Con Rồng trong ngôn ngữ dân gian
Rồng là con vật duy nhất trong 12 con giáp không tồn tại trong thực tế, nhưng nó vẫn mang hình dạng, tập tính của một con vật bằng xương bằng thịt và xuất hiện khá nhiều trong lời ăn tiếng nói dân gian, điển cố, điển tích.
Rồng trên giấy dó của Hà Hiếu
Tương truyền, khi trời sắp mưa, rồng gầm lên thành sấm. Thế nên ví thanh âm gì hùng tráng thì gọi là Long minh sư hống (Rồng gầm, sư tử rống). Mây là môi trường sống của rồng. Mây với rồng như nước với cá, nên có thành ngữ Như cá gặp nước như rồng gặp mây; Rồng mây gặp hội; Gặp hội mây rồng; Long vân gặp hội; Long vân khánh hội,... ý chỉ cơ hội may mắn, vua tôi, trai gái gặp nhau, hoặc người đi thi đỗ đạt, vinh hiển.
Rồng có thể hút cạn sông biển, nhả mây phun mưa, làm ra phong ba bão táp. Bởi thế, thành ngữ Việt có câu Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa; Ăn như rồng cuốn, làm như cà cuống lội ngược.
Trong mây, rồng ẩn hiện, biến hóa khôn lường, nên thành ngữ Thần long kiến thủ bất kiến vĩ (Rồng thiêng thấy đầu mà không thấy đuôi), ví với người có hành tung bí ẩn.
Rồng và hổ là hai con vật thuộc dòng giống cao quý, sức mạnh phi thường. Bởi thế, theo dân gian, tính di truyền của rồng và hổ rất mạnh. Tục ngữ Việt có câu Trứng rồng lại nở ra rồng, Hổ phụ sinh hổ tử. Trong khi tục ngữ Hán lại cho rằng Long sinh cửu tử, cửu tử bất thành rồng - , nghĩa là rồng sinh chín con, không phải cả chín con đều thành rồng; hay Nhất long sinh cửu chủng, chủng chủng các biệt - Một rồng sinh chín con, mỗi con mỗi khác (đồng nghĩa Cha mẹ sinh con trời sinh tính). Quan niệm của người Việt và người Trung Hoa khác nhau chăng? Thực ra giống hệt nhau, bởi đây chỉ là thủ pháp của dân gian, ý nói, đến dòng giống như rồng mà sinh con còn không giống nhau, huống chi người!
Rồng là con vật thượng đẳng. Nó ẩn mình dưới vực sâu, vẫy vùng chốn sông dài biển rộng, bay lượn trên mây cao. Bởi thế, thành ngữ Rồng lội ao tù, Rồng vàng tắm nước ao tù,... ví với người anh hùng lúc sa cơ, bị kìm hãm bó buộc, không có điều kiện thi thố tài năng. Long khuất xà thân (Rồng co rắn duỗi), hình dung quân tử thất thế, còn tiểu nhân thì thừa dịp đắc chí.
Với con rồng thì phần đầu của nó đồ sộ, nhiều bộ phận và đẹp nhất. Bởi vậy, thành ngữ Long đầu xà vĩ (Đầu rồng đuôi rắn), ám chỉ việc gì mở đầu thì to lớn, kết thúc không ra gì, tương tự Đầu voi đuôi chuột.
Rồng là con vật thần dị, sức mạnh vô song. Bởi thế, tướng rồng luôn được xem là quý tướng: Long hành hổ bộ (Đi như rồng bước như hổ), Long tương hổ bộ (Rồng lướt hổ đi) chỉ tướng mạo, phong thái của bậc đế vương; Long mi phượng mục (Mày rồng mắt phượng) hình dung tướng mạo không tầm thường; Long mi báo cảnh (Mày rồng cổ báo), là tướng mạo của lực sĩ; Long đằng hổ khiếu (Rồng bay hổ gầm) ý chỉ thanh thế rất ghê gớm,...
Rồng và hổ đều sở hữu sức mạnh tiềm tàng, dũng mãnh, nên long - hổ thường sánh đôi với nhau, thành một cặp đối nhau. Câu Sinh long hoạt hổ - , ví sự khỏe mạnh, tràn đầy sinh lực như rồng như hổ, hoặc nói về văn chương sinh động, có sức mạnh lay động lòng người; Tàng long ngọa hổ , nói nhân tài đang ẩn náu chờ thời, hoặc chưa được phát hiện; Long tranh hổ đấu , chỉ hai bên thế lực ngang nhau, tranh đấu quyết liệt.
Dưới cái nhìn của nhà phong thủy, Long bàn hổ cứ (Rồng cuộn hổ ngồi) chỉ sự uy dũng mà không lộ tướng, chính là thế đất quý; hoặc ví với vẻ hiểm yếu, hùng vĩ của cuộc đất đế vương, nơi anh hùng hào kiệt chiếm cứ. Long bàn phượng vũ (Rồng cuộn phượng múa), ví hình thế núi sông uốn lượn, có khí tượng của đế vương. Long đàm hổ huyệt (Vực rồng hang hổ), chỉ vị trí, địa thế cực kỳ hiểm ác. Tả thanh long hữu bạch hổ (bên Đông là rồng xanh, bên Tây là hổ trắng) là thế đất tối quý với cả dương trạch và âm trạch.
Rồng cũng thường đi với phượng - loài chim thần trong truyền thuyết - để tạo thành một cặp tương xứng. Long phi phương vũ , hình dung sự phóng khoáng, hoạt bát; nét bút thư pháp hùng kỳ, sinh động. Long phượng trình tường , chỉ việc tốt, việc vui mừng. Long can phượng tủy (Gan rồng tủy phượng, đồng nghĩa Long can báo thai - Gan rồng thai báo), tỉ dụ thực phẩm quý, rất khó kiếm được.
Dù là con vật huyền thoại, nhưng rồng vẫn xung khắc với con chó trong “tứ hành xung”: Thìn - Tuất - Sửu - Mùi. Nguyên nhân, dân gian cho rằng, rồng là con vật cao quý, nên nó xung khắc với con chó bẩn thỉu, hôi hám. Tuy nhiên, chó thường được đặt cạnh hổ để tạo nên sự đối lập giữa oai hùng và hèn kém; trong khi rồng và tôm lại được đem ra so sánh để nói về hai đẳng cấp khác nhau. Điển tích Cá chép hóa rồng, kể rằng cá chép và tôm cùng thi vượt Vũ Môn, nhưng chỉ có con cá chép ngậm viên ngọc là hóa rồng. Còn tôm tuy có tài búng càng, co mình bật nhảy tanh tách trên mặt nước để vượt thác, nhưng đến tầng thứ ba thì nó bị ngã đau, tới mức ruột gan lộn lên đầu! Thành ngữ Rồng đến nhà tôm, là một cách nói nhún, ví trường hợp người cao sang đến thăm kẻ thấp hèn; Đầu rồng đuôi tôm, ý chỉ khởi đầu to lớn, kết thúc không ra gì; Rồng lội ao tù tôm cũng giỡn, hàm ý khi bị thất thế thì ai cũng có thể xem thường, kể cả đứa vốn rất hèn mọn, bình thường không thể so sánh với kẻ bị thất thế kia (đồng nghĩa Hổ lạc bình dương bị khuyển khi - Hổ xuống đồng bằng thì đến con chó cũng coi thường).
Trong hội họa, điêu khắc (dân gian cũng như cung đình), có lẽ rồng là con vật xuất hiện sớm và nhiều nhất trong số 12 con giáp. Tuy nhiên, vẽ rồng cho ra rồng không phải chuyện dễ. Thế nên tục ngữ gốc Hán có câu Họa long họa hổ nan họa cốt (dị bản Họa hổ họa bì nan họa cốt), ý nói vẽ rồng, vẽ hổ thì cái khó nhất là thể hiện được phong cốt rồng hổ. Bởi vậy, thành ngữ Việt có câu Vẽ rồng nên giun, đồng nghĩa với tục ngữ Hán Họa long khắc cốc , Họa hổ bất thành phản loại cẩu, ví thử muốn làm điều gì to tát, ghê gớm, nhưng chung quy thất bại, trở thành trò cười cho thiên hạ.
Nói về vẽ rồng, giỏi nhất phải kể đến Trương Tăng Dao thời Nam Bắc triều. Sách Lịch đại danh họa kí của Trương Ngạn Viễn chép, khi trang trí chùa An Lạc ở Kim Lăng (Nam Kinh), Tăng Dao vẽ bốn con rồng trắng lên tường, trông giống như thật. Nhưng khi vẽ mắt rồng, ông không điểm con ngươi. Nhiều người hỏi tại sao không vẽ cho hoàn chỉnh, ông trả lời: “Nếu điểm thêm con ngươi, e rằng rồng sẽ bay mất”. Mọi người cho đó là lời nói xằng, nên cố nài ông vẽ nốt. Chẳng ngờ, khi Trương Tăng Giao vừa lấy bút “điểm nhãn” thì lập tức sấm sét nổi lên, bức tường nứt ra, hai con rồng trắng tức thời cuộn vào mây bay lên trời; hai con không được điểm nhãn thì nằm lại. Dĩ nhiên, câu chuyện chỉ là một cách ca ngợi tài năng hội họa của Trương Tăng Dao, chứ không có thật. Về sau, Họa long điểm tình , hay Họa long điểm nhãn, ý chỉ biết khai mở nội dung chính yếu, then chốt, làm cho văn chương, hội họa, lời nói trở nên sống động, thuyết phục.
Có thể nói, trong số 12 con giáp, thì Tí, Sửu, Dần, Mão [...], Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi, đều xuất hiện trong lời ăn tiếng nói dân gian kiểu “đa nhân cách”, có cả hai mặt tốt và xấu. Duy chỉ có Thìn - Rồng là luôn hiện lên với vẻ đẹp hoàn mĩ, tích cực. Điều này cũng dễ hiểu, bởi rồng là con vật huyền thoại, tồn tại trong hư vô, tự ngàn xưa đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh, vương quyền, sự linh thiêng, cao quý.
HOÀNG TRINH SƠN
{name} - {time}
-
2024-11-21 09:06:00
Trao giải các tiết mục xuất sắc nhất Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024
-
2024-11-21 09:04:00
Xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới với Óc Eo-Ba Thê
-
2024-02-06 15:34:00
Trung tâm văn hóa – điện ảnh Thanh Hóa và dấu ấn 2023
Nét đặc sắc qua chum rượu cần của người Thái xứ Thanh
♦ Sự kiện văn hóa – thể thao – giải trí ngày 5/2/2024
Vì sao lại “Đói giỗ cha, No ba ngày Tết”?
Tăng cường công tác quản lý lễ hội đầu xuân
[E-Magazine] – “Tết Việt”- Giữ hồn Tết xưa!
Quảng bá tinh hoa ẩm thực xứ Thanh gắn với phát triển du lịch
Tết xưa làng cổ
Chợ quê ngày giáp tết
“Lãng du trong văn hóa Việt Nam” và vẻ đẹp của quê hương, của văn hóa