(vhds.baothanhhoa.vn) - Đó là dòng chữ trước ngôi mộ Anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và cũng là một câu trong cuốn sách “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”.

“Hãy yêu thương nhau khi còn sống”

Đó là dòng chữ trước ngôi mộ Anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và cũng là một câu trong cuốn sách “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”.

“Hãy yêu thương nhau khi còn sống”

19 năm trước (2005), hành trình “trở về nhà” của cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” là một câu chuyện rất ly kỳ, gói trong đó rất nhiều hình ảnh của những người lính Mỹ có mặt trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Cuộc “trở về nhà” của cuốn nhật ký đồng thời là thông điệp gửi trao tinh thần cách mạng Việt Nam đến nhiều quốc gia trên thế giới. Nhật ký Đặng Thùy Trâm trở thành “hiện tượng” xuất bản ở Việt Nam với hàng trăm ngàn bản in, và được dịch sang 18 thứ tiếng ở 22 quốc gia. Riêng ở Mỹ số lượng in đã hơn 100.000 bản và đều đặn hàng năm vẫn tái bản.

Sự trở về và sức lan tỏa của cuốn nhật ký như một nhịp cầu gắn kết những con người vốn ở hai chiến tuyến gần nhau hơn, xóa nhòa khoảng cách hận thù trong quá khứ.

***

Vào những ngày này, cận kề dịp kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, trong không khí nghỉ lễ, đọc và nhìn những hình ảnh cựu binh Mỹ đội khăn tang viếng cụ Doãn Ngọc Trâm, mẹ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, tôi không khỏi xúc động.

Trong dòng người tiễn biệt cụ Doãn Ngọc Trâm, có một người đàn ông Mỹ cao gầy, tóc bạc, mặc áo tang đen, đội khăn trắng, đứng trong hàng gia đình con cháu, thắp hương và vái lạy, theo đúng phong tục Việt Nam. Đó là cựu binh Ted Engelmann.

Gần 20 năm trước, chính cựu binh này là người đầu tiên đem đến cho gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm chiếc đĩa CD chứa những hình ảnh của cuốn nhật ký từ Mỹ về đoàn tụ gia đình. Ông là nhiếp ảnh gia có nhiều duyên nợ và rất yêu mến Việt Nam. Cứ vài năm, ông lại sang Việt Nam, đi khắp nơi trên dải đất hình chữ S, ghi lại những hình ảnh phản ánh sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam sau những đau thương, mất mát của chiến tranh tàn khốc và thăm cụ Doãn Ngọc Trâm, ở với cụ vài hôm.

Trong 4 người con của cụ Doãn Ngọc Trâm và bác sĩ Đặng Ngọc Khuê, thì liệt sĩ Đặng Thùy Trâm là người duy nhất theo nghề của ba mẹ. Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1966, bác sĩ Đặng Thùy Trâm xung phong vào miền Nam chiến đấu. Nữ bác sĩ ngã xuống ngày 22/6/1970, khi còn rất trẻ với biết bao ước mơ, hoài bão chưa kịp dâng hiến cho đất nước.

***

“Đừng đốt! Trong đó có lửa!”. Chính vì câu nói đó mà “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” được giữ lại và truyền thông điệp đến không chỉ người trẻ mà với tất cả những người yêu chuộng hòa bình. Đấy cũng là duyên cớ để bộ phim “Đừng đốt” do đạo diễn - Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Nhật Minh ra đời.

Không còn khoảng cách hai chiến tuyến, cựu chiến binh Mỹ đội khăn tang viếng mẹ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm là một hình ảnh đẹp mang thông điệp hòa bình. Trong tất cả những buổi nói chuyện với các cựu chiến binh, sinh viên đại học, học sinh phổ thông trên nước Mỹ suốt những năm qua, ông Ted Engelmann đều nhấn mạnh thông điệp: Vietnam a country, not a war (Việt Nam là một đất nước, không phải một cuộc chiến).

Trong “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” còn có câu: “Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình” khiến nhiều người nhói đau. Ngày hôm nay chúng ta đang sống trong một đất nước hòa bình với những khát vọng thịnh vượng, phát triển; tổn thương và mất mát trong quá khứ, chúng ta đã nhìn thấy và còn hiện hữu đến ngày nay trong hình hài các thế hệ tiếp theo. Song nhìn về phía trước, xây dựng một tương lai tốt đẹp, một thế giới hòa bình, đó mới là thông điệp mà những người đi ra từ cuộc chiến và cả thế hệ hậu chiến đều hướng tới.

Chi Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]