Xấu và đẹp
Một Arsenal ngây ngô hoá cáo đã tạo nên hiệu ứng truyền thông cực lớn, cộng đồng mạng ùa vào bình luận, tranh luận về cái gọi là xấu - đẹp trong bóng đá. Trong sự hỗn độn, chúng ta quan sát và cảm nhận được gì từ quá trình chuyển mình của “Pháo thủ”.
“Nghệ thuật hắc ám” là ngôn từ được truyền thông sử dụng để mô tả về cách chơi của Arsenal. Nguồn ảnh: Internet.
Thấu hiểu cái xấu
Bóng tối được Arsenal kéo đến những nơi họ đi qua, xám xịt nhất đương nhiên là trên bầu trời Etihad. “Pháo thủ” sử dụng đủ mánh khoé. Họ là đội bóng mất nhiều thời gian nhất trong các tình huống cố định tại Premier League (trung bình khoảng 33,5 giây). Thủ môn David Raya là một trong những “bậc thầy câu giờ” tại giải đấu, khi mất trung bình 40 giây để thực hiện một pha phát bóng lên, nhiều hơn bất kỳ thủ môn nào khác trong giải đấu. Đây là những gì chúng ta đọc - nghe từ truyền thông. Dữ liệu đương nhiên chẳng thể sai, vấn đề là làm sao chúng ta quản trị được dữ liệu, từ đây, tạo nên suy nghĩ, tiếng nói độc lập cho bản thân.
Đầu tiên, xét riêng về trận với Man City (trận cầu đã diễn ra cách đây 1 tuần) và chưa bàn đến tấm thẻ đỏ của Trossard. Ai cũng hiểu trong bóng đá, để chơi cống hiến, chơi sòng phòng thì lực lượng phải (hoặc tương đối) cân bằng. Ở thời điểm hiện tại, bất cứ đội bóng nào chơi đôi công với Man City trên sân đấu của họ là biểu hiện cho việc kém hiểu biết. Nên, kiểu chơi mà Arteta lựa chọn cho các học trò trước đội quân của Pep là điều có thể hiểu được.
Thứ hai, “dark art” hay nghệ thuật hắc ám là hiện tượng rất thông thường trong thể thao chứ không riêng gì bóng đá. Marco Materazzi khiêu khích Zinedine Zidane để câu thẻ đỏ ở chung kết World Cup 2006 là “dark art”. Trong trận derby thành Madrid mới đây, cổ động viên chủ nhà Atletico làm đủ chiêu trò đánh vào tâm lý đội khách Real cũng là “dark art”. Trong bóng rổ, Detroit Pistons cuối thập niên 80 cứ ra sân là đánh cầu thủ quan trọng nhất của đối phương (Michael Jordan là nạn nhân nổi tiếng nhất) chính là “dark art”. Dùng tiểu xảo là câu chuyện dĩ ngẫu trong thể thao, khó mà tránh khỏi, vấn đề nằm ở mức độ người thực hiện và cách đánh giá của chúng ta mà thôi.
Zinedine Zidane bị đưa vào bẫy. Nguồn ảnh: Internet.
Thứ ba, nếu như “dark art” đã là phổ biến, câu chuyện xưa nay cũ thì tại sao nó lại trở nên ồn ào đến vậy, bởi lẽ đơn giản, đối tượng thực hiện là Arsenal. Chúng ta đã quá quen với nhân dạng của “Pháo thủ” trong quá khứ - một đội bóng cống hiến và có phần ngây thơ. Chính vì Arsenal trước – nay khác biệt nên tác động lớn đến cách nhìn nhận cũng như cảm xúc người xem. Tức, nếu như Atletico Madrid dùng “dark art”, chúng ta sẽ nói... thường thôi.
Bên cạnh đó, trong thế giới truyền thông, việc xây dựng các content nhằm hút view là phổ biến, đơn cử như việc các phóng viên ở Anh hỏi Tottenham về cách chơi của Arsenal trong trận đấu tại Etihad chẳng hạn. Chúng ta không gọi đây là “truyền thông bẩn” nhưng cũng hiểu được cách tạo hiệu ứng của những người làm truyền thông.
Không phản bác việc Arsenal xù xì hơn, nhưng tách riêng họ ra độc lập để đánh giá là hành động thiếu lý tính.
... và cảm nhận cái đẹp
Trong quá trình nhận dạng, bàn về cái đẹp và xấu, cá nhân tôi lại liên tưởng về những cuộc chiến ác liệt trong lịch sử, từ đó tôi đặt ra vấn đề ở hai tình huống sau:
Tình huống 1: Trong chiến trận, các nước yếu thế hơn cũng chọn cách đánh giáp lá cà thì kết quả sẽ ra sao? Nếu sử dụng cách đánh này, bản đồ thế giới có lẽ đã được vẽ theo trí tưởng tượng của những nhà chính trị hung hăng hiếu chiến. Và, những cách để đánh vào tâm lý địch, sử dụng các loại bẫy được gài sâu xuống lòng đất có phải là nghệ thuật hắc ám không? Đương nhiên là có, nhưng đây phương cách duy nhất để phe yếu thế hơn tìm lấy cơ hội chiến thắng và tồn tại.
Tình huống 2: Vào đầu thế kỉ XIX, Napoleon chinh phạt châu Âu. Với tài dùng binh của mình, nhà lãnh đạo người Pháp đã thống trị gần như toàn bộ châu Âu. Bản chất trong quá trình hoạt động quân sự của Napoleon là xâm lược, một hành động phi nghĩa, ấy vậy, sau mỗi cuộc chinh phạt, vị tướng lĩnh này vẫn được người dân Pháp xưng tôn, lịch sử ca tụng.
Ở hai tình huống nêu trên, động cơ, cách thức, tính chất của cuộc chiến khác nhau, nhưng đều có điểm chung: chiến thắng là có tất cả. Bóng đá dù không đẩy đến chỗ sinh diệt như chiến tranh, nhưng bản chất cũng chẳng thay đổi. Chúng ta thấy Suarez được Tổng thống Uruguay cùng hàng ngàn fan hâm mộ ra sân bay đón như một anh hùng dân tộc khi về nước, dù cầu thủ này đã có hành vi dùng tay ngăn đường bóng của đội tuyển Ghana vào lưới (hành động phải gọi là “siêu hắc ám”). Và cũng chẳng nhiều người cảm nhận đến những giọt nước mắt của Salah sau khi anh phải rời sân trong trận chung kết Champions League 2018, điều chúng ta thấy rõ là Ramos (người khoá tay khiến tiền đạo Ai Cập bị chấn thương) được tận hưởng niềm vui khi nâng cao chiếc cúp Champions League.
Suarez trở thành thần tượng của nhiều trẻ em ở Uruguay sau scandal năm 2014.Nguồn ảnh: Internet.
Đừng tuyệt đối hoá quan điểm: Chiến thắng là có tất cả và cũng đừng biến quan điểm này thành chân lý bất biến, mà hãy coi đây là công cụ, chỗ dựa, để chúng ta cảm nhận quá trình chuyển mình của CLB Arsenal.
Nếu không chiến thắng (ở đây tạm hiểu là không vô địch trong vài năm tới) rất có thể Arteta sẽ bị mất ghế, từng cá thể trong đội bóng cũng tìm cách dời đi để tìm kiếm danh hiệu. Ta hiểu, Arsenal đã nếm trải đủ nỗi đau và chiến thắng là cách duy nhất để giúp cấu trúc của Arsenal hiện nay được tồn tại, tôn vinh. Vậy nên, họ mưu cầu chiến thắng và không ngừng đổi thay, tích lũy qua từng năm tháng. Đây chính cái đẹp mà chúng ta phải cảm nhận.
Sau 4 năm, Arteta đã thay máu toàn bộ hàng phòng ngự. Trong mùa hè đầu tiên được chuyển nhượng (2020), Arteta mua hai trung vệ: Gabriel Magalhaes và Pablo Mari (mua đứt sau khi mượn nửa mùa). Mùa hè 2021, Arteta mua các hậu vệ Ben White, Takehiro Tomiyasu, Nuno Tavares và thủ môn Aaron Ramsdale. Mùa hè 2022, tới lượt Zinchenko, Kiwior gia nhập Emirates. Mùa hè 2023 là Jurien Timber, David Raya. Và năm nay là Ricardo Calafiori. Nhớ đó, đoàn quân của Arteta là đội bóng nhận ít bàn thua nhất EPL mùa bóng năm ngoái, suýt thắng Man City trong thế 10 đấu 11, và khiến hàng công ghi bàn trong 51 trận liên tiếp tại vòng bảng Champions League của PSG phải “tắt điện”.
Arteta nhào dựng một tập thể biến hoá với khả năng tấn công. Pháo thủ có đủ nhân tố để đánh trung lộ với Rice, Odegaard, Kai Havertz, khoan biên cũng đáng sợ với Martinelli, Ordegat, Trossard. Và đặc biệt, “Pháo thủ” sở hữu độc chiêu khiến cả châu Âu khiếp sợ, đó là những tình huống... cố tình.
Điểm vượt bậc nhất chính là sự trưởng thành về mặt tâm lý của Arsenal. Đoàn quân của Arteta “hoá cáo” để chiến thắng, tồn tại chứ không còn ngây thơ để truyền thông gọi với danh xưng “đám trẻ”.
Cái xấu và cái đẹp rất dễ quan sát, nhân dạng. Nhưng, đặt xấu - đẹp trong một không gian ra sao, cảm nhận nó như thế nào là việc không hề dễ làm!.
{name} - {time}
-
2024-11-20 08:30:00
Việt Nam đối đầu Thái Lan ở chung kết Futsal nữ Đông Nam Á 2024
-
2024-11-19 06:50:00
Kết quả bóng đá 18/11: Futsal nữ Việt Nam thắng đậm Indonesia 5-0
-
2024-10-04 15:26:00
Đội tuyển Brazil gian nan tìm lại bản sắc
Cho Myung Woo giành ngôi vô địch Giải Billiards carom 3 băng thế giới lần thứ 76
Trí tuệ khởi sinh từ... im lặng?
Khi tôi tách mình
Lịch sử bóng đá đã sang trang
Paralympic Paris 2024 khép lại một mùa Hè đặc biệt của nước Pháp
Cristiano Ronaldo chính thức cán mốc 900 bàn thắng trong sự nghiệp
Siêu sao Cristiano Ronaldo thiết lập kỷ lục vô tiền khoáng hậu
Indonesia giành tấm Huy chương Vàng đầu tiên tại Olympic Paris 2024
Bóng đá nam tại Olympic Paris 2024: “Khi người ta trẻ”