Ba chiếc ôtô phục vụ Bác Hồ được công nhận là Bảo vật Quốc gia
Trong khuôn khổ Chương trình Xuân Quê hương 2025, sáng 19/1, tại Phủ Chủ tịch đã diễn ra Lễ Công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật Quốc gia: ba chiếc xe ôtô được sử dụng phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1954 đến năm 1969.
Ôtô Zit (ZIS), biển đăng ký HN 481. Kích thước xe: dài 5m92; rộng 1m82; cao 1m75; trọng lượng: 4280kg; màu sắc: đen. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Dự buổi lễ có Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khu Di tích Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch cùng một số bộ ngành, doanh nghiệp... và đông đảo kiều bào tham dự Chương trình Xuân Quê hương 2025.
Theo Ban Tổ chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, không chỉ là biểu tượng của lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần cách mạng kiên cường mà còn là tấm gương về tình đoàn kết quốc tế trong sáng.
Những di tích, tài liệu, hiện vật tại Di tích Quốc gia Đặc biệt - Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, nơi Người đã gắn bó suốt 15 năm cuối đời, chính là minh chứng sống động, chân thực nhất phản ánh cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người.
Trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật Quốc gia đối với 3 chiếc xe ôtô từng phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1954 đến năm 1969. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Trong hệ thống di tích, tài liệu, hiện vật Khu Di tích hiện đang bảo quản và phát huy giá trị, có ba chiếc xe ôtô từng phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1954-1969, vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia (đợt 13, năm 2024). Mỗi chiếc xe là một bảo vật, là một câu chuyện lịch sử lưu giữ giá trị đặc biệt sâu sắc đối với quốc gia, dân tộc và tình cảm hữu nghị quốc tế.
Cụ thể, chiếc xe Zit, biển số HN 481 là món quà của Đảng Cộng sản Liên Xô tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1954. Với thiết kế bằng thép chịu lực và kính chống đạn, loại xe chuyên dụng này được sản xuất rất hạn chế tại Liên Xô và chủ yếu dành cho các nguyên thủ.
Từ năm 1965, những năm tháng chiến tranh ác liệt, chiếc xe luôn sẵn sàng phục vụ Bác và Bộ Chính trị. Xe được dùng đón các nguyên thủ quốc gia sang thăm Việt Nam để bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Chiếc xe tượng trưng cho tình hữu nghị bền chặt giữa Việt Nam và Liên Xô; biểu hiện của sự đồng hành và hỗ trợ quý báu từ những người bạn quốc tế đối với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập của dân tộc ta.
Bên cạnh chiếc xe Zit là chiếc xe Pobeda, biển số HN 158 là quà tặng từ Chính phủ Liên Xô năm 1955. Tháng 3/1957, vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao chuyển chiếc xe này sang Văn phòng Phủ Chủ tịch. Xe phục vụ Bác từ đó đến năm 1969. Xe có ưu điểm là rộng, thoáng, gầm cao, máy khỏe, phù hợp đường trường nên thường xuyên phục vụ Bác trong những chuyến công tác tại các địa phương xa Hà Nội. Chiếc xe đã trở thành hình ảnh gần gũi của vị lãnh tụ giản dị, luôn sát cánh cùng đồng bào trong mọi hoàn cảnh.
Cuối cùng là chiếc xe Peugeot 404, biển số HNC 232 là món quà của kiều bào Việt Nam tại Tân Đảo (New Cacedolia và Vanuatu - tên gọi trước đây của các quần đảo, thuộc châu Đại Dương) biếu Bác vào tháng 3/1964.
Giữa năm 1966, sau một lần tai biến nhẹ, sức khỏe Bác có phần giảm sút nên chiếc xe được sử dụng phục vụ Bác di chuyển trong thành phố nhiều hơn. Loại xe này có đặc điểm gầm thấp, máy chạy êm, thuận tiện lên xuống khi chân trái của Người bị yếu.
Chiếc xe chứa đựng tình cảm thiêng liêng của những người con xa xứ dành cho Bác Hồ và quê hương. Trong những năm tháng sống xa Tổ quốc, dù ở nơi đâu, kiều bào ta vẫn một lòng hướng về quê hương, đáp lại lời hiệu triệu của Đảng và Bác Hồ, góp sức vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Ôtô Peugeot 404, biển đăng ký HNC 232. Kích thước xe: dài 4m25; rộng 1m40; cao 1m40; trọng lượng: 2300kg, màu sắc: ghi bạc. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Ba chiếc xe ôtô đã luân phiên được đồng hành cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong gần 2.000 chuyến đi cơ sở tới rất nhiều địa phương cũng như các công việc thường ngày tại Hà Nội.
Theo lãnh đạo Khu Di tích Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch, nhóm Bảo vật Quốc gia - ba chiếc xe ôtô - không chỉ là phương tiện di chuyển mà còn mang giá trị biểu trưng sâu sắc về tình hữu nghị quốc tế, tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước của kiều bào và công sức vun đắp cho tình dân tộc, nghĩa đồng bào của Bác.
Ba chiếc xe là minh chứng sống động về một giai đoạn lịch sử đầy gian lao, bền gan vững chí, quyết giành độc lập, tự do, thống nhất nước nhà đồng thời truyền tải những bài học sâu sắc về tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh.
Là đơn vị được giao nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia đối với ba chiếc xe ôtô từng phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh là niềm tự hào, xúc động của các thế hệ cán bộ, người lao động ở Khu Di tích Bác Hồ đã tận tụy sớm khuya, gìn giữ và phát huy giá trị di sản của Bác Hồ. Đây là động lực để Khu Di tích tiếp tục thực hiện sứ mệnh bảo tồn, lan tỏa di sản Hồ Chí Minh tới công chúng trong và ngoài nước, góp phần giữ gìn, phát huy tinh thần đoàn kết, hữu nghị quốc tế cũng như lòng yêu nước sâu sắc của dân tộc.
Quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia đối với ba chiếc xe ôtô nêu trên vừa là sự tôn vinh giá trị di sản vừa khẳng định mạnh mẽ sức sống trường tồn của tinh thần đoàn kết dân tộc và tình hữu nghị quốc tế mà Bác Hồ đã đặt nền móng vững chắc.
Các đại biểu nghe giới thiệu về 3 chiếc xe ôtô từng phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1954 đến năm 1969. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Lần đầu tiên sau 55 năm bảo tồn và phát huy giá trị di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch vinh dự có hiện vật được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Đây chính là niềm vinh dự, tự hào đồng thời khẳng định giá trị cao cả của chặng đường hơn nửa thế kỷ các thế hệ viên chức, người lao động Khu Di tích đã âm thầm gìn giữ, phát huy di sản của Bác Hồ để lại.
Buổi lễ càng có ý nghĩa hơn khi được tổ chức trong không khí mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ và chào đón kiều bào từ khắp nơi trên thế giới trong Chương trình Xuân Quê hương 2025 về thăm ngôi nhà của Bác.
Nhiều năm qua, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là nơi thường xuyên đón tiếp các đoàn kiều bào về quê ăn Tết đến dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh và tổ chức lễ thả cá chép truyền thống tại Ao cá Bác Hồ. Tình cảm kính dâng Bác Hồ cùng tấm lòng hướng về Tổ quốc của kiều bào là những bông hoa góp phần làm đẹp thêm mùa xuân đất nước.
Sáng cùng ngày, Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân cùng đại biểu kiều bào tham dự Chương trình Xuân Quê hương thực hiện nghi thức thả cá chép tiễn ông Công, ông Táo nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025; dâng hương tại Điện Kính Thiên trong Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, Nhà 67. Đoàn kiều bào cũng đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ.
Theo chương trình, tối cùng ngày, Chủ tịch nước Lương Cường sẽ chúc Tết kiều bào, đánh trống hội khai Xuân trong Chương trình giao lưu nghệ thuật Xuân Quê hương 2025 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia dành cho toàn thể kiều bào về dự.
Chương trình Xuân Quê hương 2025 có chủ đề “Việt Nam-Vươn lên trong kỷ nguyên mới” diễn ra từ ngày 18-20/1 với nhiều sự kiện phong phú và ý nghĩa. Đây là một sự kiện văn hóa-chính trị quan trọng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và luôn được bà con kiều bào chờ đón mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Chương trình năm nay thu hút được sự tham gia của khoảng 1.000 đại biểu kiều bào từ khắp nơi trên thế giới về quê hương đón Tết./.
Theo TTXVN
{name} - {time}
-
2025-01-22 15:16:00
Chi tiết các điểm bắn pháo hoa tại các địa phương trong đêm Giao thừa Tết Ất Tỵ
-
2025-01-22 09:14:00
Tìm hiểu câu chuyện bí mật phía sau tấm danh thiếp ’thợ ảnh Nguyễn Ái Quốc'
-
2025-01-20 09:16:00
Xuân Quê hương 2025: Kiều bào đoàn tụ, hướng về quê hương
Hòa nhạc Ánh sáng: Những màn trình diễn ấn tượng đặc sắc “tỏa chất riêng”
Tết “ấm” làng nghề... (Bài 3): Gìn giữ cho muôn đời sau
Xếp hạng 5 di tích quốc gia đặc biệt
Vị tết...
Cuộc cách mạng một cọng rơm
Tết “ấm” làng nghề... (Bài 2): Xuân về - cơ hội lan tỏa nghề truyền thống
Nghĩa đen câu tục ngữ “Được lòng rắn, mất lòng ngóe”
Lào phát hiện nhiều hiện vật cổ có niên đại hàng trăm năm
Cách bao sái bàn thờ trước Tết và những điều quan trọng cần lưu ý