(vhds.baothanhhoa.vn) - Cửa Lạch Trường về phía Hậu Lộc (bên kia là Hoằng Hóa) còn được người dân địa phương gọi là cửa Vích. Và đó cũng đồng thời là tên gọi cổ xưa của vùng đất này. Do ở vị trí có cửa lạch sâu, rộng của sông Mã đổ ra biển, nên trong lịch sử, từ rất sớm cửa Vích đã thường xuyên có tàu thuyền buôn bán cập bến để trao đổi hàng hóa. Lý giải về sự thuận tiện của cửa Vích, sách Lịch sử Đảng bộ xã Hải Lộc viết: “Từ Hòn Nẹ trở vào luôn có dòng đối lưu, khi triều lên mũi nước chảy xói mòn vào cửa Lạch Trường, gặp nước sông Kênh De đổ ra biển tạo ta một vụng lặng sóng ở biển Hải Lộc, thuận tiện cho việc neo đậu thuyền bè, là nơi tập kết các hạm thuyền của các triều đại chống giặc ngoại xâm… Cửa Lạch Trường từ đầu Công nguyên đã có vị trí quân sự rất quan trọng đối với việc tuần thủ vùng biển, bảo vệ đất liền, bảo vệ vị trí buôn bán có tính chất thương cảng...”.

Về thăm Kẻ Vích

Cửa Lạch Trường về phía Hậu Lộc (bên kia là Hoằng Hóa) còn được người dân địa phương gọi là cửa Vích. Và đó cũng đồng thời là tên gọi cổ xưa của vùng đất này. Do ở vị trí có cửa lạch sâu, rộng của sông Mã đổ ra biển, nên trong lịch sử, từ rất sớm cửa Vích đã thường xuyên có tàu thuyền buôn bán cập bến để trao đổi hàng hóa. Lý giải về sự thuận tiện của cửa Vích, sách Lịch sử Đảng bộ xã Hải Lộc viết: “Từ Hòn Nẹ trở vào luôn có dòng đối lưu, khi triều lên mũi nước chảy xói mòn vào cửa Lạch Trường, gặp nước sông Kênh De đổ ra biển tạo ta một vụng lặng sóng ở biển Hải Lộc, thuận tiện cho việc neo đậu thuyền bè, là nơi tập kết các hạm thuyền của các triều đại chống giặc ngoại xâm… Cửa Lạch Trường từ đầu Công nguyên đã có vị trí quân sự rất quan trọng đối với việc tuần thủ vùng biển, bảo vệ đất liền, bảo vệ vị trí buôn bán có tính chất thương cảng...”.

Về thăm Kẻ VíchNghè Vích thờ Tứ vị Thánh nương.

Còn theo sách Lịch sử Thanh Hóa: “Vào đầu Công nguyên, quận Cửu Chân (tức Thanh Hóa) đã bước đầu hình thành một trung tâm buôn bán có tính chất thương cảng, đó là cửa biển Lạch Trường, điều đó khẳng định làng Vích (kẻ Vích) đã có bề dày lịch sử trên 2.000 năm”.

Từ làng Vích thuở xa xưa, trải qua quá trình hình thành, phát triển dân cư mới dần có 3 làng Y Bích, Lộc Duyên và Tiên Xá. Dẫu vậy, những địa điểm, địa danh cũ thì vẫn được gọi tên: đò Vích, chợ Vích, nghè Vích, chùa Vích, đồng Vích…

Theo người dân địa phương, khi biển chưa xâm thực sâu vào đất liền như hiện nay, diện tích của Kẻ Vích rất rộng, người dân quần cư sinh sống theo 12 “ngõ” với hướng mở rộng ra phía biển. Mỗi ngõ lại có một giếng nước riêng, phục vụ cho nhu cầu của người dân. Vì là vùng đất ven biển, nên giếng làng ở Kẻ Vích cũng được xây khác so với nhiều nơi. Ông Lê Xuân Nguôn cho biết: Tất cả các giếng làng ở Kẻ Vích trước đây đều được “lát” ván lim phía dưới để tránh cát biển ngầm trồi lên với bốn thanh lim to đóng thành khung vuông chắc chắn. Từ dưới đáy lên đến thành giếng được xây đá. Người dân dùng ống bương hoặc bẹ mo cau để múc nước lên sử dụng. Các giếng đều được gọi tên theo “ngõ”, như giếng Quán, giếng Thụ, giếng Đá, giếng Trúc, giếng Tỉnh... Vì là vùng đất ven biển nên người dân nơi đây khi xưa thường xuyên thiếu nước sinh hoạt, bởi vậy mỗi giếng được đào và xây đều là một công trình mang ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đáng tiếc, quá trình xâm thực khiến phần lớn giếng làng ở Kẻ Vích bị biển “nuốt” dần, một số giếng còn lại thì bị lấp.

Về thăm Kẻ VíchTam quan chùa Vích “3 gian 2 tầng” với gác chuông cổ kính.

Chùa Vích còn được biết đến với tên gọi Bích Tiên tự. Chùa Vích nằm sát Kênh De, ngoảnh mặt về hướng Tây, phía Nam có núi, phía Đông là biển rộng và đảo xa, bên trong chùa có phủ thờ Mẫu Liễu Hạnh…

Theo sử liệu, văn bia lưu giữ tại chùa và dấu tích kiến trúc của di tích, các nhà nghiên cứu khẳng định, chùa Vích được khởi dựng muộn nhất là thế kỷ 17. Cũng có ý kiến cho rằng, ngôi cổ tự được dựng sớm hơn vào khoảng thế kỷ 14, cùng thời với chùa Cam Lộ. Ấn tượng đầu tiên khi du khách ghé thăm chùa Vích là sự cổ kính của cổng Tam quan thiết kế theo lối “3 gian 2 tầng”, gồm 3 cửa: vòm chính giữa là Phật môn, hai bên là Pháp môn và Tăng môn. Phía trên có gác chuông, vẫn thường gọi là Bích Chung tự (tức chuông chùa Bích). Ngay bên trên Tam quan là đôi câu đối cổ, được hiểu: Sóng dẫn thuyền từ thế giới mong nhờ qua bể khổ/ Cảnh nhờ cửa Phật mộng hồn mau tới vượt sông mê.

Đồng chí Đinh Chương Dương - một người con của làng biển Kẻ Vích đã có thời gian ở chùa Vích và bí mật hoạt động cách mạng... Ngôi cổ tự bên dòng Kênh De không chỉ mang giá trị về di tích Phật giáo, còn cả lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và cách mạng... là điểm nhấn cho một vùng không gian văn hóa tả ngạn cửa Lạch Trường. Năm 2008, chùa Vích đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Bên cạnh chùa Vích, nghè Vích thờ Tứ vị Thánh nương cũng là di tích tâm linh có ý nghĩa quan trọng với người dân nơi đây. Về thời gian khởi dựng của nghè Vích cũng chưa có khẳng định chắc chắn. Theo Nhân dân địa phương, việc thờ Tứ vị Thánh nương xuất hiện từ cuối thời Trần. Đó là khi Vua Trần Anh tông trên đường vào phía Nam dẹp giặc Chiêm Thành, qua cửa Lạch Cờn (Nghệ An) thì biển động sóng dữ, nhà vua bèn cho thuyền cập bến vào nghè Cờn (đền Cờn) khẩn cầu thần linh phù trợ. Sau đó quả nhiên trời yên biển lặng. Thắng trận trở về, Vua Trần sắc phong “Thượng Thượng đẳng thần”, cho xây đền Cờn to hơn. Đồng thời, sắc cho người dân ở 12 cửa lạch thờ Tứ vị Thánh nương… Nghè Vích khi xưa nằm bên ngoài bờ biển, quá trình xâm thực khiến di tích bị “lùi” vào trong. Đến nay, tại nghè còn lưu giữ 22 đạo sắc phong thời Lê, Nguyễn. Nghè Vích đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Hàng năm, vào tháng 6 (âm lịch), người dân Hải Lộc và các xã lân cận lại cùng nhau trở về nghè Vích để tổ chức lễ hội truyền thống để cầu mong trời yên biển lặng, ngư dân ra khơi vào lộng được bình an, may mắn, diêm dân làm muối được mùa…

Ở Hải Lộc còn có nhà thờ Đông Các Lê Doãn Giai, một người con ưu tú của làng biển; nhà lưu niệm đồng chí Đinh Chương Dương; những cánh đồng muối với câu chuyện làm nghề mặn mòi… Tất cả tạo nên đặc trưng văn hóa của vùng đất cổ kẻ Vích.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]