Ché Lầu sáng niềm vui
Khi lưới điện, đường giao thông vượt con dốc dựng đứng để lên với đồng bào Mông, diện mạo bản Ché Lầu, xã Na Mèo (Quan Sơn) bắt đầu đổi khác. Rồi khi được cán bộ huyện, xã đến tận nhà tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cách trồng cây lúa nước, khoai mán, dứa mật, nuôi con bò, con lợn... cuộc sống nơi biên viễn này đã khấm khá hơn.
Một góc bản Ché Lầu. Ảnh: Quang Trung
Giờ bon bon trên con đường nhựa nối từ ngã ba Bo Hiềng băng qua Sa Ná, lên bản Son, rồi vít dần lên con dốc cao dựng đứng về nhà sau mỗi lần họp xã, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Ché Lầu Thao Văn Lâu vẫn nhớ như in tháng ngày đã qua cùng bao cực nhọc mưu sinh. Anh bảo: “Chưa xa lắm đâu. Trước năm 2020 bản mình còn nghèo xác nghèo xơ. Nhà nước làm đường điện cho bản cũng phải dùng ròng rọc nối từ đỉnh dốc xuống để kéo cột điện, vật tư lên. Có đường đất, nhưng xe tải không thể trèo lên được vì quá trơn trượt. Có đợt mưa kéo dài khiến đường sạt lở, cả tháng trời bà con không thể xuống chợ mua dầu hỏa về thắp sáng”.
Ngày ấy, mỗi độ lên Ché Lầu vào mùa mưa, tôi thường đi trên chiếc xe máy bọc xích sắt quanh lốp để vượt qua cung đường này. Chừng 15 cây số từ ngã ba Bo Hiềng, nhưng may mắn thì nửa buổi, còn gặp trời mưa to thì trầy trật khiêng đẩy chiếc xe, cũng phải mất cả ngày ròng mới đến nơi. Những thầy giáo năm ấy, mỗi độ lên Ché Lầu thường phải mang theo lỉnh kỉnh gạo, cá khô, mì tôm... Bởi mỗi lần xuống núi trở về là cả một sự cực nhọc, đánh cược tính mạng nơi núi cao, vực thẳm.
Cuộc sống đắp đổi, chẳng mấy khi bản Mông đầy đủ số hộ. Từ khi di cư từ xã Pù Nhi (Mường Lát) về đây lập bản vào cuối thế kỷ trước, họ vẫn bìu díu vào rừng sâu, nhặt nhạnh từng đọt le, củ măng, bọng ong làm đồ ăn thức uống rồi ở lại đó chặt phá những thân cây, cốt chỉ để lấy đám đất trống. Tra xong hạt ngô, hạt lúa họ để lại đó, tất cả đợi ở trời. Họ về bản, đợi vài mùa trăng đi qua rồi quay lại đám nương “con dời” ấy, được gì thu hoạch nấy. Rồi lại nhặt nhạnh từng củ măng, đọt le, bọng ong... đợi mùa mới.
Cũng chẳng ai ở Ché Lầu trồng thêm rau xanh, nuôi thêm con trâu, con bò. Rồi quăng quật qua những hủ tục hóa luật tục, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, ma túy bủa vây... Trước năm 2020, chẳng hộ gia đình nào ở Ché Lầu không thuộc hộ nghèo. Nhiều đứa trẻ không được đến trường, phải theo bố mẹ vào rừng làm rẫy.
Vào những ngày lễ quan trọng, xã Na Mèo thường tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao giúp nâng cao đời sống tinh thần cho bà con ở bản Ché Lầu. Ảnh: Đỗ Đức
Giờ khác lắm. Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Thao Văn Lâu nói: “Bản mình có 66 hộ dân với 307 người, giờ đã có 33 hộ thoát nghèo rồi. Từ năm 2018, được Nhà nước đầu tư điện sáng, sóng điện thoại, đến năm 2021 có đường giao thông, rồi được cán bộ huyện, xã, bộ đội biên phòng đến từng nhà tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con cách làm giàu, cuộc sống của bản mình mới khác được”.
Dọc trên con đường lớn, dưới những nếp nhà quần cư san sát, tôi đã nhìn thấy những quán hàng bán lương thực, thực phẩm, đồ gia dụng từ quạt điện cho đến tủ lạnh, ti vi. Những chuyến xe tải vẫn lên xuống, chở theo ăm ắp khoai, sắn, lợn, gà về xuôi tiêu thụ, đưa lên những áo quần, vải vóc, đồ ăn, thức uống... Nơi trung tâm bản, cạnh nhà văn hóa khang trang, điểm trường mầm non và tiểu học râm ran tiếng trẻ học bài. Toàn bộ đường bản cũng được bê tông, có điện thắp sáng. Phía thung sâu là màu xanh của những thửa ruộng bậc thang.
Nhìn vào đó, bí thư Lâu bảo: “Ban đầu cán bộ tuyên truyền, vận động nhưng chẳng mấy hộ dân trồng cây lúa nước hai vụ. Vì họ không tin. Phải khi có toàn bộ 22 đảng viên trong chi bộ bản làm trước, thấy được nhiều lúa, bà con mới theo. Giờ bản có gần 15ha lúa nước và nhiều diện tích khoai, sắn, dứa mật. Trong bản không còn hộ nào không có lúa gạo để ăn, kể cả vào mùa giáp hạt. Năm nay trời nắng ấm, bà con tranh thủ cấy xong lúa để kịp đón tết”.
Ở ngay bên con đường lớn, vợ chồng nhà Thao Văn Dự (SN 1985) đã chuẩn bị cho cái tết đang đến gần. Trong nhà thóc lúa đóng bao, xếp ngay ngắn dưới nền. Anh bảo: “Bố mẹ mình ngày trước đói lắm. Mình nghe theo lời cán bộ, cuộc sống của vợ chồng khác hẳn rồi. Nhà mình đã trồng lúa nước hai vụ có gạo ăn quanh năm không bị đói, lại trồng cây khoai mán, cây dứa mật bán về xuôi, rồi bán hàng tạp hóa cho bà con”.
Ngày cuối năm sương đặc quánh sà xuống mỗi nóc nhà. Trên lưng đồi, đồng bào Mông Ché Lầu hối hả thu hoạch những bắp ngô, củ sắn... Trong mỗi ngôi nhà, đường bản đã gọn gàng, sạch đẹp với hàng cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay. Tết đang về mang theo ánh sáng niềm tin, cùng sự lạc quan về sự đổi thay mạnh mẽ đang lan tỏa trên vùng biên viễn...
Bí thư Đảng ủy xã Na Mèo Phạm Đức Lương cho biết: Đảng ủy xã đã phân công đảng ủy viên phụ trách chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội bản đồng bào Mông Ché Lầu. Đồng thời phân công cán bộ, công chức trực tiếp đến từng nhà tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ hủ tục, tập quán canh tác lạc hậu, tập trung thâm canh lúa nước đảm bảo nhu cầu lương thực và phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hướng thị trường. Nhìn chung, đến nay, cuộc sống của đồng bào đã có nhiều khởi sắc, trong bản không còn người dân thiếu đói...
Đỗ Đức
{name} - {time}
-
2025-02-05 16:42:00
Mở rộng chiến dịch tiêm vaccine trước nguy cơ bùng phát dịch sởi ở Việt Nam
-
2025-02-05 14:11:00
Tổng Bí thư yêu cầu tỉnh Phú Thọ huy động nguồn lực hiệu quả
-
2025-02-02 15:26:00
Vị xuân ở phía quê nhà
Người con miền Nam trên đất Thanh Hóa
Xuân Ất Tỵ, “điểm danh” một số người tuổi Tỵ nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam
Điểm nóng 2/2: Đình chỉ hoạt động quán bún riêu bán 1,2 triệu đồng/3 bát
Bản tin Tài chính 2/2: Vàng “xô đổ” mọi kỷ lục, tăng mạnh trong tuần nghỉ Tết
Tháng 2, không khí lạnh hoạt động mạnh gây ra nhiều ngày rét đậm, rét hại
Dự báo thời tiết 2/2: Bắc Bộ nắng đẹp ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết
Đông Sơn Cổ Tự – Điểm check-in hoài cổ hấp dẫn du khách những ngày đầu xuân
Hạn chế chậm, hủy chuyến bay trong cao đểm Tết Nguyên đán
Thời tiết ngày 30/1: Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét đậm