(vhds.baothanhhoa.vn) - Xuất phát từ đam mê đối với đồ cổ... nhiều cá nhân đã sở hữu cho mình hàng nghìn món cổ vật độc đáo, có giá trị tạo nên một bảo tàng “mini”. Sự thú vị của bảo tàng cùng những câu chuyện xung quanh đã thu hút không ít khách du lịch đến tham quan, khám phá.

Bảo tàng “mini” thu hút khách du lịch

Xuất phát từ đam mê đối với đồ cổ... nhiều cá nhân đã sở hữu cho mình hàng nghìn món cổ vật độc đáo, có giá trị tạo nên một bảo tàng “mini”. Sự thú vị của bảo tàng cùng những câu chuyện xung quanh đã thu hút không ít khách du lịch đến tham quan, khám phá.

Bảo tàng “mini” thu hút khách du lịchKhách du lịch chụp ảnh lưu niệm tại ngôi nhà cổ của ông Lương Thế Tập.

Những ai lần đầu tiên đến với TP Thanh Hóa chắc hẳn không thể bỏ lỡ một chuyến du lịch khám phá làng cổ Đông Sơn. Ngôi làng nằm nép mình bên bờ sông Mã, được mệnh danh là một trong 10 ngôi làng cổ đẹp nhất Việt Nam. Đến nay, làng vẫn giữ được những ngôi nhà cổ có tuổi đời hàng trăm năm. Trong đó, ngôi nhà cổ của ông Lương Trọng Duệ, với tuổi đời hơn 200 năm, được xếp hạng di tích nghệ thuật kiến trúc cấp tỉnh.

Mỗi năm có hàng nghìn du khách đến tham quan, khám phá ngôi nhà cổ của ông Lương Trọng Duệ, ngoài sức hút bởi vẻ đẹp kiến trúc đặc trưng của môt ngôi nhà Bắc bộ xưa, du khách còn được ngắm nhìn hàng trăm món đồ cổ, vật dụng ngày xưa do ông Lương Thế Tập (con trai ông Duệ, người gìn giữ ngôi nhà) sưu tầm hàng chục năm nay. Khiến cho chuyến tham quan của du khách có thêm nhiều điều thú vị.

Ông Tập cho biết: “Tôi có sở thích sưu tầm và để ngôi nhà thêm sinh khí, cho những hình dung về quá khứ, tôi sưu tầm một số tư liệu, hiện vật thời xưa, từ đồ đồng, đồ đá, các vật dụng, dụng cụ nông nghiệp... về trưng bày. Trong đó dành riêng một gian trưng bày các hiện vật thời chiến tranh gắn với cuộc chiến đấu của quân và dân ta bảo vệ cầu Hàm Rồng như: Vỏ những quả đạn pháo, vỏ bom, kẻng, bình tông đựng nước, hòm đạn, mũ rơm...”. Chỉ vào những hiện vật đã sưu tầm, trong đó có một khu vực bày rất nhiều viên đá to nhỏ khác nhau có ghi tên các địa phương trong cả nước, ông Tập kể, từ sau khi đất nước giải phóng, mỗi chuyến đi đến các vùng miền, ông đều mang về một viên đá. Lâu dần, số đá mang về từ các tỉnh nhiều lên, có tỉnh vài viên từ những địa danh nổi tiếng và ý nghĩa.

Bên cạnh đó, ông Tập tái hiện một không gian xưa với những vật dụng từ thời bao cấp như xe đạp favorit, khung dệt, radio, bàn ghế, nồi niêu... Đây đồng thời cũng là nơi chụp ảnh yêu thích của du khách.

Chị Nguyễn Thị Hà, một du khách đến từ Thái Bình, chia sẻ: “Về với Thanh Hóa tôi được bạn dẫn đi khám phá làng cổ. Đến làng, tôi thực sự ấn tượng bởi ngôi nhà cổ hàng trăm tuổi, vẻ đẹp của ngôi nhà cùng những vật dụng thời xưa mà chủ nhà sưu tầm khiến chúng tôi thích thú. Không gian xưa cũ đã cho chúng tôi một bộ ảnh kỷ niệm thật đẹp, tôi nghĩ mình sẽ quay lại để tiếp tục nghe chuyện kể về những món đồ cổ mà chủ nhà sưu tầm được, nếu có dịp đến với Thanh Hóa lần nữa”.

Thêm một bảo tàng “mini” nổi tiếng, thu hút khách du lịch là của anh Nguyễn Hải Hưng (khu phố 3, thị trấn Vĩnh Lộc, Vĩnh Lộc). Bộ sưu tập của anh hiện có trên 50.000 món đồ, được anh bỏ công bỏ sức, vất vả sưu tầm suốt hơn 30 năm.

Bảo tàng “mini” thu hút khách du lịchMột góc trong bộ sưu tập đồ cổ của anh Nguyễn Hải Hưng.

Với mong muốn xây dựng một bảo tàng mang đậm hồn quê, gần gũi với thiên nhiên, anh Hưng đã dựng lên những dãy nhà làm từ tranh tre, nứa lá theo kiến trúc xưa và 6 căn nhà cổ mua lại từ người dân các địa phương. Trong những ngôi nhà này, các cổ vật được anh sưu tầm, tập hợp về đây và sắp xếp theo từng chủng loại, niên đại, đồng thời bố trí một cách khéo léo, đẹp mắt, gần gũi với mọi người. Hiện tại, khu trưng bày của anh rộng hơn 4.000m2.

Ngắm bộ sưu tập đồ xưa cũ phủ màu thời gian của anh, người xem như được sống lại những ký ức của những năm tháng đã qua. Những cổ vật từ các đồ đá, đồ gốm đến đồ đồng, đồ sắt đủ các niên đại đến những nồi niêu, bình lọ, bát đĩa bằng gốm, bằng đất nung, đồ dùng lao động, vũ khí thô sơ của người xưa được trưng bày ở đây giúp chúng ta hình dung ra phần nào quá khứ. Trong đó, có rất nhiều món đồ cổ ấn tượng, có giá trị cao như: chiếc ấm tổ ong thời nhà Hồ, ấm đầu rồng đuôi vẹt nhà Lý, chiếc trống đồng Đông Sơn có từ thế kỷ 7 trước Công nguyên, tượng thần đèn thời kỳ văn hóa Đông Sơn, tiền đồng thời nhà Minh, nhà Thanh, nhà Lê... Bộ sưu tập của anh khiến cho nhiều du khách phải tấm tắc khen ngợi về độ “độc” và độ chịu chơi của chủ.

Theo anh Hưng thì “mỗi món đồ hiện hữu ở đây là một câu chuyện và có giá trị riêng. Bất kỳ ai có món đồ cổ, thú vị nào gọi điện thông báo, dù xa tới đâu tôi cũng lập tức lên đường tìm đến tận nơi. Và để có bộ sưu tập đồ sộ như hôm nay, ngoài thời gian, công sức, tiền bạc, cần có kiến thức để phân biệt hàng thật, hàng giả. Sưu tầm được món đồ nào, tôi thường tìm hiểu sâu về nguồn gốc, xuất xứ của chúng, cái gì không biết sẽ hỏi những người có kinh nghiệm, kiến thức hơn mình và tra cứu tài liệu”. Được biết, hơn 30 năm qua, kiếm được bao nhiêu tiền anh Hưng đều dồn vào công cuộc sưu tầm, lưu giữ ký ức xưa của mình, bởi vậy anh được mọi người mệnh danh là ông “trùm” đồ cổ.

Cùng với việc không ngừng sưu tập, gìn giữ, anh Hưng luôn rộng cửa đón người dân, du khách đến tham quan, nghiên cứu và chiêm ngưỡng khu trưng bày cổ vật của mình. Tất cả hoạt động tham quan, trải nghiệm này đều miễn phí. Đặc biệt trong khoảng 10 năm gần đây, khu trưng bày cổ vật của gia đình anh Hưng trở thành điểm tham quan vệ tinh của Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Việc tham quan, khám phá những bảo tàng “mini” như của ông Tập, anh Hưng giúp cho chuyến du lịch của du khách thêm nhiều trải nghiệm thú vị. Đây đồng thời cũng là một trong những sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương.

Bài và ảnh: Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]