Tháng ba ngày tám” - “nông vụ” hay “giáp hạt”?
Độc giả Trần Thanh Huy hỏi: “Tôi thường theo dõi mục “Cà kê chuyện chữ nghĩa” trên Báo Thanh Hóa và cảm thấy rất bổ ích, vì qua đây tôi có thêm hiểu biết về tiếng mẹ đẻ và nhiều kiến thức khác trong cuộc sống. Hôm nay tôi gửi thư này đến chuyên mục và nhờ các chuyên gia giải đáp một số thắc mắc sau đây:
-Câu nói của dân gian “Tháng ba ngày tám”, trong đó “tháng ba” thì tôi hiểu, nhưng còn “ngày tám” thì hơi băn khoăn, vì đúng ra phải là “tháng tám” (Tháng ba tháng tám) chứ sao lại “ngày tám”?
- Khi tra “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” của GS Nguyễn Lân (Nhà Xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh - 2006) thì câu “Tháng ba ngày tám” được tác giả từ điển này giải thích là “Nói thời kì nhà nông bận rộn quá vì là thời kì giáp hạt” và lấy ví dụ “Tháng ba ngày tám mà làm nhà thì thở không kịp”. Tôi thấy cách giải thích này rất khó hiểu, vì “tháng ba ngày tám” thì đúng là ông bà ta nói về giáp hạt rồi, nhưng giáp hạt thì người ta nghĩ ngay đến thiếu đói chứ sao lại là “bận rộn”? Không có lẽ lâu nay tôi và nhiều thế hệ cha ông đã hiểu sai về câu này?
Vậy, xin chuyên mục “Cà kê chuyện chữ nghĩa” cho biết ý kiến. Trân trọng cảm ơn!”.
Trả lời:
1. “Tháng ba ngày tám”
Về hai chữ “ngày tám” thì cũng đã có không ít người từng thắc mắc giống như độc giả Trần Thanh Huy.
Thực ra, “ngày tám” ở đây chỉ là cách nói tắt, chỉ những ngày tháng tám, khoảng thời gian của tháng tám, bởi thế còn có dị bản đồng nghĩa “Ngày ba tháng tám” là vậy. Sở dĩ có lối nói tắt “ngày tám” (những ngày tháng tám), hay “ngày ba” (những ngày tháng ba) vì trong phép sáng tác, đặt nên thành ngữ tục ngữ, thì dân gian bao giờ cũng cố gắng diễn đạt một cách ngắn ngọn súc tích, đăng đối, có vần điệu, để dễ truyền đạt, dễ thuộc, dễ nhớ, có thể lưu hành và đi vào lời ăn tiếng nói một cách mượt mà; tránh dài dòng, trúc trắc, trùng lặp.
2. “Giáp hạt” khác “nông vụ”
Chúng tôi có kiểm tra lại Từ điển từ và ngữ Việt Nam của GS Nguyễn Lân, và đúng như độc giả Trần Thanh Huy viết. Sách này giải thích “Tháng ba ngày tám” là “Nói thời kì nhà nông bận rộn quá vì là thời kì giáp hạt” và đưa ra ví dụ “Tháng ba ngày tám mà làm nhà thì thở không kịp”. Có lẽ tác giả đã nhầm lẫn khái niệm “giáp hạt” với “nông vụ”.
“Tháng ba ngày tám” là thời kì “giáp hạt”, chỉ khoảng thời gian thiếu đói, khi lương thực của vụ trước đã cạn, hoặc hết, trong khi chưa đến thời kỳ thu hoạch vụ mới.
Thông thường, thời kì “giáp hạt” của tháng Ba khốc liệt hơn tháng Tám nhiều, bởi trước đây thu hoạch lúa mùa vào khoảng tháng Chín, tháng Mười năm nay, thì phải vào khoảng tháng Năm năm sau mới đến thời điểm thu hoạch vụ xuân. Theo đây, lương thực không chỉ phải chi dùng nhiều hơn cho cái Tết Nguyên đán, mà thời gian nông dân phải chia lương thực ra để ăn còn kéo dài tới 7 tháng. Trong khi, từ vụ thu hoạch tháng Năm đến khi có lúa tháng Mười, thì chỉ có 5 tháng. Bởi thế dân gian có câu Tháng Tám đói qua, tháng Ba đói chết là vậy.
Nếu nói về thời kì “bận rộn” của nhà nông, thì không phải là “giáp hạt” mà là “nông vụ”. Thành ngữ “Nông vụ chí kì” chỉ thời gian nông dân phải tập trung sức lực, thời gian cho công việc đồng áng, như cày cấy, làm cỏ, gặt hái... cho kịp thời vụ. Thế nên mới có giai thoại chàng trai nọ đi trên đường buông lời trêu cô thôn nữ đang cấy dưới đồng: “Hỏi em tội nghiệp vì đâu?/ Suốt ngày phải chổng phao câu lên trời!” và cô gái đáo để đáp lại: “Bây giờ nông vụ chí kỳ/ Em mà không chổng lấy gì anh ăn?”.
Thời kì “giáp hạt” của tháng Ba và tháng Tám là thời điểm nông nhàn, vì lúc này công việc cấy hái, làm cỏ, chăm bón đã qua, lúa đang làm đòng hoặc trổ bông, trong khi công việc thu hoạch thì chưa đến. Bởi vậy, hoàn toàn không có chuyện “Tháng ba ngày tám” là “Nói thời kì nhà nông bận rộn quá vì là thời kì giáp hạt”, như cách giải thích của GS Nguyễn Lân.
Nói về thời kì giáp hạt, thành ngữ Hán cũng có câu đồng nghĩa “Thanh hoàng bất tiếp 青黃不接 - Thóc gạo của vụ trước đã hết mà lúa ngoài đồng hãy còn xanh, ý chỉ khoảng thời gian thiếu hụt lương thực giữa vụ trước với vụ sau. Ngày nay, dù vẫn có khoảng thời gian nối tiếp giữa vụ này với vụ kia, nhưng không còn thiếu đói lương thực, nên từ “giáp hạt”, chuyện “giáp hạt” ít khi được dùng đến, nhắc đến.
Như vậy, độc giả Trần Thanh Huy đã đúng khi đưa ra thắc mắc, nghi ngờ về cách giải thích câu “Tháng ba ngày tám” của GS Nguyễn Lân. Theo đây, “Tháng ba ngày tám” là nói về thời kì giáp hạt, thiếu đói, chứ không phải chuyện “bận rộn” của “nông vụ chí kì”.
Mẫn Nông (CTV)
{name} - {time}
-
2024-11-21 09:06:00
Trao giải các tiết mục xuất sắc nhất Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024
-
2024-11-21 09:04:00
Xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới với Óc Eo-Ba Thê
-
2024-09-20 14:10:00
Lam Kinh qua ống kính của các nghệ sĩ nhiếp ảnh
Trao tặng thưởng tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất bản 2023
Để nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông trở thành tập quán bền vững
Mùa cao điểm khách quốc tế cuối năm: Cơ hội nào cho du lịch Việt bứt phá?
70 năm Ngày Bác Hồ về thăm Đền Hùng: Dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng
Chàng sinh viên Việt Nam cao 1,93m sẽ dự thi Nam vương Toàn cầu 2024
Để nghệ thuật dân vũ có sức sống trong cộng đồng
Cẩm Thủy phát huy vai trò người có uy tín trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư
Loạt trò chơi điện tử “The Sims” đình đám sắp được chuyển thể thành phim
Kể chuyện bằng dữ liệu, tại sao không?