Câu chuyện tâm linh
Bà Hiền Huê, một vụ phó lâu năm sống ở Hà Nội nhưng khi hưu, bà chọn quê nhà, làng La Kinh, làm nơi “trí sĩ”. Nhưng bà không phải một “trí sĩ” như giới nam nhi ngồi nhàn mà năng nả làm kinh tế để khỏi rơi vào tình trạng “hưu hắt” như người đời tự trào.
Minh họa: BH
Bà mở một lúc ba công ty, thứ thì kinh doanh bất động sản đất đai, thứ thì tư vấn thiết kế công trình xây dựng, thứ thì làm đại lý mua bán các loại phẩm vật cho nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân... Thế nên, khi làng La Kinh có kế hoạch trùng tu ngôi đền thờ đức Thánh Cả thì bà Hiền Huê liền được mời là trưởng ban xây dựng công trình. Đây là dự án trùng tu ngôi đền cổ, niên đại trên dưới bảy trăm năm, thờ một danh tướng nhà Trần từng làm tiên phong đuổi đánh quân Toa Đô chạy dài ra biển Đông, giải phóng toàn bộ hai châu Hoan, Ái. Ngày khải hoàn, ngài không về kinh sư nhận đất phong, làm ấp ăn lộc mà ở lại chiến địa cũ, tập hợp dân phiêu tán tứ xứ về khẩn hoang, lập nên làng La Kinh và một chuỗi làng liền kề trong vùng. Lúc vị tướng quân tạ thế, dân trong vùng lập nhiều đền thờ, tôn ngài làm Thành hoàng, Thượng đẳng phúc thần. Trải qua bao “nước mưa cưa giời” cùng với loạn lạc can qua, các ngôi đền thờ ngài bị hủy hoại gần hết. Duy ngôi đền chính, Thánh Cả, do trưởng họ Trần truyền đời lo việc thờ tự thì hãy còn, tuy đã xuống cấp. Tin về ngôi đền Thánh Cả được trùng tu, không riêng con cháu họ Trần mà đông đảo dân làng trong vùng đều phấn chấn, thành tâm mở lòng công đức. Thực ra họ Trần vẫn còn hậu duệ đích tông là anh Trần Trí Nang, nối bước tiền nhân lo việc hương hỏa ngôi đền nhưng vì anh không có “vai vế xã hội” nào nên chỉ được giao làm thư ký của ban tôn tạo kiêm trợ lý cho bà trưởng ban.
Khi được giao quản trị một dự án quan trọng như vậy, bà Hiền Huê liền về thị trấn Tân Hải mời bằng được nhà nghiên cứu lịch sử Vũ Thị Tâm cùng tham gia. Việc mời mọc này cũng đã được các vị trong ban tôn tạo nhất trí cao, bởi bà Tâm là một nhà nghiên cứu lịch sử đã mấy lần đến La Kinh gặp các cụ cao niên, hỏi chuyện, chụp ảnh, viết bài về đền Thánh Cả. Gia đình bà Tâm còn có mối thân quen với gia đình bà Hiền Huê, do em trai ông chồng thứ trưởng của bà hiện đang là cấp phó cho chồng bà Tâm, một đương kim chủ tịch huyện Tân Hải. Bà Tâm nghề chính là cô giáo dạy sử lâu năm của trường cấp 3 nhưng bà còn được biết đến như một nhà sử học tên tuổi trong tỉnh. Hiện tại, bà là trưởng ban Lịch sử Cổ đại của Hội Khoa học Lịch sử tỉnh và Chủ tịch Chi hội Khoa học Lịch sử huyện Tân Hải. Bà Tâm nhiệt tình nhận lời bà Hiền Huê và được giao quán xuyến việc chỉ đạo thiết kế tổng thể công trình trùng tu cùng với nhiệm vụ chuyên môn là sưu tầm, đánh giá các di sản để lưu giữ khi đền tôn tạo xong. Bà Tâm cảm ơn bà Hiền Huê đã cho bà được tham gia một việc rất có ý nghĩa, vừa tôn vinh vị tiền nhân có công to với nước, với làng, vừa cứu được một di tích lịch sử, văn hóa đã bị hư hại nặng. Rồi bà khoe thêm, rằng mới phát hiện được một đôi hoành phi thờ ở đền Thánh Cả, khắc từ thời đầu nhà Hậu Lê bị thất lạc, nội dung là: “Công tại Trần triều, danh tại sử/ Sinh vi thượng đẳng, tử vi thần” (Tướng có công huân với nhà Trần, lưu danh trong sử/ Khi sống là danh tướng, khi chết được phong thần).
Nghe thế, bà Hiền Huê mừng lắm, bật mí luôn, rằng con cháu họ Trần và dân làng La Kinh đang mong muốn cháy lòng làm sao có được một công trình tôn tạo thật hoành tráng. Trước khi chia tay, bà Hiền Huê còn nói thêm với nhà sử học: “Chị biết cô là học giả thiên kinh vạn quyển, nói ra tiền, viết ra tiền rồi nhưng nếu trong công việc có bất kỳ khó khăn nào nảy sinh thì đã có chị Huê, con dâu họ Trần, trưởng ban tôn tạo đứng bên cạnh nhé”.
Không lâu sau đó, khi xem bản thiết kế, thấy quy mô ngôi đền Thánh Cả quá lớn, hoàn toàn sai với nguồn gốc của di tích và bản khái toán kinh phí chi tiết cũng rất lớn, nhà sử học Vũ Thị Tâm liền trình bày với bà Hiền Huê và ban tôn tạo ngôi đền để họ xem xét lại. Song, mọi người liền đua nhau luận rằng, công lao của đức Thánh Cả là vô cùng lớn lao, chiến tích là vô cùng oanh liệt; phúc phần ngài truyền lại cho con cháu làng La Kinh nhiều hơn cả nước trong nguồn tuôn chảy. Nay, con cháu phương trưởng, giàu có nên người thì rất mong muốn được xây dựng nơi thờ tự ngài to gấp trăm, gấp ngàn chỗ cũ, chứ mới thế này, còn khiêm cung lắm.
Bà Tâm kiên nhẫn giải thích: Phép tôn tạo là phải bám vào cơ sở gốc của di tích. Làm sai đi là không còn là ý nghĩa tôn tạo nữa. Rồi bà kể thêm: “Theo nghiên cứu của các nhà sử học tỉnh nhà và của các cụ thức giả trong làng La Kinh thì đức Thánh Cả, sinh thời rất cần kiệm và hiếu tâm. Ngài trần vai, khẩn hoang mở đất, đào ao, đắp vùng, có cơm cùng ăn, có áo cùng mặc với dân với lính, nhà ở của ngài thì chỉ là vài gian tre nứa, lợp kè; khi có đất rồi thì ngài nhường cho dân làm ruộng, thả cá trước”...
Càng nghe nhà sử học Vũ Thị Tâm “thuyết trình’, sự bất mãn càng lộ trên vẻ mặt bà Hiền Huê và các thành viên ban tôn tạo. Bà trưởng ban bèn ngắt lời bà Tâm, khẳng định rằng, việc trùng tu đền Thánh Cả là theo nguyện vọng công đức tâm linh vô tư và xã hội hóa hoàn toàn; ngôi đền càng to lớn khang trang thì dân làng càng thêm hoan hỉ mà anh linh đức Thánh Cả cũng càng thêm ấm ấp, nhu nhuần trên cõi Niết Bàn để ban phúc đức cho con cháu”. Nói xong, bà Hiền Huê cho dừng buổi thẩm định.
Khi chỉ còn lại hai người, bà Hiền Huê thân thiện năn nỉ với bà Tâm, rằng bà Tâm chẳng những không mất gì mà còn được tiếng là giúp con cháu của đức Thánh Cả trùng tu được ngôi đền xứng tầm với ngài. Làng La Kinh, người họ Trần sẽ mãi mãi biết ơn nhà sử học Vũ Thị Tâm và sẽ tri ân, cảm tạ một khoản không nhỏ.
Những câu nói dù có màu, có lộc của bà trưởng ban vẫn không lay chuyển được bà Tâm. Dù vậy bà không từ chối nhận việc đi sưu tầm di sản của đức Thánh Cả đang bị tản mát trong vùng.
Bỗng có một ngày, khi di tích tôn tạo sắp khánh thành thì trên mạng xã hội có loạt bài chê bai công trình tôn tạo đền Thánh Cả ở La Kinh vừa tốn kém, vừa lai căng không phải lối. Lại có thêm mấy đơn kiện tập trung vào những khuất tất trong quá trình tôn tạo. Trong số này, có một đơn rất dài, kể rằng đã lấy “lệ hòa nước mắt” của một doanh nhân đã công đức ba trăm triệu cho công trình tôn tạo. Theo đó, với sự cố vấn của nhà sử học Vũ Thị Tâm, ngôi đền Thánh Cả bị làm sai nguồn gốc di tích, mở rộng diện tích xây dựng đến hàng trăm mét vuông, khuôn viên ngót hai mẫu đất, tiêu tốn hàng chục tỷ đồng. Trong số tiền này, có dấu hiệu chia chác khá nhiều không thể chấp nhận được. Cuối đơn, nhà công đức này nhấn mạnh, tất cả các thông tin về sự cố vấn của nhà sử học Vũ Thị Tâm là do bà trưởng ban tôn tạo Hiền Huê cung cấp.
Tuy bị rơi vào tình trạng “quyền rơm vạ đá” song bà Tâm vẫn giữ được sự bình tĩnh. Bà điện hỏi bà Hiền Huê, xem có phải chính bà này cung cấp thông tin sai lệch cho dư luận không. Bà Hiền Huê đáp, bà chỉ nói đúng sự thật. Bà Tâm đề nghị có một cuộc họp đối chất làm rõ trắng đen với bà Hiền Huê và ban tôn tạo. Bà Hiền Huê đồng ý ngay.
Chỉ hai hôm sau, cuộc đối chất được diễn ra tại làng La Kinh. Nhà sử học Vũ Thị Tâm vô cùng kinh hãi, vì các vị trong ban tôn tạo và bà Hiền Huê không ai công nhận sự phản biện của bà hôm họp duyệt đề án lần đầu. Tuy vậy, bà vẫn bình tĩnh, kể lại cách thức ban tôn tạo gặp bà để xin ý kiến tư vấn và những gì cốt thiết nhất, bà đã đề nghị... Nhưng mặc, trong khi bà nói, mấy ông trong tôn tạo và bà Hiền Huê, người thầm thì trao đổi gì đó với nhau, kẻ thì đứng dậy đi toilet, hoặc chìa diêm thuốc mời nhau hút, khói mù cả lên.
Khi nhà sử học còn chưa nói hết ý kiến, bà Hiền Huê đã đứng phắt dậy. Bà vận ra đủ thứ nhân danh tư cách của mình, trong có cả nhân danh vốn là “hậu duệ dòng đích của đức Thánh Cả”, tư cách một quan chức cấp vụ, yêu cầu bà Tâm, không được đổi trắng thay đen, không được nuốt lời đã nói...
Bà Tâm nhìn thẳng vào bộ mặt đang phừng phừng bức xúc và trấn áp của bà Hiền Huê hỏi lại: “Thưa chị Hiền Huê, vậy em đã đổi trắng thay đen chỗ nào? Đã nuốt lời như thế nào?”.
“Còn như thế nào nữa, đơn kiện đã viết rành rành ra đây này!”- Bà Huê nói và rút phắt tờ đơn đã được phô tô từ tay ông trưởng ban tôn tạo đưa như quẳng về phía bà Tâm...
“Không được đối xử với một nhà giáo như thế!”.
Sau giọng nói oang oang đó, thấy một thanh niên đang đứng tựa lưng vào tường, giơ cái điện thoại di động lên cao. Người đó là Trần Trí Nang, hậu duệ dòng đích đời chót của đức Thánh Cả. Anh Nang hất mặt nhìn bà Hiền Huê và các thành viên ban tôn tạo, nhắc lại câu vừa nói, có bổ sung thêm đại từ nhân xưng nhưng giọng thì vẫn quyết liệt: “Cháu đề nghị bác Huê, đề nghị các cụ, các bác, các chú ban tu tạo không được đối xử với một nhà sử học như thế!”.
Bà Hiền Huê trố mắt nhìn người thanh niên, hỏi cụt lủn: “Sao?”.
Đích tông Trần Trí Nang tiếp tục: “Cháu được mọi người giao cho chân thư ký ban tu tạo và trợ lý trưởng ban. Nói là thư ký, là trợ lý là cho có vẻ văn học tí thôi, chứ thực ra là chân sai vặt, điếu đóm...”.
Bà Hiền Huê: “Cậu Nang thì cả họ Trần ai chả biết! Nói gì thì nói đi, lê thê mất thời giờ quá!”.
“Vâng! Cháu khẳng định, nhà sử học Vũ Thị Tâm chưa bao giờ nói những điều như đơn tố cáo...”.
“Đây không phải là chỗ cậu chày cối bênh vực ất ơ nhé!”. Lại vẫn bà Hiền Huê lớn tiếng ngăn chặn.
“Cháu không hề chày cối, ất ơ! Nhưng mà thôi, ai đổi trắng, thay đen, ai chày cối thì đây ạ!’’. Nang vừa cười khẩy, vừa bấm điện thoại di động, từng câu đối thoại xung quanh dự án tu tạo đền Thánh Cả nối nhau vẳng ra...
Cùng theo đó là những cái lắc đầu ngao ngán hoặc cúi mặt tẽn tò. Nhưng rồi bỗng bà Hiền Huê chỉ tay vào mặt Nang, bảo: “Tôi đã nuôi ong tay áo! Cậu đã thuê làm ghi âm giả hại tôi, không phải tiếng của tôi!”.
Nang cười: “Vậy chắc là tiếng ma vương quỷ sứ rồi! Đề nghị bác Huê trật tự để mọi người nghe hết đã rồi hãy trần tình.
Bà Hiền Huê vẫn toang toác không công nhận lời mình nói trong bản ghi âm. Bà dọa sẽ kiện Nang lên Công an tỉnh, rồi đỏng đảnh bỏ ra ngoài. Sau lưng bà, bỗng có một người trong ban tôn tạo, chán chường đứng lên, tặc lưỡi: “Còn tiếng con chó nào vào đấy nữa! Mềnh đâm ra bị lừa, Nhục!”...
Bà Tâm đã bật khóc khi Trần Trí Nang chuyển qua zalo cho bà đoạn ghi âm vừa phát. Bà xúc động nghẹn lời, nắm chặt tay người thanh niên tử tế, nói lời tạ ơn đến đức Thánh Cả anh linh, đã truyền lại cho trần thế một hậu duệ vừa thông minh vừa trung thực.
Truyện ngắn của Lê Ngọc Minh (CTV)
{name} - {time}
-
2024-12-18 08:01:00
Những người gánh sông trăng: Tập thơ của 6 nữ tác giả kỳ cựu trên văn đàn Việt
-
2024-12-15 09:28:00
Đông lạnh mới nhớ tới xuân...
-
2024-12-01 09:44:00
Nắng sau cơn bão
Kí ức gió mùa
“Chuyện người cha và đứa con làng Bạch”: Ăm ắp sự đời, nhân nghĩa của thời chiến khắc nghiệt
“Ai nói & tại sao lại nói như thế” - Hãy mở căng lồng ngực đón nhận tất cả vang động cuộc sống
Giải thưởng Sách Quốc gia 2024: Dành sự vinh danh lớn nhất cho tác giả Việt
50 năm đất nước đổi mới, văn học Việt Nam hòa nhịp bước đi chung của thế giới
Hoa không nở ở nơi đã gieo hạt
Canh cá rô đồng đón heo may
Đọc “Xuân chính niệm” của Trần Tất Trừ
Ký ức mùa đông