Bản người Mông ở Cá Nọi học cách thoát nghèo
Không cam chịu đói nghèo, trong những năm qua đồng bào Mông ở bản Cá Nọi (Pù Nhi, Mường Lát) đã từng bước thay đổi tư duy, nhận thức cũ kỹ, lạc hậu, tích cực đổi mới tập quán canh tác, sản xuất, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, có giá trị kinh tế cao...
Nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình anh Hơ Văn Dế, bản Cá Nọi có điều kiện phát triển chăn nuôi.
Sau chuyến hành trình gần 7 tiếng đồng hồ di chuyển với nhiều phương tiện khác nhau, chúng tôi có mặt ở Cá Nọi - một trong những bản người Mông xa xôi, khó khăn nhất của xã biên giới Pù Nhi. Mặc dù cuộc sống nơi đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng so với cách đây vài năm về trước đã có sự thay đổi rõ rệt cả về nhận thức lẫn tư duy phát triển kinh tế. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, thông qua nhiều biện pháp, cách làm sáng tạo, đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm của đồng bào trong việc đẩy lùi tập quán lạc hậu, không di cư tự do, không chặt, phá rừng làm nương rẫy. Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần đảm bảo nguồn lương thực trong mùa giáp hạt, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Bí thư kiêm trưởng bản Hơ Văn Thành cho biết: Dù cách trung tâm xã không xa, nhưng Cá Nọi có địa hình khá hiểm trở, nhiều dốc cao, khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn, dân cư phân tán. Trước đây là bản nhiều “không”, hủ tục còn tồn tại, cộng thêm tập quán canh tác manh mún, nhỏ lẻ, trình độ dân trí thấp, nhiều người trong bản từ nhỏ không được đi học hoặc chỉ học hết lớp 2, 3. Do không biết chữ, thiếu kiến thức nên vòng xoáy đói nghèo cứ luẩn quẩn đeo bám bà con suốt một thời gian dài. Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, Cá Nọi hôm nay đã thay đổi diện mạo mới, có đường giao thông, điện thắp sáng, trường học, nhà văn hóa. Nhiều hộ dân từng bước đổi mới tập quán sản xuất, xây dựng nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, có ý thức xây dựng bản làng phát triển.
Thông qua các chương trình, dự án, người dân trong bản có điều kiện được tiếp cận với nhiều giống cây con mới, được tập huấn chuyển giao về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn vay vốn để phát triển chăn nuôi, sản xuất. Cả bản có 123 hộ, nhưng có đến 89 hộ vay với tổng dư nợ trên 4,2 tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm. Trước đây, gia đình anh Hơ Chá Pó (sinh năm 1993) thuộc diện hộ nghèo khó, làm lụng vất vả quanh năm không đủ ăn, đủ mặc, cuộc sống thiếu thốn đủ bề. Năm 2021, được vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách mua bò sinh sản, đến nay gia đình có 5 con bò. Ngoài ra, nhờ việc trồng thêm sắn, lúa, ngô... cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn trước, không còn lo thiếu đói mùa giáp hạt nữa.
Chị Thao Thị Dính (sinh năm 1962) là một tấm gương điển hình trong việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách để sản xuất, kinh doanh. Năm 2023, chị được vay 50 triệu đồng mua bò sinh sản, hiện gia đình đã có 8 con bò, cuộc sống dần ổn định, có điều kiện mua sắm được các vật dụng, thiết bị thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Nhờ sử dụng vốn vay hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần phát triển kinh tế gia đình, từ đó mang lại lợi ích thiết thực cho bà con, giúp cho các hộ và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, từng bước vượt lên khó khăn, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Điển hình là các hộ anh Hơ Văn Hơ, Hơ Dị Lênh, Hơ Văn Dế...
Thầy giáo Hơ Dĩnh Pó (sinh năm 1977) đã có nhiều năm công tác ở điểm trường lẻ Cá Nọi (Trường Tiểu học Pù Nhi), sinh ra và lớn lên ở đây, nên thầy hiểu rất rõ sự đổi thay trong đời sống của bà con, đặc biệt là sự học của con trẻ. Thầy Pó tâm sự, những năm gần đây, thành công từ việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động của các cấp, ngành, đoàn thể giúp người Mông thực hiện theo nếp sống mới, bài trừ các hủ tục. Nhờ đó tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết giảm nhiều so với trước kia. Đáng mừng nhất, người dân cho con đến trường đi học đầy đủ, không còn tình trạng bỏ học như trước nữa. Điểm trường có 3 lớp với trên 40 học sinh. Các em giờ đây được học trong những phòng học xây kiên cố, có đầy đủ điện nước, công trình vệ sinh, nên người Mông ở đây đã yên tâm khi đưa trẻ đến trường.
Để cuộc sống của người Mông bản Cá Nọi nói riêng, cũng như cộng đồng người Mông trên địa bàn huyện Mường Lát nói chung đổi thay tích cực, bên cạnh thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Mường Lát cũng cần đẩy mạnh tập trung tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nhận thức, chuyển từ tập quán sản xuất “tự cung, tự cấp” sang sản xuất “hàng hóa”... góp phần vào mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Bài và ảnh: Trung Lê
- 2024-09-18 16:12:00
Người dân huyện Mường Lát giao nộp súng tự chế cho bộ đội biên phòng
- 2024-09-18 10:29:00
Thị xã Bỉm Sơn khắc phục ô nhiễm môi trường, xây dựng đô thị xanh - sạch - đẹp
- 2024-03-08 08:47:00
Tặng quà ngày lễ
Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo khi quét mã QR
Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 tại các nước & Những lời chúc ý nghĩa dành cho “một nửa thế giới”
Những “Hòn vọng phu” chờ chồng đi xuất khẩu lao động
Cần nhiều hơn sự bình đẳng giới
[Infographics] - Ban hành bảng giá đất hằng năm từ ngày 1/1/2026
Diễn biến thời tiết trong Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 trên cả nước
Vận động hàng chục hộ dân tự tháo dỡ lều quán trước cửa đền Phố Cát
Vầu Đắng – Cây thoát nghèo ở Yên Khương
Phụ nữ và chuyện “giữ lửa” tổ ấm