(vhds.baothanhhoa.vn) - Trên sách báo hiện nay tồn tại hai cách viết: xe chỉ/se chỉ; xe duyên/se duyên; xe tơ/se tơ; xe dây/se dây...

“Xe chỉ” hay “Se chỉ”; “Xe duyên” hay “Se duyên”...?

Trên sách báo hiện nay tồn tại hai cách viết: xe chỉ/se chỉ; xe duyên/se duyên; xe tơ/se tơ; xe dây/se dây...

“Xe chỉ” hay “Se chỉ”; “Xe duyên” hay “Se duyên”...?

Về SE CHỈ, chúng ta dễ dàng bắt gặp rất nhiều những ngữ liệu như: “Thúy Hoàn vừa cho ra mắt album với chủ đề “Se chỉ luồn kim” (Báo Đại Đoàn kết); “Nghệ sĩ Thúy Hoàn ra mắt album quan họ “Se chỉ luồn kim” (Tạp chí Đại biểu Nhân dân) “Se Chỉ Luồn Kim - Thanh Kim Huệ Giang Châu” (zingmp3.vn),...

Về SE DUYÊN, cũng có vô vàn ngữ liệu: “Cám ơn Hẹn hò VnExpress đã se duyên cho vợ chồng tôi” (VnExpress); “Khúc hát se duyên” (Vietnamnet); Chàng trai se duyên cho ốc sên bằng cách đá ‘tình địch“(Tuổi trẻ); “Se duyên” cho hoa bưởi (báo Nhân dân); Cái tên se duyên ở Tổng cục Kỹ thuật (báo Quân đội Nhân dân); “Tận thấy việc ‘se duyên” cho loại quả quý hiếm...” (báo Tiền phong); “Cẩn trọng chuyện tình “se duyên” từ mạng xã hội” (Lao động); Se duyên bún và dưa hấu (VTV); Nông dân ‘se duyên’ cho cây bưởi ở Hà Tĩnh (VTC); “...Chú mèo Mac và phi vụ se duyên” (VOV),...

Tuy nhiên, nếu tra từ điển, thì tất cả các cuốn từ điển tiếng Việt chúng tôi có trong tay, xuất bản trước và sau năm 1945 đều chỉ thu thập xe chỉ, xe duyên, xe tơ, xe dây... Không có bất cứ cuốn nào ghi nhận cách viết se chỉ, se duyên, se tơ, se dây...

Sau đây, xin trích dẫn 2 cuốn từ điển tiếng Việt đại diện cho hai thời kì lịch sử, trước và sau 1945:

-Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến đức – 1931): “xe • Làm cho xoắn lại <>Xe chỉ. Xe tơ. Nghĩa bóng: Tác hợp cho hai người lấy nhau <>Ông tơ sao khéo xe quàng xe xiên. Văn-liệu: Ngày dưng thì chẳng xe gai, Đến khi nước lớn, mượn chài ai cho (C-d). Đào non sớm liệu xe tơ kịp thì (K). Cùng chàng kết tóc xe tơ những ngày (K). Tay nguyệt-lão chẳng xe thì chớ, Xe thế này có dở - dang không (C-d)”.

- Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên - Vietlex – 2018) “xe • đg. 1 làm cho các sợi nhỏ xoắn chặt với nhau thành sợi lớn. xe chỉ ~ xe dây thừng ~ dã tràng xe cát ~ “Ai cho trúc nọ lộn tre, Ai đem chỉ gấm mà xe tim đèn.” (Cdao). 2 [vch] làm cho kết đôi với nhau thành vợ chồng. duyên trời xe ~ kết tóc xe tơ ~ “Ai xinh thì mặc ai xinh, Ông Tơ chỉ quyết xe mình với ta.” (Cdao)”.

Ngoài ra Từ điển Việt – Pháp

của Génibrel, (in năm 1898, đã ghi nhận một số từ ngữ như xe chỉ, xe tơ, Kết tóc xe tơ, Xe dây buộc mình,...

Như vậy, sự thống nhất xem như tuyệt đối của từ điển là một căn cứ rất quan trọng để chúng ta lựa chọn chữ cái X, chứ không phải S, khi viết các từ xe chỉ, xe duyên, xe tơ, xe dây...

Bây giờ, chúng ta tiếp tục xét nghĩa từ nguyên, xem tại sao phải viết XE, chứ không phải SE.

XE là từ Việt gốc Hán do chữ xa có nghĩa là xe (mối quan hệ biến âm A thành E, ta còn thấy trong nhiều trường hợp khác như: sa the (vải); già che (che đậy);

Trở lại với chữ xe. Xưa kia, tất cả những máy móc, dụng cụ có hình thù, hoặc chuyển động bằng bánh xe, có sự tác động để bánh xe quay được, đều gọi là xe. Ví dụ, cái cọn nước có trục quay, hình bánh xe, sử dụng để lấy nước tưới, thì gọi là xe nước, tên chữ là thuỷ xa. Tương tự, công cụ thô sơ có hình bánh xe, quay bằng tay hoặc đạp chân, dùng để kéo sợi, đánh ống, đánh suốt, được gọi là phưởng xa

Trong tiếng Việt, phưởng xa được gọi tắt là XA, ví dụ Quay xa dệt vải, Lật đật như xa vật ống vải... Còn khi đọc là XE, thì lại được dùng ở vị trí của một động từ, chỉ việc kéo sợi và làm cho nó săn lại..., như Xe tơ dệt vải; xe sợi, xe dây... Với chữ Nôm, cấu tạo của chữ xe

trong xe tơ gồm bộ mịch (sợi tơ), chỉ nghĩa, và xa Ž vừa ghi âm, vừa chỉ nghĩa.

Như vậy, xe trong tất cả các trường hợp như xe chỉ, xe dây, xe tơ, xe sợi... đều có gốc từ chữ XA, là xa/xe kéo sợi.

Tuy nhiên, xe duyên; Kết tóc xe tơ/Xe tơ kết tóc; Kết chỉ xe dây; Xe sợi chỉ hồng... đâu có mắc mớ gì đến xe tơ dệt vải? Vấn đề này lại liên quan đến một điển tích có tên Nguyệt hạ lão nhân.

Nguyên trong sách Tục u quái lục, có chép tích Nguyệt hạ lão nhân. Nguyên Vi Cố, người đời Đường, thời chưa vợ, một hôm trú lại Tống Thành, gặp một dị nhân đang ngồi dưới bóng trăng kiểm sổ sách, trong túi có cuộn dây đỏ. Vi Cố bèn tò mò hỏi, lão dị nhân đáp: “Đây là cuốn sổ hôn nhân, còn cuộn dây đỏ dùng để buộc chân các đôi nam nữ. Dầu cho gia đình hai bên có thù hằn với nhau, hoặc dù cách xa nhau đến mấy, đã lấy dây đó buộc chân đôi nam nữ lại với nhau, thì tất sẽ thành vợ, thành chồng”.

Do điển tích này mà những từ ngữ như xích thằng (dây đỏ), tơ hồng, chỉ hồng, chỉ thắm,... đều chỉ việc xe duyên vợ chồng; và Nguyệt Lão, Ông Tơ... chỉ người làm mai mối trong việc hôn nhân:

Thương nàng, nàng cứ làm ngơ,

Bao giờ kết tóc xe tơ hỡi nàng.

(Ca dao)

Trăm năm xe sợi chỉ hồng

Đừng nghe miệng thế mà lòng thờ ơ

(Ca dao)

Tay nguyệt lão chẳng xe thì chớ

Xe thế này có dở dang không

(Cung oán ngâm khúc)

Như vậy, căn cứ vào từ điển và nghĩa từ nguyên, thì trong các từ như: xe chỉ, xe duyên, xe tơ, xe dây, xe sợi... chỉ có một cách duy nhất đúng, là viết với chữ cái X. Tất cả những trường hợp viết với S, như se chỉ, se duyên, se tơ, se dây... đều là sai chính tả.

Lý Thuỷ



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]