Về một số từ láy gốc Hán: Lõa lồ, lú nhú, lung lay
Trong tiếng Việt có một số từ mà một trong hai yếu tố cấu tạo không có nghĩa độc lập trong hành chức, nên được xếp vào diện từ láy, hoặc có nghĩa độc lập nhưng đã bị nhận lầm là từ láy. Đặc biệt, đây còn là những từ gốc Hán, nhưng đã được Việt hóa, ví dụ: lõa lồ, lú nhú, lung lay. (Phần để trong ngoặc kép sau số mục là nguyên văn của Từ điển từ láy tiếng Việt - Viện Ngôn ngữ - Hoàng Văn Hành chủ biên; phần xuống dòng là phân tích và trao đổi của chúng tôi):
1-“LÕA LỒ tt. (Thân thể con người) phơi bày, để hở ra bộ phận cần được che giữ kín đáo. Thân thể lõa lồ. “Chốn long cung cảnh giới này, Uẩy ai đúng đấy lõa lồ thay”. (Hồng Đức Quốc âm thi tập)”.
Lõa lồ 裸露 là từ ghép đẳng lập gốc Hán [nghĩa lịch đại]. Từ này vốn có âm đọc là lõa lộ, trong đó, lõa 裸 còn đọc là khỏa (trong từ lỏa/khỏa thân 裸身) nghĩa là trần truồng (như lõa thể 裸體; lõa thân 裸身); lồ /lộ 露 nghĩa là phơi bày, hở hang (như hiển lộ 顯露; lộ ra):
- Hán ngữ đại từ điển giảng hai nghĩa: “lõa: 1. thân thể trần truồng; 2. nghĩa rộng là xuất lộ; không có gì che đậy; không có gì bao bọc” [nguyên văn 裸: 1.赤身露體; 2.引申為露出; 無遮蓋; 無包裹]; “lộ: lộ rõ; để lộ, phơi bày.” [nguyên văn 露: 顯露; 暴露]; “lõa lộ: 1 cởi trần, để lộ thân thể; không có vật gì che đậy; nghĩa rộng chỉ sự hiển hiện, lộ diện quá rõ ràng.” [nguyên văn: 裸露 : 1.袒露; 沒有東西遮蓋; 2.引申為顯現, 暴露].
2-“LÚ NHÚ đgt. Mới nhú lên, mới mọc lên một loạt với độ dài ngắn, cao thấp không đều nhau. Măng lú nhú khắp rặng tre. Ngô tra được mấy ngày đã mọc lú nhú. “Những gốc cam lú nhú một lớp quả non” (HNAnh-XTThi)”.
Lú nhú là từ ghép đẳng lập [nghĩa đồng đại]: lú nghĩa là hơi ló ra, thò ra, nhô lên (như Mầm vừa mới lú); nhú là bắt đầu nẩy ra, mới nhô lên (như Măng mới nhú lên; Mặt trăng mới nhú lên):
- Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên – Trung tâm Từ điển học Vietlex) giảng: “lú • đg. [ph] nhú lên hoặc ló ra: cây lú mầm ~ Cần quay lại, thấy một cái đầu láng tròn như trái dừa lú lên, đó là thằng Vực (...) (Nguyễn Thi).”; “nhú • đg. mới nhô lên, bắt đầu hiện ra một phần: mầm cây nhú lên khỏi mặt đất ~ cây nhú chồi non ~ răng mới nhú”.
Những phân tích và ghi nhận trên đây cho thấy, lú nhú là từ ghép đẳng lập, không phải từ láy.
Xét về mặt từ nguyên, thì lú và nhú đều là những thành tố gốc Hán. Trong đó, lú bắt nguồn từ chữ lộ 露, nghĩa gốc là phơi bày, để lộ ra (xem lại mục lõa lồ). Mối quan hệ ngữ âm Ô→Ư, ta còn thấy trong một số trường hợp khác như nộ 怒→nư (Nư nghĩa là giận dữ. Ví dụ Mắng cho đã nư); độ 度→cữ (cữ = cỡ); còn nhú gốc Hán là chữ nhu 柔, nghĩa là cỏ cây mới nảy mầm, hãy còn non mềm. Đây cũng chính là chữ nhu 柔 trong nhu mì 柔媚, nhu mĩ 柔美 = dịu dàng, tốt đẹp.
3- LUNG LAY đgt. 1. Ở trạng thái bắt đầu lỏng, có thể lay nghiêng bên này, ngả bên kia, không còn giữ. Răng lung lay sắp gẫy. Cột nhà đã bị lung lay. Gió lung lay tàu lá. Đinh đóng vào gỗ mục không chắc, dễ lung lay. “Gian nhà không mặc kệ gió lung lay” (Chính Hữu). 2. Ở trạng thái dao động, dễ ngả nghiêng, không còn giữ được sự vững vàng. Dù khó khăn vẫn không lung lay ý chí. Tinh thần lung lay, “Tiền bạc cũng không lung lay nổi anh em” (NTT binh, 59).
Lung lay là từ ghép đẳng lập Hán Việt [nghĩa lịch đại]: lung 籠 gốc Hán, nghĩa là lôi kéo, dắt (trâu ngựa), khống chế, thống trị; lay gốc Hán vốn do chữ di 移 nghĩa là dời, day/lay.
- Hán ngữ đại từ điển giảng nghĩa thứ 5 của lung là: “khống chế, lũng đoạn [nguyên văn: 控制; 壟斷]. Thánh nhân dùng trí khống chế bọn ngu, cũng như người dùng trí canh giữ bầy khỉ vượn vậy [Liệt Tử - Hoàng Đế: Thánh nhân dĩ trí lung quần ngu, diệc do thư công chi dĩ trí lung chúng thư dã - 列子 ‧ 黃帝: 聖人以智籠群愚,亦猶狙公之以智籠眾狙也].
Chữ lung 籠 (âm khác là long) trong lung lay/long lay, chính là lung trong lung lạc 籠絡. Với lung lạc 籠絡, thì đây cũng là từ ghép đẳng lập gốc Hán [lịch đại]: lung 籠nghĩa là lôi, dắt, khống chế, thống trị; lạc 絡nghĩa là quấn quanh, trói buộc.
Mối quan hệ UNG→ONG (lung→long) như trung 中 →trong; hung 胸 → lòng. Mối quan hệ I→AY (di→lay), như trì 遲→chày; dĩ 以→lấy.
Trên đây là phân tích về 3 từ gốc Hán nhưng đã được Việt hóa: lõa lồ, lú nhú, lung lay. Chúng tôi sẽ tiếp tục có những bài phân tích tiếp theo, để thông qua tìm hiểu nghĩa từ nguyên, bạn đọc sẽ hiểu sâu thêm từ ngữ tiếng Việt.
Mẫn Nông (CTV)
{name} - {time}
-
2025-02-21 18:57:00
Viết đúng chính tả một số từ Việt gốc Hán bắt đầu bằng chữ “Sung” và “Xung”
-
2025-02-21 15:58:00
Tác phẩm “Điện Biên vẫy gọi” giành giải thưởng sân khấu Việt Nam
-
2025-02-17 14:29:00
Tập huấn cho các đội văn nghệ phục vụ du lịch cộng đồng ở xã Thạch Lâm
Hội chợ sách quốc tế La Habana: Điểm hẹn của văn học thế giới
Trẩy hội đầu xuân
Dự chi 17 tỉ đồng bảo tồn, gia cố di tích Hòn Vọng Phu
20 tác phẩm hội họa của vua Hàm Nghi sẽ được triển lãm tại Huế
Đặc sắc lễ hội truyền thống Mường Đòn
Trường ca “Lò mổ” của Nguyễn Quang Thiều gửi gắm ý niệm về sự sống, cái chết
Tưng bừng hội làng Đông Môn
Vì sao chocolate là món quà đặc trưng của ngày lễ Tình nhân Valentine
Soobin Hoàng Sơn nhận 3 đề cử giải Cống hiến 2025