(vhds.baothanhhoa.vn) - Người Khơ Mú cư trú trên địa bàn huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Phương thức sản xuất của đồng bào Khơ Mú khi xưa du canh, du cư, đốt nương làm rẫy, chọc lỗ tra hạt, làm lúa nương và các cây hoa màu để sinh tồn. Năm 1994, với sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và của tỉnh Thanh Hóa, đồng bào Khơ Mú đã định cư tập trung tại bản Đoàn Kết (xã Tén Tằn) với hơn 10km đường biên giới giáp huyện Sốp Bâu (Lào), nay là khu phố Đoàn Kết thuộc thị trấn Mường Lát, hiện có 169 hộ, 753 nhân khẩu, 99% là đồng bào dân tộc Khơ Mú và bản Lách (xã Mường Chanh) có 55 hộ với 264 nhân khẩu, 100% người dân tộc Khơ Mú sinh sống.

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc Khơ Mú huyện Mường Lát

Người Khơ Mú cư trú trên địa bàn huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Phương thức sản xuất của đồng bào Khơ Mú khi xưa du canh, du cư, đốt nương làm rẫy, chọc lỗ tra hạt, làm lúa nương và các cây hoa màu để sinh tồn. Năm 1994, với sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và của tỉnh Thanh Hóa, đồng bào Khơ Mú đã định cư tập trung tại bản Đoàn Kết (xã Tén Tằn) với hơn 10km đường biên giới giáp huyện Sốp Bâu (Lào), nay là khu phố Đoàn Kết thuộc thị trấn Mường Lát, hiện có 169 hộ, 753 nhân khẩu, 99% là đồng bào dân tộc Khơ Mú và bản Lách (xã Mường Chanh) có 55 hộ với 264 nhân khẩu, 100% người dân tộc Khơ Mú sinh sống.

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc Khơ Mú huyện Mường LátNhà ở của đồng bào Khơ Mú, bản Lách, xã Mường Chanh.

Mặc dù đời sống còn gặp nhiều khó khăn, nhưng qua quá trình lao động, gắn bó với núi rừng, bản làng, đồng bào Khơ Mú đã sáng tạo nhiều loại hình văn hóa phi vật thể phong phú và đặc sắc, góp phần làm kho tàng văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số xứ Thanh đậm đà hương sắc.

Về loại hình văn học dân gian, cư trú trên địa bàn miền núi cao, người Khơ Mú tuy không có chữ viết như người Thái, song qua những câu chuyện kể dân gian, đồng bào Khơ Mú có những câu chuyện và truyền thuyết về dân tộc mình, sự tích dựng bản, lập mường, tiêu biểu như: Truyền thuyết quả bầu, truyện họ Rích - Chim én, sự tích ông Chương, truyền thuyết chữ viết...

Cuộc sống còn nghèo, nhưng không vì thế mà tâm hồn họ khô khan, trái lại dân ca, dân vũ, dân nhạc là điệu tâm hồn sâu lắng, thiết tha của đồng bào đối với bản làng yêu dấu, cánh rừng, nương rẫy thân quen.

Đồng bào Khơ Mú yêu thích các làn điệu dân ca, đặc biệt là hát Tơm. Hát Tơm với giai điệu trữ tình, vừa khỏe khoắn, hào sảng vừa giàu hình ảnh; tượng hình, tượng thanh với các làn điệu như hát giao duyên, tam đao, tra hạt, cầu mưa... phản ánh đời sống tình cảm, những nét hồn nhiên, bản tính hào sảng, thô mộc khao khát sống vui vẻ chan hòa với rừng với núi, với sông suối chim muông, cây cỏ. Họ hát bất cứ ở đâu, khi lên nương, lúc xuống chợ, hát mừng nhà mới, vui lễ cơm mới, lễ hội và hát cả khi buồn, họ mượn lời ca, điệu thức để giãi bày tâm sự với mình, với người.

Ra đời trong lao động sản xuất và đời sống, hát Tơm với sáo Pí Tơm (sáo dọc bằng tre) đệm cho lời hát ngân cao, lan xa, bay bổng là điệu hát dân ca truyền thống, tiêu biểu nhất của người Khơ Mú. Hát Tơm tùy theo tài ứng khẩu, kinh nghiệm cũng như sự hiểu biết của từng người mà có thể bài hát Tơm đó dài hay ngắn, có vần, có điệu, có nội dung và ý nghĩa sâu sắc. Phần lớn trong hát Tơm, đồng bào sử dụng lối hát ứng tác tại chỗ, tức là ứng khẩu giữa hai bên. Những bài hát truyền thống thì thường phản ánh kể cuộc sống xưa, tri ân các anh hùng, công lao những người khai mở đất đai, lập bản làng; ca ngợi tình yêu với bản làng, ca ngợi tình cảm anh em, họ hàng, ca ngợi tình yêu đôi lứa. Những bài hát mới là ca ngợi cuộc sống đổi thay, ấm no, hạnh phúc. Cùng với hát Tơm, người Khơ Mú có hát Cưn Trơ, giống như hát đồng dao của người Kinh và thường hát trong lúc lên nương, làm rẫy.

Người Khơ Mú đặc biệt yêu thích thổi kèn môi và sử dụng các nhạc cụ từ những nguyên liệu tự nhiên như ống tre, ống nứa. Một số đạo cụ được sử dụng thành thạo như các loại sáo, các bộ gõ bằng tre, nứa do đồng bào tự tạo như thổi sáo mũi, độc tấu sáo mũi và cả thổi sáo dọc (tót tơm).

Về dân vũ, người Khơ Mú có các điệu múa nổi bật như: múa cầu mưa; múa chiêng kết hợp với ống tre, ống nứa (tẹ ôm đing); múa sạp (tẹ khiêp); múa chọc lỗ tra hạt (tẹ chư mon); múa cá lượn (tẹ găn cạ), múa dựng nhà... thông qua các điệu múa, họ gửi gắm niềm tin, khát vọng về cuộc sống tốt đẹp và thể hiện nét văn hóa đặc trưng của dân tộc này.

Người Khơ Mú có hai thể loại múa dân gian chính, đó là múa lao động sản xuất và múa sinh hoạt. Ở thể loại mô phỏng các hoạt động lao động sản xuất, điệu múa diễn tả quy trình từ lúc chuẩn bị cho đến kết thúc mùa. Trong múa cầu mưa, già bản sẽ đánh một hồi trống để tập hợp bà con, sau đó mỗi người một công việc, người giã gạo bằng tay, bằng chân, người gõ trống, chiêng để tạo tiếng sấm sét; múa rừu tượng trưng lưỡi rừu của thần sét; múa thuồng luồng (thuồng luồng được làm từ cây chuối hoặc cây cau, phần gốc tạo hình đầu con thuồng luồng, phần ngọn để lại một cái lá để làm đuôi ve vẩy). Khi múa, người múa vác thuồng luồng trên vai và nhảy múa, theo sau có một đám người cầm que hò hét vui vẻ, người thì chuẩn bị ống nước để vẩy nước vào đám đông giả làm mưa... Bà con tin rằng, tất cả những hành động đó đều chọc giận thần sấm, thần sét, khiến thần nổi giận mà tạo ra mưa. Khi mưa được ban xuống, mọi người cùng tham gia những điệu múa diễn trình theo vụ mùa, gồm: múa chọc lỗ, múa tra hạt, múa đuổi chim, múa gặt lúa,...

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc Khơ Mú huyện Mường LátMột góc khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát, nơi đồng bào sinh sống.

Khi múa chọc lỗ tra hạt, nam - nữ dàn hàng đối diện, vừa đi vừa nhún nhảy. Nam vừa chọc lỗ vừa đi giật lùi, nữ vừa tra hạt giống vừa tiến, chân gạt nhẹ lấp đất. Đàn ông khỏe mạnh đi trước, vừa nhún nhẩy, vừa vung gậy chọc lỗ. Hoặc cũng có khi dàn hàng song song, nam đi trước nữ đi sau, đội hình di chuyển về phía trước theo hình tròn đồng tâm ngược chiều kim đồng hồ. Những động tác múa nhịp nhàng uyển chuyển, hài hòa, hòa quyện trong âm thanh rộn ràng, vui tươi như đánh thức đất trời, khích lệ mọi người tham gia lao động.

Múa đuổi chim có tiết tấu nhanh, mạnh mẽ, sôi động, cả nam và nữ cùng múa, đội hình theo vòng tròn, hoặc hàng ngang. Đạo cụ gồm: nam tay phải cầm ống nứa, tay trái cầm chiếc que để gõ. Chân trái bước về phía trước một bước nhỏ, hai tay đưa ngang hông đằng sau lưng và gõ vào nhau một cái. Chân phải đưa về đằng trước, nhấc khỏi mặt đất, đầu gối vuông góc, hai tay đưa vào dưới kheo chân phải và gõ một cái. Tiếp theo, chân phải dậm xuống đất nhảy lên một cái, đồng thời co chân trái vuông góc như chân phải, hai tay đưa lên cao xế hướng hai bên, khi hất tay lên cao (như xua đuổi chim) thì hô từ “hây”.

Đặc biệt với điệu múa “Dựng nhà” được các nam thanh, nữ tú biểu diễn với động tác khỏe khoắn, mạnh mẽ, thể hiện sự lao động vất vả để có được ngôi nhà vững chãi trong niềm vui hân hoan không chỉ của gia đình mà là niềm vui mừng của cả cộng đồng. Cùng với những động tác nhanh, mạnh, dứt khoát của nam, các thiếu nữ với những động tác duyên dáng, uyển chuyển toát lên nét đẹp, sự lạc quan, chân chất của dân tộc Khơ Mú không trộn lẫn với vũ điệu nào của các dân tộc khác. Họ đã thổi hồn của dân tộc mình vào vũ điệu thuần hậu, say mê của nghệ thuật dân dã.

Nhìn chung, động tác múa Khơ Mú mang tính kỹ thuật cao. Bên cạnh những động tác múa đơn giản như múa vòng thì còn có những động tác múa phức tạp đòi hỏi người tham gia phải linh hoạt, thích ứng nhịp nhàng với âm nhạc, có độ mềm dẻo nhất định và có tâm hồn nhạy cảm. Khi múa phải có sự kết hợp nhuần nhuyễn, uyển chuyển của nhiều động tác trên cơ thể như: lên, xuống, uốn lượn, lắc ngang từ chân đến tay, bụng. Nghệ thuật múa của người Khơ Mú còn thể hiện tinh thần đoàn kết, tính cộng đồng cao thể hiện ở việc thu hút đông đảo các chủ thể tham gia thực hành.

Di sản văn hóa phi vật thể của người Khơ Mú đã trở thành mỹ tục, gắn bó với mỗi con người và cả cộng đồng. Những giá trị văn hóa ấy làm nên sắc thái riêng độc đáo và đặc sắc trong cộng đồng các dân tộc ở miền Tây Thanh Hóa.

Đồng bào Khơ Mú huyện Mường Lát dân số ít, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, song di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào khá phong phú, đặc sắc và độc đáo. Các cấp ủy đảng, chính quyền cần quan tâm toàn diện để đẩy mạnh việc sưu tầm, bảo lưu những giá trị văn hóa của đồng bào Khơ Mú đã và đang bị quên lãng, mai một. Cần đầu tư kinh phí để phục dựng và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, làm cho văn hóa của dân tộc Khơ Mú trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị, gắn với phát triển du lịch, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

TS. Hoàng Bá Tường

(* Bài viết Sở VHTT&DL đặt hàng theo Đề án "Bảo tồn, phát huy và phát triển tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2023-2025”).



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]