(vhds.baothanhhoa.vn) - Lâu lắm mới lại về Chiêm Ba làng quê cũ - một vùng quê nông nghiệp sát thị trấn huyện lỵ, nơi gắn bó với một thời tuổi thơ tôi.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khi làng mình phình ra...

Lâu lắm mới lại về Chiêm Ba làng quê cũ - một vùng quê nông nghiệp sát thị trấn huyện lỵ, nơi gắn bó với một thời tuổi thơ tôi.

Khi làng mình phình ra...

Chiêm Ba là gọi chệch từ hai chữ Chiêm Bao để nói đến giấc mơ như một số người kể lại. Giờ không còn phải nằm mơ nữa, nhà sát nhà với những tầng cao. Hơi thở hiện đại bò vào từng ngõ nhỏ của làng khiến kỷ niệm tuổi thơ của lũ chúng tôi lần lượt bị xóa mờ. Cây muỗm già sần sùi, gân guốc thời gian, được người làng kể bằng bao câu chuyện huyền bí cả về màu sắc tâm linh và lịch sử cũng đã bị đốn hạ. Cạnh đó là ngôi miếu truyền lại là thờ Thành hoàng làng cũng không còn nữa. Tín ngưỡng phải nhường bước cho cái thực dụng của cuộc sống hiện đại, của những quy hoạch mới mang dáng dấp thời cuộc.

Cả một không gian văn hóa xưa giờ thành nhà ở. Ngọn núi Miễu, núi Chùa cũng không còn nữa. Cả những chiếc hồ điều hòa sinh thái cho làng ngát hương sen mùa hạ cũng không còn. Nó được san lấp và chia lô để thành những ngôi nhà cao tầng. Nhà nối nhà, người sống bắt đầu lấn sang cả đất của người chết. Anh bạn thời chăn trâu của tôi chả biết học được từ đâu mà buông ra những câu buồn: "Thôi thì làng mình phình ra, thì làng ma phải bé lại. Các cụ chắc cũng đại xá thôi mà”.

Theo hướng tay anh chỉ, khu nghĩa trang của làng cạnh con đường liên huyện giờ cũng bé nhỏ đi rất nhiều. Tôi nhớ cạnh nghĩa trang trước kia là một bãi đất để lũ trẻ chăn thả trâu, bò. Gần đó còn có những cây to là nơi để chiếc xe tang đưa người quá cố dừng lại lần cuối trước khi về thế giới bên kia. Đó cũng là nơi mà những người đi làm đồng trong những hôm nắng, ngày mưa dừng lại trú chân, chuyện trò... Rất nhiều câu chuyện nông gia, chuyện làng, chuyện xã được kể, được bàn dưới những gốc cây ấy.

Dù là vậy, găm sâu những câu chuyện của người làng, mang theo nét đẹp văn hóa làng, thì nay nó cũng phải nhường chỗ để thực hiện công năng khác thiết thực hơn, đó là những nhà ở kết hợp kinh doanh. Nhất là sau khi có thông tin làng tôi sẽ sáp nhập vào thị trấn huyện lỵ sau ít năm nữa, những khu đất cạnh nghĩa trang sẽ được chuyển đổi thành đất công nghiệp, thì đất làng càng trở nên có giá trị, những quy hoạch mới đã được tính đến.

Trong chạng vạng của chiều hè chúng tôi đã đánh thức tuổi thơ bằng cách lội dọc bờ sông quen thuộc, nhưng tất cả đã khác, đến mức những con trâu, con bò trên bờ đê nghiêng ráng chiều kia cũng khác. Không còn sự tất tả, vội vàng của lũ mục đồng. Càng không còn đôi mắt vằn đỏ của những chú trâu khi phải mang trên vai đôi càng xe nữa. Máy thay trâu, máy thay luôn cả người. Nhưng tôi nghe người làng kể lại vì nhàn rỗi đã kéo theo tệ nạn xã hội. Trẻ làng bây giờ không còn phải đi chăn trâu như thời chúng tôi. Nhiều đứa vừa lớn lên đã tóc xanh, tóc đỏ, kết giao với nhiều người ở nơi khác rồi đưa về theo những điều mà dân làng không mong muốn.

Quê mình đổi mới mừng quá đi, nhưng vẫn thấy chạnh buồn. Cái hồn của làng xưa đã phiêu diêu đâu mất rồi. Lại một câu triết lý chả biết đọc được từ đâu, bạn chăn trâu của tôi thốt lên: “Thôi, đã to phần xác thì phải thác phần hồn, chứ biết sao đây”. Ý anh nói là làng quê hiện đại, đường làng bê tông và láng nhựa, nhà cao tầng xuất hiện nhiều hơn, thì có những thứ phải chấp nhận hy sinh. Thế nhưng sự hy sinh đó chính là điều vô cùng đáng tiếc với rất nhiều người đã ra đi hoặc vẫn còn ở lại làng. Một không gian làng mạc văn hóa, hình hài của cây đa, của mái đình, những chiếc giếng làng, hồ sen... tất cả đều không còn.

Một cơn cựa mình mạnh mẽ của nông thôn bắt nhịp với sự hiện đại hóa đã biến một làng quê êm đềm trở nên ồn ào. Đành rằng, làng quê phải khác trong dòng chảy của nông thôn mới, nhưng sự quy hoạch nào rồi cũng phải phù hợp với công năng, nghề nghiệp, lối sống của làng quê. Nông thôn mới là đưa làng quê chuyển mình để nông dân tiếp cận với những tiện ích với mức sống cao hơn, thành những vùng quê đáng sống, chứ không đồng nghĩa với việc cố gắng để “mặc đồng phục” cho làng, một sự rập khuôn và máy móc như một số địa phương đang cố tạo ra.

Lam Vũ



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]