(vhds.baothanhhoa.vn) - Năm 1990, vào dịp kỷ niệm 25 năm Chiến thắng Hàm Rồng, tôi được thấy mái tóc của Anh hùng liệt sĩ Lê Thị Dung đặt trong tủ kính ở nhà truyền thống của phường Nam Ngạn. Những ngày cuối tháng 3 năm nay, chuẩn bị kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Hàm Rồng, tôi tìm đến nhà truyền thống phường Nam Ngạn tại địa điểm mới và lại được thấy mái tóc đen dài, óng ả của chị. Mái tóc ấy cùng với câu chuyện về nữ Anh hùng Lê Thị Dung vẫn còn đó, vẫn xanh mãi với thời gian.

Xanh mãi với thời gian

Năm 1990, vào dịp kỷ niệm 25 năm Chiến thắng Hàm Rồng, tôi được thấy mái tóc của Anh hùng liệt sĩ Lê Thị Dung đặt trong tủ kính ở nhà truyền thống của phường Nam Ngạn. Những ngày cuối tháng 3 năm nay, chuẩn bị kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Hàm Rồng, tôi tìm đến nhà truyền thống phường Nam Ngạn tại địa điểm mới và lại được thấy mái tóc đen dài, óng ả của chị. Mái tóc ấy cùng với câu chuyện về nữ Anh hùng Lê Thị Dung vẫn còn đó, vẫn xanh mãi với thời gian.

Xanh mãi với thời gian

Mái tóc của Anh hùng liệt sĩ Lê Thị Dung.

Để trở về làng Nam Ngạn của 60 năm trước, tôi xin được gặp Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (LLVTND) Ngô Thị Tuyển. Bước vào độ tuổi 80, người nữ dân quân tự vệ từng vác hai hòm đạn băng băng lên trận địa năm xưa, giờ đã yếu mệt đi nhiều. Khi cần di chuyển, bà phải dùng xe lăn hay nhờ con cháu dìu đỡ. Vậy mà, bà vẫn nhớ như in về từng trận chiến đối mặt lũ giặc trời hung hãn, vẫn nhớ như in gương chiến đấu hy sinh anh hùng của người bạn, tiểu đội trưởng tự vệ Lê Thị Dung.

Sau ngày 3 - 4/4/1965, được gọi là “những ngày đen tối”, mất tới 47 máy bay, không quân Mỹ dè chừng và giở nhiều thủ đoạn mới khi đánh cầu Hàm Rồng. Đại đội dân quân tự vệ tiểu khu Nam Ngạn bám đồng ruộng, bám trận địa, phối hợp cùng các đơn vị bộ đội kiên gan đánh trả lũ giặc trời, bảo vệ cầu.

Ngày 26/5/1965, từ 8 giờ sáng, máy bay Mỹ từ nhiều hướng lao vào đánh phá khu vực Hàm Rồng. Đến 12 giờ, tàu hải quân số hiệu 136 của ta được điều động từ Lạch Trường vào tham chiến. Máy bay địch lao vào đánh cầu từ phía hạ lưu sông vấp phải hỏa lực rất lợi hại của tàu 136. Do vậy, chúng điên cuồng tấn công tàu chiến của ta chủ yếu bằng cách phóng rốc két, bắn đạn 20 ly vì khó lao vào gần để ném bom. Nhiều chiến sĩ hải quân trên tàu hy sinh hoặc bị thương. Trước tình thế đó, 14 dân quân tự vệ Nam Ngạn, trong đó có các chị Lê Thị Dung, Ngô Thị Tuyển, Nguyễn Thị Hằng và bốn anh em Ngô Thọ Sắp, Ngô Thọ Xếp, Ngô Thọ Đặt, Ngô Thọ Sáu, đã dũng cảm bơi ra tàu, làm nhiệm vụ cứu thương, tiếp đạn, thay thế pháo thủ quần nhau với máy bay địch. Ngô Thọ Sáu bị thương tới ba lần vẫn kiên cường chiến đấu, bị thương đến lần thứ tư, anh hy sinh ngay trên mâm pháo.

Chị Dung, sau khi sơ cứu cho các thương binh, liền thay chân pháo thủ tiếp đạn và bị mảnh rốc két chém vào đùi. Máu tuôn trào nhưng người con gái ấy cắn răng khép chặt chân, ngượng ngùng không muốn cho băng bó. Sau đó, đồng đội đưa được chị vào bờ chuyển về trạm xá, rồi về Bệnh viện tỉnh cứu chữa. Những lúc tỉnh dậy, chị hỏi thăm đồng đội, đau đớn nghe tin những người lính hy sinh trong trận chiến máu lửa trên dòng sông quê hương.

Sáng ngày 28/5/1965, do vết thương nặng, mất quá nhiều máu, chị Dung trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay đồng đội. Đau đớn mà không bi lụy, trước khi làm lễ truy điệu liệt sĩ, các chiến sĩ tự vệ Nam Ngạn trân trọng giữ lại mái tóc của người con gái đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình cho quê hương, đất nước.

Ngày 26/4/2018, liệt sĩ Lê Thị Dung, nguyên Tiểu đội trưởng tự vệ và liệt sĩ Ngô Thọ Sáu, nguyên chiến sĩ dân quân tự vệ Nam Ngạn được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Sau gần tròn 60 năm, trong phòng trưng bày nhà truyền thống phường Nam Ngạn, mái tóc của nữ Anh hùng liệt sĩ Lê Thị Dung vẫn xanh mãi với thời gian.

**

Ngôi nhà của bà Lê Thị Nguyện nằm gần đường đê sông Mã. Nhà nhỏ trong ngõ nhỏ, nhưng đó là ngôi nhà của bố mẹ, chị em nữ Anh hùng liệt sĩ Lê Thị Dung. Bà Nguyện năm nay bước sang tuổi 76, dáng vóc nhỏ, gầy, lại vừa bị tai biến nhẹ, nhưng vẫn giữ phong thái một nhà giáo từ tốn và thân thiện trong giao tiếp ứng xử. Bà kể, nhà có 5 anh chị em, hai người anh trai mất từ bé, trong ba người con gái, bà là út. Bố mẹ cùng hai chị đã mất cả rồi, bà đảm nhiệm việc trông nom ngôi nhà và hương khói cho người thân.

Xanh mãi với thời gian

Gặp người em gái chị Dung.

Bà Nguyện kém chị Dung của mình 9 tuổi. Năm chị Dung hy sinh, bà đang ở tuổi 15, đủ để biết và nhớ nhiều về người chị gái thân thương. Bà nhớ hai chị em hay mang rổ quần áo ra bến sông Mã tắm giặt, chị Dung gội mái tóc dài rồi búi cao trên đầu. Bà nhớ hai chị em đi kéo te, hôm nào kéo được nhiều tép, chị Dung mua cho hai cái bánh rán (bà nheo mắt cười, ký ức về người chị dường như đã đưa bà trở về thời còn thơ bé?).

Bà Nguyện kể về chị Dung của mình bằng niềm tin yêu, ngưỡng mộ. Với bà, “điều gì, việc gì chị Dung cũng hơn hết”, chị cao hơn, “được gái” hơn, rất giỏi giang, thông minh. “Không ít chàng trai mê chị Dung, có một anh rất đẹp trai ở Đông Hương, nhưng chị chưa phải lòng ai, vì chị bảo còn bận công tác!” (bà Nguyện cười, nét cười thoáng đổi sang nét buồn xa xăm). Hôm chị Dung bị thương được đưa đi cứu chữa, bà đang chặt lá dừa mang ra tàu cho bộ đội, sau đó, bà chỉ nghe kể lại những giờ phút cuối cùng của chị ở Bệnh viện tỉnh.

Quẩn quanh trong căn nhà nhỏ, ngày đêm ngước thấy di ảnh chị Dung, hẳn bà Nguyện chưa khi nào nguôi ngoai nỗi nhớ thương. Nhiều đêm, bà thảng thốt nghe tiếng chị Dung gọi, lập cập bước ra mở cửa, nhưng chẳng thấy chị đâu, chỉ thấy làn gió se lạnh từ ngoài sông thổi về, chỉ nghe rì rầm tiếng xe chạy trên đê hay tiếng ù ù ào ào của đoàn tàu băng qua cầu Hàm Rồng vọng lại.

Vợ chồng bà Nguyện có 3 người con gái. Chồng bà đã mất, hai người con gái có gia đình riêng, còn cô út, ban ngày đi làm, tối mới về bên mẹ. Lần nào đến thăm bà, tôi cũng chỉ gặp bà và tấm di ảnh nữ Anh hùng liệt sĩ Lê Thị Dung. Căn nhà ấy vắng mà không lạnh. Đó là căn nhà của những con người trải nhiều gian truân, mất mát, mà vẫn luôn sống cương nghị, điềm tĩnh.

**

Theo chỉ dẫn của bà Nguyện, tôi đến Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng tìm ngôi mộ nữ Anh hùng liệt sĩ Lê Thị Dung. Ngôi mộ số 127, khu A của chị xếp theo hàng lối ngay ngắn, bình dị như mọi ngôi mộ của hơn hai nghìn liệt sĩ, phần lớn quê Thanh Hóa, đang yên nghỉ tại đây, trong nắng gió của làng quê Nam Ngạn thân thương, của mảnh đất Hàm Rồng linh thiêng.

Lặng lẽ, đơn sơ những dòng tên, những địa danh, mốc thời gian trên từng tấm bia mộ. Liệt sĩ Lê Thị Ninh, sinh năm 1952, quê huyện Nông Cống, hy sinh năm 1972. Liệt sĩ Hồ Thị Ổn, sinh năm 1953, quê phường Đông Vệ, hy sinh năm 1972. Liệt sĩ Ngô Thọ Sáu, sinh năm 1947, quê phường Nam Ngạn, hy sinh năm 1965... Nhiều chàng trai, cô gái, trẻ trung như chị Dung, đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, hiến dâng tuổi thanh xuân cho cuộc sống thanh bình của quê hương, đất nước hôm nay. Năm tháng qua đi, những con người “mãi mãi tuổi hai mươi” ấy đã thuộc về lịch sử, viết nên những trang sử máu và hoa của dân tộc.

Chiều xuống, hương hoa bưởi dâng đầy trong không khí tĩnh lặng, trang nghiêm ở Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng. Xin cho những cây bưởi đang độ đơm hoa trên vùng đất Hàm Rồng ướp làn hương thanh khiết lên từng phần mộ, lên mái tóc xanh mãi với thời gian của người con gái anh hùng.

Nam Ngạn, những ngày cuối tháng 3/2025

Bài và ảnh: Nguyễn Hồng Sơn (CTV)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]