“Bay”cùng ước mơ
Phong phú về đầu sách cùng sự bày trí bắt mắt đã tạo nên một không gian đa sắc màu ở Thư viện Ước mơ (TVUM). Đúng như tên gọi, thư viện đã góp phần hình thành văn hóa đọc sách tích cực, đặc biệt biến ước mơ thành sự thực của những học sinh ít có điều kiện tiếp cận với sách và nghệ thuật.
Không gian đẹp, phong phú đầu sách đã tạo sức hút với học sinh Trường TH Sơn Thủy khi đến Thư viện Ước mơ.
Mang lại nhiều hứng thú cho cô và trò
Năm 2022, tại tỉnh Thanh Hóa, 15 trường tiểu học (TH) của 6 huyện đã được Công ty TNHH Xã hội TVUM (TP Hồ Chí Minh) tài trợ TVUM. 15 trường với gói thư viện tiêu chuẩn bao gồm tài trợ trang thiết bị nội thất và sách với tổng số tiền tài trợ khoảng 1,3 - 1,4 tỷ đồng (mỗi trường được tài trợ 70 - 80% còn lại là kinh phí đối ứng của trường từ 20 - 30%).
Trước năm 2022, khi chưa được tài trợ TVUM, thư viện Trường TH Sơn Thủy (Quan Sơn) chủ yếu chỉ có sách giáo khoa và báo với số lượng rất ít. Trong khi đó, nhà trường có tới 4 điểm trường lẻ nên việc luân chuyển sách tới các điểm trường này còn nhiều hạn chế. “Trước đây, học sinh không có hứng thú đọc sách, do đó trong ứng xử, giao tiếp các em còn rụt rè. Có TVUM, nguồn học liệu phong phú, đa dạng hơn, phát huy tiết đọc tại thư viện”. Giáo viên chủ nhiệm lớp 2B, cô giáo Lê Thị Mai cho biết.
Ở Trường TH Quảng Hòa (Quảng Xương), từ năm 2022 trở về trước, học sinh đến thư viện với niềm đam mê tìm tòi học hỏi còn ít và cũng chưa biết chọn những cuốn sách phù hợp với khối lớp, độ tuổi, chưa thấy hết tầm giá trị, quan trọng của sách. Nhưng khi có TVUM, đã mang đến cho học sinh nhà trường sự hứng thú, say mê, nâng cao giá trị văn hóa đọc.
TVUM có hơn 1000 đầu sách, nhiều chủng loại, phù hợp từng độ tuổi học sinh. Bên cạnh đó là các trang thiết bị như kệ sách, bàn tròn, 4 ghế cánh diều, 16 đôn nhiều màu sắc. Một không gian đẹp, bắt mắt đã tiếp năng lượng tích cực cho học sinh. “Cho đến nay, 83% học sinh trong trường thường xuyên tham gia đọc sách báo ở thư viện trường cũng như thư viện lớp học. Số lượng học sinh thích tìm đọc sách, truyện trong thư viện ngày một nhiều, tỷ lệ học sinh có phương pháp đọc sách đã tăng lên. Nhiều giáo viên chủ nhiệm đã đồng hành cùng học sinh đọc sách để chia sẻ và nâng cao kỹ năng đọc, nâng cao nhận thức cho các em. Những mẩu truyện hay, những kiến thức đọc được từ thư viện được các em hào hứng kể lại cho thầy, cho bạn nghe. Và sự tự tin, mạnh dạn được lan truyền trong học sinh một cách tự nhiên mà thuyết phục”. Cô giáo Phạm Thị Thu, Hiệu trưởng Trường TH Quảng Hòa cho biết.
TVUM được đầu tư xây dựng theo không gian mở, thân thiện, hài hòa với thiên nhiên, kích thích nhu cầu đọc cho học sinh. Các loại sách, báo, truyện được trưng bày trên kệ, học sinh được lựa chọn những cuốn sách bản thân yêu thích, phù hợp. Các em có thể đọc ngay khi vừa đến trường, trong giờ ra chơi... Mỗi tuần, các lớp đều có 1 tiết đọc tại thư viện. Sau tiết đọc, học sinh sẽ có các bài viết, tranh vẽ gửi lại cán bộ thư viện. Theo Hiệu trưởng Trường TH Minh Tiến (Ngọc Lặc) Vương Thị Hằng: “TVUM mang lại nhiều hứng thú hơn cho cô và trò trong tiết đọc mở rộng của Chương trình GDPT 2018. Ở Chương trình này, nếu để học sinh ở trên lớp với vốn tài liệu ít ỏi thì tại TVUM, học sinh được tiếp cận nhiều đầu sách, được thảo luận và kể cho nhau nghe câu chuyện bản thân vừa đọc...”.
Thực tế, từ TVUM đã góp phần hình thành văn hóa đọc sách tích cực, đồng thời phát triển các lĩnh vực nghệ thuật và khoa học, phát huy khả năng sáng tạo cho thế hệ tiếp nối, tập trung hướng đến đối tượng là trẻ em vùng sâu, vùng xa... Trong số 15 trường TH trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được nhận gói tài trợ từ Công ty TNHH Xã hội TVUM thì có đến 12 trường thuộc khu vực miền núi, nơi ít có điều kiện tiếp cận với sách và nghệ thuật.
Khó đối ứng và vượt khó
Như trên đã đề cập, với gói tiêu chuẩn được tài trợ từ Công ty TNHH Xã hội TVUM, công ty sẽ tài trợ 70 - 80% còn lại trường đối ứng 20 - 30%. Bình quân 1 trường, thường từ 70 - 100 triệu đồng. Việc đối ứng 20 - 30% từ các nhà trường, đây được xem là bài toán khó. Bởi việc đối ứng không thể lấy từ kinh phí chi thường xuyên. Chia sẻ của thầy giáo Hoàng Văn Sáu, Hiệu trưởng Trường TH Sơn Thủy (Quan Sơn): “Công ty tài trợ 70 triệu còn nhà trường đối ứng 30 triệu. Một trường miền núi còn nhiều khó khăn thì với số tiền đối ứng này, thực tế là cả vấn đề. Tuy nhiên, được thụ hưởng gói tài trợ là cơ hội tốt cho nhà trường nên chúng tôi quyết tâm để thực hiện. Nhà trường đã xin hỗ trợ từ chính quyền địa phương, kêu gọi doanh nghiệp...”.
Tiết đọc sách tại thư viện của học sinh Trường TH Minh Tiến.
Khó khăn trong đối ứng, nhưng thắp sáng văn hóa đọc lại là đích để hướng đến, vì vậy, dù khó thì các nhà trường vẫn tìm cách để biến ước mơ thành hiện thực, nâng cao ý thức đọc sách và yêu sách cho học sinh. Ông Viên Đình Huy, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quảng Xương, cho rằng: “TVUM đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía các em học sinh, giáo viên và phụ huynh, quan trọng đã góp phần hình thành thói quen đọc sách, phát triển tư duy sáng tạo và kỹ năng sống cho trẻ em. Tuy nhiên, nguồn lực tài chính và nhân lực cho hoạt động của thư viện này còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục, thực hiện Chương trình GDPT 2018...”. Còn theo ông Lê Ngọc Sơn, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ngọc Lặc: “Trên địa bàn huyện có 4 trường được thụ hưởng gói tài trợ. Mặc dù phần đối ứng rất khó nhưng các nhà trường đã chủ động tìm nguồn hợp pháp để cùng TVUM tạo hiệu quả lớn trong nâng cao giá trị văn hóa đọc cho học sinh”.
Hoạt động của TVUM có ý nghĩa, tính nhân văn sâu sắc, đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ em, cung cấp đa dạng các loại sách, truyện... Đánh giá về hoạt động của TVUM tại Thanh Hóa, bà Cổ Huệ Anh, Giám đốc Công ty TNHH Xã hội TVUM cho biết: “Chúng tôi đánh giá rất cao kết quả hoạt động từ TVUM của các nhà trường trong tỉnh Thanh Hóa. Thầy, cô nhiệt tình, chủ động, vận hành thư viện tốt. Tuy nhiên, hiện tại, công ty chưa có kế hoạch tiếp theo ở Thanh Hóa. Chúng tôi đang đến những tỉnh, thành khác chưa có TVUM. Hy vọng sẽ trở lại tỉnh Thanh vào thời gian gần nhất...”.
Bài và ảnh: Vi An
{name} - {time}
-
2024-11-21 09:06:00
Trao giải các tiết mục xuất sắc nhất Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024
-
2024-11-21 09:04:00
Xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới với Óc Eo-Ba Thê
-
2024-02-09 15:37:00
Những ngày cuối năm…
Nguồn cảm xúc bất tận trong ca khúc “Quê Thanh miền đất tình người”
Tiến sĩ Trần Ân Triêm trên đất Châu Bối xưa
Nhà hát ca múa kịch Lam Sơn: Một năm nhiều dấu ấn
Con Rồng trong ngôn ngữ dân gian
Trung tâm văn hóa – điện ảnh Thanh Hóa và dấu ấn 2023
Nét đặc sắc qua chum rượu cần của người Thái xứ Thanh
♦ Sự kiện văn hóa – thể thao – giải trí ngày 5/2/2024
Vì sao lại “Đói giỗ cha, No ba ngày Tết”?
Tăng cường công tác quản lý lễ hội đầu xuân