(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngay sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 3, ngày 25-11-2021, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Thanh Hóa đã tổ chức Hội thảo "Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị”. Từ đây đặt ra vấn đề làm thế nào để có một đội ngũ tinh nhuệ, trí thức thay vì chỉ là lực lượng phong trào.

Văn nghệ sĩ xứ Thanh và trách nhiệm sáng tạo

Ngay sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 3, ngày 25-11-2021, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Thanh Hóa đã tổ chức Hội thảo "Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị”. Từ đây đặt ra vấn đề làm thế nào để có một đội ngũ tinh nhuệ, trí thức thay vì chỉ là lực lượng phong trào.

Văn nghệ sĩ xứ Thanh và trách nhiệm sáng tạoHội thảo “Bảo tồn phát huy giá trị văn nghệ dân gian Thanh Hóa trong thời kỳ hội nhập, phát triển nhanh và bền vững” - một trong những hoạt động chuyên môn thành công của Hội VHNT Thanh Hóa.

Với 480 hội viên hoạt động ở 11 chuyên ngành, Thanh Hóa là tỉnh có lực lượng hội viên thuộc top đầu cả nước. Chính văn nghệ sĩ là nguồn lực góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa xứ Thanh một cách trực tiếp nhất, mạnh mẽ nhất và cũng hiệu quả nhất. Tuy vậy, thẳng thắn nhìn nhận sẽ nhận thấy đang có sự đứt gãy về lực lượng. Nhà văn Ngân Hằng, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Xứ Thanh, cho biết: “Một sự thật nghiệt ngã rằng, lực lượng cây bút trẻ ở mảng văn xuôi rất mỏng. Ngoài 2 cái tên khá mới như Quỳnh Thơm, An Thư, thì Thanh Hóa đang rơi vào tình trạng “lão hóa” người viết văn xuôi”. Hiện nay ban Văn xuôi có 33 nhà văn tham gia, trong đó độ tuổi dưới 40 là 3 người, số còn lại đều đã quá cao tuổi. Nếu không vì COVID-19, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ Toàn quốc lần thứ X (dự kiến tháng 12-2021, tại TP Đà Nẵng). Xét theo yêu cầu, Thanh Hóa chỉ đề cử được 4 cái tên đảm bảo về tuổi đời dưới 35 và sung sức trong sáng tác (gồm cả văn xuôi và lý luận, phê bình), là quá mỏng, quá ít.

Riêng thể loại thơ, không thiếu những cây viết trẻ, nhưng vấn đề đáng nói lại là chất lượng. Nhà thơ Lâm Bằng, Trưởng ban Thơ, Hội VHNT Thanh Hóa, cho biết: “Làm thế nào để phân biệt được vàng thau cũng là một thách thức. Những đợt kết nạp hội viên trước đây đã gây không ít ì xèo, vì tiêu chí được hạ thấp do đó đã hạ thấp chất lượng hội viên, khiến đội ngũ đông mà không mạnh. Nhìn đúng người, vun chăm đúng tài năng… thì lực lượng mạnh. Dễ dãi, lơi lỏng hoặc nhầm lẫn… dễ khiến cho môi trường văn học vốn cao khiết bị tạp nham hóa”.

Ngoài việc xây dựng lực lượng, để tìm kiếm những tác phẩm hay, ngồn ngộn chất liệu đời sống, hàng năm, Hội VHNT thường tổ chức hỗ trợ sáng tác, những chuyến đi thực tế, những trại viết... Điều này không chỉ bồi đắp thêm tình yêu, niềm tự hào với quê hương mà còn chắp cánh cho cảm hứng sáng tạo thăng hoa. Kết quả thu được qua gần một nhiệm kỳ là sự ra đời của trên 10.000 tác phẩm ở tất cả các loại hình nghệ thuật. Riêng trong năm 2021 có 33 tác phẩm được hỗ trợ sáng tác. Tuy vậy, để nói chất lượng tác phẩm đã đáp ứng mong mỏi của lãnh đạo hội chưa? Nhà Lý luận phê bình Thy Lan, Phó Chủ tịch Hội VHNT, Tổng Biên tập Tạp chí Xứ Thanh, cho biết: “Có thể kết quả của những chuyến đi thực tế chưa đáp ứng được mong mỏi của văn nghệ sĩ và lãnh đạo hội, do kinh phí eo hẹp, thời gian ít, lại thêm các hội viên chủ yếu hoạt động chính ở các cơ quan, đơn vị khác... Tôi nghĩ rằng, bản thân mỗi hội viên phải có trách nhiệm với mình, với các hoạt động của hội. Không thể đòi hỏi kết quả ngay và luôn, bởi sáng tác cần có độ đằm, độ sâu, độ lắng của thời gian”.

Để tạo cơ chế chính sách thuận lợi cho VHNT phát triển, khuyến khích văn nghệ sĩ trong việc khẳng định cái mới, cái tích cực và phê phán cái tiêu cực cản trở sự phát triển của xã hội, tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt và ban hành quy chế Giải thưởng VHNT 5 năm cho các tác phẩm viết về quê hương Thanh Hóa. Nếu giải A, giải thưởng hàng năm có giá trị 10 triệu đồng thì giải đặc biệt Giải thưởng 5 năm là 100 triệu đồng. Đây chắc chắn là liều thuốc kích thích sự sáng tạo lao động nghệ thuật của văn nghệ sĩ. Giải thưởng lớn đương nhiên đi kèm với đòi hỏi chất lượng cao, trách nhiệm khai phá cái mới. Năm 2022 sẽ trao giải thưởng Giải 5 năm lần thứ Nhất cho các tác phẩm sáng tác từ năm 2016 đến 2020. Chia sẻ về vấn đề này, theo ông Phạm Duy Phương, Chủ tịch Hội VHNT Thanh Hóa: “Muốn xây dựng một Thanh Hóa giàu đẹp, một cực tăng trưởng mới trong thời kỳ đất nước phát triển, hội nhập sâu rộng cần phải được xây trên nền tảng văn hóa nhân văn. Vì vậy, những nhà làm văn hóa, văn nghệ sĩ không thể đứng ngoài công cuộc cách mạng mới của đất nước nói chung, tỉnh nhà nói riêng. Xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cần phải kết hợp sáng tạo và hài hòa yếu tố dân tộc, truyền thống với yếu tố thời đại. Nền văn hóa ấy không chỉ là đối tượng để thưởng thức mà phải trở thành phương tiện giáo dục, xây dựng nên thang giá trị với những chuẩn mực đạo đức mới phù hợp với xã hội và thời đại, song phải luôn chứa đựng yếu tố cốt lõi nhân văn. Trách nhiệm ấy thật nặng nề song cũng thật vinh dự đối với văn nghệ sĩ”.

Năm 2021 vừa tổng kết chặng đường hoạt động của nhiệm kỳ 2017-2022, vừa để chuẩn bị cho Đại hội Hội VHNT Thanh Hóa lần thứ X, nhiệm kỳ 2022-2027. “Thanh Hóa kỷ thắng”, vùng đất này đã hiện diện cùng với lịch sử hình thành đất nước, Thanh Hóa là một “xứ”, không chỉ đẹp “muôn hình muôn vẻ” mà còn có vị trí cốt yếu, “là nơi căn bản của nước Nam”. Nguồn mạch ấy là vỉa quặng văn hóa quý hiếm và phong phú, nhưng cũng là trách nhiệm đòi hỏi văn nghệ sĩ khai phá.

Bài và ảnh: Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]