(vhds.baothanhhoa.vn) - Đã nhiều năm nay, cuộc sống người dân xã Xuân Cẩm (nay là thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân) bị đảo lộn đáng kể, khi có thông tin hàng trăm bìa đất lâm nghiệp của các hộ dân biến mất kỳ lạ. Để hiểu rõ nội dung trên, PV đã về tận nơi, xác minh, làm rõ vụ việc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hàng trăm bìa đất lâm nghiệp của người dân biến mất kỳ lạ

Đã nhiều năm nay, cuộc sống người dân xã Xuân Cẩm (nay là thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân) bị đảo lộn đáng kể, khi có thông tin hàng trăm bìa đất lâm nghiệp của các hộ dân biến mất kỳ lạ. Để hiểu rõ nội dung trên, PV đã về tận nơi, xác minh, làm rõ vụ việc.

Người đầu tiên khi đến thôn Tiến Sơn 1, xã Xuân Cẩm, chúng tôi tìm gặp là ông Lương Văn Hợi - Bí thư thôn Tiến Sơn 1, thị trấn Thường Xuân. Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn đơn sơ, vừa nhâm nhi tách trà, ông kể: “Năm 2009, thực hiện kế hoạch của UBND xã Xuân Cẩm cũ về việc vận động người dân giao nộp bìa đất lâm nghiệp để thực hiện dự án. Thời gian đó, có một số doanh nghiệp xuống phối hợp chương trình với UBND xã, rồi đề nghị người dân phô tô công chứng bìa đỏ, nộp bìa đỏ gốc cho người đại diện các công ty đó...”.

Ông Hợi cho biết, sau khi xuống họp dân triển khai công văn của xã, thời điểm đó ông có thu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) của trên 100 hộ, nhưng chỉ là phô tô công chứng. Gia đình ông cũng giao nộp bìa đất với tổng diện tích trên 5,5 ha cho đại diện các công ty đó.

Cũng theo ông Hợi thôn Tiến Sơn 1 hiện có trên 180 hộ, với hơn 700 ha đất rừng do thôn quản lý. Đến nay, do người dân nhẹ dạ cả tin bị mất GCN QSDĐ vào tay các “công ty ma” nên các hộ muốn phát triển sinh kế cũng khó. Cũng may, cuối năm 2015 ông đã lấy lại được 46 GCN QSDĐ cho 46 hộ dân thôn Tiến Sơn 1. Số còn lại hiện không biết “trôi nổi” đi đâu.

Tương tự, ông H.V.T, thôn Tiến Sơn 1, cho biết, hơn 10 năm trước, xã có thông báo về thôn thông báo cho nhân dân phô tô GCN QSDĐ có công chứng để nộp lại cho xã. Trước khi thu gom GCN QSDĐ, chính quyền địa phương cũng như đại diện các công ty có hứa hẹn sẽ hỗ trợ 250.000 đồng/ 1 ha đất lâm nghiệp. Song, thực tế đến nay người dân chưa nhận được đồng tiền nào.

Được biết, năm 2009, UBND xã Xuân Cẩm cũ, nay là thị trấn Thường Xuân có thu 298 GCN QSDĐ lâm nghiệp của 6 thôn trên địa bàn xã giao cho các “công ty ma” thực hiện dự án có tên “Bảo vệ rừng toàn cầu”.

Năm 2014, UBND xã Xuân Cẩm cũ được lực lượng chức năng thông báo bàn giao lại 63 GCN QSDĐ lâm nghiệp cho các hộ gia đình. Còn lại 235 GCN QSDĐ đến nay vẫn “trôi nổi” không ai hay. Sự việc kéo dài đã hơn 10 năm, cử tri đã nhiều lần kiến nghị nhưng vẫn chưa có lời đáp từ chính quyền các cấp.

Ông Hà Huy Hiền - Chủ tịch UBND thị trấn Thường Xuân, cho biết: “Do mới về địa phương nhận công tác chưa lâu, sự việc lại diễn ra từ 10 năm trước, tôi cũng chỉ nghe lại từ người dân. Vì thế, tại nhiều cuộc họp, tiếp xúc cử tri, HĐND các cấp, chúng tôi cũng đã kiến nghị UBND, Phòng TN&MT huyện Thường Xuân nghiên cứu sớm cấp lại bìa đất lâm nghiệp cho bà con.”

Trả lời báo chí, ông Lê Huy Hùng - Trưởng phòng TN&MT huyện Thường Xuân cho biết: “Đối với 235 bìa đất lâm nghiệp của các hộ dân xã Xuân Cẩm cũ (nay là thị trấn Thường Xuân) phòng đã gửi văn bản báo cáo vụ việc cho cơ quan chức năng điều tra, xác minh làm rõ. Để làm cơ sở cho UBND huyện xem xét việc cấp lại 235 GCN QSDĐ lâm nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân theo đúng quy định. Phòng TN&MT kính đề nghị UBND huyện chỉ đạo cơ quan Công an huyện Thường Xuân tiếp tục điều tra, xác minh, kết luận vụ việc theo quy định pháp luật để làm cơ sở cho phòng tham mưu, giải quyết kiến nghị của cử tri, nhân dân theo đúng pháp luật”, ông Hùng thông tin thêm.

Như vậy, đã hơn 10 năm trôi qua, kể từ năm 2009, sự việc vẫn chưa được giải quyết cụ thể, cơ quan chức năng cũng chưa có câu trả lời thỏa đáng cho người dân. Câu chuyện về 235 GCN QSDĐ của người dân xã Xuân Cẩm cũ vẫn chưa có hồi kết.

Rất mong cơ quan có thẩm quyền sớm điều tra, đưa ra kết luận cuối cùng. Từ đó, làm căn cứ pháp lý để UBND huyện Thường Xuân sớm cấp lại GCNQSDĐ cho người dân, để họ sớm ổn định đời sống, yên tâm sản xuất.

Trung Lê


Trung Lê

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]