(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau 5 năm triển khai thực hiện, có thể khẳng định Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đã đi vào cuộc sống, tác động rất tích cực đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ấn tượng tăng trưởng tín dụng sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 40

Sau 5 năm triển khai thực hiện, có thể khẳng định Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đã đi vào cuộc sống, tác động rất tích cực đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Kể từ khi triển khai Chỉ thị 40, các cấp ủy, chính quyền các cấp đã nhận thức rõ về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng NTM, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. Bên cạnh việc tiếp nhận nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách từ Trung ương chuyển về, tỉnh đã chỉ đạo bố trí ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện để bổ sung nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Do vậy nguồn vốn cho vay được tăng lên hàng năm.

Kể từ khi Chỉ thị 40 ra đời, tín dụng chính sách đã thực sự là một trong những nhiệm vụ chính trị chung, góp phần giảm nghèo, phát triển KT-XH.

Hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã và đang triển khai thực hiện 21 chương trình tín dụng chính sách, tăng 8 chương trình so với trước khi có chỉ thị. Tổng dư nợ đạt 9.156,7 tỷ đồng, với 262,8 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được thụ hưởng. Tăng trưởng tín dụng trong 5 năm đạt 2.164,9 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân 6,9%/năm, nguồn vốn tín dụng chính sách giúp 424,2 nghìn lượt hộ được vay vốn với số tiền 12.551 tỷ đồng.

Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tập trung ưu tiên nguồn vốn tín dụng chính sách cho vay đối với các huyện miền núi, huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Trong giai đoạn (2014 – 2019) có 97,2 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với số tiền 2.733,3 tỷ đồng (đưa dư nợ tín dụng chính sách cho các huyện nghèo đạt 2.031,5 tỷ đồng với 55,2 ngàn khách hàng được thụ hưởng). Đã có 71,5 ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách với số tiền 2.605,4 tỷ đồng, chiếm 22,6% tổng dư nợ của NHCSXH. Mức cho vay bình quân 36,4 triệu đồng/hộ (mức bình quân chung toàn tỉnh là 34,8 triệu đồng/hộ).

Nguồn vốn tín dụng chính sách cũng giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của cuộc sống vùng dân tộc thiểu số, nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngăn ngừa tình trạng cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” ở vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi... Đặc biệt, việc sử dụng vốn tín dụng chính sách đã tác động đến nhận thức, giúp đồng bào thay đổi tập quán sinh hoạt, cách làm.

Tín dụng chính sách đã giúp cho 94,6 nghìn lượt hộ nghèo. 89,5 nghìn lượt hộ cận nghèo được vay vốn tạo điều kiện để phát triển sản xuất; hỗ trợ đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 14 nghìn lao động (trong đó có hơn 1 nghìn lao động đi xuất khẩu có thời hạn ở nước ngoài). Cũng từ nguồn vốn tín dụng chính sách, hơn 21,2 nghìn lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập. Trên 173,5 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn được xây dựng. Gần 9 nghìn căn nhà ở đã hoàn thành giúp hộ nghèo ổn định cuộc sống và 155 căn nhà ở xã hội được xây dựng theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP.

Vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo của tỉnh. Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,89% (từ 9,88% xuống còn 6,99%); tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 1,01% (từ 9,77% xuống còn 8,76%). Giai đoạn 2016 - 2019, tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều giảm 7,92% (từ 13,51% đầu năm 2016 xuống còn 5,59% năm 2019); tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 0,23% (từ 9,80% đầu năm 2016 xuống còn 9,57% năm 2019). Kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2014 - 2019 đều đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đề ra.

Trong thành quả chung đó, từ khi thực hiện Chỉ thị 40 không thể không nhắc tới trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách. Thông qua công tác ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh, Đoàn Thanh niên) đến ngày 30/6/2019, tổng dư nợ ủy thác trên địa bàn tỉnh đạt 9.097,6 tỷ đồng, chiếm 99,3% tổng dư nợ của NHCSXH, nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 0,14% dư nợ ủy thác.

Đình Giang


Đình Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]