(vhds.baothanhhoa.vn) - Những năm qua, để giữ gìn và phát huy hơn nữa bản sắc văn hóa của dân tộc mình, huyện Quan Hóa đã có những cách làm rất hay, trong đó phải kể đến việc duy trì và không ngừng phát huy lợi thế của ”vùng đất hát, vùng đất múa”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vùng đất hát, vùng đất múa

Những năm qua, để giữ gìn và phát huy hơn nữa bản sắc văn hóa của dân tộc mình, huyện Quan Hóa đã có những cách làm rất hay, trong đó phải kể đến việc duy trì và không ngừng phát huy lợi thế của ”vùng đất hát, vùng đất múa”.

Theo lãnh đạo Phòng Văn hóa huyện Quan Hóa chia sẻ: Để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thời gian qua huyện Quan Hóa không ngừng đẩy mạnh phong trào văn nghệ quần chúng, đặc biệt trên địa bàn huyện còn có 2 xã được mệnh danh là “vùng đất hát, vùng đất múa”, bởi vậy huyện luôn coi đó là cơ sở để giữ gìn bản sắc văn hóa. Để làm được điều đó, phòng văn hóa huyện phối hợp với Trung tâm văn hóa mở lớp tập huấn cho các hạt nhân văn nghệ tiêu biểu của các bản, làng; phân công cán bộ chuyên môn xuống cơ sở, hướng dẫn cách dàn dựng chương trình, nâng cao kỹ năng biểu diễn. Nhờ vậy, trong các hội thi gần đây, chất lượng nghệ thuật của các đội văn nghệ được nâng lên rõ rệt, nhiều tiết mục đã khai thác được vốn văn nghệ truyền thống của các dân tộc trên địa bàn.

Nếu như trước đây, phong trào văn nghệ quần chúng trên địa bàn huyện mới chỉ dừng lại ở những người đam mê thì nay phong trào này đã lan rộng ra ở hầu khắp các bản, làng. Tình yêu văn nghệ cùng với niềm say mê, ca hát, thích được biểu diễn trên sân khấu dường như đã ngấm vào máu của người dân nơi đây. Có lẽ, cũng vì thế mà ở khắp các bản, làng nơi đâu bà con cũng thành lập cho mình những đội văn nghệ riêng. Trẻ có, già có, người nào cũng có những vai diễn phù hợp với mình, còn sân khấu biểu diễn thì có thể ở bất kỳ đâu có khi là sân vận động lớn, hay hội trường của xã, có khi là nhà văn hóa, khi thì lại là một bãi đất rộng thậm chí ngay ở nhà dân... Chị Cao Thị Hoa, thành viên đội văn nghệ ở bản Bút, xã Nam Xuân, chia sẻ: hằng tháng, chị và một số chị em trong thôn đều tập trung cùng nhau sinh hoạt văn hóa, văn nghệ. Đội thường tập luyện các tiết mục hát khặp Thái, khua luống... Từ ngày bản thành lập đội văn nghệ đến nay không chỉ có thanh niên nam, nữ trong bản mà còn có rất nhiều những người đã có gia đình và cả những người già ở các bản khác cũng thường xuyên đến xem luyện tập, biểu diễn. Những buổi sinh hoạt đó không chỉ thắt chặt thêm tình đoàn kết xóm giềng, mà còn đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa và nâng cao đời sống tinh thần của bà con trong bản.

“Vùng đất hát, vùng đất múa” ở Quan Hóa góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa.

Cứ chiều chiều sau những ngày lao động vất vả, bà con ở các thôn, bản xã Nam Xuân, lại quây quần bên nhau ở nhà văn hóa thôn để cùng nhau thưởng thức những giọng ca, tiếng hát bằng các tiết mục do mình tự biên, tự diễn. Xã có 6 bản thì có 6 đội văn nghệ, mạnh nhất phải kể đến đội văn nghệ phụ nữ bản Bút, đội khua luống ở bản Nam Tân... Hầu hết các đội văn nghệ trong xã đều hoạt động theo phương thức xã hội hóa mọi người tự đóng góp kinh phí để mua sắm nhạc cụ cũng như các trang phục biểu diễn. Xác định được tầm quan trọng của văn nghệ quần chúng đối với việc nâng cao đời sống tinh thần cho người dân địa phương, những năm qua cấp ủy, chính quyền và các ngành đoàn thể của xã luôn dành sự quan tâm đặc biệt để phát triển phong trào này. Để khuyến khích các đội văn nghệ phát huy hiệu quả, hàng năm xã thường xuyên tổ chức các cuộc thi, hội diễn văn nghệ giữa các bản, làng, cơ quan, đơn vị với nhau. Thông qua đó, tạo cơ hội cho các đội văn nghệ giao lưu, học hỏi lẫn nhau và phát hiện những hạt nhân làm nòng cốt cho phong trào văn nghệ của địa phương.

Xã Phú Nghiêm nổi danh là “vùng đất múa” bởi nơi đây vốn nổi tiếng với các làn điệu dân ca dân vũ, các điệu múa khăn piêu, điệu xòe, nhảy sạp, khua luống... Cả 4 đội văn nghệ trong xã đều hoạt động rất tích cực, không chỉ biểu diễn phục vụ bà con trong xã, trong làng, hàng năm các đội còn đi giao lưu, biểu diễn trong và ngoài huyện. Tham gia đội văn nghệ thường là những hạt nhân cơ sở, trong đó có những người cao tuổi, già làng, trưởng bản... am hiểu về bản sắc văn hóa dân tộc mình. Cũng từ đó, nhiều điệu múa truyền thống hay những bài dân ca mà đội văn nghệ không biết đã được những người cao tuổi dạy lại. Là người thường xuyên tham gia hoạt động văn nghệ của bản và cũng từng đi biểu diễn văn nghệ rất nhiều lần cho xã, huyện, bà Phạm Thị Thu, bản Vinh Quang cho biết: Hầu hết thành viên trong các đội văn nghệ là nông dân, chất lượng biểu diễn có thể chưa hay, nhưng được cái là có tính phong trào. Khi nào cần thì chúng tôi sẵn lòng phục vụ hết mình, miễn sao tạo được không khí vui vẻ để bà con có khí thế hăng say lao động sản xuất.

Hoạt động của các đội văn nghệ, câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ trên địa bàn huyện không chỉ làm phong phú đời sống tinh thần của người dân, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị ở địa phương mà còn là nơi truyền thụ những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc cho thế hệ trẻ. Những tiết mục tuy mộc mạc, giản dị mà bà con ở các thôn, bản biểu diễn, làm cho mọi người xích lại gần nhau hơn. Hy vọng rằng, với niềm say mê và yêu thích của mình, các đội văn nghệ quần chúng vànhất là “vùng đất hát, vùng đất múa” trên địa bàn huyện sẽ tiếp tục truyền lửa cho các thế hệ sau, để phong trào văn nghệ quần chúng ở cơ sở phát triển mạnh mẽ hơn nữa, kế thừa và làm sống động các giá trị văn hoá của dân tộc, nâng cao tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư, góp phần đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại địa phương.

Nguyễn Đạt


Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]