(vhds.baothanhhoa.vn) - Thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho vùng đất Như Thanh vẻ kiêu sa lộng lẫy nơi miền sơn cước. Một không gian xanh mở ra với ngút ngàn cây rừng, mênh mang sóng nước, tạo nên cảnh sắc “sơn thủy hữu tình” vô cùng hiếm thấy. Bến En - “Nàng công chúa ngủ trong rừng” đang cựa mình thức giấc, sau những đêm dài...

Bến En Xanh

Thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho vùng đất Như Thanh vẻ kiêu sa lộng lẫy nơi miền sơn cước. Một không gian xanh mở ra với ngút ngàn cây rừng, mênh mang sóng nước, tạo nên cảnh sắc “sơn thủy hữu tình” vô cùng hiếm thấy. Bến En - “Nàng công chúa ngủ trong rừng” đang cựa mình thức giấc, sau những đêm dài...

Bến En Xanh

Bến En được ví như “Vịnh Hạ Long thu nhỏ” của Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Linh

“Nàng công chúa ngủ trong rừng”

Vẻ đẹp tiềm ẩn chưa được khai phá của Bến En, từ lâu đã khiến nhiều người liên tưởng đến “Nàng công chúa ngủ trong rừng” trong chuyện cổ tích, chỉ chờ “Chàng hoàng tử” đến “đánh thức”. “Nàng công chúa” mang đầy đủ cái tên Vườn Quốc gia (VQG) Bến En vốn “xinh đẹp tuyệt trần”, khiến cho nhiều vị khách khi đến đây phải hết lòng ca ngợi Bến En như một “Vịnh Hạ Long thu nhỏ” của Việt Nam. Nơi đây quả là sự sắp đặt tài tình của tạo hóa giữa rừng - núi - sông - hồ mà chỉ Bến En vốn có.

Với tổng diện tích tự nhiên 14.734,67 ha, Bến En không chỉ đẹp quyến rũ bởi cảnh quan sông nước, núi non nhấp nhô đan xen giữa hồ và 21 hòn đảo lớn nhỏ, mà còn mê hoặc bởi câu chuyện ly kỳ về hồ sông Mực. Chuyện kể rằng, thuở trời đất còn hỗn mang, Hoàng tử con vua Thủy Tề vốn là một chú Mực thích ngao du sơn thủy. Vì ham cảnh sắc nơi đây, mải chơi đến nỗi quên lối về. Khi nước rút, Mực bị mắc cạn nên cố vùng vẫy, vết tích còn lưu đến bây giờ. Nơi Mực chết tạo thành hồ Bến En, tua Mực là các sông suối nhỏ ăn sâu vào các cánh rừng, ngày đêm góp nước cho hồ... Sau này, khi đắp đập, ngăn sông tạo thành hồ chứa nước nông nghiệp, Chính phủ đã ra quyết định thành lập VQG Bến En (năm 1992). VQG Bến En có chức năng bảo tồn hệ sinh thái rừng núi đất đai thấp, thuộc khu vực Bắc Trường Sơn, vốn đa dạng về hệ sinh thái và các loài động, thực vật.

Nơi đây có 1.417 loài thực vật, 1.536 loài động vật, trong đó hàng trăm loài quý hiếm có tên trong sách đỏ. Những kiến tạo địa hình cùng với biến đổi tự nhiên như: khí hậu, thảm thực vật, thổ nhưỡng đã tạo cho VQG Bến En cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, có tiềm năng về thủy điện, tài nguyên rừng, điều tiết nguồn sinh thủy trong vùng, đảm bảo năng lực phòng hộ đầu nguồn và môi trường cảnh quan khu vực Tây Nam của tỉnh. Xung quanh VQG Bến En có nhiều hang động đẹp: Hang Ngọc, hang Cận (xã Xuân Khang); hang Lèn Pót (xã Xuân Thái) thích hợp với loại hình du lịch thám hiểm khám phá hang động tự nhiên và du lịch mạo hiểm.

Trong vùng đệm của VQG Bến En còn có các di tích, danh lam thắng cảnh: Đền Khe Rồng (xã Hải Long) thờ vị tướng của Lê Lợi trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống quân Minh đầu thế kỷ XV; đền Phủ Sung thờ Liễu Hạnh thánh Mẫu; di tích Lò Cao kháng chiến là nơi Giáo sư Trần Đại Nghĩa nghiên cứu, xây dựng các lò đúc gang để chế tạo vũ khí cung cấp cho bộ đội đánh Pháp. Đây đều là những điểm tham quan lý tưởng, kết hợp du lịch tâm linh, nghiên cứu lịch sử với du lịch sinh thái lòng hồ Bến En.

Sau khi mãn nhãn cảnh sắc “trên non, dưới thủy”, du khách có thể hòa mình vào đời sống sinh hoạt, phong tục tập quán của người dân bản địa. Tìm hiểu và trải nghiệm các nghề truyền thống: Thêu, dệt thổ cẩm, đan lát... Vui hát múa trong không gian lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy, lễ Rước Bóng đền Phủ Na và các loại hình văn hóa dân gian của đồng bào Thái, Mường như: Khặp, hát dân ca, hát ru, hát xường. Thưởng thức hương vị ẩm thực của núi rừng do tự tay đồng bào chế biến: Gỏi cá mè, gà đồi, xôi nếp, canh đắng..., và nhấp chén rượu gạo trong hương say men tình - tình đất - tình người, để rồi vương vấn khó quên...

Ông Đặng Hữu Nghị, Giám đốc kiêm Hạt trưởng VQG Bến En, chia sẻ: Thời gian qua, VQG Bến En đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương nỗ lực bảo vệ, duy trì nguyên trạng cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái. Đồng thời tiếp tục quảng bá tiềm năng, lợi thế của khu du lịch này, góp phần tham mưu cho tỉnh và huyện lựa chọn được nhà đầu tư xứng tầm.

“Chàng hoàng tử” đến “đánh thức”

Tháng 4-2016, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt trời (Sun Group) và lãnh đạo tỉnh đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư. Theo đó, Tập đoàn Sun Group cam kết đầu tư Dự án Quần thể Khu du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Bến En tại huyện Như Thanh với tổng mức đầu tư 9.990 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 là 4.995 tỷ đồng; giai đoạn 2 là 4.995 tỷ đồng.

Ngày 29-9-2016, tại Quyết định số 3774/QĐ-UBND, Chủ tịch UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp Bến En của Tập đoàn Sun Group. Mục tiêu của dự án nhằm tạo điểm nhấn về du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí mang tầm vóc quốc tế. Từ đó tác động lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động và tăng thu ngân sách địa phương. Dự kiến dự án khởi công xây dựng vào tháng 12-2016 và hoàn thành đi vào sử dụng vào tháng 12-2018.

Sau khi dự án được phê duyệt, Tập đoàn Sun Group đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng và các thủ tục pháp lý trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư để sớm triển khai dự án. Tuy nhiên, do quy mô dự án tương đối lớn và còn một số vướng mắc cần nhiều thời gian để triển khai thực hiện các hồ sơ, thủ tục, dẫn đến thời gian thực hiện dự án kéo dài.

Ngày 23-10-2020, UBND tỉnh có Quyết định số 4545/QĐ-UBND về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp Bến En. Theo đó, điều chỉnh lại thời gian khởi công xây dựng vào tháng 12-2021 và thời gian hoàn thành đi vào sử dụng vào tháng 12-2023. Ngày 21-12-2020, UBND tỉnh có Văn bản số 17713/UBND-CN về việc lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 (nay là quy hoạch phân khu) Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và nuôi trai lấy ngọc kết hợp bảo tồn VQG Bến En (Khu du lịch Bến En), (đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 439/QĐ-UBND ngày 2-2-2010).

Theo kế hoạch, đến tháng 8-2021 các ngành chức năng và đơn vị liên quan sẽ phải thực hiện các thủ tục pháp lý, bảo đảm các điều kiện phục vụ khởi công dự án. Đến nay, Tập đoàn Sun Group và các ngành liên quan đã hoàn thiện các phần việc trong lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 như: Lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, hồ sơ đồ án quy hoạch, xin ý kiến cộng đồng dân cư, ý kiến liên ngành.

Ông Đặng Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Như Thanh cho biết: Du lịch Bến En được xác định là 1 trong 3 chương trình trọng tâm về phát triển du lịch được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Dự án Quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp Bến En của Tập đoàn Sun Group có tác động rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của huyện. Đây là “siêu dự án” mang tầm cỡ khu vực, là điểm nhấn hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam. Suốt nhiều năm qua, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong huyện luôn thể hiện quyết tâm cao, nỗ lực lớn, sát cánh cùng nhà đầu tư trong tổ chức triển khai thực hiện, phấn đấu quý III năm 2021 khởi công dự án. Sau khi dự án đi vào hoạt động, hy vọng sẽ xóa bỏ được nghèo nàn về dịch vụ, du lịch, mang đến nhiều trải nghiệm hấp dẫn cho du khách. Đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm, hiểu biết, sự quan tâm của người dân đầu tư vào lĩnh vực du lịch; góp phần làm thay đổi diện mạo, quê hương ngày càng khang trang, phát triển bền vững.

Sau nhiều năm chờ đợi, Bến En đã đón được nhà đầu tư chiến lược xứng tầm. “Nàng công chúa ngủ trong rừng” xinh đẹp giờ đây đã được “Chàng hoàng tử” dũng cảm “đánh thức”. Từ đó mở ra một giai đoạn phát triển mới theo hướng hợp tác bền vững và hiệu quả.

Ngọc Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]