(vhds.baothanhhoa.vn) - Do đặc thù địa lý, các bản Vui, Sa Lắng, Phé, Mí, Bá, Giá, xã Phú Xuân (Quan Hóa) đều nằm biệt lập, bị chia cắt bởi sông Mã. Sự cách trở về giao thông không chỉ làm cuộc sống của người dân thêm phần khó khăn, mà còn khiến hành trình đến trường của các em học sinh trở nên gian nan, vất vả...

Chông chênh sự học bên bờ sông Mã

Do đặc thù địa lý, các bản Vui, Sa Lắng, Phé, Mí, Bá, Giá, xã Phú Xuân (Quan Hóa) đều nằm biệt lập, bị chia cắt bởi sông Mã. Sự cách trở về giao thông không chỉ làm cuộc sống của người dân thêm phần khó khăn, mà còn khiến hành trình đến trường của các em học sinh trở nên gian nan, vất vả...

Chông chênh sự học bên bờ sông MãMột giờ học tại điểm trường bản Giá, Trường Tiểu học Thanh Xuân, xã Phú Xuân (Quan Hóa).

Để đến được điểm trường bản Giá, thuộc Trường Tiểu học Thanh Xuân, hàng ngày, thầy giáo Lữ Văn Thuyết đều phải lên đò qua sông Mã và vượt những cung đường gồ ghề, hiểm trở. Đặc biệt vào mùa mưa, đường trơn trượt, đò không thể qua sông, thầy Thuyết cùng các thầy cô khác buộc phải ở lại điểm trường, có khi cả tuần, thậm chí cả tháng. Khi đó, phụ huynh trong bản lại chung tay hỗ trợ các thầy cô mớ rau, bát gạo để duy trì việc bám lớp.

Bản Giá có 171 hộ dân với hơn 800 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, Mường. Cuộc sống nghèo khó, giao thông cách trở khiến sự học của con em nơi đây một thời không mấy được chú trọng. Thầy Thuyết nhớ lại: “Chỉ cách đây 5 năm, các thầy cô thường xuyên đến từng hộ dân vận động học sinh đến lớp, thậm chí còn phải băng rừng, vượt suối, lên tận nương rẫy để thuyết phục phụ huynh”.

Khi vận động các em đến được lớp rồi, thì không ít học sinh chỉ học buổi sáng, buổi chiều lại bỏ học. Lý do, nhà xa, đường đến trường khó khăn, cách trở. Khắc phục tình trạng này, thầy cô điểm trường đã phải kêu gọi xã hội hóa từ các tổ chức thiện nguyện; sự đóng góp của các bậc phụ huynh để triển khai, duy trì bữa ăn trưa, chỗ ngủ lại cho các em học sinh. Nhờ vậy, tình trạng học sinh bản Giá bỏ học dần được cải thiện.

Chông chênh sự học bên bờ sông Mã

Điểm trường bản Giá có 5 phòng học, nhưng do được xây dựng từ lâu, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Diện tích các phòng học nhỏ hẹp, không đáp ứng được nhu cầu dạy và học. Mới đây, nhờ nguồn vốn từ Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, điểm trường đã được sửa chữa, nâng cấp một phần. Tuy nhiên, về lâu dài để đảm bảo việc dạy và học, điểm trường bản Giá cần sự đầu tư xây mới.

Thầy giáo Đặng Xuân Viên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Xuân không giấu nỗi trăn trở khi nói về cơ sở vật chất tại các điểm lẻ: "Ngoài điểm trường bản Giá, vẫn còn những điểm lẻ khác như bản Vui, bản Sa Lắng... đã được đầu tư xây dựng từ lâu, giờ phần nào xuống cấp. Đây là rào cản trong việc nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.

Không chỉ ở bản Giá, học sinh các bản Vui, Sa Lắng, Phé, Mí, Bá cũng phải đối mặt với hành trình đến lớp đầy gian nan. Vào mùa mưa bão, tỷ lệ trẻ đến trường giảm đáng kể vì điều kiện giao thông không đảm bảo an toàn. Đặc biệt, có nhiều em, hàng ngày phải lụy đò để vượt sông đến lớp, đối mặt với không ít hiểm nguy. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng cây cầu bắc qua sông Mã là cấp thiết. Cây cầu không chỉ giúp người dân đi lại thuận tiện, còn đảm bảo an toàn cho con em đến trường.

Chông chênh sự học bên bờ sông Mã

Ông Cao Hồng Được, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân, cho biết: "Do dự án thủy điện Hồi Xuân chậm tiến độ khiến cho nhiều hạng mục hoàn trả về hạ tầng giao thông như đường sá, cầu treo dân sinh bắc qua sông Mã chưa được đơn vị thực hiện. Đây là nguyên nhân dẫn đến những bất cập về giao thông đi lại giữa các bản phía bên kia sông Mã, đặc biệt là đường đến trường của các em học sinh và thầy cô giáo. Trước khi chủ đầu tư dự án thủy điện Hồi Xuân thực hiện các hạng mục hoàn trả, để giảm bớt những bất cập về giao thông, UBND xã đang tập trung kêu gọi xã hội hóa để mua sắm, trang bị các áo phao, dụng cụ cứu sinh, nâng cấp các phương tiện... để đảm bảo an toàn cho người dân và các em học sinh hàng ngày qua sông. Đồng thời, tận dụng nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án của tỉnh, huyện để đầu tư cơ sở vật chất tại các điểm trường lẻ đã xuống cấp.

Bài và ảnh: Đình Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]