(vhds.baothanhhoa.vn) - Câu tục ngữ “Đất lành chim đậu”, đượcTừ điển từ và ngữ Việt Nam (GS Nguyễn Lân) giải thích là “Nói những nơi hiếu khách, ai cũng muốn đến thăm”, và lấy ví dụ “Khách du lịch thích đến nơi đó vì đất lành chim đậu mà”.

Về câu tục ngữ “Đất lành chim đậu”

Câu tục ngữ “Đất lành chim đậu”, đượcTừ điển từ và ngữ Việt Nam (GS Nguyễn Lân) giải thích là “Nói những nơi hiếu khách, ai cũng muốn đến thăm”, và lấy ví dụ “Khách du lịch thích đến nơi đó vì đất lành chim đậu mà”.

Về câu tục ngữ “Đất lành chim đậu”

Thực ra, từ “đậu” ở đây có nghĩa là ở lại sinh sống lâu dài, chứ không phải “đến thăm” hay “du lịch”. Nếu chỉ “đến thăm”, đến “du lịch” chốc lát, thì đất lành hay đất dữ đâu có quan trọng lắm?

Về nghĩa đen, mỗi loài chim đều biết chọn cho mình một môi trường sống. Nếu không bị đe dọa bởi kẻ thù trong tự nhiên, hay sự săn bắn của con người, lại có khí hậu ôn hòa, nguồn thức ăn dồi dào, chim sẽ chọn đất ấy làm nơi trú ngụ, sinh sôi (Đất lành chim đỗ, đất ngỗ chim bay; Cò vạc kiếm ăn từng thung; Đất tốt cò đậu - tục ngữ).

Sách “Chim Việt Nam, hình thái và phân loại” (Võ Quý - NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội - 1975) cho biết, một số loài chim di cư, như choi choi có thể bay một mạch trên 3.000 km không nghỉ để vượt biển. Cụ thể, loài chim này phân bố ở Bắc Liên Xô (cũ) và Bắc Mỹ, vào mùa đông thấy chúng xuất hiện ở quần đảo Hawai (cách hòn đảo gần nhất đến 3.000 km). Mỗi năm chim phải trải qua hai lần bay như vậy. Đôi khi một số ít chim non ở lại qua mùa hè ở nơi trú đông và một vài con làm tổ, sinh sản luôn ở đấy. Cụ thể, ở Việt Nam, về mùa hè cũng gặp một số cá thể thuộc các loài của bộ Rẽ phân bố ở phương Bắc nhưng sau khi di cư đến đây, thấy khí hậu ấm áp, nguồn thức ăn dồi dào nên đã “đậu lại”, mà không trở về cố hương.

Tương truyền, cụ tổ bốn đời của Lê Lợi là Lê Hối, nhà vốn ở thôn Như Áng. Một hôm đi chơi, thấy đàn chim bay lượn vòng quanh trên khoảng đất dưới núi Cham (tức Lam Sơn, nay thuộc huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa), giống như đám người tụ hội. Cụ nghĩ “Chỗ này tất là nơi đất lành”, bèn dời nhà đến ở, khai phá ruộng vườn, được ba năm thì thành sản nghiệp. Từ đó họ Lê nhiều đời hùng trưởng một phương.

Việt Nam được đánh giá là một trong những khu vực tập trung chim hoang dã, di cư và các loài chim đặc hữu của thế giới. Ngay từ những năm 70 của thế kỷ trước, các nhà khoa học Việt Nam, mà đứng đầu là GS Võ Quý đã xây dựng được “bảng định loại 20 bộ chim Việt Nam, và mỗi bộ lại có bảng định loại các họ, giống, loài và đến phân loài, tổng cộng gồm 767 loài, và nếu kể cả phân loài thì số đó lên đến 1.000” (Chim Việt Nam, hình thái và phân loại - Sách đã dẫn). Còn theo số liệu cập nhật của Tổng cục Môi trường Việt Nam (2022), thì Việt Nam có 868 loài chim, trong đó, 109 loài cần quan tâm bảo tồn, 11 loài cực kỳ nguy cấp, 19 loài nguy cấp, 28 loài sắp nguy cấp và 50 loài sắp bị đe dọa.

Nhằm bảo vệ, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng săn bắt, tận diệt, phá hủy sinh cảnh của các loài chim hoang dã, di cư, ngày 17/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 04/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn chim hoang dã, di cư, góp phần bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch và xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam.

Đất lành chim đậu! Mảnh đất hấp dẫn chim đến trú ngụ, sinh sôi tất là mảnh đất hiền hòa, tốt tươi, cũng chính là môi trường sống lâu dài, lý tưởng của con người. Đó là tư duy biện chứng của dân gian, phản ánh tầm quan trọng và mối quan hệ chặt chẽ giữa con người - môi trường - thiên nhiên - vạn vật.

Tuấn Công



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]