(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngọc Trạo là tên gọi một bản dân tộc Mường, thuộc tổng Trạc Nhật xưa; nay là xã Ngọc Trạo, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Tròn 80 năm trước, nơi đây đã ra đời một Chiến khu du kích độc đáo.

Vang mãi bài ca “công nông binh đoàn kết” của các chiến sĩ Chiến khu du kích Ngọc Trạo

Ngọc Trạo là tên gọi một bản dân tộc Mường, thuộc tổng Trạc Nhật xưa; nay là xã Ngọc Trạo, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Tròn 80 năm trước, nơi đây đã ra đời một Chiến khu du kích độc đáo.

Vang mãi bài ca “công nông binh đoàn kết” của các chiến sĩ Chiến khu du kích Ngọc Trạo

Tượng đài chiến sĩ du kích Ngọc Trạo.

Thực hiện chủ trương của Hội nghị Trung ương Đảng lần VIII (tháng 5-1941) “cần phải ra sức phát triển lực lượng cách mạng và hình thức tổ chức thích hợp, tiến hành xây dựng căn cứ địa” cùng với tinh thần khẩn trương hưởng ứng khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ, tháng 6-1941 Tỉnh ủy Thanh Hóa chủ trương xây dựng và phát triển căn cứ địa cách mạng Ngọc Trạo, nối liền các khu căn cứ Vĩnh Lộc, Hà Trung, Yên Định... với xứ uỷ Bắc kỳ, chuẩn bị lực lượng cho cuộc khởi nghĩa vũ trang sắp tới. Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa chọn Ngọc Trạo làm chiến khu vì nơi đây có vị trí chiến lược tốt, tuy cách xa tỉnh lị, nhưng lại tiếp giáp với nhiều địa bàn khác như Vĩnh Lộc, Hà Trung, Ninh Bình, là nơi “tiến khả dĩ công, thoát khả dĩ thủ” (tiến có thể đánh, lui có thể giữ), địa hình hiểm yếu với nhiều ngọn đồi thoai thoải hình cánh cung, lẫn núi đá và những cánh rừng cấm; đây cũng là nơi từng được Thủ lĩnh Tống Duy Tân mở rộng thành căn cứ nghĩa quân chống Pháp cuối thế kỷ XIX, từ đầu thế kỷ XX đã có nhiều xóm bản rải rác ven thung lũng, trong đó có nhiều cơ sở hội viên cứu quốc và tự vệ quần chúng được xây dựng từ trước, nhân dân hướng theo cách mạng, thuận lợi cho việc thành lập căn cứ địa và phát triển các đội du kích.

Vang mãi bài ca “công nông binh đoàn kết” của các chiến sĩ Chiến khu du kích Ngọc Trạo

Nhà bảo tàng truyền thống chiến khu Ngọc Trạo, tại xã Ngọc Trạo, huyện Thạch Thành

Theo kế hoạch đề ra, tháng 7-1941 Ban lãnh đạo chiến khu Ngọc Trạo chính thức được thành lập (đồng chí Đặng Châu Tuệ - Thường trực Tỉnh uỷ phụ trách chung, đồng chí Trần Tiến Quân và Đặng Văn Hỉ - Tỉnh uỷ viên phụ trách an toàn khu); cơ quan ấn loát của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa được chuyển về đây để chuẩn bị đẩy mạnh tuyên truyền cách mạng. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban lãnh đạo chiến khu, ngày 19-9-1941, tại hang Treo (nay thuộc xã Thành Tâm, huyện Thạch Thành và xã Hà Long, huyện Hà Trung) đội du kích Ngọc Trạo chính thức được thành lập với 21 đội viên, phiên chế thành 3 tiểu đội, do đồng chí Đặng Châu Tuệ làm chỉ huy trưởng. Đây là lực lượng vũ trang thoát ly đầu tiên, tổ chức, biên chế chặt chẽ, mặc quần áo nông dân, có thêm túi dệt, xà cạp xanh; mỗi chiến sĩ đều được trang bị một con dao nhọn, cán bộ được trang bị súng kíp…Tất cả đội viên đều tuyên thệ sẳn sàng hi sinh chiến đấu đến cùng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Cũng trong thời gian này (1940-1941), để cổ vũ động viên tinh thần cho các chiến sĩ Ngọc Trạo, nhạc sĩ Đinh Nhu đã sáng tác bài hát “công nông binh đoàn kết”. Các chiến sĩ coi bài hát này như bài “Đội ca” và từ mờ sáng đã thức dậy hát vang:

Đời ta bấy lâu khổ rồi

Làm sao cứ cam chịu hoài

Thân mình là mình phải cứu

Chớ mong chờ cậy vào ai

Công nông binh đoàn kết

Trên con đường giai cấp đấu tranh

Búa liềm cờ kia dắt chúng ta lên đường đại đồng

Vang mãi bài ca “công nông binh đoàn kết” của các chiến sĩ Chiến khu du kích Ngọc Trạo

Ảnh tư liệu tại Phòng Lý luận Chính trị - Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa

Lời bài hát với khí thế hào hùng đã làm cho các chiến sĩ tin tưởng và phấn chấn hơn đi theo con đường cách mạng. Từ sau khi thành lập, đội du kích không ngừng phát triển quân số, đến đầu tháng 10-1941, đội viên du kích đã tăng lên đến 83 người. Chiến khu du kích Ngọc Trạo được củng cố về thực lực, ngoài Ban lãnh đạo chiến khu còn có Ban chỉ huy du kích và các đội du kích. Lực lượng du kích được phát triển thành 2 trung đội; tổ chức biên chế có 1 tiểu đội súng, 1 tiểu đội dao, 1 tổ đặc vụ và một tổ hậu cần. Việc học tập chính trị, văn hoá và huấn luyện quân sự được khẩn trương tiến hành theo kỉ luật tự giác; việc tăng cường bố phòng cũng được đề ra và thực hiện nghiêm ngặt.

4 giờ sáng 19-10-1941 (tròn 1 tháng sau khi đội du kích chiến khu Ngọc Trạo ra đời), quân Pháp mò vào chiến khu Ngọc Trạo; chúng cho quân đột kích theo ba hướng nhằm nhanh chóng bóp chết lực lượng du kích ở đây và phá tan chiến khu mới tạo dựng này. Nhưng địch không ngờ đã bị nếm trận phản đòn đích đáng: Lực lượng du kích bám chiến khu dù vũ khí còn thô sơ, với quyết tâm chiến đấu đã đánh lui nhiều đợt tiến công của địch, làm thất bại cuộc vây hãm của kẻ thù có quân đông và đầy đủ vũ khí hiện đại. Trận chiến chênh lệch về lực lượng quân sự nhà nghề với đội quân du kích mới thành lập, kéo dài từ sáng sớm đến chiều tối ngày 19-10-1941; kết quả là quân Pháp phải bỏ cuộc, trong khi không biết cách nào mà du kích quân Ngọc Trạo đã bí mật rút lui và bảo toàn lực lượng. Trận mở màn này rõ ràng báo hiệu một quá trình chiến đấu mới của nhân dân xứ Thanh, ngọn lửa từ hang Treo - Ngọc Trạo đã lan tỏa đến các địa bàn khác như Phan Long, Ban Long, Thạch Cừ, Dĩ Chế... đều có các đội tự vệ cứu quốc hoạt động.

Từ đó, đến ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền (tháng 8-1945), du kích và các lực lượng cách mạng từ bàn đạp chiến khu Ngọc Trạo đã hoạt động tác chiến và đấu tranh chính trị kết hợp với vũ trang, cùng nhân dân giương cao ngọn cờ Việt Minh đấu tranh giành tự do độc lập.

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp tái xâm lược (1946-1954), Chiến khu du kích Ngọc Trạo vẫn là chỗ dựa vững chắc của Đảng bộ quân và dân Thanh Hóa phát huy truyền thống đấu tranh anh dũng kiên cường, du kích Ngọc Trạo đã xây dựng phát triển thành lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh, cùng bộ đội chủ lực lập nhiều chiến công trong kháng chiến trường kỳ. Chiến khu Ngọc Trạo cũng là một trong những hậu phương tại chỗ vững chắc của kháng chiến trên địa bàn Khu IV (cũ), góp phần trực tiếp vào thắng lợi Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, nhân dân và lực lượng vũ trang Thạch Thành cũng như toàn tỉnh, tiếp tục phát huy truyền thống bám trụ kiên cường, chiến đấu mưu trí dũng cảm của đất chiến khu Ngọc Trạo xưa, vượt qua nhiều khó khăn gian khổ, xây dựng và bảo vệ hậu phương Thanh Hóa và miền bắc xã hội chủ nghĩa, chống chiến tranh phá hoại của Mỹ với chiến công bắn rơi, bắn cháy nhiều máy bay Mỹ, bắn chìm nhiều tàu chiến, tàu biệt kích Mỹ và tay sai; giữ vững mặt trận giao thông vận tải, tích cực chi viện sức người sức của cho tiền tuyến, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.

Từ sau ngày hòa bình, thống nhất non sông (1975), nhất là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới (1986) đến nay, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã xây dựng Chiến khu du kích Ngọc Trạo thành khu di tích cách mạng Ngọc Trạo, lấy ngày 19 tháng 9 hàng năm làm ngày kỷ niệm truyền thống tại khu di tích chiến khu Ngọc Trạo, làm hành trang lịch sử trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trên quê hương đang chuyển biến ngày càng vững mạnh, có truyền thống tiến công, tinh thần anh dũng, quật khởi của các chiến sĩ chiến khu Ngọc Trạo năm xưa cùng bài ca “công nông binh đoàn kết” đồng hành, tin tưởng rằng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa sẽ thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa “chống dịch như chống giặc”, vừa phát triển kinh tế xã hội để phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, hợp thành cực tăng trưởng mới (cùng Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc); đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2045 trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước như Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.

Vũ Quý Tùng Anh


Vũ Quý Tùng Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]