Bảo tồn di tích để “giữ lửa” văn hóa truyền thống
Di tích lịch sử - văn hóa được coi là một “bảo tàng sống” gắn liền với quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của cha ông. Bởi vậy, việc quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị các di tích luôn được các cấp, ngành, các địa phương trong tỉnh coi là nhiệm vụ quan trọng. Từ đó góp phần “giữ lửa” những giá trị văn hóa truyền thống mà cha ông đã dày công gây dựng, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của Nhân dân.
Quần thể Di tích lịch sử - văn hóa Lê Thì Hiến ở xã Thọ Phú (Triệu Sơn).
Ai đã từng đến quần thể Di tích lịch sử - văn hóa Lê Thì Hiến ở xã Thọ Phú (Triệu Sơn), đều không khỏi trầm trồ bởi di tích nằm ở vị thế đắc địa, không gian linh thiêng, tĩnh lặng, với khuôn viên xanh mát được bao phủ bởi hệ thống cây cổ thụ và xung quanh được bao bọc bởi dòng sông nhà Lê.
Theo sử sách ghi lại, di tích gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của danh tướng Lê Thì Hiến (1610-1675). Ông sinh ở làng Phú Hào, huyện Lôi Dương, nay là thôn Phú Hào, xã Thọ Phú, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, là một trong những vị tướng có tài thao lược quân sự. Trong sự nghiệp binh đao của mình, ông đã được triều đình ban thưởng nhiều huân danh cao quý. Năm Kỷ Hợi 1659 được phong Thiếu bảo, trấn thủ Nghệ An, Sơn Tây, Tuyên Quang. Năm Giáp Dần 1674 được thăng Thái phó. Ông mất năm Ất Mão (1675), thọ 66 tuổi, được truy tặng Thái tể, tên thụy là Nghiêm Trí, phong làm phúc thần. Sau khi ông mất, triều đình đã cho xây dựng đền thờ và khu lăng tẩm ngay tại quê nhà làng Phú Hào, xã Thọ Phú.
Trước đây, di tích có 18 pho tượng được làm bằng đá khối, đường nét hoa văn tinh xảo, voi đá, ngựa đá, ông phỗng ngồi chầu, bia đá và bàn thờ bằng đá. Tuy nhiên, trải qua thời gian, do ảnh hưởng của chiến tranh, khu di tích chỉ còn một số hiện vật, như: văn bia, sập đá, hương án, ngựa đá, voi đá...
Tự hào vì địa phương có di tích lịch sử - văn hóa vô cùng quan trọng, Chủ tịch UBND xã Thọ Phú Nguyễn Xuân Quy chia sẻ: "Quần thể Di tích lịch sử - văn hóa Lê Thì Hiến là niềm tự hào của người dân nơi đây, vì thế đặt ra những trọng trách lớn trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích luôn được cấp ủy đảng, chính quyền, các hội, đoàn thể và Nhân dân trong xã quan tâm, ủng hộ. Hàng tuần, chúng tôi đều tổ chức quét dọn, vệ sinh khu di tích để giữ cảnh quan luôn sạch đẹp. Vào các dịp lễ, tết, những sự kiện trọng đại của đất nước, các hội, đoàn thể và Nhân dân trong xã thường đến đây để dâng hương, tri ân và coi đây là dịp mỗi người dân, nhất là thế hệ trẻ ôn lại truyền thống cách mạng của các thế hệ ông cha".
Trên địa bàn huyện Triệu Sơn hiện có 30 di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, cách mạng đã được xếp hạng. Trong đó, có 4 di tích xếp hạng quốc gia, 26 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử trên địa bàn huyện đã được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở và Nhân dân quan tâm thực hiện. Hiện một số di tích trọng điểm như di tích lịch sử quốc gia danh lam thắng cảnh, địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu gồm: núi Nưa, đền Nưa, Am Tiên đã được lập quy hoạch. Các di tích khác đang được huyện thực hiện trong những năm tiếp theo.
Cùng với đó, trong những năm gần đây toàn huyện đã có 10 di tích được bảo quản, tu bổ, phục hồi và chống xuống cấp. Tiêu biểu như quần thể Di tích lịch sử - văn hóa Lê Thì Hiến và các bia tướng họ Lê Thì (xã Thọ Phú), Chùa Hòa Long (xã Tiến Nông), Đình Tam Lạc (xã Xuân Thọ), nhà thờ Quận công Lê Thân (thị trấn Nưa)... Nhiều di tích sau khi được trùng tu, tôn tạo, đã góp phần giáo dục truyền thống, quảng bá hình ảnh quê hương Triệu Sơn, thu hút du khách đến tham quan, nghiên cứu.
Hà Trung cũng là huyện có hệ thống di tích lịch sử - văn hóa phong phú và đa dạng, với 63 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp tỉnh, 9 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Những năm qua, huyện luôn xác định việc quan tâm giữ gìn, phát huy giá trị di tích là nhiệm vụ trọng tâm. Bởi vậy, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nguồn gốc, ý nghĩa, giá trị của di tích nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong cộng đồng. Đồng thời, tích cực phối hợp với các ngành chức năng tiến hành kiểm kê, đánh giá thực trạng di tích từ đó lập kế hoạch tu bổ, tôn tạo dựa trên các nguồn vốn khác nhau. Theo thống kê, từ năm 2018 đến 2023, huyện đã huy động khoảng 60 tỷ đồng từ các nguồn vốn khác nhau để tu bổ, tôn tạo các di tích, như: đền Trần, cụm di tích đền Hàn Sơn, đền Cô Bơ...
Để phát huy giá trị các di tích, hằng năm Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đều phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, Huyện đoàn tuyên truyền về giá trị lịch sử, văn hóa của các di tích, tổ chức các hoạt động về nguồn, tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu về di tích lịch sử, văn hóa của địa phương...
Thanh Hóa là vùng “địa linh nhân kiệt”, nơi có bề dày truyền thống văn hóa. Toàn tỉnh hiện có hơn 1.535 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và kiểm kê. Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đều tích cực quan tâm đến công tác trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, từ năm 2021 đến hết quý I/2024 toàn tỉnh có 40 dự án di tích hoàn thành tu bổ, tôn tạo, 15 dự án di tích đang triển khai, 41 dự án di tích khởi công mới... với tổng kinh phí thực hiện trên 715 tỷ đồng. Các di tích lịch sử - văn hóa được trùng tu, tôn tạo đã góp phần làm cho diện mạo trở nên khang trang, xứng tầm với giá trị vốn có của nó. Từ đó, trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và trở thành điểm đến tâm linh hấp dẫn du khách. Tiêu biểu trong đó phải kể đến một số di tích như Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, đền Bà Triệu, đền Sòng, Am Tiên...
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt
{name} - {time}
-
2024-11-23 09:09:00
Lần đầu trưng bày bức chân dung quý hiếm của danh họa Caravaggio
-
2024-11-23 08:52:00
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vì tương lai bền vững
-
2024-04-29 14:36:00
“Nông chân” hay “lông chân”,...?
Hải Phòng: Không gian văn hóa Đại tướng Võ Nguyên Giáp đạt kỷ lục Việt Nam
Như Xuân bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa
Sự trỗi dậy của chủ nghĩa xã hội công nghệ - Lựa chọn khôn ngoan cho tương lai
Những trận địa lửa năm xưa
Khu di tích lịch sử Lam Kinh cơ bản hoàn tất các điều kiện để đón khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5
VietnamPost chính thức công bố bộ tem "Hà Nội 12 mùa hoa”
Hé lộ nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng: Chân dung văn nhân tiền chiến
Linh thiêng Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa
Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh Thanh Hóa: Nhiều hoạt động đặc sắc, ý nghĩa chào mừng các ngày lễ lớn