(vhds.baothanhhoa.vn) - Khi về già, có lẽ ai cũng mong mình có một sức khỏe ổn định, được quan tâm, chăm sóc, sống quây quần bên cháu con. Vậy nhưng, vì những hoàn cảnh khác nhau, có nhiều người cao tuổi lại tìm thấy niềm vui cuộc sống tuổi xế chiều của mình trong những không gian sống xa nhà tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2 Thanh Hóa.

Buồn, vui... tuổi già

Khi về già, có lẽ ai cũng mong mình có một sức khỏe ổn định, được quan tâm, chăm sóc, sống quây quần bên cháu con. Vậy nhưng, vì những hoàn cảnh khác nhau, có nhiều người cao tuổi lại tìm thấy niềm vui cuộc sống tuổi xế chiều của mình trong những không gian sống xa nhà tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2 Thanh Hóa.

Buồn, vui... tuổi giàLà những người cô đơn không nơi nương tựa, ông Toàn và bà Châu trở thành đôi bạn già vui vẻ, hạnh phúc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2 Thanh Hóa.

“Người già sống ở trung tâm bảo trợ hẳn phải có hoàn cảnh khó khăn, số phận bất hạnh, cuộc sống buồn lắm...”, tôi mang ý nghĩ ấy khi ghé thăm Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2 Thanh Hóa. Vậy nhưng, đến thăm những người cao tuổi hiện đang sống tại đây, tôi đã phải thay đổi suy nghĩ của mình. Hay nói đúng hơn, dẫu số phận sướng khổ ra sao, những người cao tuổi tại đây vẫn tìm thấy cho mình ý nghĩa, niềm vui cuộc sống.

Theo chân cán bộ Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2 Thanh Hóa, tôi ghé thăm đôi bạn già: ông Toàn, bà Châu. Trước mắt tôi, ông Toàn đang dìu bà Châu đi từng bước ra hành lang phòng ở. Dưới ánh nắng buổi chiều tà, hai ông bà trông thật vui vẻ, hạnh phúc.

Ông Trương Phú Toàn, quê xã Hoằng Yến (Hoằng Hóa) là người già cô đơn không nơi nương tựa. Trong ký ức của mình, ông Toàn chỉ còn nhớ: “Hồi thanh niên tôi từng đi bộ đội (?). Sau khi về quê cũng lấy vợ nhưng không có con, rồi vợ bỏ đi”. Không con cái cứ sống một mình lủi thủi, gia cảnh nghèo khó, ông thuộc đối tượng bảo trợ xã hội. Tương tự ông Toàn, bà Nguyễn Thị Châu, quê xã Tiên Trang (Quảng Xương) cũng là người già cô đơn không nơi nương tựa.

Năm 2006, ông Toàn và bà Châu - hai con người cô đơn quen nhau. Mấy năm trở lại đây, bà Châu bị đau chân, mỗi ngày ông Toàn đều vui vẻ giúp bà đi lại, rồi xách nước, lấy cơm, rửa bát, giặt quần áo... Còn bà Châu, vẫn thường lắng nghe ông kể chuyện. Chuyện ngày xưa, chuyện ngày nay, cả chuyện hài mà ông Toàn nghĩ ra để kể cho bà Châu vui. Do có vấn đề về ngôn ngữ bẩm sinh, bà Châu ít nói và những điều bà nói, quả thực nhiều người xung quanh không hiểu hết. Vậy nhưng với ông Toàn thì khác, ông dường như luôn hiểu được những điều bà Châu nói.

Đôi bạn già đang ngồi trò chuyện cùng tôi, bà Châu bỗng ho liên tục. Ông Toàn nhanh chân chạy vào phòng lấy ra chiếc khăn cũ đưa bà Châu và không quên nhắc nhở: “Đấy, bà lại ho rồi, tôi bảo rồi mà, trời chiều lạnh phải quàng lấy khăn”. Chia sẻ về tình cảm dành cho bà Châu, ông Toàn bộc bạch: “Tôi với bà Châu như đôi đũa, đôi bát bên nhau vậy thôi”.

Không chỉ giúp đỡ lẫn nhau, nhiều năm qua, ông Toàn và bà Châu còn hăng hái giúp đỡ cán bộ, nhân viên trung tâm trong việc chăm sóc các cháu nhỏ mồ côi, không nề hà bất kể việc gì. Vì thế, nhắc đến ông bà, mọi người đều dành sự quý mến.

Bà Bùi Thị Phương (78 tuổi) quê thị trấn Cành Nàng (Bá Thước) lại vào Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2 Thanh Hóa theo hình thức đăng ký nuôi dưỡng tự nguyện. Bà Bùi Thị Phương cho biết: Gia đình bà neo người, ông ấy (chồng bà) đã mất, con cái lại không có điều kiện chăm sóc nên 2 năm trước bà quyết định đăng ký vào đây sống. Bà còn khỏe, đi lại bình thường nên việc sinh hoạt cá nhân vẫn có thể tự đảm bảo. Vào đây, môi trường sống xanh, trong lành, bà có thêm nhiều bạn già, thấy cuộc sống của mình vui vẻ, hạnh phúc hơn. Có lẽ do tinh thần thoải mái, lại được chăm sóc, thăm khám sức khỏe thường xuyên nên bệnh đau đầu đã dần khỏi, ngủ ngon giấc hơn.

Cũng theo bà Phương: “Bà già rồi, ở tuổi gần đất xa trời, chẳng thể tính toán nhiều chuyện, cũng không quá bận tâm người khác nói gì. Chỉ mong cuộc sống vui vẻ như hiện tại, là đã thấy hạnh phúc”.

Tương tự bà Phương, ông Vũ Thủy phường Đông Hương (TP Thanh Hóa) sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2 Thanh Hóa cũng theo hình thức đăng ký nuôi dưỡng tự nguyện. 3 năm trước, ông Thủy bị tai biến, việc đi lại khó khăn, thường phải ngồi xe lăn. Ông Thủy cho biết: Các con cũng bận công việc, tôi không muốn là gánh nặng cho con cái nên đã quyết định đăng ký vào đây sống. Vào những dịp cuối tuần hay lễ tết, tôi vẫn thường về thăm nhà, vui vầy bên cháu con.

Buồn, vui... tuổi giàNhững năm gần đây, nhiều người cao tuổi lựa chọn sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2 Thanh Hóa theo hình thức đăng ký nuôi dưỡng tự nguyện.

Về cuộc sống tuổi xế chiều tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2 Thanh Hóa, ông Vũ Thủy chia sẻ thêm: “Trước khi vào đây, tôi và gia đình cũng có chút băn khoăn, e ngại làng xóm lời ra tiếng vào. Nhưng khi vào đây sống rồi, thấy thực sự thoải mái, vui vẻ. Từ việc được chăm sóc chuyên nghiệp, đến chế độ dinh dưỡng, rồi môi trường sống, cảnh quan... đều phù hợp với tuổi già. Tại đây, tôi có nhiều bạn già, cuộc sống cũng quy củ, nền nếp, ăn uống, ngủ nghỉ đúng giờ, lại thường xuyên được cán bộ, nhân viên thăm hỏi, an ủi, trò chuyện nên thấy sức khỏe tốt hơn. Tôi nghĩ về già, việc có lựa chọn vào các trung tâm dưỡng lão nói chung sống hay không còn phụ thuộc vào hoàn cảnh, sở thích của mỗi người. Khi con người ta có tuổi rồi, sống ở đâu cũng được, miễn thấy thanh thản, vui vẻ”.

Ngày nay, việc người cao tuổi đăng ký sống tại trung tâm, viện dưỡng lão có xu hướng tăng. Tuy nhiên, tại Thanh Hóa đến thời điểm hiện tại, có một số đơn vị tư nhân dù đã được phê duyệt chủ trương đầu tư song vẫn chưa hoàn thiện đi vào hoạt động. Trong khi đó, việc chăm sóc người cao tuổi tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2 Thanh Hóa, ngoài các đối tượng bảo trợ xã hội thì việc nuôi dưỡng người cao tuổi theo hình thức đăng ký tự nguyện vẫn đang thí điểm nên số lượng chưa thể tiếp nhận nhiều, bà Lê Thị Tuyết, Phó trưởng Phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết.

Theo thống kê, tỷ lệ người cao tuổi (trên 60 tuổi) tại Việt Nam chiếm khoảng 12% dân số. Ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Thanh Hóa, nhìn nhận: “Tỷ lệ người cao tuổi tại Thanh Hóa hiện cao hơn trung bình cả nước, chiếm khoảng 13% dân số trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là vấn đề đặt ra cho việc chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi. Trong đó, có không ít người già tuổi cao, sức yếu, thường xuyên ốm đau, bệnh tật song lại không có kinh tế ổn định; bên cạnh đó, xu hướng gia đình hạt nhân (gia đình 2 thế hệ), rồi việc khác biệt về suy nghĩ, cách sống, chưa kể nhiều người khi có tuổi có thể thay đổi tâm lý, “trái tính trái nết”... cũng sẽ dẫn đến những bất đồng về quan điểm sống khác nhau trong mỗi gia đình. Bởi vậy, người cao tuổi cần nhiều hơn sự quan tâm, chăm sóc của gia đình, người thân và cả cộng đồng, xã hội...”.

Bài và ảnh: Trang Bùi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]