Chợ phiên...!
Hoài niệm những chợ phiên đông kín người, bán đủ hàng hóa... khoảng mươi lăm năm trước, như “thước phim” thật đẹp còn đọng lại trong hoài niệm tiếc nuối của người làng tôi.
Ảnh minh họa (Ngọc Minh)
Quê tôi, một vùng đất văn vật giàu truyền thống. Không chỉ vậy, người làng tôi vẫn thường nói, quê tôi ở vào thế đất trung tâm của cả vùng. Vì thế mà từ cả hàng trăm năm về trước, quê tôi đã là chốn tìm về giao thương, buôn bán của người muôn phương.
Quê tôi có chợ khá lớn. Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng thì chợ quê tôi đã có từ rất lâu rồi, gắn liền với quá trình lập làng của nhiều thế hệ người. Có nghĩa, chợ quê từng là nơi diễn ra và cả “chứng kiến” những chuyện thăng trầm của đất và người làng tôi...
Khi tôi mới chừng 7 tuổi, thi thoảng được mẹ cho đi chơi chợ. Đến giờ tôi vẫn không hiểu, tại sao trong vô số những chuyện nhớ - quên của cuộc sống chảy trôi thường ngày, có nhiều chuyện mới chỉ xảy ra mươi hôm trước tôi đã không nhớ. Vậy nhưng, tôi lại nhớ như in những buổi chợ phiên thời ấu thơ.
Để kể về những buổi chợ phiên ngày nhỏ trong ký ức, tôi thực không biết bắt đầu từ đâu. Nhưng điều khiến tôi ấn tượng nhất, có lẽ là những buổi chợ phiên rất đông người, vô cùng náo nhiệt, tấp nập người buôn kẻ bán, người trong bản váy áo nhiều sắc màu địu mớ măng tươi, những quả cam chín mọng được đắp đầy trên chiếc xe thồ từ dưới xuôi lên, mớ rau củ xanh mướt ăm ắp tại các sạp hàng...
Lại nói, chợ phiên quê tôi mỗi tháng họp 6 lần, vào những ngày mùng 5, 10, 15, 20, 25, 30 hằng tháng. Những ngày chợ phiên, từ khoảng ba đến bốn giờ sáng người bán đã có mặt để sắp xếp hàng hóa. Trời sáng, người dân đi chợ dần đông hơn, chỉ khoảng bảy đến tám giờ là chen kín các lối đi.
Chợ mà, không có gì là lạ, khi người đi chợ phiên mua hàng những ngày ấy cũng không riêng người quê tôi. Có lần tôi hỏi mẹ, người ở đâu mà đến chợ phiên đông thế? Mẹ bảo, chợ phiên quê tôi là nơi có đường đất thuận lợi nối liền miền núi với miền xuôi, là cửa ngõ, là trung tâm... nên thu hút người dân ở các bản làng, các xã khác đến. Chưa kể nhiều tiểu thương từ các huyện trong tỉnh cũng tìm về giao thương.
Chợ phiên đông đúc nên hàng hóa cũng phong phú lắm. Ngày ấy, chợ được chia thành nhiều khu vực. Nếu như ở các nơi khác, chợ thường chỉ có hai cổng vào, ra, thì chợ ở quê tôi có đến những bốn cổng, người làng tôi thường gọi là cổng Đông - Tây - Nam - Bắc. Và tùy từng loại hàng hóa mang đến chợ bán mà người ta vào chợ bằng những cổng khác nhau.
Dĩ nhiên, bên trong chợ phiên cũng sẽ chia thành nhiều khu vực bán hàng. Nào là khu vực bán xe đạp; khu vực bán trâu, bò, lợn con, gà, vịt giống; rồi khu vực hàng xén và các mặt hàng đan lát, rổ, rá, dần, sàng; tiếp đó là khu hàng thịt, hàng cá, hàng rau, hàng gạo... Những người bán quần áo được bố trí ngồi ở khu vực giữa chợ. Ở những buổi chợ phiên, người ta có thể mua bất cứ thứ gì cần thiết cho cuộc sống thường ngày. Và tôi ngày ấy, tất nhiên khoái nhất vẫn là đòi mẹ đưa vào khu vực bán đồ ăn có đủ thứ các loại bánh thơm phưng phức, thách thức mọi giác quan!
Ở chợ phiên tất nhiên không thể thiếu những quầy hàng bánh dân dã. Là bánh cuốn bà Lan, bánh khoái bà Gái, bánh đúc bà Đậu, bánh cục (sau này tôi mới biết, bánh cục quê tôi ở nơi khác còn gọi là bánh rán)... Trong mỗi buổi đi chợ phiên về, trong chiếc làn của mẹ thường có vài khúc mía tím, rồi túi bánh đúc cho ba anh em tôi...
Cuộc sống đổi thay, thay vì chỉ họp vào những ngày chợ phiên, giờ đây chợ quê tôi ngày nào cũng họp. Chợ được xây khang trang hơn, các ki ốt có mái che và đèn điện, bán hàng từ sáng sớm đến chiều muộn, lúc nào cần cũng có thể ra chợ mua hàng. Nhưng có lẽ cũng vì thế mà những buổi chợ phiên dần mất. Từ người bán đến người mua không còn háo hức đi chợ phiên như trước nữa. Hai chữ “chợ phiên” chỉ còn được nhắc đến trong những câu chuyện có phần tiếc nuối.
Ngọc Minh
{name} - {time}
-
2024-12-25 19:00:00
[Podcast] - Tản văn: Ngày đông nhớ món rau rừng
-
2024-12-23 07:21:00
Ra mắt tập thơ “Hồ Chí Minh - Người tin ở con người”
-
2024-12-18 08:01:00
Những người gánh sông trăng: Tập thơ của 6 nữ tác giả kỳ cựu trên văn đàn Việt
Đông lạnh mới nhớ tới xuân...
Vang tiếng chuông ngân...
Bộ đội về làng
Câu chuyện tâm linh
Nắng sau cơn bão
Kí ức gió mùa
“Chuyện người cha và đứa con làng Bạch”: Ăm ắp sự đời, nhân nghĩa của thời chiến khắc nghiệt
“Ai nói & tại sao lại nói như thế” - Hãy mở căng lồng ngực đón nhận tất cả vang động cuộc sống
Giải thưởng Sách Quốc gia 2024: Dành sự vinh danh lớn nhất cho tác giả Việt