(vhds.baothanhhoa.vn) - Hơn 40 năm làm thơ, phần lớn thơ anh gắn với địa danh miền quê Thanh Hóa, nhiều bài thơ, câu thơ của Huy Trụ(*) có sức sống trong tâm hồn người đọc. Thơ Huy Trụ đắm trong tình quê với rặng tre, tiếng sáo, dòng sông, trong tình mẹ cha, anh em, bè bạn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thơ tình Huy Trụ

Hơn 40 năm làm thơ, phần lớn thơ anh gắn với địa danh miền quê Thanh Hóa, nhiều bài thơ, câu thơ của Huy Trụ(*) có sức sống trong tâm hồn người đọc. Thơ Huy Trụ đắm trong tình quê với rặng tre, tiếng sáo, dòng sông, trong tình mẹ cha, anh em, bè bạn.

Những đề tài bình dị, bình thường, muôn thuở ấy, nhưng cứ sáng lên trong cảm xúc, khơi gợi, thăng hoa thành những bài thơ đẹp, tứ thơ lạ như các bài thơ: Sông Mã, Cây rau ấy, cây sáo trúc, Cỏ giao mùa, Ngôi chùa... Nhưng chiếm nhiều trong thơ Huy Trụ là thơ tình với Người em yêu thương. Ngay các tên tập thơ của anh cũng thấm đượm chất trữ tình đời tư ấy: Nếu em không đến (1989), Lời của gió (1993), Gom nhặt mà yêu (2003), để rồi bày tỏ Miền riêng tôi (1998), tất cả như một sự khát khao giãi bày chia sẻ.

Làm thơ tình tưởng như dễ dàng nhưng đâu phải vậy. Bởi không chỉ là lời giãi bày của riêng mình, cho mình mà phải theo quy luật chung của thơ là tiếng chim gọi bầy, đi tìm đến những tâm hồn đồng điệu, rung lên triệu triệu trái tim con người đã yêu và đang yêu. Nhà thơ phải thể hiện cách cảm, cách nghĩ, cách nói, phương thức biểu hiện riêng, chứ không thể theo mòn vết xe cũ. Tìm đến thơ Huy Trụ là tìm đến những nét riêng ấy.

Ở Huy Trụ, bộc bạch cảm xúc trước đối tượng trữ tình thường sửng sốt, choáng ngợp đến ngỡ ngàng như chàng trai trong ca dao phát hiện vẻ đẹp của nụ tầm xuân. Có khi là cô gái thường ngày, bỗng một hôm: Sao hôm nay em đẹp thế, gặp cô gái trong điểm giao thời thu sang đông tới anh cũng bồi hồi: Em đẹp quá để ta thành ngơ ngẩn - Cúc mùa thu vàng tím cả sang đông (Thơ hai câu), hay một cô gái mơn mởn đi ngang tết, bất ngờ làm thi sĩ sửng sốt: Tuổi em mơn mởn đi ngang tết/ Ta hóa cây si, nứt ngược chồi...(Em đến)

Từ đó, đối tượng trữ tình hiện lên trong hồn thi sĩ với những đường nét tượng hình. Đó là vẻ đẹp của cô gái quê Bước mềm trong hương lúa - Áo đôi tà khép mở - Ngọn gió đồng lả lơi (Gió đồng). Là vẻ đẹp của cô gái với anh thương binh nơi chiến địa núi Rồng Sông Mã: Tóc em xòa trước ngực nở nang/ Tóc em khét hơi bom/ Cánh tay anh bật máu/ Em xé tung vạt áo/ Vạt áo em thoảng hương đầm sen (Một tình yêu)

Sau này trong thơ Huy Trụ, hình ảnh đối tượng yêu thương hiện lên vẻ đẹp trần thế gợi cảm xúc với bờ vai, làn da, làn môi, mái tóc đưa đối tượng yêu thương trở nên gần gũi, ngây ngất hòa trong vẻ đẹp thiên nhiên: Ào xuống nước thả vai trần em tắm/ Ngọc trai nào sánh nổi thịt da em (Ngẫu hứng Sầm Sơn); Thả bao nhiêu gió vào trong tóc/ Mà mềm mượt thế, suối tiên sa (Giá em)

Và nụ hôn ban đầu thật cháy bỏng như sự hòa hợp của trời đất: Níu trời với đất gặp nhau/ Nụ hôn cháy... bật... cánh đào ngẩn ngơ... (Lý giải)

Có lẽ chưa ai thể hiện nụ hôn đầu đời mãnh liệt đến thế và theo quy luật của muôn đời “người đẹp không phải là người đẹp nhất mà người yêu mới là người đẹp nhất” trong thơ Huy Trụ, nhân vật trữ tình lý tưởng hóa đối tượng yêu thương đến tuyệt vời: Trước em, bông hoa tàn đi một cánh/ Trước em, tia nắng lụi đi một đầu/ Trước em, thơ anh thừa ra một câu/ Lấp mãi, không đầy khoảng trống. (Trước em)

Là tình yêu chân thật tất phải khắc khoải chờ mong, có dỗi giận hờn ghen, có bâng khuâng lưu luyến với những nỗi niềm sâu kín và tinh tế. Cũng như các nhà thơ tình Việt Nam, Huy Trụ len lỏi vào thế giới diệu huyền, khám phá các cung bậc của tình yêu để có những câu thơ tình ấn tượng mang nét riêng của Huy Trụ. Là tâm trạng quạnh quẽ trống vắng: Chiều rồi sao cứ lặng thinh/ Buồn như táo rụng sân đình vắng nhau (Gửi người dưng)

Là vời vợi ngóng trông: Nhớ thương sao chẳng có mùa/ Cứ hun hút quãng đường trưa một mình (Một lần)

Là sự ngu ngơ vượt ra khỏi lý trí: Anh về đổ nắng ra phơi/ Đổ mưa ra đếm, đổ trời ra đong/ Đổ bao vướng vít vào lòng/ Vẫn không lấp được khoảng mong một người (Ngẫu hứng)

Huy Trụ tài hoa sử dụng thành công thể thơ lục bát làm phương thức biểu hiện tình yêu mượt mà, đằm thắm, mênh mang. Có lúc phảng phất âm điệu thơ Nguyễn Bính. Nhưng giọng điệu thơ lục bát trong Nguyễn Bính là giọng miêu tả, kể lể (Người hàng xóm, Lỡ bước sang ngang), còn thơ tình Huy Trụ đượm màu phân bua để thuyết phục đối tượng yêu thương: Em đừng nghĩ chuyện cô đơn/ Tình yêu đâu phải gió vờn trong mây (Bầu rượu thiên nhiên) ; Tơ trời em có biết không / Nếu không vướng...chẳng ai cần cho ai (Tơ trời)

Có khi anh chặt nhịp câu thơ lục bát để biểu hiện nỗi lòng khắc khoải: Nữa là - Anh đến với em - Có đằm thắm - Có hờn ghen - Dại khờ - Cái hôn tìm - Cả trong mơ - Thì em - Đừng bắt anh chờ - Nữa em (Nếu em không đến). Có khi anh chuyển câu thơ lục bát thành câu thơ bậc thang tạo cảm giác mênh mang, lành lạnh, thổn thức mưa rơi:

Tiếng mưa

đứt

nối

thành lời

Lời quên

bỏ giữa

một trời

không em

(Không đề)

Màu xanh và màu tím mang tính biểu tượng hy vọng và thủy chung thường hòa sắc trong thơ để anh giãi bày “Cái mình yêu, yêu mới lâu” và sẵn sàng dâng hiến hết mình “rút ruột mà yêu đến trắng tay”, “đào huyệt chôn mình mà yêu”, để tìm ra giá trị của tình yêu chắp cánh, chở che ấm áp trong đời: Cuộc đời anh có bước mưa bước nắng/ Em đi cùng trời đất bỗng quang hơn (Bài thơ tâm sự); Sau bao chìm lấp nổi nênh/ Sóng xô bạc mặt, thác vênh lòng thuyền/ Chỉ còn trong vạt áo em/ Để tôi tìm lại một miền riêng tôi (Miền riêng tôi).

Tình yêu cũng lại là chứa an ân tình chân thành trong nghĩa vợ chồng trải qua năm tháng: Tóc em, này sợi mưa dầm/ Sợi khô khét nắng, sợi cầm như sương/ Nuôi anh đi nát con đường/ Câu thơ chắt giữa đêm sương một mình (Cuối ngày).

Vẻ đẹp thơ tình yêu của Huy Trụ vươn tới đạo lý và nhân cách cho nên tình yêu trở nên vĩnh hằng, vượt qua thử thách thời gian, mãi mãi tươi non, dâng trào hạnh phúc: Anh vẫn thấy mình như thuở đương trai/ Vẫn thấy em như thời thanh tân óng ả/ Ba gian nhà đầy tiếng chim, tiếng lá/ Và những nụ đào e ấp nở tan sương. (Bài thơ tâm sự)

Trong dòng cảm hứng của anh về thơ trữ tình thế sự, trăn trở với nỗi buồn đau nhân tình và những nghịch lý đời thường, thơ tình của Huy Trụ như niềm giao cảm, khoảng sáng đẹp thiết tha êm đềm lung linh, là điểm tựa để anh vươn xa vào cuộc sống và cảm hứng nghệ thuật. Thơ tình Huy Trụ đã tạo ra biểu hiện riêng, góp phần vào kho tàng thơ ca tình yêu, tiếng nói có bản sắc. Tất nhiên thơ Huy Trụ vẫn thuộc loại thơ truyền cảm, cần khám phá mở rộng lối thơ gợi cảm giác để khám phá, phát hiện, biểu hiện tinh tế hơn. Chỗ đứng của nhà thơ thực thụ là sự tung phá đa dạng, đa chiều, đa phong cách.

Quốc Tuấn


Quốc Tuấn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]