(vhds.baothanhhoa.vn) - Được xây dựng từ thời Lê Trung hưng, đền thờ bà Quế Xuân Dung Hoa nương công chúa (gọi tắt là bà Quế Hoa) luôn là nơi tâm linh của người dân xã Hoằng Đông (Hoằng Hóa).

Bà Quế Hoa - biểu tượng niềm tin của cư dân sông nước Hoằng Hóa

Được xây dựng từ thời Lê Trung hưng, đền thờ bà Quế Xuân Dung Hoa nương công chúa (gọi tắt là bà Quế Hoa) luôn là nơi tâm linh của người dân xã Hoằng Đông (Hoằng Hóa).

Bà Quế Hoa - biểu tượng niềm tin của cư dân sông nước Hoằng HóaTrong khuôn viên đền thờ có lăng, mộ bà. Ảnh: Văn Bắc

Khoảng nửa đầu thế kỷ XVI, dòng họ Trương Văn đã đến làng Hội Triều sinh sống và lập nghiệp. Đến nay chừng được khoảng 15 - 16 đời, bắt đầu từ cụ tổ Trương Văn Minh. Cụ Minh sinh được bốn người con là các ông Trương Văn Trực, Trương Văn Khoan, Trương Văn Thức và bà Trương Thị Quế. Do biến cố lịch sử, người con trai cả ở lại làng Hội triều, người con thứ hai chuyển đến xã Hoằng Phụ, cụ Minh cùng con trai thứ ba và bà Trương Thị Quế chuyển sang xã Hoằng Đông.

Bà Trương Thị Quế sinh sống vào triều vua Lê Thần tông tên húy là Duy Kỳ (1619 -1643) thời Lê Trung hưng (1533-1789). Bà có vóc dáng thanh cao, mắt phượng, mày ngài, tóc dài, da phấn… Bản tính nết na, lương thiện, nhân ái, nhanh nhạy, lễ phép… Bà luôn nhận được sự yêu quý của mọi người và làng xóm.

Vào một ngày mùa xuân, vua Lê đem theo công chúa độ tuổi thiếu nhi và đoàn tùy tùng đi kinh lý một số địa phương vùng ven biển xứ Thanh. Khi thuyền của nhà vua cập bến sông để vào xã Hoằng Đông (ngày nay) Nhân dân địa phương tổ chức lễ đón rất long trọng. Lúc này, cô gái Trương Thị Quế cũng theo cha và anh gia nhập vào đoàn người đón vua. Khi kiệu của nhà vua hạ tại địa điểm dân làng tập kết, công chúa bất chợt phát hiện ngay cô gái thôn quê xinh đẹp hơn mình vài tuổi đang tung tăng múa hát thì lấy làm thích thú và tỏ lòng quý mến ngay.

Công chúa xin vua xuống kiệu và chạy ngay ra chỗ có chị Quế đang chơi, hai người nhanh chóng làm quen và chơi với nhau rất thân thiết như thể đã gặp từ lâu. Cô gái họ Trương dạy cho công chúa chơi các trò chơi dân gian. Khi cuộc chơi của hai chị em đang vui thì vua có lệnh về cung, công chúa lưu luyến người chị gái mới quen và những trò chơi mới biết nên nhất quyết không chịu về và xin vua cho ở lại chơi với chị hoặc cho chị theo mình về cung. Để đáp ứng nguyện vọng của công chúa, nhà vua cho gọi cụ Trương Văn Minh đến gặp vua và ngỏ lời muốn đưa Trương Thị Quế vào cung làm bạn với công chúa. Cụ Minh vô cùng cảm kích và tạ ơn vua, đồng ý cho con gái vào cung.

Bà Trương Thị Quế sinh ra trong một gia đình nông dân nhưng chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo và Phật giáo, ngay từ khi còn nhỏ đã tiếp thu những nét đẹp truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Vào cung, bà nhanh chóng tiếp thu văn hóa cung đình. Sự tiếp biến văn hóa làng xã với văn hóa cung đình đã bồi đúc thêm đức hạnh và phẩm chất tốt đẹp của người con gái vùng biển xứ Thanh. Bà được nhà vua và công chúa quý mến.

Vào năm 16 tuổi, Quế Hoa được vua cho phép về thăm gia đình. Sau những ngày đoàn viên vui vẻ với cha mẹ và anh trai thứ ba tại Hoằng Đông, Trương Thị Quế xin phép cha sang làng Hội Triều, xã Hoằng Phong (hiện nay) để thăm gia đình anh trai cả đang sinh sống tại đây. Về quê hương Hội Triều nơi đã sinh ra mình, bà Quế vô cùng xúc động bởi cảnh làng quê rất đầm ấm, mọi người đều siêng năng, chất phác và thân thiện. Bà đã đóng góp tiền để xây dựng cầu Núc vào làng.

Vào buổi trưa ngày 1-3 (âm lịch), bà Quế ra bến đò bè trên bờ sông Cung (nay thuộc xã Hoằng Lưu) để về Hoằng Đông. Khi đò gần vào bờ, bỗng nhiên một trận gió lớn từ phía biển thổi vào, trời tối sập lại, đò chao đảo rồi lật úp. Chỉ trong chớp nhoáng người lái đò không tìm thấy bà, vội cho thuyền vào bờ đi báo ngay cho người nhà.

Cũng ngay tại buổi trưa ngày hôm đó, có một người đàn ông đang thả chài lưới bắt tôm cá trên sông Cung. Ông ngạc nhiên thấy vô số tôm cá vào lưới quan sát kỹ thì thấy hàng đàn tôm cá đang đưa thi thể một người phụ nữ vào bờ. Sau mới biết đó chính là bà Quế Hoa.

Bà Quế Hoa - biểu tượng niềm tin của cư dân sông nước Hoằng HóaĐền thờ Quế Xuân Dung Hoa nương công chúa ở xã Hoằng Đông được dòng họ Trương Văn tu bổ khang trang. Ảnh: Văn Bắc

Được tin, con gái nuôi Trương Thị Quế gặp nạn qua đời, nhà vua và công chúa rất thương tiếc đã đến mộ thăm viếng, lệnh cho dân địa phương lập đền thờ theo kiểu “Thượng sàng hạ mộ”. Ban cho tên hiệu là Quế Xuân Dung Hoa nương công chúa. Khắc tên hiệu trên bia mộ bằng chữ Hán. Chỉ dụ cho dân sở tại trông coi phần lăng mộ và hàng năm làm lễ giỗ vào ngày mất.

Nếu xét về tên tuổi và những thành tựu, bà Quế Hoa có lẽ không bằng nhiều người, nhưng với đức hạnh, sắc đẹp bà là hình mẫu của phụ nữ lúc bấy giờ. Chính bởi vậy, việc thờ cúng bà Quế Xuân Dung Hoa nương công chúa đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của bộ phận cư dân ven biển huyện Hoằng Hóa. Truyền rằng bà Quế Hoa rất linh thiêng, thường hiển linh báo mộng cho dân làng. Mỗi khi nhà có việc hệ trọng hay trước khi đi biển người dân thường đến những nơi thờ bà để cầu cúng và đã có nhiều linh ứng.

Với sự suy tôn bà Quế Hoa như là hóa thân của Mẫu Thoải - mẹ của người dân miền sông nước, bà được phối thờ trong phủ Hoằng Đông nơi thờ Liễu Hạnh công chúa. Ngoài ra, trong khu nhà thờ họ Trương Văn tại làng Hội Triều, xã Hoằng Phong cũng có điện thờ bà Quế Hoa. Đặc biệt tại hương án thờ bà có một Lá đề thờ được chạm lộng hình hoa cúc và dây leo cách điệu rất tinh xảo, sơn son thếp vàng. Mặc dù đã mấy trăm năm nhưng Lá đề thờ vẫn được bảo tồn tương đối nguyên vẹn.

Khu lăng mộ và đền thờ bà Quế Hoa tại làng Đông Tân được xây dựng từ thời Lê Trung hưng đã được chính quyền địa phương và Nhân dân bảo vệ và tu bổ nhiều lần. Đến những năm đầu thế kỷ XXI, quy mô của đền không còn đáp ứng được nhu cầu văn hóa tín ngưỡng của con cháu dòng họ và cư dân trong vùng.

Năm 2012, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về việc đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa của dân tộc, chính quyền địa phương đã cho phép dòng họ Trương Văn tu bổ và xây mới thêm một số hạng mục trong khuôn viên khu di tích lăng, mộ và đền thờ bà Quế Xuân Dung Hoa nương công chúa. Dòng họ Trương Văn đã kêu gọi con cháu và Nhân dân địa phương cũng như du khách đóng góp công sức, kinh phí tu bổ lại khu lăng, mộ và xây dựng đền thờ mới.

Đền thờ bà Quế Hoa nay đã có đủ các công trình kiến trúc, từ cổng ra vào, đường đi, nhà khách, sân, lăng, mộ, nhà tiền đường, nhà hậu cung. Nhà tiền đường gỗ lim có 3 gian. Cả ba gian nhà tiền đường đều có cửa võng, trên cửa võng chính giữa có bức Đại tự viết bằng chữ Hán: “Muôn thuở linh thiêng”. Trên hai cột cái trong gian chính giữa có đôi câu đối “Tổ tông bằng y tại đức - Tử tôn đôi việt duy thành”. Từ cửa võng, trụ, xà, các con rường… và bẫy hiên trong đền thờ đều được soi gờ chỉ và được chạm lộng đề tài trang trí ngũ phúc ngậm kim tiền, xen lẫn hoa sen, hoa cúc, hoa mai, dây leo và vân mây cách điệu. Bà Quế Hoa được thờ ở gian hậu cung, ngoài ra thân phụ, thân mẫu của bà cũng được thờ trong đền.

Theo ông Trương Khắc Đạt, Chủ tịch UBND xã Hoằng Đồng: Từ năm 2012, di tích lịch sử đền thờ bà Quế Xuân Dung Hoa nương công chúa đã được Ban quản lý di tích và danh thắng (nay là Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa) đưa vào danh mục bảo vệ. Năm 2018, chính quyền địa phương cơ sở (cấp xã, huyện) đã phối hợp với cơ quan chuyên môn cấp tỉnh là Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa thống nhất lập hồ sơ khoa học và các thủ tục pháp lý cần thiết để trình UBND tỉnh Thanh Hóa xét duyệt công nhận đền thờ bà Quế Xuân Dung Hoa nương công chúa là di tích lịch sử. Thiết nghĩ, đây là sự quan tâm của chính quyền địa phương trước nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Góp phần vào việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và xây dựng nông thôn mới.

Phạm Kim Quy

(Hội KH lịch sử Thanh Hóa)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]