(vhds.baothanhhoa.vn) - Đối với người dân xã Yên Khương việc chuyển đổi một phần diện tích trồng cây lâm nghiệp kém hiệu quả sang cây vầu đắng thực sự trở thành “cứu cánh”, mở ra hướng phát triển kinh tế, giúp bà con vươn lên thoát nghèo, góp phần thay đổi bộ mặt vùng biên viễn này.

Vầu Đắng – Cây thoát nghèo ở Yên Khương

Đối với người dân xã Yên Khương việc chuyển đổi một phần diện tích trồng cây lâm nghiệp kém hiệu quả sang cây vầu đắng thực sự trở thành “cứu cánh”, mở ra hướng phát triển kinh tế, giúp bà con vươn lên thoát nghèo, góp phần thay đổi bộ mặt vùng biên viễn này.

Vầu Đắng – Cây thoát nghèo ở Yên Khương

Cán bộ Đồn Biên phòng Yên Khương hướng dẫn cách chăm sóc cây vầu cho người dân trong xã.

Yên Khương là xã biên giới còn nhiều khó khăn của huyện Lang Chánh. Với đặc thù địa bàn rộng, khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa; dân cư sinh sống không tập trung; trình độ canh tác, sản xuất còn manh mún, lạc hậu... nên việc giải bài toán phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc ở nơi đây gặp không ít khó khăn.

Trong những năm qua, câu chuyện tìm hướng thoát nghèo cho bà con luôn là trăn trở của cấp ủy đảng, chính quyền, trong đó có việc cử cán bộ nông nghiệp đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm, tìm hiểu các loại giống cây trồng, vật nuôi sao cho phù hợp với đồng đất, tập quán canh tác của đồng bào. Năm 2019, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây vầu đắng, xã đã đưa vào trồng thử nghiệm. Do phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu nên cây phát triển nhanh, tỷ lệ sống cao, lại không tốn công chăm sóc, ít sâu bệnh, có thể thu hoạch quanh năm, lợi nhuận cao hơn từ 2 đến 3 lần so với trồng lúa, ngô, khoai, sắn... Đến nay, diện tích trồng vầu đắng tại Yên Khương không ngừng mở rộng với trên 500ha (gồm diện tích vầu tự nhiên và trồng mới) tập trung ở 5/9 thôn, bản.

Là bản có nhiều diện tích trồng vầu đắng, bản Bôn hiện có trên 40ha. Theo trưởng bản Vi Văn Thiện, trước đây người dân chủ yếu trồng keo, sau thời gian tìm hiểu thấy ở nhiều nơi cây vầu đắng mang lại hiệu quả cao, nên một số hộ dân đã chuyển sang trồng vầu. Trước đây, bà con phải sang tận Quan Sơn để mua giống, thì nay để chủ động nguồn giống, nhiều gia đình đã tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm để đầu tư làm vườn ươm giống vầu. Gia đình anh Thiện hiện có trên 2ha cây vầu đắng được trồng từ năm 2017, đến năm 2020 đã cho thu hoạch. Trung bình mỗi năm cho thu nhập từ 45 – 50 triệu đồng/ha. Nhìn thấy hiệu quả mang lại, bà con đã dần bỏ diện tích trồng các loại cây có giá trị kinh tế thấp để trồng vầu, nhờ vậy cuộc sống khấm khá, đỡ vất vả hơn trước. Cả bản có 98 hộ, nay chỉ còn 12 hộ nghèo, thu nhập bình quân đạt trên 20 triệu đồng/người/năm.

“Đến nay, 100% bà con ở bản Giàng, xã Yên Khương đã chuyển sang trồng vầu đắng, với tổng diện tích 180ha. Trung bình một ngày, các hộ dân có thể khai thác từ 200 - 400kg, mang lại thu nhập từ 300.000 - 350.000 đồng/ngày. Ở bản Giàng, ngoài vầu tự nhiên, với các diện tích vầu trồng mới, xã đã hướng dẫn các hộ thực hiện kỹ thuật ươm hạt vầu giống để cung cấp cho bà con trong xã và các xã lân cận. Theo tính toán của người dân, nếu trồng keo lai sau 8 năm thu hoạch cho doanh thu đạt trên 15 triệu đồng/ha/năm; cây luồng bắt đầu khai thác từ năm thứ 4 trở đi đạt 45 - 50 triệu đồng/ha/năm. Riêng cây vầu đắng, chỉ với thời gian từ lúc trồng, chăm sóc sau hai năm, cây đã cho bói, có thể thu về gần 70 triệu đồng, thời gian thu hoạch dài tới 40 đến 50 năm. Như vậy, so về hiệu quả kinh tế, cây vầu đắng cho doanh thu cao rất nhiều lần so với hai cây trồng còn lại", ông Lò Đức Thuận, bí thư chi bộ bản Giàng, cho biết.

Theo ông Hà Văn Hoài, Chủ tịch UBND xã Yên Khương, thông tin: Vầu là cây bản địa gắn bó với người dân địa phương từ lâu. Tuy nhiên, một thời gian dài người dân chỉ biết khai thác mà không chú trọng chăm sóc, nên cây vầu bị suy thoái. Những năm qua, bằng sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, sự giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Yên Khương, người dân đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, áp dụng kiến thức khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mở rộng và phát triển diện tích trồng vầu, xem đây là cây trồng chủ lực để thoát nghèo trong tương lai. Dự kiến, trong năm 2024, xã sẽ trồng thêm từ 20 – 30ha vầu đắng, tập trung ở bản Yên Bình, Xắng Hằng. Đồng thời, đấu mối với các cơ sở, doanh nghiệp chế biến lâm sản trong và ngoài tỉnh để thu mua sản phẩm vầu cho người dân...

Bài và ảnh: Trung Lê



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]