(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong kí ức tuổi thơ tôi luôn chấp niệm mơ về những cánh diều phiêu du cùng gió, rực rỡ sắc màu. Và rồi, ngay cả khi đã đi qua dâu bể cuộc đời, hình ảnh cánh diều chấp chới bay giữa khoảng trời bao la vẫn khiến tôi ngóng vọng...

Bay cao những cánh diều

Trong kí ức tuổi thơ tôi luôn chấp niệm mơ về những cánh diều phiêu du cùng gió, rực rỡ sắc màu. Và rồi, ngay cả khi đã đi qua dâu bể cuộc đời, hình ảnh cánh diều chấp chới bay giữa khoảng trời bao la vẫn khiến tôi ngóng vọng...

Bay cao những cánh diều

Tuổi thơ vui thả diều trên cánh đồng làng.

Những ngày thơ ấu, đứa trẻ nào chẳng mê tít trò chơi thả diều. Những chiều hè triền đê lộng gió, đám trẻ tụm năm, tụm ba hí hửng khoe nhau đủ các loại diều với hình dáng, màu sắc, chất liệu khác nhau. Đa phần trẻ con chúng tôi ngày ấy, diều đều là loại “tự chế”, “cây nhà lá vườn”.

Phổ biến nhất là loại diều làm bằng giấy như: giấy báo, tờ lịch cũ, kể cả giấy học sinh đã viết rồi... Nhiều cô, cậu còn “chơi lớn”, tạm bỏ lại nỗi sợ đòn roi của mẹ cha mà xé toang quyển vở đang viết dở, lấy giấy trắng gấp thành những con diều.

Đối với loại diều này, bài học thủ công trên lớp được áp dụng triệt để, thiết thực. Cắt tờ giấy thành hình vuông vắn, xoay góc nhọn để dán nẹp. Cái que nẹp này được làm từ thanh tre, nứa chẻ nhỏ, vót tròn hoặc dẹt tùy ý, sau đó bôi hồ dán hoặc băng keo cố định lên giấy, nối 2 góc nhọn.

Sau khi đã làm “xương sống”, diều tiếp tục được hoàn thiện khung viền. Khung viền ấy cũng làm bằng thanh, tre nứa rồi uốn cong, cố định 2 đầu vào 2 góc nhọn còn lại của giấy. Tại giao điểm của 2 cái khung tre, nứa là vị trí buộc dây (thường được làm bằng các loại chỉ khâu vá quần áo, dây cước...).

Loại diều này có 3 đuôi, tùy mức độ sáng tạo của chủ nhân mà quyết định độ độc đáo của con diều. Mấy đứa lười thì cứ cắt giấy như các dải duy băng rồi dán lại với nhau. Đứa nào “chơi lớn” thì biến tấu, cắt hình răng cưa, hình diềm để đuôi diều khi bay lên trông sẽ đẹp, vui mắt hơn.

Diều “tự chế” nên có cái bay được, có cái không, có cái cứ tà tà hoặc chao qua chao lại nom đến buồn cười. Nhưng với lũ trẻ chúng tôi khi ấy, đó là niềm vui khó diễn tả thành lời.

Mỗi chiều hè, những con diều giấy đưa chúng tôi chạy nhảy khắp đường làng ngõ xóm, kéo nhau ra cả bãi rộng nơi cuối làng. Tôi có cảm tưởng như khi ấy, chỉ cần là trẻ nhỏ, đứa nào cũng sẽ “sắm sửa” cho mình một con diều để vui, để cười trong nắng vàng.

Nhiều đứa chẳng cầu kỳ, bày vẽ, chúng “tự chế” diều từ chiếc túi nilon, cột thêm dây vào hai quai rồi thục mạng chạy, tay giơ cao hết cỡ đón gió. Gió lùa vào thổi căng túi, theo đà chạy mà bay tà tà cũng đủ náo nức, rộn ràng.

Chẳng kém cạnh ai, chị em tôi cũng làm diều bằng những tờ lịch cũ. Đó là những tờ lịch có in hình người lính quân hàm xanh hay cảnh đẹp biên cương mùa xuân mà mỗi dịp Tết bố thường mang từ đơn vị về treo trang trọng trong nhà. Con diều to, chắc chắn lại có họa tiết, màu sắc đẹp nên thường nổi bật nhất đám. Chúng bạn tấm tắc khen, hai chị em được dịp thích chí. Cánh diều cứ chấp chới đầy thích thú, say mê.

Theo thời gian, những mùa hè sau đó, bóng dáng những con diều giấy thưa vắng dần. Còn loại diều làm bằng túi nilon thì coi như “tuyệt chủng”. Thay vào đó là sự “xuất hiện long trọng” của những con diều làm bằng chất liệu vải dù, vải nilon hình dáng, màu sắc bắt mắt, in hình các nhân vật hoạt hình. Khi thả, đuôi diều như đang vẽ cầu vồng trên nền trời vậy.

Thằng “Long mít” là đứa đầu tiên trong xóm có loại diều này. Nó vênh mặt rước con diều bay một vòng quanh ngõ trước sự xuýt xoa, ngưỡng mộ của lũ trẻ chúng tôi. Nó bảo: “Bố tớ mua con diều này đắt tiền lắm đấy”! Thế là cả lũ “xịt keo”. “Đắt thế mẹ chẳng bao giờ cho mình mua đâu, chị nhờ” - đứa em ngây thơ ghé vào tai tôi nói nhỏ. Lòng tràn ngập sự ghen tỵ, tôi ngúng nguẩy: “Mình có thèm mua cái diều ấy đâu”. Con em cứ mải mê nhìn theo con diều của thằng Long mãi.

Tôi biết rõ hoàn cảnh gia đình mình và tâm tư của mẹ. Hai chị em tôi chưa từng ngỏ ý muốn mua con diều giống của thằng “Long mít”, con “Hoa chéc”, “Phương tồ”... Chúng tôi vẫn vui với con diều làm từ những tờ lịch cũ đã từng là niềm tự hào của mình. Nhưng để mà nói, chúng tôi khi ấy có thích, có mơ ước được sở hữu con diều như thế không? Câu trả lời là có. Niềm ao ước ấy đi suốt cả tuổi thơ...

Bay cao những cánh diều

Những cánh diều bay cao trong gió

Ngày hôm nay, một chiều hè lộng gió. Dẫu nắng vẫn trải vàng cánh đồng nhưng không gợi lên cảm giác gắt gỏng, khó chịu. Từ xa xa, tôi nhìn thấy đám trẻ đang vui vẻ thả diều, tiếng nói cười huyên náo. Tôi bỗng tự nhủ: “Đã bao lâu rồi mới nhìn thấy hình ảnh thân thương này”. Bất giác thấy đám trẻ ấy như lạc lõng...

Nhớ lúc con gái lên 3, tôi háo hức rủ con đi mua diều. Con hỏi diều là cái gì hả mẹ? Chơi thả diều như thế nào? Để chân thực nhất, tôi mở youtube với nội dung thả diều cho bé xem. Bé ra điều thích thú lắm. Nhưng khi thực tế trải nghiệm, con gái tôi mất dần hào hứng. Nó có 101 lí do để từ chối: Nóng quá! Mệt quá! Chẳng có ai chơi thả diều với con thế! Và người lớn trong nhà đều bận, có khi cả 1-2 tuần chẳng sắp xếp nổi buổi thả diều cùng con. Hoặc chính người lớn khi “nhập cuộc” cũng thấy mệt, buồn, chán... Từ dạo ấy, chẳng mùa hè nào con gái tôi nhắc chuyện thả diều. Con diều ấy giờ gói gọn trong túi đồ cũ trên gác mái.

Sắp sửa bước vào lớp một, con gái tôi có thời khóa biểu với 2 buổi học tiếng Anh, 3 buổi học chữ, số và 2 buổi học múa. Lịch học này đã “rất thoáng” so với nhiều bạn bè đồng trang lứa với nó. Tôi không ép nhưng cũng không dám buông lỏng hoàn toàn. Tôi cố gắng giúp con đủ điều kiện để thích ứng. Ngoài thời gian ấy, nó vẫn chơi với bạn, vẫn có những tối cùng bố mẹ đi quảng trường tô tượng, đi nhà bóng, nhà sách... Nó không hứng thú hoặc không hay biết gì về những trò chơi mà thế hệ bố mẹ đã từng chơi khi bằng tuổi nó bây giờ.

Với riêng mình, tôi vẫn luôn mang theo kỉ niệm về những cánh diều ấy trên hành trình sống. Những ngày đã quá mệt mỏi với vòng xoay công việc, cuộc sống, tôi đều mơ ước mình được làm cánh diều để vô tư, thỏa sức bay lượn trên bầu trời.

Rồi trong cơn mơ ấy, tôi bừng thức nhận ra sự hiện hữu quý giá của sợi dây diều. Sợi dây ấy là kết nối giữa con diều trên cao và tay người dưới mặt đất. Khi điều chỉnh đúng cách, vừa đủ lực, sợi dây ấy sẽ giúp diều đón gió bay cao. Nhưng nếu điều chỉnh không khéo, diều không thể bay lên hoặc loạng choạng, chơi vơi. Một khi sợi dây bị đứt, gió sẽ cuốn diều đi và ném ở một bể sở nào đó.

Như những cánh diều, hãy luôn để mình được bay cao. Nhưng cũng luôn khắc ghi một điều rằng, chẳng có cánh diều nào có thể bay cao mãi. Và ngay dưới cánh diều đang lồng lộng cùng gió luôn có một sợi dây...

Nguyên Linh


Nguyên Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]