(vhds.baothanhhoa.vn) - Cùng nhâm nhi ly rượu vang tại tư gia nhà văn Từ Nguyên Tĩnh trong những ngày đầu Xuân Canh Tý để cảm ơn ông về "Tuyển tập Từ Nguyên Tĩnh" (Nxb Hội Nhà văn, 2017) mà ông đã trân trọng và quý mến tặng chúng tôi vừa là để tránh dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, khó lường.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Một giờ với nhà văn Từ Nguyên Tĩnh

Cùng nhâm nhi ly rượu vang tại tư gia nhà văn Từ Nguyên Tĩnh trong những ngày đầu Xuân Canh Tý để cảm ơn ông về "Tuyển tập Từ Nguyên Tĩnh" (Nxb Hội Nhà văn, 2017) mà ông đã trân trọng và quý mến tặng chúng tôi vừa là để tránh dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, khó lường.

Vẫn là một Từ Nguyên Tĩnh thẳng thắn, bộc trực, mạnh mẽ, nhiệt thành. Dù gặp ông ở hội thảo, hội nghị hay bàn tiệc... ông đều thế. Song, trước hết, tôi rất khâm phục về tinh thần làm việc nghiêm túc, về sức viết và niềm đam mê sáng tạo của ông được thể hiện trong Tuyển tập Từ Nguyên Tĩnh gồm 5 tập hơn ba ngàn trang viết. Vấn đề là, nhà văn Từ Nguyên Tĩnh đã viết, chứ không phải thể nghiệm, và ông đã thành công với nhiều thể loại bằng sự trải nghiệm, vốn sống và thiên phú bẩm sinh... Ở thể loại nào ông cũng tạo nên được dấu ấn, phong cách riêng cho mình.

Với Từ Nguyên Tĩnh, thành công nhất là những truyện ngắn và tiểu thuyết. Hàng trăm truyện ngắn với muôn mặt của đời sống được Từ Nguyên Tĩnh trình bày, xử lí một cách khéo léo trong từng cốt truyện, từng nhân vật, từng cách kể và lối kể, ngôn ngữ người kể chuyện... Tất cả để ông không lặp lại chính mình, để rồi những truyện ngắn Mối tình chàng Lung mù, Kiếp cầm ca, Gã nhà quê, Chuyện tình trong hang đá, Vợ chồng xe trâu... trần trụi mà thấm đẫm chất nhân văn.

Hấp dẫn và cuốn hút tôi nhất vẫn là truyện ngắn Người tình của cha. Đây là truyện ngắn mà năm 2007, Ban biên soạn Chương trình Ngữ văn địa phương (Sở GD&ĐT Thanh Hóa) đã chọn để giảng dạy ở các trường THCS trong tỉnh... Trong Người tình của cha, Thu Trang - nhân vật tôi - người kể chuyện, lên hai tuổi đã “mồ côi” mẹ. Cha đi bộ đội, xuất ngũ về một lần lấy tiền mua chiếc xe xích lô hàng ngày kiếm sống, nuôi con. Năm 17 tuổi, cô phát hiện ra một chuyện thật xót xa: cha có người tình! Thu Trang vừa buồn, vừa giận, vừa thương cha. Một lần đi chở thuê hàng, cha bị tai nạn ô tô phải vào bệnh viện cấp cứu. Trước khi tắt thở, ông trao cho con gái bức thư gửi một người - bà Maria Liên. Khi gặp bà Maria Liên, Thu Trang mới biết đó là mẹ mình, một thời bà là giao liên, bây giờ bị bệnh hủi, bà phải sống cách ly cộng đồng và người thân. Rồi Thu Trang chỉ biết gục đầu vào ngực mẹ mà khóc, mà nức nở. Cô càng thấu tình cha và ngẫm ra - trên đời này cô rất cần có mẹ... Người tình của cha là truyện ngắn giàu kịch tính, qua đó giúp các em học sinh thấy được tình cha con, tình vợ chồng sâu nặng, là lòng nhân ái và đức hi sinh thầm lặng của người lính sau chiến tranh, là sự cảm thông sâu sắc và biết chia sẻ với những số phận buồn đau. Truyện ngắn Người tình của cha đã được thầy cô giáo và các em học sinh lớp 9 đón nhận với nhiều cung bậc cảm xúc và sự mến mộ.

Bốn tiểu thuyết Mảnh vụn chiến tranh (1994), Không thành người lớn (1995), Cõi người (2004), Truyền thuyết sông Thu Bồn (2008) khẳng định cây bút tiểu thuyết Từ Nguyên Tĩnh sừng sững trong nền văn xuôi Việt Nam hiện đại.

Mảnh vụn chiến tranh chủ yếu viết về những người lính pháo binh đã hàng ngàn ngày đêm kiên cường chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng, cây cầu huyết mạch trong những năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Là người lính của Đại đội 4 Anh hùng, nhà văn Từ Nguyên Tĩnh đã viết với tất cả tình yêu đồng đội, tình quân dân thắm thiết nghĩa tình trên mảnh đất Hàm Rồng - Nam Ngạn đầy khốc liệt và hào hùng.

Cũng viết về chiến tranh, Truyền thuyết sông Thu Bồn lại được Từ Nguyên Tĩnh nung nấu từ cảm hứng về thành tích chiến đấu của Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn Thanh Hóa chi viện cho chiến trường Quảng Nam kết nghĩa, dọc con sông Thu Bồn, mùa xuân 1968. Hai mươi ba năm, từ lúc manh nha, ấp ủ đến khi tác phẩm được ra đời (1985 - 2008), Từ Nguyên Tĩnh đã có hai chuyến đi vào tỉnh Quảng Nam và Đà Lạt để tìm hiểu nhân chứng, để tìm ra lối viết cho cuốn tiểu thuyết đầy duyên nợ này. Chuyện như “mò kim đáy bể”! Nếu không có niềm đam mê, không có niềm tin yêu, không có trí tưởng tượng phong phú, không có một thái độ làm việc nghiêm túc...thì không thể có một Truyền thuyết sông Thu Bồn vừa hiện thực vừa lãng mạn, bay bổng và hấp dẫn cả người trong cuộc chiến cùng các thế hệ sinh ra sau chiến tranh.

Tiểu thuyết Không thành người lớn và Cõi người là chuyện của làng quê, là kí ức về một dòng họ, một gia đình giữa cuộc sống đời thường. Sức hấp dẫn của lối viết giản dị, thể hiện tâm hồn và tính cách của những người dân quê qua các thời kì, mỏng mảnh, đáng yêu và cũng rất thân thương. Thông điệp mà Từ Nguyên Tĩnh muốn gửi đến độc giả là: Con người ta nếu không có giáo dục và không được giáo dục đến nơi đến chốn; nếu không biết trân trọng truyền thống gia đình, dòng họ, quê hương thì không thể trưởng thành...

Từ Nguyên Tĩnh còn có một gia tài về thơ và trường ca. Hình như ông làm thơ để giảm tải và giải tỏa bớt cho văn xuôi. Ông chủ yếu làm thơ tự do. Thơ ông cứ như kể, mỗi bài thơ là một câu chuyện nhỏ. Ông thoải mái giãi bày, tưng tửng để rồi bất ngờ với những câu thơ xuất thần, giàu triết luận:

“...Nước mắt tiễn đưa thành thung lũng

Chuyện còn đọng lại chốn nhân gian.”

(Làm người Thanh Hóa đi em)

“...Sau trận bom không gian yên tĩnh quá

Hố bom trơ nhìn như trăm ngàn con mắt mở.”

(Trên bãi bom B52)

Với những sáng tác của Từ Nguyên Tĩnh, chúng ta dễ nhận ra hai mảng đề tài lớn mà ông đặc biệt quan tâm là đề tài chiến tranh và nông thôn. Ở đề tài nào ông cũng thành công cả về nội dung và phương thức biểu đạt. Mười năm là lính (1965 - 1975) đã cho ông vốn sống và cái nhìn đúng đắn về cuộc chiến. Mười một năm tham gia quản lí văn nghệ (1997 - 2008). Năm mươi lăm năm cầm bút (ông viết báo từ năm 1965). Tất cả đã tạo nên một Từ Nguyên Tĩnh lừng lững trong làng văn nghệ xứ Thanh, và một vị trí xứng đáng trong nền văn học Việt Nam hiện đại.

Thiết nghĩ, gia tài văn chương của Từ Nguyên Tĩnh cần phải được quan tâm để khai thác và phát huy những giá trị trong đời sống cộng đồng mà trước hết là xứ Thanh chúng ta. Nên chăng, Hội VHNT Thanh Hóa phối hợp với Trường Đại học Hồng Đức có thể tổ chức một hội thảo về Từ Nguyên Tĩnh - đời lính, đời văn!

Lê Xuân Soan


Lê Xuân Soan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]