(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Mấy năm gần đây Hội VHNT Thanh Hóa đã quan tâm, mạnh dạn kết nạp những hội viên là anh chị em từ mọi lĩnh vực công tác, đã có những sáng tác bước đầu, tổ chức khích lệ họ tham gia, trở thành những tác giả văn học, dần bổ sung cho lớp các nhà thơ, nhà văn đã luống tuổi. Trong số đó có tác giả Nguyễn Thị Cúc - bút danh: Sơn Ca, là giáo viên ở một trường miền núi Quan Hóa. Chị vừa cho ra mắt tập thơ “Gió sang mùa mình gọi tên nhau”(*), đây cũng là tập thơ thứ hai của chị.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Con chim hót tiếng lòng

(VH&ĐS) Mấy năm gần đây Hội VHNT Thanh Hóa đã quan tâm, mạnh dạn kết nạp những hội viên là anh chị em từ mọi lĩnh vực công tác, đã có những sáng tác bước đầu, tổ chức khích lệ họ tham gia, trở thành những tác giả văn học, dần bổ sung cho lớp các nhà thơ, nhà văn đã luống tuổi. Trong số đó có tác giả Nguyễn Thị Cúc - bút danh: Sơn Ca, là giáo viên ở một trường miền núi Quan Hóa. Chị vừa cho ra mắt tập thơ “Gió sang mùa mình gọi tên nhau”(*), đây cũng là tập thơ thứ hai của chị.

Tựa đề của tập thơ và một loạt các bài thơ trong tập: Năm tháng gọi tên nhau, Người đàn bà dại, Mình nói nhớ nhau đi, Thương xưa chẳng đổi phai màu... dễ làm cho người đọc khó tính lướt qua và sẵn sàng xếp chị vào người viết thuộc “thế hệ @”. Thực ra Sơn Ca không còn trẻ (SN 1979) và chị đã nhiều năm gắn bó với nghề dạy học, xuôi ngược trên những con đường ở vùng cao biên giới với học sinh thân yêu. “Gió sang mùa mình gọi tên nhau” là tập thơ tình gồm 55 bài, xuyên suốt nó là lời tự sự, giãi bày của “người đàn bà khát”. Gió sang mùa không phải chỉ là sự chuyển đổi thời tiết: nóng lạnh mưa tuôn hay heo may giá rét mà còn là chuyển đổi của tình yêu, tình cảm con người, những cung bậc mạch đập trái tim. Nhưng dù là sự thay đổi ấm lạnh thế nào thì với chị vẫn có lý do cho tình yêu: “Xuân về chạm ngõ/ Mùa sang hớn hở/ Mình gọi tên nhau... Ngọn gió săn se/ Đón mùa trở dạ/ Sinh trong mùa hạ/ Nuôi vàng mùa thu...”. Trong thời gian 365 ngày của năm, chị cắm mốc từng chặng dấu ấn tình yêu và những biến động của cuộc sống. Lúc mùa đông về: “Sáng ngày rồi mặt trời còn chưa tỏ/ Giấu mình sau rặng núi xa mờ/ Gió cuộn gào trên vòm cây xanh lá/ Oằn mình nghe mùa gió bấc đang về... Chiều nay có gió chuyển mùa rồi đó/ Em phong phanh manh áo chẳng đủ đầy”. Đây là khúc thu sang: “Tháng tám về/ Gió ngập ngừng mở cửa/ Hạ tàn đi/ Trong ráng đỏ muôn chiều/ Rừng thưa thớt/ Lá vàng rơi trong gió/ Cơn mưa trời/ Thương hát khúc thu sang...”. Thời gian không chỉ tính theo mùa mà tính bằng ngày bằng tháng, gắn vào tình yêu, vào cuộc đời chị. Nào là: “Hây hẩy tình như tháng ba non..., Tháng ba nỗi nhớ chênh chao..., Tháng ba mùa hoa gạo nở/ Đỏ rực trời trong sắc nhớ mênh mông”. Còn đây là tháng sáu: “Em chỉ nhớ tháng sáu lẫn vào ban trưa/ Cái nắng hanh có gió Lào bỏng cháy... Lại một mùa tháng sáu của chia ly/ Chợt giật mình môi mắt đã hằn ghi...”. Nhưng tháng sáu còn ấn tượng với chị bởi nghề nghiệp thiêng liêng, niềm thương yêu da diết: “Em nhớ lắm tháng sáu lũ học trò ngơ ngác/ Xa mái trường có ghế đá hàng cây... Trường xưa ơi/ Lá rơi đầy sân trước/ Tiếng trống trường/ Ngủ vùi đến lãng quên...”. Cũng có lúc chị “ác cảm” cả với thời gian: “Xin chào nhé tháng mười hai để nhớ/ Ngoài cái ngày mẹ sinh em ra và nước mắt tràn mi”. Chị nghe người ta nói đàn bà con gái sinh tháng mười hai thường khổ. Chị đã được mẹ sinh trong tháng cuối năm, và thấy “Tình yêu giờ bạc phếch”... Đúng là người buồn mà lây sang cả cảnh là vậy!

Hành trình của tác giả “Gió sang mùa mình gọi tên nhau” là hành trình của người đàn bà khát, thèm một bến đỗ êm đềm, dịu ngọt, đi đến cùng tình yêu của mình. Sơn Ca đã có cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc của mình, chị luôn luôn thấy khát, thấy mệt mỏi: “Em đi tìm cái nửa của riêng em/ Ghép lại vuông trong ngày xưa cũ”. Nhưng tình yêu chị giãi bày luôn là một tình yêu thụ động, chỉ chủ động ở “nửa” mình thôi. Chị thèm khát một tình yêu thực sự: “Hạnh phúc không là gió/ Tình yêu không là mây/ Hiện hữu trong tầm tay/ Ấm nồng vành môi thắm”, tình yêu đến không chỉ có riêng mình: “Mong cây đời dịu ngọt/ Trái lành chẳng chừa ai/ Nhân gian đến sớm mai/ Khúc ca vang say đắm”. Yêu là thế, mong là thế, nhưng: “Em người đàn bà dại/ Yêu say mê quên cả lối về/ Lạc lối mê/ Quên đi ngày tháng/ Quên tuổi xuân chỉ dành tặng riêng người”. Chị yêu đến cuồng nhiệt, si dại, nhớ người đến quặn thắt: “Giờ chỉ còn là người đàn bà nhầu nhĩ/ Ôm vết thương chẳng lành miệng bao giờ”. Người đàn bà tuổi bốn mươi ấy mới tự bạch, mới tự nhận lại mình: “Em dại khờ như tuổi mới đôi mươi/ Đem yêu thương sao chỉ cần lần lữa/ Trao tặng người trái tim thắp lửa/ Chỉ cho đi không đòi lại bao giờ”. Tâm tình của người con gái ấy luôn luôn đồng cảm, sẻ chia với những phận người cùng cảnh ngộ: “Ta chạm vệt đa đoan/ Chị nhầu nhĩ với muôn vàn vết cắt/ Làm trái tim vỡ nát/ Em - đóa hoa hồng chưa kịp ngậm sương mai/ Đã nát vụn những giấc mơ như ngâu vầy trái cây tháng bảy...”

Khép lại tập thơ, những bâng khuâng man mác của người đàn bà yêu còn đọng lại trong lòng bạn đọc. Nhưng như một nhà thơ đã nhắc nhở: “Đích đến của nhà thơ là bạn đọc. Làm thơ là một cách giãi bày tâm sự, giãi bày nghĩ ngợi, là một chia sẻ”. Để có được bạn đọc không chỉ riêng giới nữ của chị mà là đông đảo công chúng yêu thơ cần tác giả nỗ lực hơn, chan hòa hơn, giảm thiểu cái bi lụy quá riêng tư của cá nhân mình. Thơ chị dễ đọc, cấu tứ hợp lý nhưng từ ngữ sử dụng nhiều chỗ thừa thãi, chưa thuyết phục.

Sơn ca là con chim đáng yêu thường sống ở đồng bằng và miền núi có giọng hót hay, giọng ca thánh thót, âm điệu du dương, có đặc điểm chỉ đi và không nhảy, là biểu tượng của hạnh phúc, hy vọng, niềm vui tuổi trẻ, sáng tạo... Mong Sơn Ca cả trong cuộc sống và trong thơ đẹp như bút danh - con chim hót từ cõi lòng.

Trịnh Ngọc Dự

(*) “Gió sang mùa mình gọi tên nhau”, Nxb Văn học, 2017.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]