Cần thiết "đồng bộ về cơ cấu đội ngũ nhà giáo dạy các môn học”
Do thiếu người dạy đúng chuyên môn nên nhiều giáo viên phải khoác "chiếc áo” kiêm nhiệm là thực trạng đang diễn ra ở nhiều trường học trong và ngoài tỉnh, nhất là đối với bậc THCS. Vì vậy, cần thiết "đồng bộ về cơ cấu đội ngũ nhà giáo dạy các môn học” (dự thảo Luật Nhà giáo).
Trường THCS Tô Vĩnh Diện gặp gỡ học sinh giỏi cấp huyện khối 6, 7, 8 (năm học 2023-2024). (Ảnh nhà trường cung cấp)
Theo dự thảo Luật Nhà giáo, nội dung này thể hiện nguyên tắc cơ bản của nghề dạy học hiện đại, là nhà giáo chỉ hành nghề dạy học ở những lĩnh vực được đào tạo chuyên môn sâu, không thể yêu cầu nhà giáo dạy chéo môn.
Trong điều kiện hiện nay, nhất là đối với bậc THCS, do thiếu giáo viên nên nhiều trường học phải thực hiện dạy kiêm nhiệm. “Cái khó bó cái khôn”, nếu không dạy chéo môn thì sẽ không có giáo viên đứng lớp môn đang thiếu.
Ở Trường THCS Tô Vĩnh Diện (Triệu Sơn), nhiều năm nay luôn trong tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ. Để gỡ khó vấn đề này, nhà trường phải phân công chuyên môn cho giáo viên để bảo đảm công bằng giữa các giáo viên trong cùng trường. Theo đó, những môn thiếu giáo viên thì dạy chéo môn như giáo viên Toán kiêm dạy môn Vật lý hoặc giáo viên Ngữ văn kiêm dạy môn Lịch sử và Địa lý... Nói về điều này, cô giáo Trịnh Thị Phương, Hiệu trưởng Trường THCS Tô Vĩnh Diện cho biết: “Khi phải dạy chéo môn sẽ rất khó cho giáo viên bởi chương trình GDPT 2018 để dạy chính môn đã phải đầu tư rất lớn chứ chưa nói đến dạy chéo môn. Khi phân công thì giáo viên phải thực hiện nhưng sẽ khiến giáo viên bối rối vì dạy chéo môn không thể truyền thụ đầy đủ, chính xác môn học mà họ không được đào tạo. Do đó, theo tôi, rất cần thiết phải đồng bộ cơ cấu đội ngũ nhà giáo dạy các môn học”.
Tương tự, Trường THCS Đào Duy Từ (thị xã Nghi Sơn), nhiều năm qua cũng trong tình trạng thiếu giáo viên. Hiện nhà trường thiếu 7 giáo viên văn hóa và giáo viên dạy môn đặc thù. Riêng với môn đặc thù Nghệ thuật (gồm phân môn Âm nhạc và Mỹ thuật), nhà trường thiếu giáo viên Mỹ thuật nên hiện giáo viên Âm nhạc kiêm dạy môn Mỹ thuật. Theo chia sẻ của hiệu trưởng Phạm Văn Quảng, không thể vì thiếu giáo viên mà để lớp học trống tiết. Ông nói: “Trong điều kiện thiếu giáo viên, quan điểm nhà trường cố gắng sắp xếp để làm thế nào ít trái môn nhất. Theo tôi, việc đồng bộ cơ cấu đội ngũ nhà giáo dạy các môn học là bước đi tích cực, cần thiết hướng tới việc nâng cao chất lượng giáo dục”.
Giáo viên Trường THCS Hoằng Hải bồi dưỡng học sinh giỏi phân môn Vật lý. (Ảnh nhà trường cung cấp)
Theo thầy giáo Lê Văn Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Hoằng Hải (Hoằng Hóa), việc “đồng bộ cơ cấu đội ngũ nhà giáo dạy các môn học” sẽ mang lại nhiều lợi ích. Khi giáo viên chỉ dạy những môn học mà họ đã được đào tạo chuyên sâu thì sẽ dễ dàng hơn trong thiết kế chương trình học, giải đáp chính xác cụ thể các thắc mắc của học sinh... Hiệu trưởng Lê Văn Tuấn cho rằng: “Khi giáo viên không chuyên sâu theo cơ cấu bộ môn hoặc phải giảng dạy kiêm nhiệm các môn khác sẽ rất lúng túng trong quá trình xây dựng kế hoạch cũng như phương pháp giảng dạy, thậm chí là lúng túng cả trong nội hàm kiến thức chuyên môn. Lúc đó chính giáo viên sẽ không tự tin để phát huy năng lực và khẳng định mình. Nếu không chuyên sâu theo bộ môn thì công tác bồi dưỡng học sinh giỏi cũng gặp nhiều khó khăn”.
Nhìn nhận một thực tế, nếu chỉ chú ý tuyển cho đủ chỉ tiêu biên chế mà quên việc tuyển đủ giáo viên dạy các môn học theo chương trình sẽ gây ra nhiều bất lợi, khó khăn. Thừa thiếu cục bộ sẽ dẫn đến việc, giáo viên kiêm dạy môn không được đào tạo và người thiệt thòi nhất chính là học sinh. PGS.TS Nguyễn Trí – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ giáo viên (nay là Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng: “Cần đưa khái niệm “Đồng bộ về cơ cấu đội ngũ nhà giáo dạy các môn học” thành một trong 8 từ ngữ cần giải thích trong Điều 5 của dự thảo Luật Nhà giáo để toàn xã hội và nhất là các cấp quản lý hay quản trị đội ngũ nhà giáo hiểu, luôn ghi nhớ, quán triệt khi giải quyết các vấn đề về phát triển đội ngũ nhà giáo, xác định biên chế nhà giáo, hay khi xét tuyển nhà giáo”.
Trịnh Trọng Nam, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Hiện tại Thanh Hóa thiếu trên 10.000 giáo viên. Cơ cấu bộ môn các môn tích hợp Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý; các môn Tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật còn có những bất cập. Việc lựa chọn tổ hợp các môn xã hội ở cấp THPT có tỷ lệ của học sinh cao hơn cũng khiến cho giáo viên các môn tự nhiên phải cân đối dạy Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục địa phương. Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho UBND tỉnh tuyển dụng gần 300 giáo viên THPT và UBND các huyện đã tuyển dụng giáo viên biên chế và giáo viên hợp đồng theo NĐ 111. Năm học 2024-2025 cơ bản khắc phục tình trạng dạy chéo môn, cải thiện chất lượng giáo dục. |
Vi An
{name} - {time}
-
2024-11-21 10:02:00
Thận trọng với đồ ăn vặt trước cổng trường
-
2024-11-20 06:38:00
Cô giáo cuộc đời tôi...
-
2024-08-09 11:13:00
[Infographics] - Năm học 2024 -2025: Đảm bảo không quá 35 học sinh/lớp bậc tiểu học
Sách và gánh nặng trên vai phụ huynh, học sinh
Học bổng Chính phủ Anh Chevening năm 2024 chính thức nhận đơn đăng ký
Phó giáo sư 44 tuổi được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội
Chất lượng đầu vào các trường THPT khu vực miền núi được cải thiện
Khi sách giáo khoa giảm giá
Ngành giáo dục Như Thanh và những “trái ngọt”
Những điểm thí sinh cần lưu ý khi thanh toán lệ phí xét tuyển đại học
Hội đồng Anh rút ngắn thời gian nhận kết quả thi IELTS xuống còn 2 ngày
Nghị lực vượt lên số phận của Nguyễn Sỹ Hoàng Anh