Vang vọng bản Mường ngày xuân
Khi sắc thắm hoa đào bung nở gọi mùa xuân về - một năm mới đã sang. Trong hân hoan niềm vui đón tết, khắp bản làng người Mường, các phường chúc (phường bùa) lại rộn ràng theo chân nhau “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để âm thanh cồng chiêng vang vọng không gian, cùng những bài hát sắc bùa thấm đẫm ý nghĩa, thay cho lời chúc tốt đẹp mừng năm mới.
Ngày xuân phường bùa mang cồng chiêng đi chúc xóm làng. Ảnh: Bùi Hồng Nhi
Tôi nhớ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Cao Sơn Hải, một người Mường xứ Thanh yêu da diết, tâm huyết với những giá trị văn hóa Mường từng chia sẻ: “Người Mường cổ từ thuở còn ở trong hang động đã biết sáng tạo nên các giá trị văn hóa. Qua thời gian, lớp lớp văn hóa như cây rừng, “chạm” vào đâu người ta cũng “bắt gặp” những triết lý nhân sinh. Văn hóa Mường hiển hiện trong mọi mặt của đời sống. Muốn hiểu về tập tục, văn hóa của người Mường, hãy bắt đầu từ cồng chiêng được người Mường gìn giữ. Cồng chiêng với những âm thanh vọng vang núi rừng, đã gắn bó, phục vụ cho đời sống văn hóa, tinh thần của người Mường. Trở thành vật thiêng".
Bản mường Lập Thắng (làng Lập Thắng, xã Thạch Lập, huyện Ngọc Lặc) bình yên và xinh đẹp như một bức tranh. Lần đầu tiên ghé thăm Lập Thắng, tôi bị hấp dẫn với không gian văn hóa Mường đậm nét và con người chân chất, hồn hậu.
Cô Phạm Thị Oanh, một người Mường ở Lập Thắng dẫn tôi đi thăm bản làng, giới thiệu: “Ở Lập Thắng, “nhịp sống” có vẻ “chậm” nhưng có lẽ bởi thế mà nhiều giá trị văn hóa Mường truyền thống vẫn còn được giữ lại trước những xô bồ. Là nếp nhà sàn, tiếng cồng chiêng... và cả những ứng xử của người Mường với nhau”.
Rồi cô lại tâm tình: “Trong đời sống sinh hoạt, văn hóa của người Mường, từ khi cất tiếng khóc chào đời đến lúc về trời, đều không thể thiếu tiếng cồng chiêng... Hơn cả một loại nhạc cụ, cồng chiêng còn là vật thiêng trong mỗi gia đình, mỗi bản làng. Ở Lập Thắng bây giờ nhiều nhà đã sắm được cồng chiêng. Nhà có điều kiện còn sắm cồng chiêng làm của hồi môn cho con gái về nhà chồng. Khi vui người ta đánh cồng chiêng, lúc gia đình có việc buồn thì tiếng chiêng vang lên như lời thông báo... Người Mường chỉ nghe âm thanh cồng chiêng là đoán định được việc trong làng...”.
Không chỉ riêng người Mường ở Lập Thắng, với tất cả cộng đồng người Mường nói chung, cồng chiêng chính là vật báu của gia đình, làng bản. Và người Mường có câu: “Cồng tốt lấy tiếng/ Niếng tốt lấy hơi”.
Về vai trò của cồng chiêng với đời sống cộng đồng người Mường, nhà nghiên cứu Bùi Huy Vọng trong sách Văn hóa dân gian Mường một góc nhìn, cho rằng: “Chiêng Mường là một di sản văn hóa của người Mường. Người Mường coi chiêng như vật thiêng của báu trong nhà mình. Chiêng tượng trưng cho cả mặt tinh thần và vật chất. Tiếng chiêng như linh hồn bất tử của xứ Mường. Thưởng thức âm hưởng chiêng cần có một không gian, nghe chiêng cần phải đứng từ xa, trên đồng, bãi hoặc trên những ngôi nhà sàn thấp thoáng của núi rừng thì ta mới cảm nhận được cái hay tinh tế, tuyệt tác của chiêng Mường”.
Người Mường quan niệm, dàn cồng chiêng đầy đủ 12 chiếc tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Chiêng là tài sản hữu hình nhưng cũng thật vô giá với người Mường. Có những gia đình người Mường phải qua nhiều thế hệ mới có thể sắm được dàn cồng chiêng đầy đủ. Vì thế mà chiêng trân quý vô cùng.
Cồng chiêng có ý nghĩa quan trọng trong đời sống của người Mường. Ảnh: Bùi Trang
Cồng chiêng gần gũi, được người Mường sử dụng trong nhiều dịp quan trọng, đặc biệt là đón mừng năm mới. Vào những ngày đầu năm (cho đến mùng 7 - lễ Khai hạ) các phường chúc (phường bùa) - tập thể những người biết đánh cồng chiêng, giỏi hát các bài sắc bùa, mau lẹ ứng đối sẽ tổ chức du xuân đến từng ngõ, từng nhà để đánh chiêng và hát chúc. Phường chúc ngày xuân là hình thức diễn xướng văn hóa dân gian đặc sắc của người Mường.
Trong không gian xuân rộn ràng, đến mỗi gia đình, phường chúc “gióng” chiêng từ ngoài cổng để gia chủ biết và đón tiếp. Vào nhà, sau mỗi “bài chiêng” như đánh thức vạn vật, phường chúc hát bài “Khoác Rác” khen ngợi gia chủ, rồi hát “Rằng Thường” chúc tụng gia chủ năm mới sức khỏe, may mắn, hạnh phúc. Cứ như vậy sau những hồi chiêng là những bài sắc bùa; lần lượt phường chúc đi các nhà trong Mường, rồi từ Mường này sang Mường khác.
Người Mường quan niệm, đầu xuân năm mới có phường bùa đến chúc tụng là điều may mắn. Vậy nên, gia chủ sẽ có những phần quà (gạo, bánh chưng...) để tặng lại phường bùa thay cho lời cảm ơn, tình cảm xóm làng từ đó mà thêm thắm thiết, cộng đồng gắn kết.
Nghệ nhân Nhân dân Phạm Thị Tắng xã Cao Ngọc (Ngọc Lặc) - người “sống đời” với văn hóa Mường, gắn bó với các phường chúc, chia sẻ: “Phường chúc ngày xuân không chỉ đánh chiêng hay, mà còn phải hát sắc bùa tốt. Khi đến mỗi gia đình, tùy từng gia cảnh mà người dẫn đầu phường chúc có sự “ứng biến” cho phù hợp. Đó là cái hay của phường chúc và cũng là cái giỏi của người dẫn đầu phường”.
Xuân đã về trên những bản làng của người Mường, thấp thoáng bên những nếp nhà sàn ẩn hiện, ta nghe có tiếng cồng chiêng vang vọng, tiếng người cười nói rổn rảng, những bài sắc bùa chúc tụng cất lên mang theo niềm vui, ước vọng...
Bài và ảnh: Khánh Lộc
{name} - {time}
-
2024-11-21 09:06:00
Trao giải các tiết mục xuất sắc nhất Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024
-
2024-11-21 09:04:00
Xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới với Óc Eo-Ba Thê
-
2024-01-15 15:21:00
♦ Sự kiện văn hóa – thể thao – giải trí ngày 15-1-2024
“Chỉ xác” có phải là “vỏ bưởi phơi khô” không?
Mùa du lịch Tết: Thêm nhiều sản phẩm đặc sắc
♦ Sự kiện văn hóa – thể thao – giải trí ngày 14-1-2024
Lễ cúng bản đầu năm mới của người Thái Thanh Hóa
Hãy để tết là niềm vui
Sương còn đọng vai anh - Tình yêu đọng mãi trong đời!
♦ Sự kiện văn hóa – thể thao – giải trí ngày 13-1-2024
Học cách buông bỏ để tự do
Giữ gìn nét đẹp Tết cổ truyền