(vhds.baothanhhoa.vn) - Gia đình được ví như tế bào của xã hội, để xã hội ổn định thì các tế bào dĩ nhiên phải khỏe mạnh. Để “tế bào” gia đình khỏe mạnh rất cần sự nuôi dưỡng, chăm sóc và cả trách nhiệm từ tất cả mọi thành viên. Trong đó, vai trò “giữ lửa” của người phụ nữ vẫn luôn quan trọng.

Phụ nữ và chuyện “giữ lửa” tổ ấm

Gia đình được ví như tế bào của xã hội, để xã hội ổn định thì các tế bào dĩ nhiên phải khỏe mạnh. Để “tế bào” gia đình khỏe mạnh rất cần sự nuôi dưỡng, chăm sóc và cả trách nhiệm từ tất cả mọi thành viên. Trong đó, vai trò “giữ lửa” của người phụ nữ vẫn luôn quan trọng.

Phụ nữ và chuyện “giữ lửa” tổ ấm

Để xây dựng, vun đắp hạnh phúc gia đình cần sự cố gắng từ cả hai phía, trong đó phụ nữ vẫn được ví là người “giữ lửa”. Ảnh: Thanh Trịnh

Kết hôn là khởi đầu cho việc xây dựng một gia đình mới, nhưng để xây dựng hạnh phúc gia đình thì luôn cần sự cố gắng, nỗ lực và cả trách nhiệm từ hai người. Bởi thế, ông bà xưa vẫn thường dạy “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Ở đó, vai trò xây tổ ấm của người phụ nữ luôn được đề cao.

Chị Trương Thị Hà, phường Nam Ngạn (TP Thanh Hóa), chia sẻ: “Vợ chồng tôi đều là công chức Nhà nước. Suốt hơn 20 năm kết hôn, đâu phải lúc nào cũng “cơm lành, canh ngọt”, không ít lần cũng sóng gió lắm. Từ chăm sóc, nuôi dạy con cái, đối nội đối ngoại đến chuyện tiền bạc... Tức giận có, thậm chí từng rơi nước mắt vì cãi nhau với chồng. Nhưng tôi chưa khi nào nghĩ đến chuyện ly hôn. Phương châm của tôi là nhường nhịn, bớt lời khi cả hai cùng nóng giận, để đến lúc bình tĩnh lại thì nói chuyện thẳng thắn cũng chưa muộn. Vợ chồng đối đãi, sống đời với nhau bởi tình - nghĩa, chứ đâu phải thắng - thua ở những cuộc cãi vã. Ông bà ta chẳng phải vẫn nói, bát đũa còn va chạm, huống chi con người. Với tôi, hôn nhân - gia đình - con cái chính là một loại tài sản vô giá, cần được chăm sóc, vun vén mỗi ngày”.

Về “bí quyết” chăm sóc, vun vén cho tổ ấm của mình, chị Hà cũng tâm tình: “Cuộc hôn nhân là do bạn chọn, gia đình này có hạnh phúc hay không có một phần công lao - trách nhiệm của bạn. Một bàn tay vỗ không thành tiếng, vậy nên trong một cuộc cãi vã vợ chồng, thường chúng ta luôn nghĩ mình đúng - đối phương (vợ hoặc chồng) sai. Nhưng nếu khi bình tĩnh, chậm lại “một nhịp” suy nghĩ, nhớ lại những lời nói, hành động lúc nóng giận của mình và đặt mình vào vị trí của người nghe, có thể bạn sẽ nghĩ khác. Nói như vậy không có nghĩa tôi khuyên chị em phụ nữ chịu đựng hay im lặng. Vợ chồng bình đẳng đâu có nghĩa chồng nóng giận một câu vợ cũng phải hung hăng đáp lại. Nhường một chút khi cần thiết là điều quan trọng để giữ gìn tổ ấm, “cơm sôi bớt lửa" lúc nào chẳng ngon”.

Đến đây thì tôi đã hiểu, vì sao chị Hà “chèo lái” được con thuyền hạnh phúc của gia đình vượt qua những sóng gió. Chưa kể, dù còn những cãi vã như chị từng nói, nhưng chồng chị mỗi lần nhắc đến vợ thì luôn dành sự tôn trọng, nể phục.

Vậy nhưng “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, mỗi ngày trong xã hội, vẫn có hàng trăm cuộc hôn nhân tan vỡ vì nhiều nguyên do. Điều đáng nói, tình trạng ly hôn có xu hướng tăng ở các cặp vợ chồng trẻ.

“Theo số liệu thống kê của Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Thanh Hóa, từ ngày 1/1/2018 đến ngày 30/9/2023, TAND 2 cấp đã giải quyết 36.572 vụ ly hôn, trong đó năm 2018 là 5.938 vụ, năm 2022 là 7.201 vụ, 9 tháng năm 2023 là 5.133 vụ. Qua số liệu trên cho thấy, số lượng các vụ việc về ly hôn ngày càng gia tăng qua từng năm, trong đó có nhiều cặp vợ chồng ly hôn chỉ sau vài năm kết hôn, thậm chí là vài tháng sau kết hôn”.

Nhắc đến chuyện ly hôn, tôi nhớ đến câu chuyện của đôi vợ chồng gần nhà. Gần 10 năm trước, vượt qua sự ngăn cấm của gia đình, anh D. và chị H. vẫn quyết định đi đến hôn nhân, xây dựng gia đình. Sau 5 năm kết hôn với hai đứa con được sinh ra, bất ngờ một ngày hàng xóm nghe tin vợ chồng anh đã hoàn tất thủ tục ly hôn tại tòa. Nó chóng vánh còn hơn quyết định kết hôn trước đó của họ. Nguyên do ly hôn cũng thật đơn giản - “không hợp”. Lại bất ngờ hơn, chỉ một thời gian ngắn sau ly hôn, cả anh và chị đều lại nhanh chóng tìm được hạnh phúc mới - kết hôn lại. Chỉ có hai đứa trẻ là được “chia” ra cho bố mẹ nuôi dưỡng, mà thực tế là ông bà nội, ngoại hai bên bởi cả bố và mẹ của chúng đều đang bận chăm lo cho gia đình mới.

Mỗi ngày, dù hai anh em học cùng trường với nhau nhưng chỉ có thể gặp nhau trong những giờ ra chơi, sau giờ tan trường lại chia tay nhau. Không ít hôm tại ghế đá sân trường, người ta bắt gặp hình ảnh hai anh em chia nhau từng chiếc bánh, vài cái kẹo hay những món đồ chơi... Nó khiến người chứng kiến vừa cảm động mà cũng lại thật đau lòng.

Nhưng chuyện gia đình tan vỡ cũng thật muôn hình, muôn vẻ. Là trường hợp chị bạn của gia đình tôi. Sau nhiều năm “chịu đựng” vì mong các con có một gia đình trọn vẹn, cuối cùng chị vẫn phải gửi đơn ly hôn ra tòa. Chị chia sẻ, “động lực” để chị quyết tâm ly hôn, “giải thoát” cho mình khỏi cuộc hôn nhân không hạnh phúc, thường xuyên bị chồng bạo lực chính là nhờ tâm sự của cậu con trai đầu: “Con biết mẹ muốn anh em con có một gia đình đầy đủ, hạnh phúc với cả bố và mẹ. Nhưng mẹ có biết, sống trong gia đình bố mẹ thường xuyên cãi nhau, bố không ngần ngại đánh đập mẹ, con đau lòng lắm! Con không muốn mẹ khổ thêm nữa...”.

“Hôn nhân chỉ một người cố gắng thôi thì không thể có hạnh phúc. Thật khó để nói rằng một mình chị nuôi các cháu sẽ tốt hơn khi có bố chúng nó ở bên. Nhưng từ khi ly hôn, chị thấy cuộc sống của ba mẹ con vui vẻ và nhẹ nhàng hơn”, chị tâm sự.

Khi một gia đình tan vỡ, tổ ấm hạnh phúc không còn, chuyện phán xét đúng - sai do ai, thiết nghĩ chẳng còn quan trọng. Có chăng, là những bài học được người trong cuộc rút ra để làm kinh nghiệm cho chính bản thân mình nếu có tiếp tục bước vào một cuộc hôn nhân mới.

Và theo chuyên gia tư vấn tâm lý Lê Thị Hường, Tổng Giám đốc Công ty CP Đào tạo và Tư vấn tâm lý hạnh phúc Việt: “Xã hội ngày càng phát triển, vai trò của người phụ nữ ngày càng được khẳng định, đề cao, nhiều chị em phụ nữ giữ trọng trách, có vị trí quan trọng. Nhưng khi về nhà, về với gia đình thì người phụ nữ vẫn là mẹ, là vợ, là người “giữ lửa” hạnh phúc gia đình, cần và nên làm tròn trách nhiệm của mình... Trước khi nghĩ đến ly hôn thì hãy cố gắng nghĩ lại lý do bắt đầu, cố gắng tháo gỡ những nút thắt, cố gắng nghĩ đến những điều tốt đẹp của người bạn đời và cả cố gắng nhìn lại chính mình. Tôi không nghĩ ly hôn là sai, nhưng xin đừng nghĩ đến ly hôn khi mỗi người còn chưa cố gắng”.

Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]