu Trinh phải chăng là một gửi gắm, một mong đợi các vị tiền bối, các vị đang hoạt động cách mạng phải làm gì trước tình hình thế giới đang có nhiều chuyển biến, phải làm gì cho đất nước, cho đồng bào mình trong lúc này.

Lợi chung dầu sẽ mua về được

...

Sao cho ích giống mấy cam lòng

Thứ ba, bài thơ đã thể hiện rõ quan niệm về cuộc đời là sự cống hiến vì nước, vì dân, vì nhân loại cần lao. Quan niệm này đã trở thành chủ đạo xuyên suốt cuộc đời Nguyễn Tất Thành. Thơ của Bác bao giờ cũng vậy, từ bài thơ đầu tiên này đến bài thơ cuối cùng là nhất quán, đều xuất phát từ quan niệm chủ đạo đã được xác định. Người với thơ là một. Người sao thơ vậy.

Sau gần 4 năm ở nước Anh, cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành trở về Pháp để có điều kiện trực tiếp hoạt động trong phong trào Việt kiều và phong trào công nhân Pháp. Có lúc Người ở cùng nhà với Phan Châu Trinh tại số 6 đường Vi-la đờ Gô-bơ-lanh và cùng hoạt động trong phong trào Việt kiều tại Pháp. Tuy quan điểm và cách hoạt động khác nhau nhưng Phan Chu Trinh rất mến phục, đánh giá cao và đặt nhiều hy vọng ở Nguyễn Tất Thành. Trong một bức thư gửi Nguyễn Tất Thành ngày 18/2/1922, Phan Châu Trinh đã thẳng thắn nói những khác biệt về đường lối, phê phán những điều mà mình cho là còn bất cập và cũng rất chân thành nhận ra rằng: “Bây giờ tôi tợ chim lồng cá chậu. Vả lại cây già thì gió dễ lay, người già thì trí lẫn, cảnh tôi như hoa sắp tàn” và thừa nhận rằng: anh “như cây đương lộc”, là người “nghị lực có thừa, dày công học hỏi, lý thuyết tinh thông” sẽ giúp ích nhiều cho đất nước.

Theo tiến sĩ sử học Thu Trang, một Việt kiều Pháp, trong cuốn Nguyễn Ái Quốc tại Pari (1917 - 1923), cho biết: “Lúc sắp trút hơi thở cuối cùng, cụ (tức Phan Châu Trinh - LXĐ) đã thì thầm với cụ Huỳnh Thúc Kháng lời trăn trối có tính tiên tri: “Độc lập dân tộc sở cậy Nguyễn Ái Quốc” (tr 423)

Lê Xuân Đức



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]