(vhds.baothanhhoa.vn) - Trải qua thời gian chống chọi với đại dịch COVID-19, cộng đồng doanh nghiệp trong nước đang đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn này cũng được coi là chất xúc tác khiến làn sóng chuyển đổi số (CĐS) trong doanh nghiệp diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

“Bắt mạch” nhu cầu chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Trải qua thời gian chống chọi với đại dịch COVID-19, cộng đồng doanh nghiệp trong nước đang đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn này cũng được coi là chất xúc tác khiến làn sóng chuyển đổi số (CĐS) trong doanh nghiệp diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

“Bắt mạch” nhu cầu chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừaĐồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông và các đại biểu tham quan, trải nghiệm các sản phẩm, giải pháp, mô hình CĐS của VNPT tại Triển lãm các sản phẩm, giải pháp, mô hình CĐS, phát triển công nghiệp công nghệ thông tin.

Thực trạng và nhu cầu CĐS trong doanh nghiệp hiện nay

Thanh Hóa hiện có hơn 27.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó có gần 21.000 doanh nghiệp đang hoạt động và có phát sinh doanh thu và chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí là siêu nhỏ, hoạt động đa dạng trên các lĩnh vực công nghiệp - xây dựng; thương mại dịch vụ; du lịch; vận tải; xuất nhập khẩu, sản xuất nông nghiệp... phân bổ ở 27 huyện, thị xã, thành phố.

Về cơ bản, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những nhìn nhận tích cực về tầm quan trọng của CĐS trong sản xuất, kinh doanh. Một số ngành nghề đang có những bước CĐS rất nhanh, mạnh mẽ như lĩnh vực tài chính, thương mại điện tử du lịch... Nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng CĐS vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và bước đầu gặt hái được những thành công nhất định.

Ông Trịnh Thế Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn (thị xã Nghi Sơn) cho biết: Đơn vị hiện đang áp dụng bộ giải pháp SAP trên nền tảng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm hoạch định doanh nghiệp đối với các lĩnh vực: quản lý hàng hóa, xuất nhập kho, quản lý yêu cầu mua hàng, đơn hàng, quản lý kế hoạch sản xuất, tính toán chi phí sản xuất, tính toán nhu cầu nguyên vật liệu, quản lý kinh doanh bán hàng, quản lý công tác bảo trì máy móc, quản lý dự án; giải pháp BPM... Việc ứng dụng các phần mềm như: Danieli Automation, phần mềm giám sát điện năng, phần mềm quản trị nhân sự SureHCS, ứng dụng chữ ký số, hóa đơn điện tử... trong sản xuất, kinh doanh, quản trị nhân sự đã giúp nâng cao sản lượng, chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm và tăng năng suất lao động, tối ưu hóa các nguồn năng lượng cho sản xuất, giám sát từ xa các thông số, các quy trình nhân sự, quy trình thẩm định, phê duyệt văn bản...

Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả tích cực, CĐS trong doanh nghiệp hiện nay vẫn tồn tại nhiều vấn đề cần quan tâm như: các doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm nhiều đến CĐS, khái niệm CĐS còn mới mẻ, xa lạ; hoạt động kinh doanh còn phụ thuộc chủ yếu vào lực lượng lao động và thực hiện thủ công qua nhiều công đoạn, mức độ tự động hóa chưa cao; ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vào trạng thái bị động như đứt gãy chuỗi cung ứng, môi trường làm việc trực tiếp bị ảnh hưởng... Do đó, nhu cầu hiện nay của các doanh nghiệp là CĐS môi trường làm việc, chuỗi cung ứng, kênh phân phối, bán hàng, quản trị và tự động hóa quy trình...

Ông Đới Sỹ Nam, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, chia sẻ: Hiện nay, UBND tỉnh đã xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện CĐS như: hỗ trợ kinh phí, hạ tầng công nghệ. Vì vậy, đề nghị cơ quan, đơn vị có liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến những chương trình, chính sách hỗ trợ đó để doanh nghiệp trong tỉnh dễ dàng nắm bắt và tiếp cận chính sách như tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn...; UBND tỉnh cần giao trách nhiệm cho cơ quan chủ quản là Sở Thông tin và Truyền thông khảo sát, đánh giá đúng về nhu cầu, thực trạng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về tình hình CĐS; tìm hiểu và phân tích được những khó khăn cụ thể từ phía doanh nghiệp để lý giải tại sao doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa hào hứng trong CĐS? Có phải vì khó khăn về tài chính? Về nhận thức hay khó khăn trong tiếp cận công nghệ... từ đó có những giải pháp phù hợp; đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng các chương trình mục tiêu, kế hoạch về CĐS trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó đặt ra mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn một cách cụ thể, rõ ràng... Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để đưa CĐS đến gần hơn nữa với doanh nghiệp. Đưa CĐS trở thành xu hướng tất yếu, biến thách thức thành cơ hội để bứt phá, đưa doanh nghiệp ngày càng phát triển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Hệ sinh thái sản phẩm

dịch vụ hỗ trợ CĐS

doanh nghiệp nhỏ và vừa

Nhằm đưa các sản phẩm, giải pháp, nền tảng Make in Viet Nam xuất sắc để hỗ trợ, đẩy nhanh quá trình CĐS, phát triển công nghiệp công nghệ số, sản phẩm, dịch vụ công nghệ số tại các địa phương nói riêng, cả nước nói chung góp phần thúc đẩy chương trình “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, các doanh nghiệp cung ứng các sản phẩm, giải pháp, mô hình CĐS trong doanh nghiệp đã và đang có nhiều giải pháp cũng như chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp CĐS.

Ông Trịnh Văn Biển, Giám đốc CĐS Công ty CP MISA, chia sẻ: Để thúc đẩy các doanh nghiệp, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thực hiện CĐS, công ty sẽ tham vấn xây dựng và triển khai các chính sách, chương trình hỗ trợ việc tiếp cận, trải nghiệm trên các nền tảng số.

Về kinh tế số, Công ty CP MISA hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp cận và sử dụng miễn phí 1.000 giải pháp MISA AMIS văn phòng số (gói Starter) – thuộc nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS, nhằm xây dựng môi trường làm việc của doanh nghiệp loại bỏ mọi giấy tờ, quy trình thủ công, từ đó doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình vận hành dựa trên 4 lợi ích cốt lõi: tiết kiệm thời gian và chi phí; tăng năng suất và hiệu quả công việc; tăng tốc độ phục vụ khách hàng; kiến tạo văn hóa làm việc số.

Về xã hội số, Công ty CP MISA hỗ trợ miễn phí cho người dân đủ điều kiện trên địa bàn sử dụng các ứng dụng thúc đẩy công dân số gồm: dịch vụ chữ ký số cá nhân từ xa MISA eSign: miễn phí 1 năm, sử dụng tối đa 20 lượt ký; nền tảng quản lý tài chính cá nhân số, ứng dụng sổ thu chi MISA – miễn phí lượt tải và sử dụng gói cơ bản.

Để nâng cao hiệu quả CĐS, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) đã triển khai cấp quốc gia nền tảng số “Make in Viet Nam by VNPT”. Với việc ứng dụng các hệ sinh thái như: One Egov trong điều hành tập trung tương tác số với người dân, doanh nghiệp; SmartCity trong quản lý đô thị thông minh Quy hoạch đô thị thông minh, giao thông và an ninh trật tự, môi trường thông minh; doanh nghiệp số với hệ sinh thái du lịch số, hệ sinh thái nông nghiệp số, thương mại điện tử; định danh điện tử siêu ứng dụng công dân, hệ sinh thái y tế số, giáo dục số, an sinh xã hội...

Hiện nay, đã có hơn 40 tỉnh, thành phố hợp tác với VNPT về xây dựng đề án và triển khai các nội dung liên quan tới thành phố thông minh; hơn 45 đơn vị gồm Văn phòng Chính phủ, các bộ, đơn vị ngang bộ, các tỉnh, thành phố, huyện, thị xã... đã hợp tác để xây dựng trung tâm điều hành thông minh – IOC.

Hiện tại, VNPT cũng đã xây dựng trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh (IOC). VNPT IOC là trái tim của đô thị thông minh và được xem là một trong những giải pháp trọng tâm góp phần thúc đẩy CĐS quốc gia từ cấp Chính phủ, tới các bộ, ngành, địa phương.

Ngoài ra VNPT đã xây dựng nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu lớn; phân tích và trực quan hóa dữ liệu thông minh; nền tảng internet vạn vật (VNPT Iot platform); nền tảng bản đồ VNPT Map; nền tảng phân tích hình ảnh sử dụng trí tuệ nhân tạo; nền tảng hệ sinh thái giáo dục Việt Nam... Từ đó góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình CĐS trong tất cả các ngành, các lĩnh vực.

CĐS là một hành trình dài, chỉ có điểm bắt đầu và không có điểm kết thúc, lợi ích mà CĐS mang lại đối với doanh nghiệp là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, để hoạt động CĐS trong doanh nghiệp đi đúng trọng tâm, tiết kiệm chi phí, mang lại hiệu quả quản trị, kinh doanh, hiệu suất lao động... đòi hỏi người đứng đầu các doanh nghiệp phải có tầm nhìn và hoạch định chiến lược, lộ trình cụ thể.

Bài và ảnh: Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]