(vhds.baothanhhoa.vn) - Không chỉ là những mặt bằng quy hoạch có thâm niên tồn tại cả thập kỷ nợ “sổ đỏ” và hạ tầng thiết yếu mà một nghịch lý oái oăm cũng đang hiện hữu tồn tại trên địa bàn TP Thanh Hóa đó là việc hàng trăm hộ dân, hàng nghìn nhân khẩu nằm trong các vùng dự án, đã có quyết định thu hồi đất mòn mỏi mong chờ được tái định cư (TĐC). Song điều lạ, hiện không ít các mặt bằng TĐC trên địa bàn TP Thanh Hóa lại đang trong tình trạng đầu tư nửa vời rồi “đắp chiếu”, bỏ hoang một cách lãng phí.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bất cập tại hàng loạt mặt bằng TP Thanh Hóa (Bài cuối): Những mặt bằng “treo” và nghìn lẻ một lý do tồn tại

Không chỉ là những mặt bằng quy hoạch có thâm niên tồn tại cả thập kỷ nợ “sổ đỏ” và hạ tầng thiết yếu mà một nghịch lý oái oăm cũng đang hiện hữu tồn tại trên địa bàn TP Thanh Hóa đó là việc hàng trăm hộ dân, hàng nghìn nhân khẩu nằm trong các vùng dự án, đã có quyết định thu hồi đất mòn mỏi mong chờ được tái định cư (TĐC). Song điều lạ, hiện không ít các mặt bằng TĐC trên địa bàn TP Thanh Hóa lại đang trong tình trạng đầu tư nửa vời rồi “đắp chiếu”, bỏ hoang một cách lãng phí.

Nghịch lý mang tên mặt bằng tái định cư

Thực tế, nhu cầu TĐC của bà con thuộc các dự án, vùng quy hoạch trên địa bàn TP Thanh Hóa hiện rất lớn. Đơn cử, các hộ dân sông nước mòn mỏi chính sách đưa dân lên cạn là một ví dụ. Ông Nguyễn Xuân Thủy - Chủ tịch UBMTTQ phường Đông Thọ nhẩm tính: “Tính đến thời điểm hiện tại, cả TP Thanh Hoá vẫn còn 110 hộ, với hơn 600 nhân khẩu sinh sống trên các dòng sông chưa được bố trí đất TĐC”.

Tương tự, hàng trăm hộ dân khu phố Tiền Phong (phường Nam Ngạn) với cuộc sống éo le bên trong những căn nhà chật hẹp, dột nát, đối mặt với giông gió bão bùng mà không được sang nhượng, mua bán cũng như sửa chữa, xây dựng mới bởi họ bị “trói buộc” trong vùng quy hoạch TĐC của Dự án tiêu úng Đông Sơn. Hộ ông Bùi Xuân Lai (phố Tiền Phong) rầu rĩ: “Cả khu phố có gần 200 hộ dân mong mỏi, nếu thành phố đã có quyết định thu hồi đất thì cần sớm bố trí TĐC để bà con ổn định cuộc sống”.

Người dân mong chờ TĐC để ổn định cuộc sống là rõ! Bà con sông nước mong chờ chính sách đưa người dân lên cạn là thực tế kiến nghị, đề xuất lâu nay. Tuy nhiên, tìm hiểu tại các mặt bằng TĐC trên địa bàn thành phố, tại các phường như Nam Ngạn, Quảng Thành… dù nhiều mặt bằng được đầu tư xây dựng cơ bản, thế nhưng thay vì đưa vào sử dụng, hoàn thiện thì các mặt bằng này đang bỏ hoang, là nơi "cư trú" của những người nghiện ngập, ma túy và thậm chí được chủ đầu tư sử dụng sai mục đích, tập kết đất làm gạch gây ô nhiễm, lãng phí.

Phường Quảng Thành (TP Thanh Hóa) có nhiều mặt bằng TĐC thuộc các dự án của thành phố. Do tồn tại lâu năm nên khi hỏi lãnh đạo phường này cũng không rõ tên, số mặt bằng cụ thể. Ngay bên trục QL1A tránh TP Thanh Hóa, mặt bằng TĐC thuộc địa bàn phường này là nơi tập kết đất làm gạch của đơn vị chủ đầu tư dự án. Dù mặt bằng này đã được đầu tư một số hạng mục như đường, hệ thống cột điện. Tuy nhiên, chỉ mới có 1 hộ dân duy nhất vào xây dựng để ở, nhưng phải dùng điện, nước nhờ từ người dân lân cận mặt bằng.

Cũng tại phường này, còn nhiều mặt bằng được đầu tư xây dựng hạ tầng đường, điện khang trang, có công viên, có nhà văn hóa nhưng đang “đắp chiếu” phơi sương cùng tuế nguyệt.

Một hộ dân phố Thành Yên, phường Quảng Thành bức xúc: “Nhà nước lấy hàng nghìn héc ta đất lúa của bà con để làm dự án TĐC. Làm được nửa chừng thì bỏ hoang suốt thời gian dài. Đất chúng tôi được đền bù, hỗ trợ chưa tính bàn chuyện thiệt hơn nhưng chứng kiến đồng ruộng của mình đang sản xuất giờ trở thành những mặt bằng hoang lãng phí mà xót xa. Chưa dừng ở đó, những mặt bằng này lại là nơi hoạt động của các đối tượng nghiện hút, trộm cắp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất trật tự xã hội cho khu phố”.

Một thực tế buồn về nghịch lý người dân thì mòn mỏi cả thập kỷ chờ được TĐC, trong khi nhiều mặt bằng TĐC xây dựng nửa vời rồi bỏ hoang một cách lãng phí.

Người dân đang phải mua điện giá cao của doanh nghiệp không đủ điều kiện kinh doanh điện.

Đùn đẩy trách nhiệm?!

Trước những tồn tại bất cập trên, để có cái nhìn tổng quát với những con số cụ thể, chính xác nhất, phóng viên đã đặt lịch làm việc nhiều lần với các cơ quan ban ngành TP Thanh Hóa, Sở Công thương, Công ty Điện lực Thanh Hóa và cả các doanh nghiệp là chủ đầu tư các mặt bằng. Song, cái kết nhận được lại là những bao biện, đổ lỗi, đùn đẩy trách nhiệm từ đơn vị này sang đơn vị khác.

Đơn cử, đối với doanh nghiệp quản lý mặt bằng 8018 thì cho rằng, sở dĩ đơn vị chưa hoàn thiện hạ tầng cơ sở là do Ban quản lý dự án chưa hoàn tất nghĩa vụ về giải phóng mặt bằng? Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Thao - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng số 1 TP Thanh Hóa (đơn vị phụ trách giải phóng mặt bằng 8018) cho rằng: “Lý do mặt bằng 8018 chưa giải phóng được mặt bằng là do những đòi hỏi “bất hợp lý” của người dân. Bên cạnh đó là chính sách đền bù, TĐC có sự thay đổi. Ngoài ra, bản thân đơn vị doanh nghiệp quản lý mặt bằng 8018 chưa thực hiện việc giải ngân vốn đền bù, giải phóng mặt bằng như quyết định dẫn tới Ban không có tiền chi trả cho người dân”.

Ông Thao cũng cho biết, số liệu tổng quát tất cả các mặt bằng trên địa bàn thành phố thế nào phải nắm từ phòng Tài chính - Kế hoạch, chứ ban không nắm được. Tuy nhiên, khi đấu mối và mong mỏi được tiếp cận số liệu trên từ lãnh đạo phòng này, phóng viên đã bị khước từ?

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Tú - Phó Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa khẳng định: “Sẽ cho xác minh lại. Mấu chốt những tồn tại để giải quyết những tồn tại cần phải xác minh được những mặt bằng trên thuộc dự án đầu tư công hay thông qua đấu thầu dự án”.

Trao đổi với ông Trịnh Xuân Như - Giám đốc Công ty Điện lực Thanh Hóa cho rằng: “Thực tế đang tồn tại về việc doanh nghiệp thu tiền điện giá cao như phóng viên phản ánh là đúng. Cụ thể, như khu Bình Minh (phường Đông Hương, TP Thanh Hóa) đến nay sau nhiều năm, đơn vị chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao được hạ tầng lưới điện cho ngành quản lý. Hiện, các đơn vị đang mua điện tổng của ngành rồi bán lẻ cho các hộ dân. Về việc đơn vị có đủ điều kiện kinh doanh, bán điện hay không, cái đó phóng viên phải làm việc với Sở Công thương”.

Đại diện phòng Quản lý điện năng - Sở Công thương Thanh Hóa khẳng định: “Hiện tại, với các mặt bằng thành phố chưa có một đơn vị doanh nghiệp nào có đủ điều kiện về kinh doanh điện. Trong đó, mặt bằng 8018 hay khu Bình Minh các đơn vị quản lý này đều không đủ điều kiện về kinh doanh điện”.

Sơn Đình


Sơn Đình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]