(vhds.baothanhhoa.vn) - Xứ Thanh, cái nôi sản sinh những “tượng đài” văn chương nổi danh cả nước qua nhiều giai đoạn. Song thực tế, càng về sau này, sự “khan hiếm” các cây bút trẻ xuất hiện trên văn đàn khiến nhiều người không khỏi bận lòng trăn trở.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Văn đàn xứ Thanh và câu chuyện tìm kiếm cây viết trẻ chất lượng

Xứ Thanh, cái nôi sản sinh những “tượng đài” văn chương nổi danh cả nước qua nhiều giai đoạn. Song thực tế, càng về sau này, sự “khan hiếm” các cây bút trẻ xuất hiện trên văn đàn khiến nhiều người không khỏi bận lòng trăn trở.

Sự tiếp nối và mối lo... đứt quãng

Năm 2017, Thanh Hóa có ba tác giả đạt giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật. Đây không phải lần đầu tiên các tác giả Thanh Hóa được vinh danh vì những đóng góp cho nền văn chương, văn hóa nước nhà. Trước đó, đã có những cái tên mà chỉ nhắc đến thôi đã định vị trong lòng công chúng yêu văn chương cả nước. Một Hữu Loan lãng mạn mà chân tình với Màu tím hoa sim, hay Hồng Nguyên với Nhớ... đã làm nên những tiếng thơ, giọng văn ghi dấu ấn. Trở thành “tượng đài” trong lòng công chúng yêu văn chương nói chung và niềm tự hào của người dân xứ Thanh nói riêng.

Tiếp nối truyền thống đó, sau đổi mới là sự xuất hiện của những cây bút trẻ hơn, gắn liền với các tác phẩm về đất và người, công cuộc xây dựng, phát triển quê hương xứ Thanh: Kiều Vượng, Hoàng Anh Nhân, Vương Anh, Nguyễn Văn Đệ, Từ Nguyên Tĩnh, Cẩm Hương, Văn Đắc, Nguyễn Minh Khiêm, Cẩm Anh, Huy Trụ, Viên Lan Anh, Lâm Bằng... Những tác giả thế hệ U50, 60, 70 và đầu 80 được phát hiện, quy tụ, phát triển làm nên sự đa dạng, đa giọng điệu, hơi thở, mầu sắc của văn đàn xứ Thanh. Đó thực sự là điều đáng mừng. Nhưng cùng với đó, lại báo hiệu những mối lo.

Khi mà những cây viết trẻ nhất đã chạm ngưỡng tuổi 40 thì sự xuất hiện của những tác giả trẻ hơn: thế hệ 8x ít dần, 9x và đầu 2000 thì gần như vắng bóng. Và nhiều nhà văn làm nghề, luôn dõi theo sự phát triển của văn học tỉnh nhà cho rằng sự tiếp nối bao năm qua đang thực sự bị “đứt quãng”. Khi những tác giả tên tuổi đang dần chạm ngưỡng “thất thập cổ lai hy” ở tuổi đời và đạt độ chín nhất định về tuổi nghề thì yêu cầu về sự xuất hiện, tiếp nối những cây viết trẻ là điều cần thiết.

Những tác giả trẻ, họ có thể còn non nớt trong kinh nghiệm, lối viết nhưng cảm xúc chính là lợi thế. Cùng một vấn đề nhưng người trẻ có cái nhìn, cách cảm khác và điều đó chi phối đến sự mới lạ trong giọng điệu, hơi thở văn chương. Và đó chính là điều mà mỗi văn đàn đều đang khao khát tìm kiếm để tồn tại và phát triển.

Lãnh đạo tỉnh trao thưởng cho các tác giả đạt Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2017.

Nhà văn Viên Lan Anh, Trưởng Chi hội nhà văn Việt Nam tại Thanh Hóa chia sẻ: “Ở thời điểm hiện tại, Thanh Hóa có 75 cây viết là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Nhưng thực tế đang bám trụ, sống và làm việc tại quê hương Thanh Hóa thì chỉ có 16 người. Đây thực sự là lực lượng nòng cốt với những sáng tác văn học nghệ thuật phục vụ trực tiếp cho sự phát triển của tỉnh nhà. Con số đó là không nhiều nhưng thực tế chỉ khoảng 30% trong số đó là sống được bằng nghề. Còn lại, hoặc xem văn chương là niềm đam mê tay trái, hoặc nhiều người tìm cho mình những ngã rẽ mưu sinh, để thi thoảng nhớ nghề cũng có một vài tác phẩm đăng đàn, tuy nhiên những sáng tác của họ không thường xuyên liên tục. Nói vậy để phần nào hiểu thêm về sự “khắc nghiệt” của nghề viết và nguyên do cho sự thiếu vắng các cây viết trẻ tài năng”.

Cần thêm sân chơi để tìm kiếm cây viết trẻ

Những năm 2000, văn đàn xứ Thanh chứng kiến sự vụt sáng của cây viết trẻ Giáng Tiên với nhiều cảm xúc và giọng văn tràn trề năng lượng tuổi trẻ thông qua các cuộc thi viết truyện ngắn được tổ chức. Cô được kỳ vọng về một thế hệ cây viết mới. Tuy nhiên sau đó, sự lặng lẽ rời khỏi văn đàn tỉnh nhà của cô đã khiến không ít người tiếc nuối xen lẫn xót xa.

Người đọc dễ dàng nhận thấy diện tích đất dành cho các sáng tác văn chương trên các báo, tạp chí cũng dần bị thu hẹp và vắng bóng để nhường phần cho những vấn đề xã hội nóng hổi hơn. Cùng với đó là sự vắng bóng của các cuộc thi viết truyện ngắn, sáng tác nhằm kiếm tìm tài năng, cây viết trẻ trên địa bàn tỉnh. Năm 1998, đời sống văn chương xứ Thanh thực sự sôi động với cuộc thi “Sáng tác văn học tuổi học trò (1998 - 2000) trên Tạp chí xứ Thanh. Sau 25 tháng phát động và tổ chức, BTC cuộc thi đã nhận được hơn 2.100 tác phẩm (văn xuôi, thơ) của 667 tác giả dự thi. Trong đó, THCS có 224 em và THPT 423 em với những cái tên thực sự ấn tượng: Hoàng Cẩm Giang; Nguyễn Thị Minh Diễn; Nguyễn Giáng Tiên... Điểm qua một vài con số ấn tượng như vậy để thấy được sự hấp dẫn và sự lan tỏa của một cuộc thi văn chương trên địa bàn tỉnh. Gây được tiếng vang là vậy song đáng tiếc, cuộc thi không thể duy trì đều đặn và dần đứt quãng. Và cũng theo đó thì cơ hội dành cho các cây viết trẻ (lứa tuổi học trò) có cơ hội thử sức, thể hiện tài năng, sở thích cá nhân cũng không còn. Như vậy, đã có không ít tài năng văn chương thực sự bị bỏ qua đầy đáng tiếc.

Tháng 1/2018, Tạp chí Văn nghệ xứ Thanh lần đầu tổ chức cuộc thi Sáng tác trẻ năm 2018. Đối tượng dự thi mà cuộc thi hướng đến là những tác giả trong độ tuổi 16 - 40 tuổi. Dù mới đi qua hơn nửa chặng đường (cuộc thi kết thúc nhận bài tham dự vào ngày 31/11) nhưng tính đến thời điểm hiện tại, BTC đã nhận được trên 500 tác phẩm (thơ, văn xuôi) của các tác giả trên cả nước và hơn 55% trong số đó là của các tác giả trong tỉnh. Trong đó có hơn 100 tác phẩm chất lượng đã được chọn, in.

Đánh giá về chất lượng tác phẩm dự thi đến thời điểm hiện tại, nhà văn Thy Lan, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ xứ Thanh cho biết: “Bên cạnh các cây viết đã quen thì cuộc thi cũng nhận được rất nhiều các tác phẩm của các tác giả lần đầu đến với văn đàn. Với những cây viết mới đó thì người đọc sẽ nhìn thấy một chút non nớt trong câu chữ, vụng về trong cấu trúc... song sự dạt dào cảm xúc và mới lạ giọng điệu với hơi thở cuộc sống mới nhiều góc cạnh, cách cảm hiện đại, độ rung ngân về cảm xúc đã được nhiều tác giả trẻ khẳng định.

Với quan điểm của mình nhà văn Viên Lan Anh cho rằng, nói về việc tìm kiếm cây viết trẻ chất lượng cho văn đàn xứ Thanh thì các trường học (THCS, THPT, Đại học) chính là “mỏ quặng” quý giá mà ở đấy có không ít viên ngọc sáng. Muốn những viên ngọc được phát lộ thì tổ chức các cuộc thi viết chất lượng, chuyên nghiệp là điều cần thiết. Đi cùng với đó là tạo môi trường cho các em cọ sát, thể hiện mình. Để từ đây, những cây viết thực sự tài năng sẽ được phát hiện, bồi dưỡng... Muốn làm được điều đó, cần thiết có sự đồng thuận, vào cuộc, đầu tư của các cấp ngành, cơ quan chuyên môn. Và muốn làm được việc đó thì phải có sự thay đổi trong sự nhìn nhận về vị thế của văn chương trong đời sống hiện đại.

Lại nghĩ, khi văn chương chỉ là nghề tay trái hoặc người ta tìm đến với văn chương như một sự trút bỏ cảm xúc thì lẽ dĩ nhiên, hi vọng vào những tác phẩm dài hơi, chất lượng và những cây viết tâm huyết là điều không dễ.

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]