(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Sau tập thơ ‘Vần thơ tặng Mẹ’, Việt Năm tiếp tục cho ra mắt bạn đọc tập ‘Viết cho người tôi yêu’. Khoan nói về nội dung, chỉ riêng hình thức thôi đã thấy sự tiến bộ vượt trội so với cuốn đầu tay.

Tin liên quan

Đọc nhiều

‘Viết cho người tôi yêu’ tiếng thơ nhân hậu yêu thương

(VH&ĐS) Sau tập thơ ‘Vần thơ tặng Mẹ’, Việt Năm tiếp tục cho ra mắt bạn đọc tập ‘Viết cho người tôi yêu’. Khoan nói về nội dung, chỉ riêng hình thức thôi đã thấy sự tiến bộ vượt trội so với cuốn đầu tay.

“Viết cho người tôi yêu” - Việt Năm đã thể hiện sự trải nghiệm, sự lắng đọng và cảm xúc chất chứa ở nhiều đề tài khác nhau của cuộc sống. Mảng nào cũng sắc màu tươi mới, được tô vẽ và cảm nhận bằng trái tim phụ nữ nhân hậu, dịu hiền. Nhưng sâu nặng là đề tài gia đình, nhất là về Cha Mẹ - đấng sinh thành muôn trọng, nghìn yêu.

Như bao người mẹ Việt Nam khác - người mẹ hiện lên trong thơ Việt Năm thật đẹp, thật đáng trân trọng, ngưỡng vọng và học tập. Trong bài Ký ức tháng Năm - ký ức của những ngày thơ bé, chỉ biết vui chơi học hành, chỉ biết làm nũng và vòi vĩnh, cô bé Việt Năm nhớ lại và cảm nhận sâu sắc tấm tình mẹ dành cho: Ông mặt trời sau rặng tre lấp ló/ Mẹ đã ra đồng với quang gánh trên vai/ Con thức dậy vào mỗi buổi sáng mai/ Đã có sẵn nồi khoai vùi trong trấu/ Hay bát cháo lừng thơm do mẹ nấu/ Trước lúc ra đồng để thức dậy con ăn.

Thời gian như bóng câu qua cửa sổ vụt trôi đi không bao giờ trở lại, người mẹ thân yêu cũng theo quy luật tự nhiên mà lặng lẽ rời xa, đi vào cõi vĩnh hằng để lại một niềm thương, nỗi nhớ ơn nặng nghĩa dày. Những tiếc nuối khôn nguôi, những yêu thương da diết đã được tác giả viết thành những vần thơ khóc thương lay động lòng người. Việt Năm thấu hiểu qui luật nghiệt ngã của sinh tử, sự mong manh kiếp người, tâm tư của tác giả càng trĩu nặng mỗi lần vào dịp giỗ mẹ. Mỗi lần lặng đi trước di ảnh mẹ, nhớ mẹ là mỗi lần nước mắt rơi: Khi con gọi tiếng mẹ ơi lần cuối/ Cũng chính là lúc buồn tủi chia phôi/ Trong quắt quay con thèm tiếng "Mẹ ơi”/ Và con muốn nói ngàn lời yêu mẹ.

Nếu đấng sinh thành tác giả luôn ở trong tâm trạng mắc “nợ”, thì viết cho người tôi yêu là chồng, con và bè bạn, với tâm trạng vui tươi cởi mở Việt Năm lại có phần hóm hỉnh, duyên dáng. Bài “Viết cho người tôi yêu” là bài thơ được chọn làm tên của tập thơ có sức nặng hơn cả. Tác giả bộc bạch những suy nghĩ, những lo lắng rất thực, tâm trạng của giới, khi biết xuân xanh có hạn, hiện hữu nỗi lo lắng mang tên “đàn bà”, buộc tác giả cậy vào lời hứa, vịn vào lời nguyện yêu đương để cột, để giữ lấy người mình yêu: Anh đã hứa yêu suốt đời suốt kiếp/ Ước hẹn rồi thì đừng có đổi thay/ Hãy yêu nhau cho thật đắm thật say/ Dù mai đây ta không còn trẻ nữa.

Một nét đáng yêu nữa của tập thơ “Viết cho người tôi yêu” dành nhiều trang thơ viết về tình bè bạn, tình đồng nghiệp những vui buồn của nghề thủy lợi, thủy nông. Là người trong ngành, lại từng là Chủ tịch Công đoàn rồi phụ trách công tác nữ công, nên Việt Năm hiểu nỗi vất vả khó nhọc của những khi lội đồng, những lúc trực ca, buổi vận hành máy và niềm vui mùa đổ nước, niềm vui mùa màng bội thu. Hai bài thơ: Em là cô gái thủy nông và Hát và em cô gái thủy lợi là món quà ân nghĩa Việt Năm viết cho nghề mình yêu và gắn bó.Hai bài được cất lên từ men say tình yêu cuộc sống nên giàu nhạc tính và hình ảnh đã được tác giả âm nhạc phổ thành bài hát. Tôi được biết hai bài hát thường được vang lên trong các kỳ hội diễn, trong ngày kỷ niệm và chiếm được cảm tình của cán bộ công nhân viên chức Ngành thủy lợi Thanh Hóa.

Thơ Việt Năm giàu tính hướng nội, ấp ủ những thương yêu, mong nhớ và khát vọng về cuộc sống bình yên, thuận chèo mát mái của gia đình và công việc, song đôi khi người đọc còn bắt gặp sự quan tâm của Việt Năm tới những vấn đề xã hội lớn lao: Như nỗi đau về đất nước lúc phong ba, nỗi niềm lo lắng về an toàn vệ sinh thực phẩm về Biển Đông khi sóng dậy, tính hướng ngoại không nhiều, nhưng cũng là điểm đáng trân trọng cổ vũ.

Xuyên suốt trang thơ Việt Năm là lòng nhân hậu, là cử chỉ yêu thương gửi gắm trong những bài thơ hồn hậu, giản dị. Việt Năm luôn tỏ ra nhanh nhạy, nắm bắt các đề tài trong cuộc sống và luôn ngân rung tiếng lòng và những tâm sự thường trực của mình. Thơ Việt Năm vì thế mà giàu nữ tính, tiếng thơ ấm áp gần gũi yêu thương, có những câu thơ tỏ ra vững ngòi bút khi tìm được hình ảnh đắt: Xanh trong mắt biển đong đầy tình thơ; Tiếng chim hót nghe ngọt mềm vòm lá; Những hương tình vẫn ngời lên mắt biếc; Gió tửng tửng gió, mây bồng bềnh mây...

Đôi lúc có những bài thơ, người đọc nhận thấy Việt Năm cảm xúc chưa đủ độ chín. Nhưng cũng dễ hiểu khi anh không chọn thơ là nghề chính, chỉ đến với thơ khi cảm xúc thăng hoa và muốn thổ lộ những vui buồn, mong ước trước dòng đời mà chị đã có mặt và trân trọng yêu thương.

Bạn đọc yêu thơ Việt Năm có quyền chờ đợi và hy vọng những bài thơ hay, tiếng thơ yêu thương đồng vọng và sẽ ngân vang trong những bài thơ, tập thơ tiếp theo, bởi Việt Năm luôn là người yêu cuộc sống, yêu đời và trân quý những gì cuộc đờinhân hậu yêu thương đã đem đến cho trái tim nhân ái giàu cảm xúc.

Nguyễn Hữu Ngôn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]