Cảnh báo tình trạng mạo danh doanh nghiệp lừa đảo thu tiền xuất khẩu lao động
Đối tượng mạo danh sử dụng tên doanh nghiệp gần giống với tên của doanh nghiệp dịch vụ được cấp phép; tài khoản nhận tiền trùng với tên lãnh đạo của doanh nghiệp để thu tiền của người lao động.
Lao động đi làm việc ở nước ngoài. (Ảnh: TTXVN)
Ngày 12/11, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) phát đi thông tin cảnh báo về tình trạng mạo danh doanh nghiệp để lừa đảo, thu tiền của người lao động muốn đi làm việc ở nước ngoài.
Thời gian gần đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước nhận được kiến nghị, phản ánh của người lao động, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (doanh nghiệp dịch vụ) về các đối tượng mạo danh là cán bộ, nhân viên doanh nghiệp dịch vụ để lừa đảo, thu tiền của người lao động.
Các đối tượng mạo danh sử dụng tên doanh nghiệp gần giống với tên của doanh nghiệp dịch vụ được cấp phép; tài khoản nhận tiền là tài khoản cá nhân trùng với tên lãnh đạo của doanh nghiệp dịch vụ có giấy phép để lừa thu tiền của người lao động.
Để tránh bị các đối tượng lừa đảo, trục lợi từ người lao động đồng thời làm ảnh hưởng uy tín của doanh nghiệp dịch vụ, Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo người lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài cần liên hệ trực tiếp với các doanh nghiệp dịch vụ hoặc cơ quan lao động nơi cư trú để được tư vấn, hỗ trợ và làm thủ tục đưa đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Luật số 69/2020/QH14).
Danh sách các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cấp đăng tải trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước địa chỉ: “http://dolab.molisa.gov.vn” (tại mục: danh sách doanh nghiệp xuất khẩu lao động).
Cục Quản lý lao động ngoài nước cảnh báo người lao động chỉ trực tiếp nộp tiền dịch vụ tại doanh nghiệp sau khi ký hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (không nộp tại chi nhánh của doanh nghiệp); yêu cầu doanh nghiệp dịch vụ cấp phiếu thu tiền hoặc hóa đơn có các nội dung: tên đầy đủ của doanh nghiệp, ngày lập chứng từ, tên người nộp tiền, số tiền và nội dung nộp, tên kế toán, tên thủ quỹ và đóng dấu doanh nghiệp (ghi rõ họ tên, chức danh và ký nhận).
Người lao động cần đối chiếu, kiểm tra thông tin doanh nghiệp để đảm bảo là doanh nghiệp dịch vụ được cấp phép (tên, địa chỉ, mã số thuế...).
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong trường hợp vì lý do khách quan, người lao động không thể nộp tiền trực tiếp tại doanh nghiệp mà nộp bằng hình thức chuyển khoản, người lao động cần kiểm tra kỹ thông tin để đảm bảo số tài khoản nhận tiền, tên tài khoản đúng của doanh nghiệp dịch vụ.
Khi có vấn đề phát sinh liên quan đến các doanh nghiệp dịch vụ, các đối tượng mạo danh nhân viên doanh nghiệp dịch vụ, đề nghị người lao động và doanh nghiệp phản ánh tới cơ quan chức năng (Cục Quản lý lao động ngoài nước, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội...) để được hướng dẫn và xử lý./.
Theo TTXVN
- 2024-11-14 15:32:00
Giá khám chữa bệnh điều chỉnh thế nào khi mức lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng?
- 2024-11-14 11:09:00
[REVIEW OCOP] Đậm đà chất biển, tinh tế vị quê hương
- 2024-11-13 07:21:00
Bản tin Tài chính 13/11: Giá vàng xuống mức thấp nhất trong gần hai tháng, thị trường chờ đợi 3 dữ liệu quan trọng
Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở Hoằng Qùy
Quan Sơn triển khai nhiều mô hình sản xuất giảm nghèo bền vững
Mục tiêu đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài năm 2024 “về đích” sớm
[Infographics] - Quy tắc “6 không” bảo vệ người dùng an toàn trên không gian mạng
Cách tri ân nhà giáo
Chuyển hỗ trợ 400.000 máy tính bảng sang điện thoại thông minh cho hộ nghèo
[REVIEW OCOP]: Khám phá hương vị độc đáo của vịt suối Tình
Bản tin Tài chính 12/11: Vàng tiếp tục giảm sâu, USD khởi động phiên tăng tốc
Ghen tỵ...